Luật Sở hữu trí tuệ: Tấm áo choàng đủ rộng?

Thứ Sáu 15:44 26-05-2006
[size=18]Luật Sở hữu trí tuệ: Tấm áo choàng đủ rộng?

Thành Hạ
Tạp chí Tia sáng tháng 12/2004


Theo tin từ Ban soạn thảo dự luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), đạo luật này dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét và có thể được thông qua vào năm 2005 tới. Đây là một tin mừng không chỉ đối với những người soạn thảo luật SHTT mà cả giới khoa học công nghệ và doanh nghiệp nói chung. Tuy nhiên, để đạo luật thực sự hữu ích và có tính thực thi cao thì các nhà làm luật còn phải làm rất nhiều việc.

Làm theo kiểu nào?

Cả tiến sĩ Đoàn Năng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) và ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đều cho biết dự luật Sở hữu trí tuệ nếu được xem xét và thông qua trong năm 2005 thì quá mừng vì trước đó mọi người đều nghĩ rằng phải tới năm 2007 dự luật này mới được đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội. Mừng nhưng cũng lo vì quỹ thời gian để hoàn thiện dự thảo luật không còn nhiều. Ông Hùng cho rằng hiện các nhà soạn thảo đang ở trong thế “cưỡi lưng hổ” vì thời gian còn lại quá gấp gáp mà công việc lại còn nhiều. Việc Quốc hội đưa dự luật Sở hữu trí tuệ vào chương trình làm việc vào kỳ họp cuối năm tới là một thời cơ lớn. “Không tận dụng được cũng phí”, ông nói. Trong khi đó thời gian thực tế để hoàn thiện dự thảo luật, theo ông Đoàn Năng chỉ còn khoảng 5-6 tháng vì khoảng đầu năm 2005 (khoảng tháng 3 tới tháng 5) là đã phải trình dự thảo luật để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi đưa ra thông qua chính thức tại Quốc hội. “Đây là một công việc nặng nề và chúng tôi phải tiến hành hàng loạt hội thảo chuyên ngành để lấy ý kiến của nhiều đối tượng khác nhau đóng góp vào việc hoàn thiện dự thảo luật”, ông Năng cho biết.

Việc soạn thảo luật SHTT theo cách thế nào được khá nhiều người quan tâm. Hai luồng ý kiến khác nhau đã được đưa ra trong hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng một đạo luật chuyên ngành về sở hữu trí tuệ”, diễn ra tại Bộ KHCN vào cuối tháng 10 vừa qua. Một là làm một đạo luật Sở hữu trí tuệ chung trong đó phạm vi thực hiện bao gồm tất cả các lĩnh vực liên quan như: sáng chế (trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh) và bản quyền tác giả (trong lĩnh vực văn hoá – văn nghệ, thông tin – viễn thông). Đây dường như là hướng lựa chọn của Việt Nam để ban hành một đạo luật hoàn chỉnh liên quan tới lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Thế nhưng theo một số chuyên gia trong lĩnh vực luật, trên thế giới chỉ có một số ít nước đi theo hướng này, còn đa phần các nước đều có những luật riêng cho từng lĩnh vực nhỏ như đã nêu ở trên. Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả dẫn chứng có tới hơn 100 nước trên thế giới, trong đó có cả Mỹ có luật văn bằng sáng chế riêng, luật nhãn hiệu riêng, luật bí mật thương mại riêng và luật bản quyền riêng. Chia sẻ ý kiến này, Tiến sỹ Lê Xuân Thảo, Chủ tịch Công ty Sở hữu trí tuệ INVENCO cũng cho rằng ở các nước, người ta thường tách riêng các luật nói trên ra và Việt Nam cần tham khảo vấn đề này để soạn thảo luật sở hữu trí tuệ cho phù hợp.

Tuy nhiên, mục đích của việc soạn thảo đạo luật chỉ để hoàn thành đúng “chương trình” được đặt ra thì sẽ quay trở lại một vấn đề quá cũ nhưng khá nhức nhối tại Việt Nam là thiếu tính thực thi. Theo ông Khang, các nhà soạn thảo nên theo một cách tiếp cận khác, đừng theo lối mòn làm luật từng có tại Việt Nam. Cụ thể là phải thảo luận, đánh giá về hệ thống SHTT một cách toàn diện, trong đó có luật SHTT. “Luật chỉ là một mặt của vấn đề. Hoạt động SHTT mới là vĩnh cửu”, ông nói. Như vậy, ý của ông là phải thảo luận mọi vấn đề cho ra nhẽ sau đó mới thực hiện làm luật. “Đặt vấn đề làm luật ra phụ thuộc không chỉ vào mặt dân trí mà còn cả vào mặt “quan trí”. Nếu các quan chức chưa hiểu vấn đề, dân trí không ai quan tâm thì xây dựng luật thế nào, xây dựng làm gì?”, ông bức xúc nói. Thực ra điều mà ông Khang muốn nói ban soạn thảo dự thảo luật nên công bố cho toàn dân được biết, đóng góp ý kiến sau đó rút tỉa các ý kiến hay để hoàn thiện dự luật đó. “Vấn đề quan trọng nhất là làm luật ra phải vì dân và phải thi hành được”, ông nói.

Đại diện của công ty Investconsult cũng “sợ” ban soạn thảo đang đi theo lối làm luật cũ. “Làm luật không với mục đích cải thiện môi trường pháp lý mà để lại đằng sau hàng loạt các vấn đề không giải quyết được thì không nên. Điều tôi sợ nhất là chúng ta đi vào cái vòng luẩn quẩn mà không ra được”, vị đại diện này nói.

Vẫn cần một đạo luật mới?

Nhiều ý kiến cho rằng việc ra đời một đạo luật chuyên ngành về sở hữu trí tuệ là điều cần thiết. Ông Hank Baker, Cố vấn cao cấp Luật SHTT thuộc dự án Star Việt Nam (xem bào viết riêng) cho rằng trong 10 năm vừa qua, Việt Nam đã rất năng động trong việc đưa ra những điều khoản luật liên quan tới SHTT. Thống kê của ông Baker cho thấy hiện tại Việt Nam có tới 40 văn bản pháp luật khác nhau hướng dẫn thi hành các chương I và chương II, phần thứ sáu của Bộ Luật dân sự, liên quan tới sở hữu trí tuệ. Các văn bản này tuy khá đầy đủ nhưng chưa phù hợp lắm với điều kiện thực tế. Chính vì vậy mà Việt Nam cần có một đạo luật riêng về SHTT. “Điều tôi muốn nói là cần có một đạo luật chi tiết và đầy đủ về SHTT. Các qui định về SHTT ở Việt Nam hiện rất chung chung mà chưa đi vào các vấn đề cụ thể như nhãn hiệu hàng hoá, bản quyền tác giả hay phát minh, sáng chế. Đã đến lúc phải gộp 40 văn bản nói trên vào một đạo luật và thêm vào đó những qui định mới”, ông nói. Ông Baker ví von rằng một gia đình khi mới cưới xây dựng một ngôi nhà vừa phải. Sau gia đình có thêm các thành viên mới thì lại cần thêm các phòng khác đáp ứng cho những người mới. Nhưng rồi cũng chỉ thêm được một số phòng nhất định và muốn giải quyết được vấn đề người ngày càng đông thì phải có một ngôi nhà mới. Phần sáu của Bộ luật dân sự Việt Nam cũng như vậy, tuy đầy đủ nhưng đôi khi chưa phù hợp và cập nhật với tình hình thực tế. Vì vậy cần phải xây dựng một đạo luật mới đủ mạnh. Có thể làm một luật SHTT chung hoặc làm nhưng luật riêng cho từng lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, chọn theo cách nào là việc của các nhà làm luật. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường cũng cho rằng về hệ thống pháp luật hiện hành ở Việt Nam tuy có nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhưng chưa có đạo luật hoàn chỉnh về SHTT. Chính vì vậy trong quá trình thực thi các cơ quan thi hành pháp luật gặp nhiều khó khăn, lúng túng và hạn chế kết quả đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Theo ông, càng mở rộng hội nhập quốc tế thì càng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT ở nước ta.

Về phần mình, ông Lê Xuân Thảo cho biết hiện Việt Nam có tới 60 văn bản pháp luật liên quan tới SHTT chứ không phải 40 trong đó 60% là các qui định pháp luật mới và 40% liên quan tới phần sáu của Bộ luật dân sự. Đáng nói nhất là nhiều nội dung của thông tư lại mâu thuẫn với Nghị định. “Hệ thống pháp luật chưa chuẩn hoá vì vậy theo tôi để tránh những tái diễn những tình trạng như trên thì khi soạn thảo đạo luật mới nên bổ sung các chế tài ngay trong luật. Không nên làm luật xong thì lại đợi thông tư hướng dẫn”, ông gợi ý. Ông Đoàn Năng cũng cho rằng để đáp ứng thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của hội nhập kinh tế - xã hội và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống chuyên ngành thống nhất về sở hữu trí tuệ và cụ thể hoá là ra đời một đạo luật riêng cho sở hữu trí tuệ. “Cho tới thời điểm này có thể khẳng định rằng hầu hết các chuyên gia và các cơ quan nhà nước đều ủng hộ phương án này của Chính phủ”, ông nói.

Việc ra đời một đạo luật, tạo khung hành lang pháp lý hoàn chỉnh, vững chắc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là cần thiết, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam bắt đầu chính thức thi hnàh công ước Berne, tham gia AFTA và chuẩn bị các bước gia nhập WTO... Tuy nhiên như trên đã nói, điều nhiều người đang rất quan tâm là cách thức thể hiện đạo luật như thế nào và đặc biệt là khả năng thực thi của nó một khi được đưa vào thực tế. Liệu tấm áo choàng của luật SHTT mới có bao phủ hết những lĩnh vực nhạy cảm và còn khá mới mẻ đối với Việt Nam này. Câu hỏi xin dành gửi tới những người đang chấp bút, soạn thảo dự án luật sở hữu trí tuệ.

Các văn bản liên quan