Ông Khúc Hoàng Duy – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam: Một số ý kiến đóng góp sửa đổi BLDS

Thứ Sáu 13:59 01-03-2013

MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỘ LUẬT DÂN SỰ

Khúc Hoàng Duy – Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

            Hội thảo VCCI-VIAC, Hà Nội 01 tháng 3 năm 2013

           

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam hoàn toàn nhất trí với báo cáo về quan điểm và định hướng lớn trong xây dựng Bộ luật dân sự (sửa đổi) của Bộ Tư pháp và xin có ý kiến thêm một số nội dung như sau:

1.         Hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có luật chuyên ngành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm điều chỉnh. Vì vậy việc đưa nội dung hợp đồng bảo hiểm vào Bộ luật dân sự chỉ mang tính chất sao chép, không mang tính chất luật chung. Hơn nữa việc xử lý tranh chấp trong đó có 1 bên là pháp nhân kinh doanh (doanh nghiệp bảo hiểm) nên hầu hết cơ quan xét xử là tòa kinh tế. Vậy có thể xem hợp đồng bảo hiểm là quan hệ kinh tế không có quan hệ dân sự và nên bỏ mục hợp đồng bảo hiểm ra khỏi Bộ luật dân sự.

2.         Nếu đưa nội dung hợp đồng bảo hiểm là quan hệ dân sự vào Bộ luật dân sự thì cần làm rõ hơn các vấn đề sau đây:

2.1.      Giao kết hợp đồng bảo hiểm chỉ khi:

            + Người bán bảo hiểm giải thích rõ quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm hoặc các minh họa bán hàng cho người mua bảo hiểm và được người mua bảo hiểm chấp thuận.

            + Người mua bảo hiểm đưa ra giấy yêu cầu bảo hiểm.

2.2.      Hình thức thể hiện hợp đồng bảo hiểm:

            + Hợp đồng bảo hiểm hai bên cùng ký kết

            + Đơn bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm cấp trên cơ sở và đính kèm giấy yêu cầu bảo hiểm

            + Giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm cấp

2.3.      Hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm.

            + Bắt đầu có hiệu lực khi 2 bên ký kết hợp đồng bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm cấp đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm và người mua bảo hiểm đóng đủ phí bảo hiểm theo quy định.

            + Hợp đồng bị chấm dứt trước hạn ngay sau khi người mua không thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm theo quy định của hợp đồng bảo hiểm.

            + Hợp đồng bảo hiểm kết thúc vào thời điểm ghi trên hợp đồng bảo hiểm và người mua bảo hiểm đóng đủ phí bảo hiểm theo quy định của hợp đồng.

2.4.      Quyền tài phán, nếu xét xử tại tòa dân sự thì áp dụng theo Bộ luật dân sự, nếu điều gì không có trong Bộ luật dân sự sẽ áp dụng quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm. Nếu xét xử tại tòa kinh tế thì áp dụng theo Luật kinh doanh bảo hiểm.

2.5.      Cần bổ sung một số sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị cũng như một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khác.

2.6.      Về đối tượng được nhận tiền bảo hiểm trong định nghĩa về hợp đồng bảo hiểm, trong LKDBH đối tượng được nhận tiền bảo hiểm là người thụ hưởng hoặc người được bảo hiểm, còn BLDS không quy định về người thụ hưởng mà chỉ quy định về bên được bảo hiểm và cũng không làm rõ hơn về khái niệm bên được bảo hiểm.

2.7.      Về trả tiền bảo hiểm trong bảo hiểm con người. Nếu người được bảo hiểm chết, theo quy định của BLDS, số tiền bảo hiểm sẽ trả cho người thừa kế của người được bảo hiểm. Còn theo quy định của LKDBH, số tiền bảo hiểm sẽ trả cho người thụ hưởng, và có thể họ không phải là người (hoặc những người) thừa kế của người được bảo hiểm.

2.8.      Việc xử lý hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Theo quy định tại Điều 19 Luật KDBH nếu một bên cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết HĐBH thì bên kia có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng. Nếu bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật thì DNBH có quyền thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ hợp đồng. Ngược lại, nếu DNBH cung cấp thông tin sai sự thật mà gây thiệt hại cho bên mua bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đòi bồi thường. Việc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết HĐBH về bản chất chính là hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, Điều 22 của Luật KDBH lại quy định, nếu một bên có hành vi lừa dối thì hợp đồng vô hiệu và được xử lý theo quy định của BLDScác quy định pháp luật liên quan. Theo quy định tại Điều 137 BLDS, nếu hợp đồng vô hiệu thì các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi thì phải bồi thường thiệt hại

2.9.      Biện pháp chế tài trong trường hợp người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm giữa LKDBH và BLDS có sự mâu thuẫn, cụ thể: theo quy định của LKDBH thì bên bảo hiểm chỉ có quyền tăng phí hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong khi đó BLDS cho phép bên bảo hiểm có quyền không trả tiền bảo hiểm khi thiệt hại xảy ra

3.         Cần có quy định nghĩa vụ của người có trách nhiệm (người đứng đầu) được tổ chức (thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu riêng và sở hữu chung) giao cho quản lý nắm giữ và khai thác tài sản, đó là trách nhiệm bảo vệ tài sản phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi thiên tai tai nạn bất người xảy ra gây tổn thất tài sản (nếu họ mua bảo hiểm sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường), tránh tình trạng cha chung không ai khác, cố ý đổ lỗi cho thiên tai tai nạn bất ngờ (cháy, nổ, đâm, va) để thoát trách làm cho chủ sở hữu (Nhà nước, tổ chức kinh doanh, đoàn thể xã hội) bị thiệt hại.

4.         Cần có quy định nghĩa vụ của người thuê, khai thác tài sản phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi thiên tai, tai nạn bất ngờ xảy ra gây tổn thất cho tài sản vì không mua bảo hiểm.

5.         Cần có quy định nghĩa vụ của người kinh doanh, cung cấp hàng hóa dịch vụ đối với thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng hàng hóa dịch vụ của họ. Thực tế đã diễn ra các tai nạn sau đây mà người cung cấp sản phẩm, dịch vụ không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

-           45 người du lịch bị ngộ độc thực phẩm tại nhà hàng kinh doanh ăn uống phải đi cấp cứu và hủy tour du lịch để hồi hương.

-           Nông dân mua phải phân bón, thuốc trừ sâu kém chất lượng gây thiệt hại mùa màng mà người bán sản phẩm trên không phải bồi thường.

            Trên thế giới, người ta còn quy trách nhiệm cho cả thiếu thông tin hướng dẫn cho người sử dụng sản phẩm cũng phải bồi thường như không có chỉ dẫn cách là làm cháy hỏng quần áo, không có chỉ dẫn trọng lượng ghế ngồi để người ngồi gãy ghế gây tai nạn cho họ…

6.         Cần có quy định của người chủ lao động có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng khi người lao động (làm công ăn lương) của họ do sơ suất lỗi lầm trong nghề nghiệp gây ra:

-           Nhân viên ngân hàng tính sai, chuyển sai số tiền khách hàng được hưởng, cho vay hoặc cấp bảo lãnh không đúng thẩm quyền.

-           Bác sỹ bệnh viện thiếu tính thần trách nhiệm, non yếu nghề nghiệp gây tử vong hoặc tai biến cho bệnh nhân.

-           Luật sư tư vấn xây dựng hợp đồng kinh tế, đầu tư sai gây thiệt hại cho thân chủ

(tất nhiên những người lao động trực tiếp gây thiệt hại trên sẽ bị người sử dụng lao động xử lý hành chính bắt bồi thường hoặc truy tố.)

7.         Cần có quy định về người đứng ra tổ chức các hoạt động, sự kiện phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại công cộng do không lường trước hoặc không đảm bảo được trật tự công cộng để cho kẻ gây rối trật tự phá hoại tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và tính mạng sức khỏe người dân (tất nhiên khi bắt được kẻ gây rối phá hoại thì chúng sẽ bồi thường hoàn trả).

8.         Cần có quy định người ra lệnh, chỉ thị (bằng mệnh lệnh văn bản) để người dưới quyền thi hành gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác phải bồi thường (bao trùm lên cả bồi thường Nhà nước hiện hành).

9.         Cần có quy định người không thực hiện chức năng, nhiệm vụ công vụ của mình để kẻ khác vi phạm gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác phải bồi thường thiệt hại. Ví dụ bảo vệ phải bồi thường mất cắp tài sản trong ca trực của mình, ủy ban nhân dân phường xã phải bồi thường khi người đi xe máy va vào đống vật liệu xây dựng đổ trên đường thuộc phạm vi quản lý của phường (phường sẽ xử phạt kẻ đổ vật liệu xây dựng ra đường).

10.       Cần quy định thời điểm xác định mốc tính thời hiệu khởi kiện bắt đầu kể từ khi người có quyền và lợi ích bị xâm phạm biết được quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm. Ví dụ 1 người, khi yêu cầu tòa án can thiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì trước hết và ít nhất họ phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm phạm. Với quy định hiện hành có rất nhiều khả năng, khi họ biết được thì thời hiệu khởi kiện đã hết./.

 v

Các văn bản liên quan