Ngưỡng bắt đầu chịu thuế: không có cơ sở?

Thứ Hai 14:35 30-07-2007

Ngưỡng bắt đầu chịu thuế: không có cơ sở?

 

(VietNamNet) - Trong đợt lấy ý kiến về dự luật thuế thu nhập cá nhân từ 15/6 đến 15/8/2007, các thảo luận tập trung quá nhiều về mức giảm trừ trong thu nhập chịu thuế (hay còn được hiểu là ngưỡng bắt đầu chịu thuế). Nhưng cơ sở để thảo luận là gì?

Dự luật đề ra mức giảm trừ 4 triệu đồng cho bản thân người nộp thuế, giảm trừ thêm 1,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc mà người chịu thuế phải nuôi dưỡng.

Có thể thông cảm những lo lắng của dư luận, do nhiều người chưa hiểu rõ loại thuế này. Chưa hiểu rõ, lý do đơn giản là từ năm 1991 đến nay, số người thực tế nộp “thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao” chưa bao giờ vượt quá 0,5% dân số. Nghĩa là trên 99,5% người dân chưa hề đóng thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, cũng nên bình tĩnh và tỉnh táo nhìn nhận. Một người độc thân thu nhập 5 triệu đồng mỗi tháng, sẽ nộp thuế 50 ngàn và còn lại 4,95 triệu. Hay một người thu nhập 10 triệu đồng có chu cấp cho thêm một người phụ thuộc, sẽ nộp thuế 220 ngàn và còn lại 9,78 triệu đồng. Như vậy là thuế cao hay thấp? Chưa kể là số còn lại có thể nhiều hơn, do có nhiều loại thu nhập được miễn thuế hoặc chịu thuế suất thấp.

Cơ sở khoa học của thuế

Theo dõi các ý kiến đóng góp, có thể thấy rất đa dạng và nhiều chiều. Có người đề nghị đánh thuế từ đồng thu nhập đầu tiên. Lại có ý kiến là thu nhập hàng tháng trên 15 hay 20 triệu mới bắt đầu chịu thuế. Có ý kiến cho là cơ sở để đưa ra con số 4 triệu đồng cộng thêm 1,6 triệu cho mỗi người phụ thuộc là không có cơ sở khoa học.

Một điều đáng tiếc là những cơ sở tính toán của cơ quan soạn thảo dự luật đã không đến được nhiều người để tiện thảo luận. Tuy nhiên, có lẽ cũng không nên vội kết luận ban soạn thảo không có cơ sở nào.

Trong khi chờ đợi những tính toán của cơ quan soạn thảo, xin đề cập dưới dưới đây một số cơ sở có thể dùng để tham khảo.

So sánh với các pháp lệnh thuế trước đây và hiện tại

Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao bắt đầu được áp dụng từ năm 1991 và được điều chỉnh nhiều lần trong 17 năm qua. Tạm bỏ qua những chi tiết, bảng dưới đây chỉ tóm tắt một số nội dung chính.

Thời gian

Thuế suất

Ngưỡng bắt đầu chịu thuế

Ghi chú

Từ 1/4/1991

10% đến 80%

500 ngàn đồng

 

Từ 1/6/1994

10% đến 60%

1,2 triệu đồng

Nếu thu nhập còn lại cao hơn 8 triệu, thu thêm 30% của phần vượt 8 triệu.

Từ 1/7/1999

10% đến 60%

2 triệu đồng

Từ 1/7/2001

10% đến 50%

3 triệu đồng

Nếu thu nhập còn lại cao hơn 15 triệu, thu thêm 30% của phần vượt 15 triệu.

Từ 1/7/2004

10% đến 40%

5 triệu đồng

 

Dự thảo mới

5% đến 35%

4 triệu và 1,6 triệu cho mỗi người phụ thuộc

 

Lưu ý là trong các pháp lệnh thuế trước đây, không có hình thức giảm trừ cho người phụ thuộc. Căn cứ theo bảng trên, có thể thấy mức thuế của dự thảo mới đã giảm đi đáng kể so với hiện tại và trước đây.

So sánh với mức chi tiêu bình quân

Nhu cầu chi tiêu thì có thể nói là vô cùng. Tuy nhiên, trên trang web của Tổng cục thống kê đã đăng kết quả khảo sát năm 2004 về chi tiêu bình quân mỗi nhân khẩu. Khảo sát khá chi tiết từ chi thiết yếu như ăn, uống, hút, đến các khoản không phải “thiết yếu”, và các chi tiêu khác. Kết quả khảo sát có phân biệt thành thị, nông thôn, các vùng miền, cũng như bình quân của 5 nhóm thu nhập từ thấp đến cao.

Hãy giả định chi tiêu hàng năm tăng 15%, gồm 8% tăng trưởng và 7% lạm phát, chúng ta có bảng sau:

Chi tiêu bình quân một người

2004 (đồng)

Năm 2009 (đồng)

Cả nước

396.840

798.190

Thành thị

652.030

1.311.470

Nông thôn

314.440

632.230

Nhóm thấp nhất

176.473

354.950

Nhóm cao nhất

799.040

1.607.155

Nhóm cao nhất ở thành thị

1.200.144

2.413.918

(Nguồn: năm 2004 lấy theo Tổng cục thống kê, năm 2009 do tác giả tính)

Căn cứ theo bảng trên, thì dự luật thuế vào năm 2009 đưa ra mức giảm trừ gia cảnh cao hơn nhiều lần so với bình quân chi tiêu mỗi đầu người.

Như vậy, nếu chỉ xét những người sẽ nộp thuế, thì tất cả đều có thu nhập sau thuế vượt trên 4 triệu đồng/tháng.  

So sánh với một số nước có hoàn cảnh tương tự

Việc so sánh với nước khác có thể bị nhiều phản ứng, với lý do “Việt Nam là đặc biệt”. Tuy nhiên, chúng ta đang hội nhập và vươn lên sánh cùng các nước, cũng cần xem xét có nên giữ mãi quan niệm “đặc biệt”. Hơn nữa, bảng tính dưới đây chỉ đưa ra một số so sánh với những nước trong khu vực có hoàn cảnh gần tương tự với chúng ta.

Quốc gia

Mức thuế

Mức giảm trừ mỗi tháng

Trung Quốc

5% đến 45%

3,2 triệu đồng (1.600 nhân dân tệ - theo Xinhuanet)

Thái Lan

5% đến 37%

2,7 triệu đồng (5.000 baht – theo www.ethailand.com)

Indonesia

5% đến 35%

420 ngàn đồng (240 ngàn rupiahs) cộng thêm 5% tổng thu nhập. (theo www.pajak.net)

Philippines

5% đến 32%

585 ngàn đồng (1.667 pesos) cộng thêm 243 ngàn đồng cho mỗi người phụ thuộc. (theo www.bir.gov.ph)

Ấn Độ

10% đến 30%

988 ngàn đồng (2.500 rupees) cộng thêm 158 ngàn cho mỗi trẻ em phải nuôi, tối đa 2 trẻ em. (incometaxindia.gov.in)

Việt Nam (dự thảo)

5% đến 35%

4 triệu đồng, cộng thêm 1,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc.

Tiến sĩ Quang A cũng đưa ra một số so sánh đáng để xem xét. Mức giảm trừ gia cảnh so với GDP/đầu người ở Trung Quốc là 94%, Malaysia 66,8%, Thái Lan 165%, Indonesia 188%, và dự thảo ở Việt Nam là 660%! 

Có thể thấy những nước lân cận, tuy thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam, nhưng không nước nào có mức giảm trừ rộng rãi như ở chúng ta.

Số thu thuế trong tổng thu ngân sách

Tại hầu hết các nước nêu trong ví dụ trên, thuế thu nhập cá nhân đều chiếm trên 10% tổng thu ngân sách. Một ngoại lệ là ở Trung Quốc, do mới điều chỉnh lại mức giảm trừ trong năm 2006 nên nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân chỉ chiếm 6,3% thu ngân sách.

Xa hơn nữa, các nước giàu hơn ở châu Á có con số này vào khoảng 20%-30%. Ở châu Âu và Mỹ, con số này lên đến 40%-50%.

Còn ở Việt Nam, trong suốt 15 năm áp dụng thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, qua nhiều lần điều chỉnh, tổng thu được từ nguồn này vẫn chỉ quanh quẩn ở mức trên dưới 2% tổng thu ngân sách!

Tính hiệu quả về thuế

Nếu tạm thời chấp nhận mức giảm trừ (hay ngưỡng bắt đầu chịu thuế) là 4 triệu đồng cộng thêm 1,6 triệu cho mỗi người phụ thuộc, có thể xét thêm một nguyên tắc hiệu quả. Theo nguyên tắc này, nếu chi phí để thu thuế cao hơn thuế thu được, thì nhất thiết không nên thu. Cũng như chúng ta đã từng thấy, có trạm thu phí cầu đường mà tiền chi phí cho trạm đó còn cao hơn số tiền thu được, thì nên dẹp bỏ trạm đó.

Nếu hạ ngưỡng bắt đầu chịu thuế, số thuế thu được sẽ tăng lên, nhưng số người nộp thuế cũng tăng lên và chi phí cũng tăng lên. Nếu khoản chi phí tăng lên này cao hơn cả số thuế thu thêm được, thì tuyệt nhiên không nên hạ ngưỡng.

Ngược lại, nếu tăng mức giảm trừ, số thuế thu được sẽ giảm đi, đồng thời do số người chịu thuế giảm đi nên chi phí thu thuế cũng giảm. So sánh hai khoản, nếu phần giảm chi phí lại thấp hơn giảm thu, thì tuyệt nhiên không nên tăng ngưỡng.

Đáng tiếc là trong thời gian qua, những hội thảo lấy ý kiến về dự luật thuế đã chi phí quá nhiều thời gian và tiền bạc vào những chi tiết không đáng thảo luận, hoặc thảo luận theo cảm tính. Bài viết tiếp theo xin đề cập những vấn đề đáng thảo luận hơn của dự luật.

  • Bùi Văn - Theo Vietnamnet ngày 29/7/2007

 

Các văn bản liên quan