Một số nội dung góp ý trong lĩnh vực kế toán ở Việt Nam – Ông Ngô Thanh Hoàng, Học viện Tài chính

Thứ Tư 14:46 15-05-2013

MỘT SỐ NỘI DUNG GÓP Ý TRONG LĨNH VỰC KẾ TOÁN Ở VIỆT NAM

Hội thảo VCCI ngày 15/5/2013

Ông Ngô Thanh Hoàng

Bộ môn Kế toán công, Khoa Tài chính công

Học viện Tài chính

Trong lĩnh vực kế toán Nhà nước: Cần áp dụng chuẩn mực kế toán công (CMKTC) quốc tế vào lĩnh vực kế toán Nhà nước Việt Nam trên cơ sở vận dụng CMKTC quốc tế với điều kiện thực tiễn Việt Nam, cụ thể là:

1.     Điều kiện ghi nhận: hiện nay CMKTC quốc tế đã ghi nhận những sự kiện trong tương lai tuy nhiên ở Việt Nam chưa ghi nhận, vậy Việt Nam cần quan tâm những vấn đề sau:

-         Giá trị của tài sản là tài nguyên, là di sản, là văn hóa, là năng lực cạnh tranh mềm.

-         Kế toán công quốc tế cho phép ghi nhận theo giá trị danh nghĩa với những tài sản là di sản văn hóa và những tài sản đặc biệt.

2.     Về giá trị hiện tại, kế toán công quốc tế ghi nhận tương đương với việc ghi nhận của kế toán doanh nghiệp, cụ thể là:

-         Định giá các giá trị của TSCĐ, việc tính khấu hao đưa vào chi phí của các đơn vị công tương đương với việc tính khấu hao của doanh nghiệp.

-         Kế toán công quốc tế cho phép đánh giá giá trị thị trường và giá trị hợp lý.

3.     Kế toán quản trị công quốc tế cho phép kế toán công được đánh giá và ghi nhận hiệu quả hoạt động của các tổ chức, các cơ quan trong lĩnh vực Nhà nước (CMKTC quốc tế số 03: thặng dư và thâm hụt), từ đó cung cấp thông tin giúp cho nhà quản trị, lãnh đạo đưa ra những quyết định phù hợp nhất với những điều kiện hiện tại.

4.     Về nghiên cứu và ban hành: Kế toán quốc tế không có sự tách biệt giữa hai lĩnh vực KTDN và kế toán công.

Cơ quan ban hành những CMKT doanh nghiệp và CMKTC đều do Ủy ban kế toán soạn thảo, nhưng theo tôi ở Việt Nam bước đầu cần có sự tách biệt giữa kế toán doanh nghiệp và kế toán công, CMKT doanh nghiệp nên để cho hiệp hội kế toán ban hành, còn đối với lĩnh vực kế toán công cần đề cho cơ quan Nhà nước mà cụ thể là Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc ban hành và quản lý trong lĩnh vực kế toán công.

5.     Luật kế toán ở Việt Nam trong lĩnh vực Nhà nước cần gắn chặt với các văn bản pháp luật tài chính công với rất nhiều lí do trong đó có một lí do trọng yếu đó là Nhà nước Việt Nam đã và đang bắt đầu quản lý theo cơ chế thị trường nên lĩnh vực Nhà nước và lĩnh vực doanh nghiệp còn có sự phân biệt và nhiều lí do khác mong các đại biểu tại hội thảo tiếp tục thảo luận. Chính vì thế hện nay có hai nghị định hướng dẫn về luật kế toán là ND 127/2004/ND - CP và 128/2004/ND - CP. Nếu để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và mạnh theo cơ chế thị trường, theo tôi cần chia luật Kế toán hiện nay thành hai, đó là Luật kế toán trong lĩnh vực Nhà nước và luật kế toán trong lĩnh vực kinh doanh.

6.     Về phương pháp tính giá: cần có sự phân biệt giữa lĩnh vực doanh nghiệp và lĩnh vực công. Đối với lĩnh vực doanh nghiệp, Việt Nam đã là một nước có thị trường đang phát triển để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển hòa nhập với khu vực và quốc tế thì cần quy định tính giá theo giá thị trường. Còn đối với lĩnh vực công cần quy định tính giá theo phương pháp giá gốc

7.     Đối với tổ chức công tác kế toán ở lĩnh vực công cần quy định cụ thể trong luật Tài chính công, cụ thể là: quy định kế toán trên ba lĩnh vực:

-         Kế toán thống kê (NSA – hệ thống tài khoản quốc gia)

-         Tổng kế toán Nhà nước bao gồm thu và chi của ngân sách nhà nước

-         Kế toán của các tổ chức, cá nhân phục vụ lợi ích xã hội tương đương lĩnh vực công

Trên đây là bảy nội dung mà bộ môn Kế toán công, Học viện Tài chính mà đại diện là phụ trách bộ môn Ngô Thanh Hoàng muốn thảo luận với quý vị tại buổi hội thảo ngày hôm nay. Rất mong nhận được những ý kiến trao đổi và tranh luận quý báu của quý vị.

Trân trọng cảm ơn!

Các văn bản liên quan