Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng: gập ghềnh con đường hoàn thiện

Thứ Ba 15:04 11-03-2008

Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Gập ghềnh con đường hoàn thiện

 

Hoàn thiện Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng: Phải làm gì?

 

 

Tại cuộc hội thảo “Hoàn thiện cơ chế pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng” mới đây, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các nhà làm luật đều cho rằng, cần thiết phải hoàn thiện một cách hệ thống ác quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi NTD, đặc biệt là trước khi Việt nam chính thức mở cửa cho các tập đoàn, công ty đa quốc gia, các hãng bán lẻ lớn trên thế giới tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam (thời điểm ngày 1/1/2009). PLVN xin trích giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

TS Đinh Thị Mỹ Loan - Tổng thư lý Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

Muốn hoàn thiện pháp luật về bảo vệ NTD thì các nhà làm luật cần xác định NTD là trung tâm của hệ thống nói trên, pháp luật phải vì NTD, cần bảo vệ NTD ở trạng thái động, trong bối cảnh phát triển nhanh cóng của khoa học - kỹ thuật và tác động tích cực lẫn tiêu cực của quá trình hội nhập. Chú trọng cơ chế nâng cao khả năng tự bảo vệ của NTD, cơ chế hậu kiểm thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy bảo vệ NTD bao gồm cả hệ thống cơ quan quản lý nhà nước lẫn hệ thống các tổ chức xã hội. Giải pháp tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD cần tập trung và các khía cạnh: Tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD; đổi mới công tác quản lý nhà nước và nâng cao năng lực bộ máy về bảo vệ quyền lợi NTD, tạo ra các chế tài đủ mạnh (trao thẩm quyền xử phạt) cho các cơ quan bảo vệ quyền lợi NTD.

Bên cạnh đó, việc nâng pháp lệnh bảo vệ quyền lợi NTD lên thành Luật bảo vệ quyền lợi NTD sẽ tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD, nâng cao tính khả thi, tính minh bạch của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD và tạo hành lang pháp lý lành mạnh để góp phần phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh, NTD.

PGS-TS Đinh Ngọc Vượng (Viện Nhà nước và Pháp luật):

Muốn hoàn thiện một cách hệ thống các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi NTD, nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ NTD mà trước hết là ban hành Luật bảo vệ quyền lợi NTD vì chỉ khi có luật và trên cơ sở đó các văn bản dưới luật, các văn bản pháp quy khác để điều chỉnh thì các cơ quan thực thi pháp luật mới có cơ sở triển khai thực hiện, sức mạnh của bộ máy chính trị mới phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, cũng cần đơn giản hoá thủ tục khiếu kiện của NTD để nếu doanh nghiệp không giải quyết khiếu nại chính đáng của NTD, NTD có quyền nhờ cơ quan chức năng (cơ quan quản lý nhà nước, các cấp toà án) can thiệp kịp thời. Tuyên truyền phổ biến đề NTD biết được các quyền của mình theo quy định của pháp luật để NTD chủ động bảo vệ quyền của mình khi bị xâm phạm cũng là chuyện không thể lơi là.

Ông Tưởng Duy Lượng – Chánh toà Dân sự TANDTC:

Để nâng cao vai trò của mình trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD, hệ thống Toà án cần thực hiện một số biện pháp như: Áp dụng chế độ án phí đặc biệt đối với các vụ kiện do NTD hoặc Hội bảo vệ NTD khởi kiện theo hướng không buộc những người khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí khi tiến hành khởi kiện và dù có thua kiện họ cũng không phải chịu án phí; nghiên cứu để bổ sung quy định quyền khởi kiện của NTD theo hướng NTD có thể khởi kiện bất cứ ai trong chuỗi phân phối sản phẩm (nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà bán lẻ) mà NTD thấy hợp lý và có khả năng đòi bồi thường thành công cao; nghiên cứu việc áp dụng cơ chế khởi kiện tập thể khi doanh nghiệp gây thiệt hại cho NTD ở phạm vi rộng; quy định rõ việc buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các chi phí cho người khởi kiện (chi phí đi lại, thời gian theo kiện, chi phí thuê luật sư) vì thực tế hiện nay hầu hết các tranh chấp dân sự. Toà án Việt Nam chưa xem xét thiệt hại này...

 

Theo Xuân Hoa – Báo pháp luật Việt Nam ngày 10/3/2008

Các văn bản liên quan