Nhiều quy định của Luật còn mang tính hình thức

Thứ Năm 10:43 18-12-2008

GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG

TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

ThS. Phạm Minh Chinh

Viện KH&KT Môi Trường – ĐHXD

 

1. Về tên gọi luật:

Tên Luật: LUẬT SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ là chính xác và hợp lý.

2. Về sự cần thiết

Đứng trước tình hình: nhu cầu năng lượng rất lớn, tăng 2 lần/5năm; hiệu quả sử dụng năng lượng thấp - > 1 kWh/USD GDP; cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường; an ninh năng lượng; quản lý nhà nước về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng còn chưa thực sự hiệu quả; nhận thức của cộng đồng trong sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng còn nhiều hạn chế,...Việc xây dựng và ban hành luật là cần thiết.

Tuy nhiên cần phải chú trọng tính thống nhất, hợp lý, khả thi và hiệu quả của luật để có thể đáp ứng nhu cầu thực tế của đất nước và mục tiêu đề ra. Các vấn đề cần xem xét, chỉnh sửa tôi đã góp ý trực tiếp trong bản dự thảo. Ở đây tôi chỉ trao đổi làm rõ thêm các vấn đề sau:

 

A. Về các điều, khoản trong dự thảo

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Xem xét quy định đối với các hoạt động sử dụng năng lượng thay vì chỉ khoanh vùng trong một số lĩnh vực như đã nêu trong dự thảo luật để đáp ứng mục tiêu lâu dài.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ, định nghĩa trong luật phải rõ ràng, chính xác. Ví dụ: các định nghĩa về năng lượng, năng lượng tái tạo,... chưa chuẩn.

Điều 4.  Chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Nên cân nhắc tập trung xây dựng chính sách điều chỉnh hành vi bằng quy luật thị trường.

Điều 6. Kiểm toán năng lượng

Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn vì đây là một hoạt động có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động liên quan đến năng lượng. Ví dụ, cần quy định thêm đối tượng áp dụng, tiêu chuẩn của báo cáo kiểm toán, biện pháp thực hiện, tính trao đổi thông tin và bảo mật,...

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Chỉ nên quản lý sử dụng, không nên cấm sản xuất mua bán như nêu ở mục 1,2,3.

            Điều 8. Các biện pháp quản lý và công nghệ nhằm thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp

Các quy định quá chi tiết, quá cụ thể sẽ bộc lộ thiếu sót và không đáp ứng nhu cầu thực tế.
        Điều 9. Trách nhiệm các cơ sở sản xuất công nghiệp

Mục 3.b việc buộc kiểm toán năng lượng đối với mọi doanh nghiệp có hợp lý và khả thi ?

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm

Đưa mục 5 - Thực hiện chế độ kiểm toán năng lượng bắt buộc 3 năm một lần - lên mục 1.

Quy định thêm về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp khi cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra đột xuất.

Điều 12. Cán bộ quản lý năng lượng trong các cơ sở trọng điểm

Tiêu chuẩn của cán bộ quản lý năng lượng: Phải có bằng đại học chuyên ngành năng lượng hoặc ngành kỹ thuật liên quan; Đã tham dự khoá đào tạo... là không thực chất. Nên tập trung xây dựng các tiêu chuẩn để đánh giá, để xã hội hóa công tác quản lý năng lượng thay vì tập trung khắc dấu và bán chứng chỉ.

Điều 13. Đào tạo và cấp Chứng chỉ về quản lý năng lượng

Nên phân cấp, phân quyền, phân việc tới các Sở, các hiệp hội,.. để nâng cao tính hiệu quả trong công tác triển khai luật tới cộng đồng. Có như vậy luật mới khả thi và mang lại hiệu quả.

Bộ Công Thương nên tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung,.. tổ chức đào tạo, kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ cán bộ quản lý năng lượng.

            Điều 14. Biện pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả  trong các công trình xây dựng dân dụng

Nên hướng dẫn, tập huấn, khuyến khích,.. các tổ chức, cá nhân tham gia tư vấn, thiết kế, đầu tư xây dựng, sở hữu các công trình xây dựng dân dụng lựa chọn và thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thay vì quy định bắt buộc, luật sẽ không khả thi và không hiệu quả.

          Điều 21. Các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động vận tải

Các quy định quá chi tiết, quá cụ thể sẽ bộc lộ thiếu sót và không đáp ứng nhu cầu thực tế.

Không thấy đề cập đến việc sử dụng các biện pháp quản lý, tổ chức giao thông. Nên lấy thêm ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.

Điều 28. Dán nhãn năng lượng

Cần phân biệt nhãn năng lượng và nhãn tiết kiệm năng lượng.

Điều 31. Định hướng phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo

Mục 2. Bỏ: như thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, thuỷ điện nhỏ, động cơ gió, thiết bị sử dụng vật liệu sinh khối và khí sinh học... vì đã định nghĩa

Điều 37. Miễn, giảm thuế, phí đối với các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Cần quy định rõ hơn, quy định cụ thể hơn về các văn bản pháp lý có liên quan.

Điều 38. Phát triển khoa học công nghệ vì mục đích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Mục 2.a. Nên bổ sung áp dụng thêm cho các công trình dân dụng.

Điều 42. Trách nhiệm quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

          Không thấy trách nhiệm của bộ tài nguyên và môi trường.

          Nên đưa trách nhiệm của các cấp quản lý địa phương.

 

B. Một số ý kiến khác

Tôi có cảm giác luật chưa thể hiện rõ được các quy định để điều chỉnh hành vi sử dụng năng lượng; chưa nêu bật được các biện pháp nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mà mới mang tính chất khai mở thông tin để các văn bản dưới luật tiếp tục thực hiện công tác này, như vậy luật mới mang tính hình thức, chưa thể chắc chắn được tính nhất quán, hợp lý, khả thi và hiệu quả của luật.

Cần có biện pháp để có sự tham gia góp ý của các đối tượng sử dụng năng lượng, của các cơ quan quản lý, các tổ chức, các chuyên gia, các nhà khoa học,... trong xây dựng, ban hành và thực hiện luật.

Cần tạo điều kiện và xây dựng hành lang pháp lý để hình thành hệ thống các tổ chức kiểm toán năng lượng hoạt động theo cơ chế thị trường trước khi yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm toán.

Cần tạo điều kiện và xây dựng hành lang pháp lý để hình thành hệ thống các cơ sở đào tạo, kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ cán bộ quản lý năng lượng hoạt động theo cơ chế thị trường trước khi yêu cầu doanh nghiệp bố trí cán bộ quản lý năng lượng.

 

Trân trọng

Các văn bản liên quan