Ông Lê Xuân Hiếu - BIDV góp ý Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự tại Hội thảo VCCI ngày 21/4/2015
Luật sư Trần Xuân Tiền – VPLS Đồng Đội góp ý Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự tại Hội thảo VCCI ngày 21/4/2015
SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ ĐÁP ỨNG NHU CẦU HỘI NHẬP PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP
Luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Nói đến Tòa án là nói đến hoạt động xét xử, nói đến hoạt động xét xử là nói đến trình tự, thủ tục của các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, việc triển khai thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan, tổ chức, cá nhân doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp phải tìm tới Tòa án. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.... tại Tòa án các cấp cho thấy sau mười năm đưa vào thi hành, BLTTDS bộc lộ khá nhiều hạn chế, bất cập ảnh hưởng không tốt đến quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia tố tụng nói chung và các doanh nghiệp nói riêng. Nhiều vụ án, vụ việc đơn giản nhưng xét xử đi, xét xử lại hàng chục năm, hàng chục lần gây tâm lý mệt mỏi cho các đương sự nên việc tham gia tố tụng là việc làm “cực chẳng đã” của các đương sự. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như để tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thì việc sửa đổi BLTTDS số 65/2011/QH12 là hết sức cần thiết.
Là luật sư trực tiếp tham gia nhiều vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích cho thân chủ tôi đã phải “ đụng chạm” tới các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng và các cá nhân, tổ chức liên quan. Vì vậy, với kinh nghiệm và quan điểm của mình, tôi xin đưa ra góp ý về một số vấn đề chính sau đây:
Thứ nhất, đối với vấn đề thủ tục rút gọn
Thực tiễn cho thấy các quy định của pháp luật về thủ tục rút gọn hiện nay còn nhiều bất cập. Pháp luật tố tụng dân sự luôn có xu hướng đặt ra những quy định trình tự, thủ tục chặt chẽ nhằm thực hiện mục tiêu xét xử khách quan, công bằng, đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Nhưng chính những quy định chặt chẽ đó vô hình chung đã hình thành nên những thiết chế tố tụng phức tạp, khó tuân thủ và gây tốn kém. Có rất nhiều vụ việc tranh chấp đơn giản, giá trị tranh chấp thấp, các bên đều đã thống nhất về nội dung tranh chấp và chứng cứ rõ ràng…Tuy nhiên, Tòa án vẫn phải tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định chung của BLTTDS để giải quyết, do đó, không thể đưa ra xét xử ngay vì nếu không tiến hành đầy đủ các bước: lấy lời khai, hòa giải… theo như luật định thì vụ việc, vụ án cũng có thể bị hủy. Thực trạng trên khiến quá trình tố tụng kéo dài, phải tính thời gian theo năm, đặc biệt là các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Điều này gây khó khăn đối với những chủ thể quý trọng thời gian và cơ hội như doanh nghiệp, gây thiệt hại cho họ cả về thời gian và tiền bạc. Việc này còn dẫn đến việc số lượng án tồn đọng ngày càng tăng, quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, doanh nghiệp không được đảm bảo. Thủ tục tố tụng dân sự rườm rà như vậy nhưng BLTTDS hiện hành lại thiếu quy định về thủ tục rút gọn. Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã nêu bên cạnh thủ tục tố tụng chung, Tòa án có thể xét xử, giải quyết theo thủ tục rút gọn đối với các vụ việc có những tiêu chí nhất định. Như vậy, đưa quy định về thủ tục rút gọn vào BLTTDS là yêu cầu hết sức bức thiết với tình hình nước ta hiện nay.
Thứ hai, vấn đề đảm bảo thực hiện trong tố tụng dân sự
Có thể nói, hiện nay vấn đề đảm bảo thực hiện trong tố tụng dân sự còn nhiều bất cập và các chế tài xử phạt vi phạm còn lỏng lẻo.
· Đối với người tham gia tố tụng
Trong thực tiễn hoạt động của Tòa án đã có rất nhiều trường hợp vi phạm, cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án trên thực tế. Cụ thể là: người tham gia tố tụng cố tình không nhận, không chấp hành theo giấy triệu tập của Tòa án; tự ý rời bỏ phiên tòa, bỏ về giữa chừng khi làm việc với Tòa án làm cho việc giải quyết phải hoãn nhiều lần; không ký vào các biên bản làm việc do Tòa án lập; tự ý xé bỏ biên bản sau khi làm việc với Tòa án; có hành vi lớn tiếng, gây rối làm mất trật tự phiên tòa; cố ý không thực hiện, thực hiện không đúng việc cấp, tống đạt các văn bản tố tụng theo yêu cầu của Tòa án…
Như vậy, tố tụng dân sự hiện nay đang thiếu những chế tài đủ mạnh để có thể xử phạt các hành vi vi phạm hành chính. Vậy nên quy định như thế nào để đảm bảo thực hiện vấn đề xử phạt ? Việc thi hành quyết định xử phạt đó như thế nào? Ai sẽ có trách nhiệm tổ chức thi hành? Rất nhiều câu hỏi về vấn đề này đến nay vẫn chưa có lời giải. Nhìn chung các Tòa án chưa áp dụng biện pháp xử lý hành chính cụ thể nào đối với các trường hợp có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án mà chủ yếu là áp dụng biện pháp nhắc nhở. Do đó cần có các chế tài đủ mạnh và thực thi việc xử lý hành chính các vi phạm trong tố tụng của cá nhân, tổ chức và người tiến hành tố tụng. Nên có quy định cụ thể mang tính pháp lý cao về chế tài xử phạt đối với các chủ thể này trong BLTTDS nhằm đảm bảo các vụ việc, vụ án được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời, công bằng, nghiêm minh.
· Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng
Có thể nói, hoạt động xét xử các vụ việc, vụ án dân sự chủ yếu là hoạt động của Thẩm phán. Hội thẩm nhân dân chưa phát huy hết quyền năng được giao khi thực hiện nhiệm vụ xét xử. Chưa nói tới chất lượng của Hội thẩm nhân dân hiện nay có rất nhiều vấn đề đáng quan ngại thì trách nhiệm quản lý Hội thẩm nhân dân lại được giao cho Tòa án. Nói cách khác, quan hệ giữa hội thẩm nhân dân và tòa án nhân dân là quan hệ giữa “người nhà” với nhau. Việc phân công Hội thẩm nhân dân tham gia vào vụ việc nào là do Chánh án quyết định, Thẩm phán đề nghị do đó, để được phân công thì Hội thẩm nhân dân thường là người “ biết nghe lời”. Những cá nhân có tiếng nói riêng, trái ngược với quan điểm của thẩm phán sẽ ít được tham gia vào xét xử vụ việc, vụ án. Khi tiến hành xét xử có tình trạng Thẩm phán “độc diễn”, Hội thẩm nhân dân ít có ý kiến và khi đưa ra kết luận cũng thường nghiêng theo ý chí của Thẩm phán. Mặt khác, về nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại “quyền lực mềm” đó là sự ảnh hưởng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với quyết định của Hội đồng xét xử trong việc giải quyết vụ án.
Một vấn đề khác đó là vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng vẫn còn mang tính hình thức, tham dự chỉ để “đủ thành phần”. Ngoài ra mối quan hệ quen biết lâu dài trong công tác cũng làm cho họ ngại đưa ra những ý kiến phản bác đối với Tòa án và Hội thẩm nhân dân.
Thực tiễn cho thấy, đối với các vụ việc mà đương sự không thuê luật sư hoặc không có điều kiện thuê thì có rất ít người tham gia, chỉ có các thành phần bắt buộc là đương sự và Hội đồng xét xử. Do vậy, việc thẩm phán không công tâm, đem ý kiến của mình vào kết quả của phiên tòa cũng là vấn đề đang gây bức xúc hiện nay. Những vụ việc, vụ án bị xét xử một cách tùy tiện, thậm chí còn hủy vụ kiện một cách vô lý đã không còn là hiếm.
Có thể lấy ví dụ qua vụ việc: Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Chi nhánh Thịnh Long – tỉnh Nam Định tự ý xiết nợ ông Nguyễn Văn Thịnh trái pháp luật làm ví dụ. Trong vụ việc này, Đoàn cưỡng chế kê biên niêm phong nhà đã được huy động rất đông trên mức cần thiết và không đúng chức năng có cả Viện kiểm sát, Công an huyện Hải Hậu ...đẩy gia đình ông Thịnh vào "đường cùng". Do đó, Ngày 23/5/2013, ông Thịnh khởi kiện ra tòa án, nhưng phải đến 17/3/2014, tòa án nhân dân huyện Hải Hậu mới xét xử sơ thẩm. Bản án sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, có nghĩa là cấp sơ thẩm, đã phủ nhận những mâu thuẫn, những nội dung không có thật, những vi phạm pháp luật trong việc cho vay, mà không có phân tích và nêu được căn cứ pháp luật đã áp dụng để phủ nhận yêu cầu đó. Ông Thịnh kháng cáo, Ngày 24/6/2014 mới diễn ra xét xử phúc thẩm. Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định tuyên hủy án của Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu, chuyển hồ sơ để Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu giải quyết lại vụ án theo trình tự và thủ tục chung. Tuy nhiên từ thời điểm đó đến ngày 13/1/2015 (có sự tham gia của hai luật sư với rất nhiều ý kiến văn bản kiến nghị), TAND huyện mới thụ lý theo thủ tục sơ thẩm trở lại lần 2. Rõ ràng, trong vụ việc này có rất nhiều vi phạm tố tụng và nếu chỉ có người dân đương đầu thì họ biết trông cậy vào đâu và biết đi về đâu? Thiết nghĩ, việc tùy tiện hủy án, gây khó dễ, “che” cho một bên đương sự của Tòa án vẫn còn diễn ra trong thực tế xét xử, gây mất niềm tin và tâm lý không tôn trọng sự tôn nghiêm, công bằng của Tòa án.
Có một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện những hoạt động khiến cho vụ án bị trì hoãn, kéo dài như ban hành quyết định tạm đình chỉ thiếu căn cứ, chậm tống đạt quyết định, kháng nghị không được chấp nhận, không đi vào xem xét nội dung của vụ án, vụ việc nhưng lại “soi” vào vấn đề tố tụng để kháng nghị... Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định nào xử lý vấn đề này trong khi thiệt hại về thời gian, tiền bạc của người dân, doanh nghiệp là rất rõ. Chưa kể đến, nếu căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự thì tổ chức, cá nhân nếu thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm có thể thực hiện quyền của mình, đó là yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thế nhưng nếu theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại mặc dù đã có thiệt hại thực tế xảy ra và biết rõ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm nhưng họ chưa thể thực hiện quyền đó của mình vì chưa đủ điều kiện. Họ cần có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Tuy nhiên, để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thì doanh nghiệp, cá nhân bị thiệt hại còn phải mất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian hơn nữa.
Có thể lấy được rất nhiều ví dụ về việc ra các quyết định trong tố tụng không đúng để làm khó người dân, doanh nghiệp. Ví như trong vụ việc chị Vân kiện Hiệu trưởng đại học Y Hà Nội về việc tranh chấp lao động. Với kiến thức và sự nỗ lực của bản thân, chị Vân đã rất tự hào khi được trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức của trường Đại học Y Hà Nội. Ngày 18/02/2011, chị được ký hợp đồng làm việc lần đầu với vị trí tập sự ngạch chuyên viên tại Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục tại Trường Đại học Y Hà Nội. Hợp đồng có thời hạn 01 năm từ ngày 01/02/2011 đến 01/02/2012. Trong quá trình làm việc chị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và khi kết thúc đợt thử việc chị đã có báo cáo tập sự theo đúng quy định. Với mong muốn nâng cao kiến thức và hoàn thiện hơn về chuyên môn, phục vụ tốt cho công việc của cơ quan nên ngày 25/5/2012, chị đã có đơn xin đề nghị để hoàn thành luận văn thạc sĩ tại Viện đảm bảo chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội. Chị vẫn nhận được lương đầy đủ các tháng 2, 3, 4/2012. Những tưởng sau khi hoàn thành tốt công việc trong thời gian tập sự và nâng cao được trình độ khi học xong thạc sĩ, chị Vân sẽ được nhà trường xem xét và chuyển biên chế chính thức. Tuy nhiên, sau bao nhiêu cố gắng, mong muốn này của chị đã không thể trở thành hiện thực. Tháng 5/2012, Trường Đại học Y cắt lương của chị. Đến ngày 01/08/2012 chị nhận được Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với viên chức tập sự do Hiệu trưởng Đại học Y là ông Nguyễn Đức Hinh ký. Những căn cứ mà nhà trường đưa ra không đúng với quy định của pháp luật.
Sau rất nhiều nỗ lực nhưng lại nhận được quyết định không như mong muốn, trái với quy định của pháp luật và có biểu hiện cá nhân nên chị rất bức xúc và đã khiếu nại đến rất nhiều cơ quan quản lý để bảo vệ mình nhưng không được chấp nhận. Vì vậy, tháng 8/2012 chị Vân đã phải khởi kiện Trường Đại học Y Hà Nội tại Tòa án nhân dân quận Đống Đa về việc chấm dứt hợp đồng làm việc và bồi thường. Khởi kiện tại Tòa án với mong muốn “cơ quan công lý” sẽ giải quyết đúng đắn và kịp thời cho chị. Tuy nhiên, chị lại phải mệt mỏi chờ đợi vì thời gian giải quyết kéo dài. Với sự tham gia của luật sư, sau nhiều phiên hòa giải thì trường Đại học Y Hà Nội đã đồng ý bồi thường, tuy nhiên mức bồi thường và nhiều nội dung khác không đáp ứng được yêu cầu của chị Vân. Hai bên vẫn không thống nhất được quan điểm nên vụ án tiếp tục được giải quyết. Ngày 15/04/2014 Tòa ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do: cần chờ đợi kết quả trả lời và cung cấp tài liệu chứng cứ của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ngày 24/10/2014 Tòa có thông báo tiếp tục giải quyết vụ án thì đến ngày 04/03/2015, Tòa án nhân dân quận Đống Đa ra thông báo số 248/TB - TLVA xin ý kiến của bảo hiểm xã hội quận Đống Đa về việc Trường đại học Y không trả lương cho chị Vân trong 03 tháng 5, 6, 7/2012 nhưng vẫn đóng bảo hiểm các tháng này. Theo văn bản thời gian xin ý kiến là 15 ngày nhưng đến nay gần 02 tháng tòa án nhân dân quận đống đa vẫn chưa có ý kiến tiếp tục vụ án.
Vụ việc đơn giản nhưng “đụng chạm” này không biết đến bao giờ mới kết thúc. Tòa án không muốn xử nhanh, lại được sức ỳ của các cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin là cái cớ để kéo dài vụ việc vô tội vạ và không ai vi phạm hoặc vi phạm không có chế tài nào xử lý trong thực tế. Những hành vi này vẫn còn tiếp tục diễn ra, bởi lẽ pháp luật thiếu những chế tài xử phạt nghiêm khắc, hoặc chế tài đã có nhưng không quy định đầy đủ, không quy định ai là người có thẩm quyền xử lý, xử phạt ra sao, ai là người tổ chức thi hành, mức độ như thế nào thì có thể xử phạt. Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề này, cần có các quy định cụ thể nhằm tăng cường sự giám sát của Viện kiểm sát cũng như của các cơ quan khác đối với hoạt động tố tụng của Tòa án nhằm chấn chỉnh việc thụ lý giải quyết khiếu nại tố cáo trong tố tụng. Bên cạnh đó, nên có quy định cụ thể mang tính pháp lý cao về chế tài xử phạt đối với các chủ thể tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo các vụ việc, vụ án được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời. Ngày nay, đòi hỏi của công dân và xã hội đối với các cơ quan tư pháp ngày càng cao; các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý cũng như sự tôn nghiêm của pháp luật.
Thứ ba, về sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Viện kiểm sát mặc dù tham gia hầu hết các phiên tòa sơ thẩm nhưng chỉ phát biểu về thủ tục tố tụng, không có ý kiến gì về nội dung vụ án, do vậy tham dự như vậy là không cần thiết. Trong một số trường hợp, Viện kiểm sát có thể thực hiện quyền kiểm sát thông qua kiểm tra hồ sơ vụ án.
Vì vậy, BLTTDS nên quy định Viện kiểm sát nhân dân không cần thiết phải tham gia tất cả phiên tòa, phiên họp tố tụng dân sự mà nên quy định trường hợp nào Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa, phiên họp, trường hợp nào Viện kiểm sát nhân dân không cần tham gia. Đối với cấp sơ thẩm thì các vụ việc, vụ án có liên quan tới tài sản của nhà nước, đương sự là người chưa thành niên, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự... thì mới nhất thiết phải có sự tham gia của Viện kiểm sát, còn đối với các trường hợp khác là không cần thiết, nếu có phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm Viện kiểm sát mới tham gia vào. Bản chất việc dân sự là chuyện của hai bên đương sự, khi họ không tự giải quyết được mới đưa ra tòa. Tòa giải quyết án trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên hoặc dựa vào chứng cứ. Mặt khác trong án dân sự, chuyện có kẻ thắng kiện, người thua kiện là điều tất yếu. Viện kiểm sát có trách nhiệm, quyền hạn của một cơ quan nhà nước. Vì vậy, cho kiểm sát viên phát biểu đường lối giải quyết vụ án ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến phán quyết của tòa sẽ làm giảm đi sự bình đẳng trước pháp luật dù cho Viện kiểm sát có ủng hộ bên nào đi chăng nữa.
Thứ tư, về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Mục đích của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 99 BLTTDS là nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc để đảm bảo thi hành án. Điều này đòi hỏi pháp luật tố tụng phải trao cho Tòa án thẩm quyền ban hành lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời một cách “kịp thời và có hiệu quả”. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp đương sự chỉ muốn Tòa án áp dụng ngay một biện pháp khẩn cấp tạm thời để họ bảo toàn được tài sản hiện có hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà không muốn khởi kiện hoặc sau đó họ tự giải quyết được tranh chấp nên không khởi kiện. Tuy nhiên, với quy định hiện hành, để được tòa chấp nhận ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đương sự phải khởi kiện.
Vì thế, để biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện có hiệu quả, đúng mục đích thì theo chúng tôi BLTTDS cần quy định cho phép đương sự có quyền yêu cầu Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện. Hầu hết pháp luật tố tụng dân sự của các nước trên thế giới đều quy định cho phép đương sự quyền trên trước khi khởi kiện và độc lập với việc khởi kiện vụ án dân sự. Nếu qua khởi kiện mới áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì nhiều trường hợp không thể đáp ứng được tình thế gấp gáp cần làm ngay, có khi phía bên kia đã đủ thời gian để tẩu tán tài sản, gây bất lợi cho người kiện. Do vậy, nên áp dụng quy định này để tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Thứ năm, đề xuất quy định bên thua kiện phải trả án phí và các chi phí hợp lí khác
Chúng tôi mạnh dạn góp ý đưa vào BLTTDS quy định về việc bên thua kiện phải trả án phí, các chi phí hợp lý: như chi phí thuê luật sư... Bởi điều này xuất phát từ lỗi phía thua kiện làm ảnh hưởng đến thời gian và lợi ích bên đi kiện. Việc người bị không có lỗi trong vụ việc phải bỏ thời gian, công sức và tiền bạc để theo đuổi vụ việc là rất bất công. Do đó, bên cạnh việc trả án phí, bên thua kiện cần trả thêm chi phí thuê luật sư để đảm bảo quyền lợi của bên thắng kiện. Quy định này cũng làm tăng tính hiệu quả vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng, góp phần giảm bớt được những khó khăn của đương sự – hạn chế về trình độ pháp luật, không nắm rõ về trình tự thủ tục giải quyết.
Thứ 6, cần nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, phảm chất chính trị và tinh thần thượng tôn pháp luật phục vụ nhân dân, phục vụ Doanh nghiệp của cơ quan xét xử.
Trong những năm gần đây các Tòa án đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường biên chế, tổ chức để Tòa án xứng tầm là vị trí trọng tâm của đổi mới hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, theo quan sát và tiếp xúc trực tiếp với các Tòa án thì việc xét xử còn có nhiều tiêu cực, nhũng nhiễu, việc đòi hối lộ đòi bồi dưỡng còn diễn ra, những thủ tục “hành dân”, những giấy phép con tại các Tòa án vẫn còn tồn tại như việc tự ý đặt lịch tiếp nhận đơn chỉ có một hoặc 2 ngày trong tuần, việc bán hồ sơ khởi kiện theo mẫu của Tòa cũng có một số nơi tự ý đặt ra để lấy tiền và gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Yếu tố con người là yếu tố quyết định nhưng đội ngũ thẩm phán với trình độ không đồng đều, việc bổ sung tăng cường, luân chuyển chưa kịp thời nên có nơi thẩm phán ngồi chơi do ít việc, có nơi quá tải dẫn đến xét xử qua lua, việc nghiên cứu hồ sơ giao cho thư ký là chính.. nên không thể có chất lượng tốt và thời gian nhanh được. Việc quản lý hồ sơ thụ lý, theo dõi báo cáo, thông kê của Tòa án chưa cập nhật, chưa áp dụng công nghệ thông tin hiện đại và đều khắp toàn ngành nên chưa đáp ứng với yêu cầu cung cấp thông tin cho luật sư, đương sự khi xin thủ tục tham gia tố tụng, xin sao chụp hồ sơ.. Những vấn đề quản lý tổ chức tại Tòa án các cấp rõ ràng cần được chấn chỉnh mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới Luật TTDS và yêu cầu cải cách Tư pháp.
Trên đây là những ý kiến góp ý sửa đổi BLTTDS, chúng tôi tin tưởng và hy vọng đây là một đóng góp nhỏ trong sự nghiệp cải cách tư pháp, trong hoạt động tố tụng dân sự. Chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến đóng góp, các phản ánh hoặc phê bình chân thành từ phía các chuyên gia.