Khống chế quy mô hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm toán là vi hiến – Luật sư, kiểm toán viên Phạm Thế Vinh

Thứ Ba 11:42 21-09-2010

                      KHỐNG CHẾ QUY MÔ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

DỊCH VỤ KIỂM TÓAN LÀ VI HIẾN

 

   

Việc sọan thảo và ban hành Luật kiểm tóan độc lập đầu tiên ở Việt Nam tuy ra đời chậm so với các luật về dịch vụ tài chính khác nhưng rất cần thiết cho họat động kiểm tóan nói chung và hành nghề kiểm tóan nói riêng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập tòan diện với thế giới thì việc hành nghề kiểm toán trong dự thảo Luật kiểm tóan độc lập cần kế thừa những thông lệ quốc tế.

 

1. Về loại hình doanh nghiệp kiểm toán, ngoài công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên,  công ty hợp danh, dự luật đã cho phép doanh nghiệp tư nhân thì cũng cần bổ sung thêm lọai hình công ty TNHH một thành viên vì cùng là một chủ sở hữu doanh nghiệp và hiện nay Nghị định 30/2009/NĐ-CP về kiểm toán cũng thừa nhận tồn tại loại hình Công ty TNHH 1 thành viên. Ngoài ra, cũng cần bổ sung loại hình hành nghề cá nhân, tương tự như hành nghề Luật sư với tư cách cá nhân hoạt động theo loại hình hộ kinh doanh cá thể ngoài loại hình công ty luật TNHH 1 thành viên. Loại hình hành nghề kiểm toán cá nhân (register an individual as a registered company auditor) hay với công ty 1 thành viên trở lên (an authorised audit company) đang phổ biến ở Úc và nhiều nước trên thế giới.

 

2. Về cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm tóan nên tiếp tục để Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp như hiện nay phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp và Nghị định 139/2007/NĐ-CP vì từ trước đến nay không xem đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán theo Luật kế toán, dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật kiểm tóan độc lập là luật đặc thù. Như vậy, cũng phù hợp với việc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy CNĐKKD dịch vụ đại lý thuế theo Luật quản lý thuế. Nếu dự thảo giao Bộ Tài chính cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp kiểm toán thì không những gây phiền hà cho các doanh nghiệp kiểm toán đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy CNĐKKD  mà còn không tương ứng khi cùng 1 chứng chỉ KTV nếu đăng ký kinh doanh riêng dich vụ kế toán thì do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy CNĐKKD nhưng nếu đăng ký kinh doanh vừa dich vụ kế toán và dịch vụ kiểm toán thì lại do Bộ Tài chính cấp!

 

3. Một số điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán không phù hợp với quy định pháp luật:

 

a/ Về số lượng Kiểm toán viên (KTV) tối thiểu phải có khi đăng ký dịch vụ kiểm toán nên quy định tối thiểu là 1 KTV cho phù hợp với loại hình kinh doanh nói trên và thông lệ quốc tế. Việc dự thảo đưa ra điều kiện phải có 5 KTV là không phù hợp với quy mô thực tế hiện nay của các công ty kiểm toán và điều này sẽ không chỉ gây tốn kém thêm chi phí cho công ty kiểm toán mà còn làm cho rất nhiều công ty phải ngừng hoạt động vì không dễ dàng tuyển dụng và duy trì bộ máy lớn như vậy trong khi nhu cầu sử dụng dịch vụ kiểm toán chưa có dấu hiệu gia tăng. Mặt khác, quy định doanh nghiệp kiểm toán phải có quy mô lớn mới hoạt động được không chỉ trái với quy định của Nhà nước khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn trái với Điều 8 của Luật doanh nghiệp “Quyền của doanh nghiệp: chủ động mở rộng quy mô” và Điều 21 của Hiến pháp quy định “kinh tế tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp, không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh”.

 

b/. Dự thảo quy định điều kiện thành lập bắt buộc phải là hội viên của Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán không những không phù hợp với quy định về tổ chức và hoạt động hội (Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định hội là tổ chức tự nguyện của công dân) mà còn không phù hợp với  quy định hiện hành về kiểm tóan độc lập (Điều 7 của Nghị định 105/2004/NĐ-CP) vì tham gia các tổ chức nghề nghiệp là “Quyền” của KTV cũng như quyền tham gia các tổ chức nghề nghiệp của người hành nghề kế tóan được quy định trong Luật Kế tóan. Hơn nữa, việc quy định bắt buộc sẽ biến tính chất xã hội nghề nghiệp của một hội nghề nghiệp kiểm tóan duy nhất hiện nay thành tổ chức hành chánh Nhà nước hóa sẽ dẫn đến quan liêu vì sự độc quyền. Hiện nay, mô hình phổ biến ở Úc và nhiều nước trên thế giới là đăng ký hành nghề kiểm tóan cũng không bắt buộc phải là  hội viên của một hội nghề nghiệp (của nước đó hoặc nước khác tương đương) mà có thể có kinh nghiệm hành nghề kiểm tóan 3 năm, tham khảo đoạn ghi cụ thể là “for registration, applicants must be a member of the Institute of Chartered Accountants in Australia or the Australian Society of Certified Practising Accountants (or equivalent bodies in the USA, UK, Ireland, New Zealand or Canada), or have practical experience in auditing”.

 

c/Về cập nhật kiến thức hàng năm của KTV, dự thảo quy định tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính là không phù hợp với quy định hiện hành, vì Bộ không được quy định về điều kiện kinh doanh (điều 7 của Luật doanh nghiệp). Do vậy, cần quy định cụ thể trong Luật về số giờ tối thiểu (120 giờ, gồm 50% giờ bắt buộc (Structured CPD) và  50% giờ tự học (Unstructured CPD)) cập nhật kiến thức trong 3 năm của mỗi KTV kể từ ngày KTV đăng ký hành nghề; nội dung chính của chương trình cập nhật; các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán ở trong nước  hoặc các tổ chức nghề nghiệp nước ngoài (khi KTV tham gia hội nghề nghiệp nước ngoài) được Bộ Tài chính thừa nhận (theo Thông tư 171/2009/TT-BTC) và các trường Đại học chuyên ngành được Bộ Tài chính chấp nhận để tạo sự linh họat cho KTV lựa chọn giờ, nơi tham dự, thời điểm đăng ký hành nghề bất kỳ. Có như vậy mới khắc phục được hạn chế của quy định hiện nay phải đủ giờ cập nhật kiến thức cho năm trước khi hành nghề thì mới được đăng ký hành nghề cho năm sau sẽ làm giảm tính thời sự của kiến thức cần cập nhật của năm sau. Có thể tham khảo mô hình phổ biến ở Úc và các nước khác quy định giờ CNKT trong mỗi 3 năm kể từ ngày KTV đăng ký (The auditor must complete at least 120 hours of CPD activities over each three-year period commencing on the date of the auditor’s registration and each third anniversary of that date).

 

d/Về điều kiện ký hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho doanh nghiệp kiểm toán là không phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động, cụ thể tại Điều 30 quy định người lao động có thể giao kết một hoặc nhiều hợp đồng lao động, với một hoặc  nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã giao kết. Mặt khác, Điều 81 quy định người làm hợp đồng không trọn ngày, không trọn tuần do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận và Điều 109 quy định Nhà nước khuyến khích người lao động nữ áp dụng rộng rãi chế độ làm việc không trọn ngày, không trọn tuần.

 

e/Về quy định KTV và doanh nghiệp kiểm toán thực hiện đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính là không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi vì, ngoài việc Bộ không được quy định về điều kiện kinh doanh như nói ở trên, thì việc quy định lại việc đăng ký hành nghề kiểm toán hàng năm là đi ngược lại với Nghị định 30/2000 Bãi bỏ Giấy phép hành nghề kiểm toán quy định tại Thông tư số 04/1999/TT-BTC ngày 12 tháng 01 năm 1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký hành nghề kiểm toán trong các tổ chức kiểm toán độc lập. Do vậy, cũng không duy trì cơ chế xin cho “KTV có tên trong thông báo danh sách doanh nghiệp kiểm toán đủ điều kiện hành nghề của Bộ Tài chính” hàng năm mà nên quy định ngược lại là Bộ Tài chính thường xuyên thông báo danh sách KTV không đủ điều kiện hành nghề khi vi phạm quy định.

 

4. Ngoài ra, dự thảo quy định Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán được thực hiện việc Kiểm tra, kiểm soát chất lượng hoạt động của hội viên (gồm cả doanh nghiệp kiểm toán) là không phù hợp quy định của pháp luật. Bởi vì, các quyền của Hội được quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý thì không có quyền kiểm soát chất lượng hoạt động của hội viên mà thực chất là kiểm soát chất lượng hoạt động dịch vụ kiểm toán thuộc hoạt động quản lý Nhà nước.

 

Qua trình bày một số góp ý về dự Luật kiểm tóan độc lập đầu tiên ở Việt Nam trên bước đường hội nhập quốc tế và Úc là một trong những nước đang vận hành khá thành công về họat động kiểm tóan độc lập. Hy vọng Luật kiểm tóan độc lập của Việt Nam sớm được thông qua sẽ tạo nên sự thông thóang cho việc hành nghề kiểm tóan nói riêng và sẽ thúc đẩy sự phát triển họat động kiểm tóan Việt Nam hội nhập với thế giới nói chung, từ đó nâng cao vị thế và đẳng cấp của KTV Việt Nam./.

 

Luật sư –Kiểm toán viên PHẠM THẾ VINH

Công ty Tư vấn Luật&Kiểm toán Hoàng Gia-SCCT

 

 

HP: 0903805253

 

Các văn bản liên quan