Minh bạch tài sản, thu nhập: Kê khai nhưng không công khai

Thứ Hai 16:57 12-03-2007
Thứ Sáu, 09/03/2007

Minh bạch tài sản, thu nhập: Kê khai nhưng không công khai

TTCT - “Minh bạch tài sản, thu nhập (TSTN) rất cần thiết trong bối cảnh phòng chống tham nhũng hiện nay” - TS luật học NGUYỄN ĐÌNH LỘC, ủy viên UB Pháp luật Quốc hội, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp, khẳng định như vậy với TTCT về việc Chính phủ chuẩn bị ban hành nghị định minh bạch TSTN.

Ông Lộc cho rằng sẽ không ít tài sản bất minh được phát hiện nếu tiến hành kê khai nghiêm túc. Tuy nhiên...

* Ý kiến của ông thế nào về việc Chính phủ áp dụng biện pháp kê khai TSTN đối với những người nắm giữ các vị trí chủ chốt trong các cơ quan nhà nước để thực hiện công tác phòng chống tham nhũng?

- Ở VN, việc thực hiện công khai, minh bạch hóa TSTN không đơn giản vì chúng ta chưa có thói quen. Trước đây khi Chính phủ bàn về vấn đề này, đã có ý kiến cho rằng sẽ không thực hiện được. Bây giờ Chính phủ đặt lại vấn đề kê khai tài sản là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta cố gắng tiến hành phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, nghị định minh bạch TSTN ban hành chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, bởi chúng ta chưa có thói quen kê khai TSTN, nhất là về mặt tâm lý. Đụng đến TSTN được xem như là đụng đến bí mật đời tư, là xúc phạm con người. Trong khi đó tại các nước, việc kê khai TSTN là điều hết sức bình thường.

* Trong bối cảnh đó, theo ông, yếu tố quan trọng để thực hiện tốt việc minh bạch TSTN tại VN là gì?

- Đương nhiên chúng ta phải hoàn thiện dần, phải tạo nhận thức đúng trong cán bộ, công chức về việc kê khai TSTN. Ngoài ra, phải thực hiện cho tốt nghị định bởi xưa nay ở VN từ nghị định đến tổ chức thực hiện luôn có một khoảng cách rất lớn. Khi nói đến tổ chức thực hiện thì trước hết vẫn là cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước nghiêm thì dân sẽ nghiêm, chứ không nên tiếp tục kiểu thi hành pháp luật (của chúng ta) “phạt cho tồn tại”.

Chỉ riêng nghị định minh bạch TSTN thôi chưa đủ mà phải có đầy đủ các biện pháp đồng bộ để thực hiện, từ hệ thống tài chính, ngân hàng, công khai thu nhập cá nhân đến việc trả lương qua tài khoản...

* Ông nghĩ sao khi đặt ra nghị định về minh bạch TSTN nhưng bản kê khai TSTN lại được quản lý khá bí mật theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ, chỉ được khai thác, sử dụng trong một số trường hợp nhất định?

- Đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Trước đây, khi tôi tham gia Quốc hội cũng phải thực hiện kê khai tài sản. Những bản kê khai sau đó được đưa vào hồ sơ của từng đại biểu nên có ý kiến cho rằng kê khai như thế chẳng để làm gì. Khi kiểm tra tư cách đại biểu để chứng nhận là đại biểu chính thức cũng chẳng động gì đến bản kê khai tài sản. Theo tôi biết, đến giờ vẫn chưa ai kiểm tra lại các bản kê khai.

Chính vì vậy, tôi cho rằng nếu phát hiện thấy có dấu hiệu nghi vấn trong các bản kê khai TSTN của đối tượng thuộc diện kê khai thì phải kiểm tra lại. Chưa tính hết tất cả các đối tượng phải kê khai, chỉ tính riêng hàng trăm người ứng cử đại biểu Quốc hội, nếu kiểm tra lại sự chính xác của các bản kê khai đó cũng không đơn giản. Thế nên, điều quan trọng là khi có dấu hiệu thì phải xác minh và phải có cơ chế để những người quản lý các bản kê khai dám nói ra những tài sản bất minh, tài sản không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, phải có cơ chế để các cơ quan chức năng tiếp cận với những bản kê khai đó chứ không thể biến chúng thành tài liệu mật.

Một điều nữa tôi muốn nhấn mạnh là việc theo dõi biến động tài sản đã kê khai. Anh cũng làm như người khác mà lại có nhiều tài sản hơn, có hàng triệu đôla thì phải đặt nghi vấn chứ. Không phải vô cớ mà bộ trưởng hay những chức danh cao cấp ở các nước đều phải định kỳ kê khai tài sản và phải lý giải được lý do biến động tài sản. Việc giám sát biến động tài sản hết sức quan trọng vì qua đó có thể biết được thực chất một con người.

* Ông có cho rằng phần lớn tài sản của một công chức VN thường tăng lên đột biến sau khi họ có chức có quyền?

- Đó là hiện tượng vẫn xảy ra. Vì thế, nhiều người có nhiều tiền cứ giấu giấu giếm giếm, nếu không sẽ bị thắc mắc nguồn gốc số tiền đó ở đâu ra. Đó cũng là lý do cần minh bạch hóa TSTN.

* Nếu thực hiện nghiêm việc kê khai TSTN đối với những người giữ các vị trí chủ chốt trong các cơ quan nhà nước, số lượng tài sản bất minh phát hiện được nhiều không, theo ông?

- Tôi nghĩ rằng sẽ không ít vì lâu nay chúng ta lỏng lẻo trong quản lý cán bộ về mặt tài sản. Đã lỏng lẻo thì người ta tìm cách có những tài sản bất minh. Thực tế nhiều cán bộ có tài sản, vàng, đôla, euro gửi ở nước ngoài và nghị định minh bạch TSTN cũng qui định kê khai cả bất động sản, tài khoản ở nước ngoài. Có người nói với tôi có cán bộ sở hữu cả trang trại ở New Zealand. Đương nhiên, phải cán bộ cỡ nào đấy mới có điều kiện mua trang trại đó chứ. Nhưng để việc kê khai nghiêm phải tính đến sự đối phó đối với nghị định. Chúng ta hay nói “vỏ quít dày có móng tay nhọn”, nhưng móng tay nhọn thì vỏ quít càng ngày càng dày ra để không bóc được. Đây là một cuộc đấu trí. Giữa người ban hành pháp luật với người thi hành pháp luật luôn là sự đấu trí!

* Như thế không phải chúng ta không có thói quen kê khai TSTN mà nhiều người sợ kê khai vì sẽ lòi ra những tài sản bất minh?

- Trong nhiều trường hợp, họ sợ kê khai vì đồng tiền mình làm ra chưa hợp pháp, là đồng tiền không trong sạch. Điều ấy thì dễ hiểu. Nếu làm được nhiều tiền sạch thì phải tự hào, việc gì phải giấu, báo chí, dư luận phải tôn vinh họ.

Trước đây lúc còn ở Bộ Tư pháp, khi về thăm anh em tòa án các địa phương, nếu thấy anh em xanh xao, ăn mặc luộm thuộm thì tôi rất xúc động. Nhưng vào đến sân cơ quan mà thấy đầy ắp xe máy thì tôi lại sợ, tự hỏi không rõ những đồng tiền đó ở đâu ra. Tôi không dám kết luận đó là kết quả của đồng tiền bất minh nhưng vẫn cảm thấy phân vân. Bây giờ đồng lương của đại bộ phận cán bộ đều không đủ sống nhưng vào bất kỳ cơ quan nào cũng thấy nhiều ôtô riêng. Đó là điều kỳ quặc ở VN. Đó là lý do người ta không muốn công khai TSTN.

* Thưa ông, nghị định chỉ qui định xử lý bốn mức - khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch - đối với người kê khai TSTN không trung thực. Mức xử lý đó liệu có quá nhẹ?

- Xử lý thế này giống “phạt cho tồn tại”. Một trong những yêu cầu của cán bộ là phải trung thực. Một cán bộ thuộc diện phải kê khai TSTN mà lại không trung thực thì điều đó không đơn thuần chỉ là vấn đề về đạo đức, mà có thể đằng sau đó còn có những vấn đề khác. Do đó, không trung thực trong kê khai đến một mức nhất định cũng phải xử đến mức mất chức.

* Chúng ta có nên tiến tới công khai hóa TSTN của toàn dân, thay vì chỉ qui định kê khai đối với những đối tượng theo qui định của Luật phòng chống tham nhũng?

- Điều đó rất nên. Việc công khai hóa tài sản sẽ giúp con người tự quản lý mình một cách chặt chẽ, biết dừng lại để không làm việc gì quá đà như tham nhũng, nhận hối lộ... Một người có một chức vụ nhất định thì chức vụ đó sẽ đưa đến cho người ta những cơ hội để “khai thác”. Việc công khai hóa tài sản còn để mọi người làm đầy đủ nghĩa vụ công dân, có thu nhập thì phải đóng thuế. Bây giờ mình còn ít người đóng thuế thu nhập. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên Quốc hội đang xem xét Luật thu nhập cá nhân. Công khai hóa TSTN là nếp sống của một xã hội văn minh. Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ không hề đơn giản vì nó động chạm tới thói quen của người dân. Vì thế, không nên nghĩ việc công khai đó sẽ được thực hiện một cách dễ dàng mà phải có thời gian, và chắc phải có cả một cuộc đấu tranh dưới nhiều dạng để tạo lập được nhận thức mới trong xã hội. 

Những ai phải kê khai TSTN?

- Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu HĐND chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

- Cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội.

- Sĩ quan chỉ huy QĐND từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện trở lên; sĩ quan chỉ huy CAND từ cấp phó tiểu đoàn trưởng, phó trưởng công an phường, thị trấn, phó đội trưởng trở lên.

- Giám đốc, phó giám đốc, viện trưởng, phó viện trưởng, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, bác sĩ chính tại các bệnh viện, viện nghiên cứu của Nhà nước.

- Tổng biên tập, phó tổng biên tập, kế toán trưởng, trưởng - phó phòng, ban các báo, tạp chí.

- Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng các trường mầm non, tiểu học tại quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các trường THCS, THPT, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, giảng viên chính các trường đại học, cao đẳng của Nhà nước.

- Giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phòng - ban, phó trưởng phòng, ban tại các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng các ban quản lý dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

- Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, chủ tịch, phó chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị, kế toán trưởng, thành viên ban kiểm soát, trưởng, phó các phòng, ban nghiệp vụ trong các công ty nhà nước; những người được Nhà nước cử giữ chức vụ kể trên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.

- Bí thư, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND xã, phường, thị trấn; trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự xã; cán bộ địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán của UBND xã, phường, thị trấn.

- Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước.

- Người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị, xã hội, văn phòng Quốc hội, văn phòng HĐND các cấp, văn phòng Chủ tịch nước, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước, người đứng đầu các cơ quan trung ương của Đảng, tổ chức chính trị, xã hội.

KHIẾT HƯNG thực hiện

Các văn bản liên quan