Luật DN 2005: Một chữ “và” gây khó khăn cho doanh nghiệp

Thứ Bảy 02:00 21-04-2007
Luật doanh nghiệp 2005: Không "chẻ chữ" để làm khó doanh nghiệp

 

 

Sau khi nhận được phản ánh của bạn đọc về Luật Doanh nghiệp 2005, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Cung, thành viên tổ công tác thi hành luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Ông cho rằng, phải đọc và hiểu tinh thần của luật chứ không "chẻ chữ", vì nếu "chẻ chữ" sẽ sai tinh thần của luật. Vì trước tiên, luật không đặt ra yêu cầu chính xác là giám đốc (tổng giám đốc) hay một người nào cụ thể phải có chứng chỉ hành nghề mà yêu cầu về chứng chỉ hành nghề được áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nghị định, pháp lệnh hoặc luật).

 

Thứ hai, nên hiểu, "giám đốc và cá nhân khác" là một khối, một chủ ngữ chứ không hiểu tách riêng. Chủ ngữ này phải có đủ số chứng chỉ hành nghề tương ứng với số ngành nghề mà doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo yêu cầu về pháp luật, đây là yêu cầu để lập đăng ký kinh doanh.

 

Không thể nói Luật Doanh nghiệp 2005 gây khó cho doanh nghiệp vì Luật mới thoáng hơn ở chỗ đã mở rộng việc nộp chứng chỉ cho những cá nhân khác trong doanh nghiệp chứ không giới hạn ở người quản lý phải có chứng chỉ hành nghề. Luật mở rộng hơn, có thể nộp chứng chỉ của giám đốc một trung tâm hay một nhóm làm việc nào đấy trong doanh nghiệp (ví dụ như nhóm đồ án hoặc là trung tâm thiết kế... của một doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề thiết kế).

 

Cơ quan, doanh nghiệp khi làm đăng ký kinh doanh hiểu là giám đốc và cá nhân khác tách biệt thành hai chủ thể. Ví dụ như kinh doanh 10 nghề thì giám đốc phải có 10 chứng chỉ và cá nhân khác cũng có 10 chứng chỉ tương ứng thế. Nếu hiểu như vậy thì thực tế không thể thực hiện được và không thể thông qua một điều luật mà trên thực tế là phi lý.

 

Số lượng chứng chỉ là không bắt buộc. Có bao nhiêu chứng chỉ tương ứng với ngành nghề kinh doanh thì nộp, đây là yêu cầu tối thiểu chứ không yêu cầu tối đa, còn nếu có thêm nữa thì cứ nộp chứ không có bắt buộc về số lượng.

 

Trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi giám đốc (tổng giám đốc) thì có phải nộp chứng chỉ hành nghề của giám đốc (tổng giám đốc) mới hay không?.

 Điều mà luật yêu cầu là nhóm này có chứng chỉ hành nghề. Nếu như ai đó trong doanh nghiệp có chứng chỉ hành nghề đầy đủ thì cấp. Trong thực tế, có nhiều trường hợp doanh nghiệp thuê người có chứng chỉ hành nghề tương ứng với ngành nghề kinh doanh đăng ký hồ sơ. Các doanh nghiệp nên lưu ý trường hợp này, khi thuê người có chứng chỉ tương ứng với ngành nghề mà doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thì phải có một hợp đồng ràng buộc thật rõ ràng, trong đó nêu rõ nếu người được thuê nghỉ việc (vì một lý do nào đó như do mâu thuẫn hay do tìm được một công việc khác tốt hơn) thì phải báo trước một khoảng thời gian để doanh nghiệp có thể tìm được người có chứng chỉ hành nghề tương ứng thay thế.

 Nếu người được thuê nghỉ việc ngay, doanh nghiệp chưa tìm được người thay thế thì doanh nghiệp sẽ không được thay đổi hay bổ sung ngành nghề kinh doanh, thậm chí có thể bị rút ngành nghề đã đăng ký. Trong trường hợp này, khi đã bị rút ngành nghề đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp coi như là hoạt động bất hợp pháp và những hợp đồng đã ký với đối tác đều không thực hiện được.

 

 Lê Thu Trang  ( Thực hiện)

Theo Vietnamnet: http://vietnamnet.vn/bandocviet/2006/11/629351/

 

 

Các văn bản liên quan