Góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật chuyển giao công nghệ

Thứ Sáu 16:47 04-05-2007
1. Một số quy định vi phạm nguyên tắc tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng 
  
Luật chuyển giao công nghệ nhìn chung được xây dựng trên tinh thần tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ. Nhà nước chỉ can thiêp đối với một số việc chuyển giao đối với các công nghệ thuộc đối tượng hạn chế chuyển giao bằng cách quy định các thủ tục cấp giấy phép. Điều này được thể hiện cụ thể như sau:
 
Khoản 3 Điều 14 Luật Chuyển giao công nghệ quy định “hợp đồng chuyển giao công nghệ được giao kết và thực hiện theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Như vậy, có thể hiểu Luật Chuyển giao công nghệ đã thừa nhận Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại là “luật mẹ” về khía cạnh hợp đồng và các nguyên tắc cơ bản của các đạo luật này được áp dụng cho hợp đồng chuyển giao công nghệ trong đó có nguyên tắc tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.
 
Tuy nhiên, dự thảo Nghị định có vẻ lại không đi theo tinh thần của Luật, một số quy định mang tính áp đặt quyền và nghĩa vụ, không tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên, cụ thể như sau:
 
Điều 5 “Nguyên tắc về hợp đồng chuyển giao công nghệ” có một số quy định vi phạm nguyên tắc tự do thỏa thuận, ví dụ:
 
Khoản 2: “Trong trường hợp Bên giao chuyển giao cho Bên nhận nhiều đối tượng công nghệ thì việc chuyển giao tất cả các đối tượng công nghệ đó phải được lập chung trong một Hợp đồng.
 
Trong trường hợp Bên giao chuyển giao công nghệ có kèm theo máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật thì trong Hợp đồng phải có Danh mục các máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật đó.”
 
Quy định này có thể không tạo thuận lợi cho các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ. Các bên không thể lập các hợp đồng riêng rẽ trong trường hợp họ mong muốn như vậy. Luật Chuyển giao công nghệ cũng không cấm việc lập các hợp đồng riêng.

Khoản 3: “Trong Hợp đồng mua bán dây chuyền thiết bị sản xuất hoặc mua  bán thiết bị toàn bộ hoặc thiết bị của một dự án đầu tư nếu có nội dung chuyển giao công nghệ thì phần chuyển giao công nghệ phải lập thành một phần riêng của Hợp đồng mua bán thiết bị và tuân theo quy định của Nghị định này. Chi phí chuyển giao công nghệ phải được tính riêng (không tính gộp vào giá thiết bị).”

Quy định này có vẻ vượt thẩm quyền của Chính phủ, Luật Chuyển giao công nghệ không có quy định về việc bắt buộc phải lập thành phần riêng, cũng không quy định yêu cầu về chi phí chuyển giao công nghệ phải được tính riêng.
Khoản 7: “Ngôn ngữ trong Hợp đồng chuyển giao công nghệ do các Bên thỏa thuận; trường hợp cần giao dịch tại Việt Nam mà trong Hợp đồng có một hoặc nhiều Bên tham gia Hợp đồng là tổ chức, cá nhân nước ngoài, văn bản Hợp đồng gửi các Cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam phải lập bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thông dụng; Hợp đồng bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thông dụng có giá trị pháp lý như nhau.”
 
Tiếng nước ngoài thông dụng trong trường hợp này được hiểu bao gồm những ngôn ngữ nào, Luật Chuyển giao công nghệ không có quy định yêu cầu như khoản 7 nêu trên. Khoản 2 Điều 14 Luật Chuyển giao Công nghệ chỉ quy định Ngôn ngữ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ do các bên thoả thuận; trường hợp cần giao dịch tại Việt Nam thì phải có hợp đồng bằng tiếng Việt. Hợp đồng bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài có giá trị như nhau.”
 
2. Về một số nội dung bắt buộc của hợp đồng
 
Điều 6 quy định về phương thức chuyển giao công nghệ dường như đi theo hướng quy định một số nội dung bắt buộc của hợp đồng chuyển giao công nghệ tương ứng với các phương thức chuyển giao công nghệ, ví dụ:
 
Khoản 1: “Chuyển giao các tài liệu kỹ thuật có chứa đựng các giải pháp kỹ thuật, bí quyết, thiết kế, công thức, quy trình công nghệ. Trong Hợp đồng phải ghi cụ thể tên, nội dung các loại tài liệu sẽ được chuyển giao.”
 
Có thể hiểu rằng hợp đồng chuyển giao các tài liệu kỹ thuật, bí quyết, thiết kế, bí quyết, công thức, quy trình công nghệ phải có các nội dung bắt buộc như tên, nội dung các tài liệu được chuyên giao.
 
Khoản 2. “Thực hiện việc đào tạo nhằm giúp cho Bên nhận nắm vững và làm chủ công nghệ trong một thời hạn xác định. Trong chương trình đào tạo quy định cụ thể về số lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật, các ngành nghề, nội dung được đào tạo, thời hạn và nơi đào tạo, kết quả đào tạo.” 
 
Số lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật, các ngành nghề, nội dung được đào tạo, thời hạn và nơi đào tạo, kết quả đào tạo có thể được hiểu là các nội dung bắt buộc của hợp đồng chuyển giao công nghệ trong đó bên giao giúp cho bên nhận nắm vững và làm chủ công nghệ trong một thời hạn xác định.
Khoản 3: Thực hiện hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật bằng cách Bên giao cử chuyên gia giúp Bên nhận đưa công nghệ vào sản xuất với chất lượng công nghệ và chất lượng sản phẩm đạt các chỉ tiêu và tiến độ xác định trong Hợp đồng, giải quyết các khó khăn trong quá trình áp dụng công nghệ được chuyển giao vào sản xuất.
Việc hỗ trợ kỹ thuật phải được quy định chi tiết trong Hợp đồng hoặc Phụ lục Hợp đồng trong đó quy định nội dung, chi phí cho từng khoản mục hỗ trợ kỹ thuật như số lượng chuyên gia, thời gian làm việc, lương, phụ cấp của chuyên gia, các chi phí đi lại, ăn ở và các chi phí khác.”
 
Số lượng chuyên gia, thời gian làm việc, lương, phụ cấp của chuyên gia, các chi phí đi lại, ăn ở và các chi phí khác là các nội dung bắt buộc của hợp đồng chuyển giao công nghệ theo phương thức hỗ trợ, tư vấn.
 
Bên cạnh đó, Điều 36 “Nội dung chủ yếu của hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ” quy định liệt kê 10 loại điều khoản chủ yếu của hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ có thể dẫn đến việc hiểu đây là các nội dung bắt buộc của loại hợp đồng này.
 
Cần cân nhắc thêm về các quy định này vì nếu quy định các “nội dung bắt buộc” như trên thì xử lý như thế nào nếu hợp đồng chuyển giao công nghệ thiếu một trong các nội dung đó (có thể xác định hợp đồng vô hiệu hay chỉ làm cơ sở cho việc không cho phép đăng ký hoặc không cấp giấy phép cho hợp đồng chuyển giao công nghệ của cơ quan có thẩm quyền?). Bên cạnh đó, Luật Chuyển giao công nghệ tại Điều 15 chỉ quy định theo hướng khuyến nghị các nội dung mà các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng chuyển giao công nghệ mà không có quy định mang tính bắt buộc đối với các nội dung này. Do đó, đối với vần đề này, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giải quyết theo hai hướng sau:
 
Thứ nhất, chỉ quy định mang tính khuyến nghị đối với các nội dung của hợp đồng chuyển giao công nghệ như tinh thần Luật Chuyển giao công nghệ;
 
Thứ hai, có thể có quy định về một số nội dung bắt buộc đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ mà đối tượng là công nghệ thuộc danh mục hạn chế chuyển giao để làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước, cấp giấy phép chuyển giao công nghệ.
 
Riêng đối với hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ tại Điều 36 nên quy định theo hướng các điều khoản chủ yếu của hợp đồng chỉ mang tính khuyến nghị mà không mang tính bắt buộc.
 
3. Một số quy định của Dự thảo không thực sự cần thiết
 
Quy định tại Điều 8 “Thời hạn chuyển giao công nghệ” , Điều 10 “Thời điểm tính giá thanh toán cho chuyển giao công nghệ”, Điều 14 “Phương thức thanh toán cho chuyển giao công nghệ”,... là không thực sự cần thiết. Cụ thể, thời hạn chuyển giao công nghệ tại Điều 8 đã được quy định trong Bộ luật Dân sự về thời hạn hợp đồng; Thời điểm tính giá thanh toán cho chuyển giao công nghệ tại Điều 10 do các bên thoả thuận không mang tính ràng buộc; đặc biệt các quy định về phương thức thanh toán tại Điều 14 dường như đã can thiệp vào công việc kinh doanh của các bên chuyển giao và nhận chuyển giao, các bên hoàn toàn có quyền thoả thuận một phương thức thanh toán không thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 14.
 
4. Về chấm dứt hợp đồng chuyển giao công nghệ (Điều 18)
 
Điều 424 Bộ Luật dân sự quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng như sau: (1) hợp đồng đã được hoàn thành; (2) Theo thoả thuận của các bên; (3) Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thế khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện; (4) Hợp đồng bị huỷ bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện; (5) Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại; (6) Các trường hợp khác do pháp luật quy định. So sánh với các trường hợp chấm dứt hợp đồng chuyển giao công nghệ quy định tại Điều 18, có thể nhận thấy một số vấn đề sau đây:
 
Thứ nhất, Điều 18 chưa quy định hết các trường hợp chấm dứt hợp đồng chuyển giao công nghệ như trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng hoặc hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại.
 
Thứ hai, trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ bị chấm dứt do bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ thuộc “các trường hợp chấm dứt hợp đồng khác theo quy định khác của pháp luật” mà Bộ luật Dân sự quy định.
 
Từ các nhận định trên, đề nghị cân nhắc thiết kế nội dung Điều 18 như sau:
 
1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ chấm dứt theo các quy định về chấm dứt hợp đồng của Bộ Luật Dân sự;
 
2. Hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ bị chấm dứt do bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ;
 
3. Nghĩa vụ thông báo của các bên đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp chấm dứt hợp đồng.
 
5. Về một số thủ tục liên quan đến hợp đồng chuyển giao công nghệ
 
- Điểu 24, khoản 2 7yêu cầu hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chuyển giao công nghệ thuộc danh mục  công nghệ hạn chế chuyển giao phải có “Một bản gốc và hai bản sao hợp đồng chuyển giao công nghệ” là chưa phù hợp với điểm d khoản 2 Điều 24 của Luật Chuyển giao công nghệ, trong đó chỉ yêu cầu hồ sơ gồm “Bản gốc hoặc bản sao hợp đồng chuyển giao công nghệ”.
 
- Đề nghị quy định rõ hơn về thủ tục nộp các hồ sơ đề nghị chấp thuận chuyển giao công nghệ, hồ sơ đề nghị cấp giấp phép chuyển giao công nghệ, hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, cụ thể trên một số vấn đề sau:
 
(1) khi doanh nghiệp nộp các hồ sơ trên đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có xác nhận về việc hồ sơ đầy đủ, hợp lệ trong một khoảng thời gian xác định, trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần yêu cầu các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong một thời hạn nhất định.
 
(2) các đơn đề nghị và các giấy tờ liên quan đến thủ tục hành chính nói trên cần được mẫu hoá ở mức độ tối đa để đảm bảo công khai, minh bạch và thuận tiện cho doanh nghiệp.
 
(3) Làm rõ các thủ tục sửa đổi, bổ sung, đăng ký lại hợp đồng chuyển giao công nghệ, thu hồi, huỷ bỏ giấy phép chuyển giao công nghệ và chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ.
 
6. Về bổ sung một số quy định theo yêu cầu của Luật Chuyển giao công nghệ
 
Theo Luật Chuyển giao công nghệ, Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn một số nội dung khác như quy định cụ thể việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Điều ); quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; (Điều 48); Ban hành Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Danh mục công nghệ cấm chuyển giao; (Điều 51).
 
Tuy nhiên, dự thảo Nghị định chưa có quy định hướng dẫn về các vấn đề này. Do đó, đề nghị cân nhắc và bổ sung vào dự thảo. 

Các văn bản liên quan