Mịt mờ gỡ “tắc” cho phát hành riêng lẻ

Thứ Hai 16:45 14-02-2011
Một thứ "mốt" đang thịnh hành trong mùa ĐHCĐ năm nay là doanh nghiệp (DN) vừa chia cổ tức bằng cổ phiếu, vừa bán với giá ưu đãi cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Trong khi kênh phát hành chứng khoán riêng lẻ đang bị "tắc", thì xem ra đây là sự lựa chọn khả quan cho với các DN. Tuy nhiên, về lâu dài, các DN khó "đào" mãi vào cổ đông hiện hữu, mà phải tìm kiếm các kênh khác để phát hành tăng vốn. Trong bối cảnh đó, việc khơi thông kênh phát hành riêng lẻ đang là mối quan tâm của các DN, nhưng kỳ vọng này bao giờ thành hiện thực?

Từ các "đại gia" cho đến các DN "thường thường bậc trung" trên TTCK đang ráo riết thực hiện kế hoạch tăng vốn thông qua phương thức vừa chia cổ tức bằng cổ phiếu, vừa phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo Nghị quyết  HĐQT CTCP Licogi 16 (LCG), sau khi có Nghị quyết của ĐHCĐ, Công ty sẽ tiến hành tăng vốn điều lệ từ 250 tỷ đồng lên gấp đôi thông qua phương thức: chia cổ tức năm 2009 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 50% và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1, với giá 30.000 đồng/CP…

Đại diện các DN cho rằng, với quy định pháp lý về phát hành riêng lẻ quá chặt hiện nay, khi muốn tăng vốn, DN ít có sự lựa chọn nào khác ngoài việc vừa chia cổ tức bằng cổ phiếu, vừa phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) cho biết, sau đợt tăng vốn lên 300 tỷ đồng đang được triển khai, Công ty có kế hoạch tăng vốn lên khoảng 450 tỷ đồng thông qua phương án phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, với quy định việc chuyển nhượng cổ phần chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu 1 năm, kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, xét trong diễn biến TTCK hiện nay sẽ làm cho kế hoạch tăng vốn của Công ty gặp khá nhiều khó khăn.

Theo ông Long, với quy định hiện hành, chỉ những DN nào có giá chứng khoán phát hành thấp, có đối tác làm ăn lâu dài, thì may ra phát hành riêng lẻ mới thành công. Việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần đối với phát hành riêng lẻ tối thiểu lên đến 1 năm là quá khắt khe, không tạo ra sức hấp dẫn để thu hút NĐT mua cổ phần. Một năm là quá dài và có thể xuất hiện nhiều rủi ro, nên thay vì tham gia mua cổ phần phát hành riêng lẻ, NĐT mua trên thị trường tập trung để vừa tránh được rủi ro thanh khoản, vừa không bị hạn chế thời gian chuyển nhượng. Điều này đang khiến các DN gần như bó tay khi thực hiện tăng vốn qua kênh phát hành riêng lẻ. Bởi vậy, cần sớm có quy định pháp lý để tháo gỡ tình trạng này.

Có ý kiến cho rằng, mong đợi trên của DN phần nào được ghi nhận trong nội dung Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp. Theo đó, văn bản này dành hẳn một điều quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ với nội dung: các CTCP được quyền phát hành cổ phần riêng lẻ và không bị giới hạn chuyển nhượng cổ phần trước và sau phát hành... Tuy nhiên, quy định mở này lại bị "đóng" bởi dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi. Theo đó, dự luật này quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ với nội dung: "Việc chuyển nhượng cổ phần chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu 1 năm, kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng, trừ trường hợp chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức tín dụng…".

Nếu kịch bản pháp lý trên được thông qua, liệu bế tắc trong phát hành chứng khoán riêng lẻ có được tháo gỡ? Với tư cách là cơ quan trực tiếp tham gia góp ý cho 2 văn bản kể trên, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lý giải, hai văn bản này đều đang trong giai đoạn dự thảo, nên chưa thể nói đâu sẽ là quy định có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, với tinh thần dự thảo sửa đổi Nghị định 139, thì việc phát hành chứng khoán riêng lẻ sẽ thực sự nới lỏng đối với các DN không niêm yết trên TTCK, còn các DN trên TTCK phải chờ quy định mới của Luật Chứng khoán sửa đổi điều chỉnh. Có nghĩa là, nếu dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi  được thông qua với quy định cổ phần chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu 1 năm, kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán; các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng…, thì các DN niêm yết trên TTCK sẽ bị điều chỉnh bởi quy định này, vì nguyên tắc điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp nêu rất rõ: Trường hợp đặc thù liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của DN được quy định tại luật khác, thì áp dụng theo quy định của luật đó. Như vậy, nếu quy định hạn chế chuyển nhượng chứng khoán riêng lẻ không được Luật Chứng khoán sửa đổi nới lỏng, thì sẽ không tháo gỡ được bế tắc hiện nay trong phát hành chứng khoán riêng lẻ của các DN trên TTCK.

Nguồn: www.tinnhanhchungkhoan.vn    

Các văn bản liên quan