Nhiều điều chưa phù hợp trong dự thảo sửa đổi luật Lao động

Thứ Hai 11:17 29-03-2010

Nhiều điều chưa phù hợp trong dự thảo sửa đổi luật Lao động

Thanh Thương - Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn ngày 25/3/2010

(TBKTSG Online) - Một số ý kiến đóng góp của các ban ngành, sở TPHCM trong hội thảo sáng nay, 25-3, về dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động cho rằng mặc dù đã trải qua 2 lần chỉnh sửa nhưng bộ luật vẫn còn nhiều thuật ngữ và quy định chưa phù hợp với thực tế.

Theo đại diện của Hội liên hiệp Phụ nữ TPHCM, việc làm trong dự thảo được định nghĩa ngắn gọn là “mọi hoạt động tạo ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm”, điều này chưa đúng. Theo vị này thì phải quy định cụ thể hơn, vì nếu có nguồn thu nhập, nhưng tính bình quân trong năm không bằng mức chuẩn nghèo, không đảm bảo mức sống tối thiểu, không bằng mức lương tối thiểu thì không thể gọi là có việc làm.

Một đại biểu đến từ Sở Tư pháp cũng cho rằng, nhiều người làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân, thu nhập có khi chỉ khoảng 500.000-700.000 đồng/tháng thì không thề coi là có việc làm, vì thu nhập này rât thấp, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt. “Mọi hoạt động tạo ra nguồn thu nhập bình quân trong năm không thấp hơn chuẩn nghèo, (hoặc mức lương tối thiểu), không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm”, đại diện của Sở Tư pháp đề xuất là nên sửa lại như vậy.

Đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM đề xuất nên đưa khái niệm thất nghiệp vào luật vì đây là một vấn đề quan trọng, liên quan chặt chẽ đến giải quyết việc làm và phát triển kinh tế-xã hội. "Hiện nay đã triển khai bảo hiểm thất nghiệp nhưng lại không có khái niệm thất nghiệp là không hợp lý", vị này nói.

Trong lúc đó, theo đại diện của Phòng Quản lý lao động khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (HEPZA), hiện nay bộ luật sửa đổi vẫn còn quy định về trợ cấp mất việc làm, nhưng việc này đã không còn áp dụng, vì vậy không nên đưa vào luật. Hiện nay đã có bảo hiểm thất nghiệp thay thế cho loại trợ cấp này.

Mức lương tối thiểu cũng được một số đại biểu quan tâm. Đại diện Liên đoàn Lao động TPHCM cho rằng, không nên quy định cứng nhắc một mức lương tối thiểu chung cho tất cả doanh nghiệp trong cả nước mà nên quy định mức chung; các tỉnh, thành phố căn cứ vào mức chung này để quy định mức lương cho các doanh nghiệp để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của khu vực.

Các văn bản liên quan