Luật DN 2005: Một chữ “và” gây khó khăn cho doanh nghiệp

Thứ Bảy 01:57 21-04-2007
Luật DN 2005: Một chữ “và” gây khó khăn cho doanh nghiệp

“Một cá nhân không thể am hiểu nhiều lĩnh vực, vì thế, yêu cầu Giám đốc (Tổng giám đốc) phải có đầy đủ các chứng chỉ hành nghề khi lập hồ sơ thành lập doanh nghiệp hoặc thay đổi, bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh là không hợp lý”. Bạn Lam Giang, cử tri Hà Nội nêu một số bất cập trong Luật Doanh nghiệp 2005.

 

 
 

Trong ngôn ngữ tiếng Việt, chữ “và”, “hoặc” là liên từ, trong đó từ “và” được sử dụng khi người nói muốn đề cập tới hai hay nhiều vấn đề, đối tượng và không có sự lựa chọn một trong các vấn đề, sự kiện đó, “và cái này và cái kia”; còn từ “hoặc” được sử dụng khi người nói muốn đề cập tới việc lựa chọn khi có nhiều hơn một vấn đề, đối tượng, “hoặc cái này hoặc cái kia”.

 

Trong Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh quy định đối với hồ sơ thành lập mới, thay đổi bổ sung ngành nghề mà ngành nghề đó đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề, trước khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân khác (thành viên hợp danh công ty hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị và các chức danh quản lý khác do điều lệ công ty quy định).

 

Theo cách hiểu như trên, trong trường hợp này, doanh nghiệp phải nộp chứng chỉ của cả hai chủ thể này: Giám đốc (Tổng giám đốc) và cá nhân khác. Nhưng thực tế, doanh nghiệp chỉ cần nộp chứng chỉ của Giám đốc (Tổng giám đốc). Như vậy, quy định “cá nhân khác” ở đây không được thực hiện.

 

Trong quá trình hoạt động từ trước tới nay, đối với ngành nghề đòi hỏi chứng chỉ trước thì chỉ cần một cá nhân có chứng chỉ là đủ, không bắt buộc nhiều cá nhân có chứng chỉ của cùng một ngành nghề kinh doanh. Và theo quy định đó thì trong bất kỳ trường hợp nào, Giám đốc (Tổng giám đốc) phải có chứng chỉ hành nghề đối với ngành nghề yêu cầu. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề đòi hỏi có chứng chỉ hành nghề trước thì Giám đốc (Tổng giám đốc) phải có đầy đủ các chứng chỉ đó.

 

Quy định như vậy là không phù hợp vì một cá nhân không thể am hiểu nhiều lĩnh vực (trừ một thiểu số người) mà chứng chỉ hành nghề theo cách hiểu hiện nay là biểu hiện của việc am hiểu lĩnh vực đó. Nếu lý luận rằng anh không thể kinh doanh nếu anh không am hiểu lĩnh vực đó, anh sẽ không đảm bảo cho công việc được thực hiện một cách đúng tiêu chuẩn, đúng pháp luật thì cũng không hợp lý vì Giám đốc (Tổng giám đốc) không phải là toàn bộ doanh nghiệp, không phải là trí tuệ của toàn doanh nghiệp; bên cạnh Giám đốc (Tổng giám đốc) là đội ngũ cán bộ, công nhân viên của toàn doanh nghiệp.

 

Mặt khác, theo quy định tại điều 57 Luật Doanh nghiệp 2005, tiêu chuẩn của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là: “có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong các ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty”. Như vậy, quy định tại các điều luật này liệu có sự mâu thuẫn, Giám đốc (Tổng giám đốc) có bắt buộc phải có đầy đủ các chứng chỉ hành nghề của các ngành nghề mà công ty kinh doanh?

 

Thực tế cho thấy Giám đốc (Tổng giám đốc) không nhất thiết phải là người nắm vững các kiến thức chuyên ngành, mà đòi hỏi họ có năng lực quản lý, biết cách sử dụng đúng người đúng việc (khả năng quản trị doanh nghiệp). Liệu đây có phải là một hành vi cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?

 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất muốn bổ sung ngành nghề có yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề trước đã không thực hiện được.

 

Quy định tại Luật Doanh nghiệp 1999, Nghị định 109/2004/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh và Thông tư số 03/2004/TT- BKH hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 109/2004/NĐ-CP, thì hồ sơ thành lập hoặc thay đổi, bổ sung ngành nghề có yêu cầu chứng chỉ hành nghề trước thì doanh nghiệp có thể nộp bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một trong những người quản lý công ty (chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, thành viên Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc cá nhân quản lý quan trọng khác). Nghĩa là doanh nghiệp có thể nộp chứng chỉ của Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc cá nhân khác. Quy định như vậy là hợp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

 

Có thể trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã lợi dụng quy định như vậy để thuê, mượn chứng chỉ nên nay pháp luật cần siết chặt quản lý ngay từ đầu. Theo chúng tôi, quản lý bằng cách như vậy không hợp lý. Trong các lĩnh vực đòi hỏi chứng chỉ hành nghề trước thì bên cạnh doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề đó thì đối với mỗi công việc đều đòi hỏi những người tham gia phải có trình độ chuyên môn – có chứng chỉ hành nghề, và những người này phải chịu trách nhiệm đối với công việc của họ.

 

Một điều nữa là theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 thì hồ sơ thành lập, thay đổi phải có chứng chỉ của Giám đốc (Tổng giám đốc) thì đối với trường hợp người đại diện theo pháp luật không phải là Giám đốc (Tổng giám đốc) mà là Chủ tịch Hội đồng thành viên hay Chủ tịch Hội đồng quản trị thì liệu có phải gửi kèm biên bản bầu Giám đốc (Tổng giám đốc) không?

 

Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định 88/2006/NĐ-CP hướng dẫn có quy định rằng ngoài các giấy tờ theo quy định cơ quan đăng ký kinh doanh, không được yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm bất kỳ giấy tờ nào khác. Trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi Giám đốc (Tổng giám đốc) thì liệu Giám đốc (Tổng giám đốc) mới có phải nộp tất cả chứng chỉ những ngành nghề mà công ty đã đăng ký hay không?

 

Cho đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn nên đã gây khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp. Hy vọng thông tư hướng dẫn sẽ giải đáp được những khúc mắc này.

 

  • Lam Giang , Hà Nội

Theo Vietnamnet: http://www.vietnamnet.vn/bandocviet/2006/10/625546/

 

Các văn bản liên quan