Những ngộ nhận về Hiến pháp

Thứ Hai 09:37 14-02-2011

Những ngộ nhận về Hiến pháp

Tác giả: TS. Nguyễn Sĩ Phương

Bài đã được xuất bản.: 12/02/2011 Theo VietNamNet

Quốc gia nào chẳng muốn Hiến pháp nước mình như huân chương đeo trước ngực lấp lánh thế giới, mang đẳng cấp tín nhiệm như thương hiệu của những hãng nổi tiếng toàn cầu, mãi mãi là nơi công dân đặt niềm tin công lý; nhưng chỉ có thể kỳ vọng, một khi nguyên tắc bất di bất dịch "nhà nước thượng tôn hiến pháp" luôn được thoả mãn!

Hiến pháp được định nghĩa là luật cơ bản, nền móng xây dựng nên toà nhà nhà nước cùng hệ thống pháp luật của nó, chỉ có thể và buộc phải thay hoặc sửa, một khi sự phát triển của toà nhà đó đòi hỏi.

Lý thuyết dễ thống nhất vậy, nhưng một khi vấn đề thay hoặc sửa hiến pháp được đặt ra trong thực tế, thì giải quyết lại không dễ nếu không căn cứ vào các tiêu chí khoa học Hiến pháp, không lượng hoá được khái niệm "đòi hỏi" bằng trải nghiệm thực tế phong phú quốc gia và thế giới.

Có thể phân tích từ thí điểm mô hình bỏ HĐND huyện, quận, phường, tiến hành từ năm 2009 ở 10 tỉnh, thành, đặt ra đòi hỏi sửa điều khoản Hiến pháp xưa nay quy định cơ cấu chính quyền 4 cấp, trung ương, tỉnh, huyện quận, phường xã; ý kiến phản đối không phải vì nên bỏ hay không, mà đơn giản chỉ do ngộ nhận Hiến pháp là đạo luật rất thiêng liêng, không thể sửa lắt nhắt, làm tầm thường hóa Hiến pháp.

Khái niệm lắt nhắt tầm thường được ý kiến ở ngay cấp lập pháp lượng hoá sai cả thực tế, để bảo vệ ngộ nhận của mình: "sửa vặt, vài ba năm sửa vài điều ít nước làm lắm. 30-40 năm người ta mới sửa một lần" (Pháp luật TPHCM Online 18/04/2009). Thực tế cho đáp số ngược lại.

Giống ta nhất là Hiến pháp Trung Quốc năm 1982, Quốc hội khoá VII sửa đổi 2 điều vào ngày 12.4.1988, Quốc hội khoá VIII sửa đổi 9 điều ngày 29.3.1993, Quốc hội khoá IX sửa đổi 6 điều ngày 15.3.1999 và 13 điều được sửa đổi vào ngày 14.3.2004. Trong 22 năm sửa đổi 4 lần, bình quân 5-6 năm sửa 1 lần, có điều khoản chỉ sửa 1 câu, thậm chí chỉ mỗi tiêu đề.

Khác ta nhất là Hiến pháp Hoa Kỳ, trong vòng 200 năm từ 1791 tới 1992, sửa tổng cộng 27 lần, nghĩa là 7-8 năm sửa 1 lần. Nước Đức có thể coi là điển hình của sửa Hiến pháp „lắt nhắt". Trong vòng 40 năm, từ 1951 đến 1990 sửa tới 38 lần, bình quân mỗi năm gần 1 lần, gồm 14 lần sửa 1 điều, 8 lần sửa 1 điểm, 4 lần sửa 1 câu, số lần còn lại sửa cả đoạn. Tính khoảng cách thời gian, có tới 9 năm, mỗi năm sửa 2 lần. Nhặt nhất, có 1 năm sửa tới 3 lần. Thực tế trên cho thấy, thời gian sửa nhặt hay thưa, mức độ nhiều hay ít không phải là dấu hiệu đánh giá chất lượng hiến pháp thiêng liêng hay không, vĩ đại hay tầm thường, nó chỉ phản ảnh những nhu cầu thay đổi chính trị đã được hiến pháp thoả mãn. Bởi Hiến pháp là công cụ chứ không phải mục đích !

"Thiêng liêng" thuộc phạm trù tư tưởng, tinh thần, lý tưởng, thể hiện mong muốn bất di bất dịch không được đụng đến bất chấp cả những thực tế ngược lại phũ phàng phải chịu đựng, được áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực tâm linh, tôn giáo, trong khi luật pháp chỉ điều chỉnh các mối quan hệ bằng những chuẩn mực, thước đo, quy tắc xử sự, đong đo đếm được, không dùng để áp dụng cho tinh thần, tín ngưỡng nằm trong đầu, hay trong tâm.

Nếu coi "tư tưởng một khi đã thấm sâu vào quần chúng cũng tạo nên sức mạnh như lực lượng vật chất (Các Mác)", thì ngộ nhận tư tưởng trên là cản trở lớn nhất đối với đòi hỏi hoàn thiện nền tảng hiến pháp luôn mâu thuẫn với xã hội phát triển không ngừng, không riêng ở ta mà với bất cứ quốc gia nào.

Hệ lụy vô cùng nặng nề, nếu có sửa hiến pháp, thì với ngộ nhận đó cũng sẽ sử dụng những quy định chung chung mang tính tư tưởng tinh thần như kinh thánh, chứ không phải những chuẩn mực, thước đo, quy tắc xử sử, vốn là đặc trưng bắt buộc của 1 văn bản pháp luật, với động cơ tránh cho ngôn từ hiến pháp không còn mâu thuẫn với thực tế luôn vận động muôn mầu muôn vẻ; hoặc coi hiến pháp chỉ như tuyên ngôn không còn được sử dụng làm căn cứ thước đo để đánh giá các văn bản lập pháp đúng hay sai - vốn là nền tảng của nhà nước pháp quyền phân biệt với nhà nước quân chủ; thậm chí thí nghiệm cả với hiến pháp như trường hợp bỏ hội đồng huyện quận phường, trong khi nó vẫn còn hiệu lực hiến định đúng nguyên lý nhà nước pháp quyền: bất cứ cấp chính quyền nào cũng gồm lập pháp hành pháp và tư pháp - điều không quốc gia hiện đại nào dám thử nghiệm vi phạm - chỉ có thể chọn lựa chính quyền mấy cấp, chứ không thể bỏ một nhánh trong cấp đó. Trong cả 3 trường hợp, hiến pháp sẽ ngày càng tụt hậu so với vận động của thực tế, mất uy lực, nhà nước cùng hệ thống pháp luật xây dựng trên nó khó tránh khỏi nguy cơ nội tại bị chông chênh.

Hệ lụy khác trực tiếp tác động đến cơ quan lập pháp, thay vì tạo ra một quy trình sửa đổi hiến pháp kịp thời, đơn giản, hiệu qủa, thì kéo dài nó khó biết hồi kết, với lý do cẩn trọng thiêng thiêng, mà chủ trương chuyển đổi ngân hàng trung ương độc lập với chính phủ, hay tổ chức lại hệ thống toà án theo mô hình các nước hiện đại ở ta đã được nhất trí ở cấp cao nhất, tới nay cũng chỉ dừng lại ở công đoạn bàn thảo, là một dẫn chứng.

Hiến pháp quốc gia nào cũng có ít nhất 2 phần, phần quyền công dân và cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước. Tuy nhiên cách trình bày cả cấu trúc lẫn nội dung, hiến pháp nước ta tương tự hiến pháp Liên Xô 174 điều, ban hành năm 1977, khác với hầu hết các nước hiện nay.

Nếu coi hiến pháp phản ảnh thể chế chính trị, thì sự khác và giống nhau đó là tất yếu trong giai đoạn lịch sử thế giới phân chia 2 phe đã qua. Nhưng hiện nay, loài người đang trong thời đại hội nhập nghĩa là phải cùng thừa nhận những giá trị phổ quát, dù thể chế chính trị khác nhau như thế nào, bằng không sẽ bị gạt ra ngoài. Một trong những giá trị đó là quyền công dân.

Hiến pháp ta trong hầu hết các điều khoản đề cập đều mở đầu: "Công dân có quyền...", và tại điều 51 còn quy định: "Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định". Cách trình bày đó dễ dẫn tới ngộ nhận quyền công dân do nhà nước cho mà có, mâu thuẫn với nguyên lý dân chủ: "mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hoá (chứ không phải nhà nước) cho họ những quyền không ai có thể chối cãi" (Tuyên ngôn độc lập). Ngộ nhận trên đồng nghĩa ngộ nhận coi hiến pháp là công cụ của nhà nước sinh ra để cai trị dân, tức nhà nước giữ quyền lập hiến - vốn đặc trưng của nhà nước quân chủ, chứ không phải như trong nhà nước dân chủ, hiến pháp là công cụ của dân, đưa ra những thước đo, chuẩn mực, quy tắc ứng xử, giới hạn pháp lý nhà nước được phép làm, hoặc phải làm, theo đúng những đòi hỏi của chủ nhân nó là người dân, tức nhân dân lập hiến hay người dân có quyền phúc quyết hiến pháp; điển hình như Hiến pháp EU, từng nước thành viên buộc phải tổ chức dân phúc quyết. Chính vì sinh ra để bảo đảm quyền, lợi ích của dân, nên hầu hết hiến pháp các nước hiện đại đều bắt đầu bằng chương mục: quyền cơ bản công dân. Sau đó mới đến các chương mục về bộ máy nhà nước để bảo đảm quyền đó.

Có thể dẫn liệu Hiến pháp Đức, điều khoản đầu tiên được bắt đầu bằng câu: „Nhân phẩm là quyền bất khả xâm phạm (khác với câu: công dân có quyền về nhân phẩm). Chú ý và bảo vệ nó là trách nhiệm của mọi quyền lực nhà nước". Tinh thần đó có thể tìm thấy cả ở Trung Quốc, khi ngày 14.3.2004, lần đầu tiên trong lịch sử, hiến pháp họ bổ sung: "Tài sản tư hữu hợp pháp là quyền bất khả xâm phạm. Nhà nước phải chú ý và bảo vệ quyền con người". Trong điều 1 Hiến pháp Đức còn đưa ra ràng buộc đối với nhà nước: "Các quyền cơ bản khác nêu tại các điều tiếp theo là quyền trực tiếp buộc cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải chấp hành", nhằm nhấn mạnh quyền một khi được hiến định, thì đương nhiên được thực hiện trực tiếp, nhà nước buộc phải phục tùng, khác hẳn với ngộ nhận rằng: hiến pháp chỉ đưa ra điều khoản chung chung, không có giá trị áp dụng nếu thiếu văn bản lập pháp cụ thể hoá nó.

Quyền công dân trực tiếp buộc nhà nước phải chấp hành, liên quan tới nguyên lý cơ bản của nhà nước pháp quyền: người dân được quyền làm tất cả trừ những gì luật pháp cấm, ngược lại nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép.

Chẳng hạn, hiến pháp hầu hết các nước đều khẳng định: biểu tình là quyền cơ bản của người dân. Nghĩa là người dân hoàn toàn có quyền xuống đường tập hợp nhau ủng hộ hay chống một chủ trương chính sách nào đó của nhà nước, bất cứ đâu, lúc nào, không cần báo trước. Nhưng trên thực tế quyền đó bị giới hạn, chỉ bởi Luật biểu tình dựa trên điều khoản an ninh của Hiến pháp đưa ra điều cấm: không được biểu tình khi thiết quân luật, biểu tình phải đăng ký trước để nhà nước bảo vệ, phải có người tổ chức kẻo gây bạo động... Không có luật này, người dân có quyền biểu tình vô giới hạn, bất chấp tất cả. Như vậy, quyền hiến định về biểu tình hoàn toàn được công dân tự động thực hiện; nó chỉ bị giới hạn khi và chỉ khi có văn bản lập pháp đưa ra quy định (tất nhiên không mâu thuẫn với hiến pháp), chứ hoàn toàn không như ngộ nhận phổ biến ở ta cho rằng chỉ được phép biểu tình khi có luật biểu tình, mà không đặt ra câu hỏi, vậy chẳng nhẽ quyền hiến định tự do đi lại, chỉ được phép thực hiện khi có luật đi lại tự do, còn không thì cứ phải ngồi nhà chờ văn bản?

Không chỉ điều khoản Hiến pháp ta về quyền biểu tình bị ngộ nhận như vậy, mà nhiều quyền khác như quyền được thông tin, quyền lập hội... cũng ngộ nhận tương tự, trông chờ vào các văn bản lập pháp hướng dẫn ?!, thậm chí đến lượt văn bản lập pháp muốn thực hiện cũng phải trông chờ văn bản lập quy, rốt cuộc lẽ ra luật pháp quyết định quan chức hành xử thì ngộ nhận trên dẫn tới nghịch lý: quan chức hành xử quyết định luật pháp; chí có thể khắc phục bằng cách nhấn mạnh trong hiến pháp: quyền cơ bản của công dân là quyền trực tiếp, và chỉ khi đó mới thúc đẩy và buộc được cơ quan lập pháp phải ban hành luật tương ứng kịp thời, để khắc phục những hệ quả không mong muốn xảy ra kèm theo, nếu không họ phải chịu trách nhiệm trước quốc dân.

Nói đến luật pháp là nói đến chế tài bởi quyền lực công, vì vậy nội hàm khái niệm luật pháp luôn chứa đựng toà án trong đó, được toà án bảo vệ, thiếu nó khái niệm pháp luật không còn đúng nghĩa, trên thực tế sẽ vô giá trị. Vì vậy, sự hiện hữu và tính độc lập của toà án là cốt tử bảo đảm tính tối thượng của hiến pháp và pháp luật. Trên nghĩa đó, thành lập toà án hiến pháp độc lập ở ta là một đòi hỏi bức bách, và cũng chỉ khi đó, mọi tranh cãi và sửa đổi hiến pháp mới thực sự có ý nghĩa.

Hiện ở ta, mối quan hệ giữa 3 cơ quan lập pháp hành pháp và tư pháp được bàn cãi nhiều về học thuật, theo lý thuyết tam quyền phân lập hay coi đó là một thể thống nhất có phân công phân nhiệm. Dù theo quan điểm nào thì câu hỏi thực tế vẫn phải trả lời là toà án khi thụ lý và ra phán quyết có phải xin ý kiến chỉ đạo của ai hay cấp nào không? Nếu có, thì pháp luật không còn là tối thượng mà người và cấp chỉ đạo mới là tối thượng ! không thể biện hộ bằng bất cứ quan điểm gì.

Quốc gia nào chẳng muốn Hiến pháp nước mình như huân chương đeo trước ngực lấp lánh thế giới, mang đẳng cấp tín nhiệm như thương hiệu của những hãng nổi tiếng toàn cầu, mãi mãi là nơi công dân đặt niềm tin công lý; nhưng chỉ có thể kỳ vọng, một khi nguyên tắc bất di bất dịch "nhà nước thượng tôn hiến pháp" luôn được thoả mãn!

 

 

Các văn bản liên quan