Góp ý Dự thảo 9 Luật Giao dịch điện tử
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ LẦN 9
Võ Minh Huấn.
Theo Tạp chí Nghiên cứu lập pháp ngày 13/08/2005
1. GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (GDĐT) LÀ GÌ?
"Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử"(1).
Khái niệm này vừa xúc tích, lại vừa đầy đủ và chính xác. Trong đó, "phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc các công nghệ tương tự"(2).
Theo khái niệm trên, một số giao dịch sau có thể đuợc xem là GDĐT:
- Đăng ký kinh doanh qua Internet, làm thủ tục hải quan điện tử…
- Bán sách báo, thiết bị kỹ thuật… qua các website.
- Gửi e-mail chào hàng và nhận đặt hàng bằng e-mail.
- Gián tiếp qua bưu biện, người trung gian hay trực tiếp "trao tay" nhau các đĩa từ (đĩa A), đĩa quang (đĩa CD)… có chứa thư chào mua hàng hay thư chào bán hàng.
- Gửi đĩa A chứa tờ khai xuất/nhập khẩu và các thông tin cần thiết khác cho cơ quan hải quan để làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.
Những giao dịch trên đều có đặc trưng là được thực hiện bằng phương tiện điện tử, nên chúng có thể được xem là GDĐT.
Quan sát những giao dịch trên, chúng ta dễ dàng rút ra nhận xét: Trong GDĐT, thông điệp giao dịch có thể được truyền qua các mạng thông tin (chủ yếu là Internet) hay không được truyền qua các mạng thông tin. Điều quan trọng là chúng được thực hiện bằng phương tiện điện tử.
Với kinh nghiệm thực hiện đề tài khoa học "Một số vấn đề pháp lý về giao dịch điện tử" năm 2003, tác giả nhận thấy hiểu như trên là rất chính xác. Bởi vì khi giao dịch bằng các phương tiện điện tử, dù trong môi trường mạng hay thế giới thực, cũng đều làm phát sinh một loạt các vấn đề về kỹ thuật điện tử như thông điệp dữ liệu, hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử… Không chỉ riêng về kỹ thuật điện tử, giao dịch bằng các phương tiện điện tử còn làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý mà pháp luật chưa có quy định như giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử… Vì vậy, rất chính xác khi định nghĩa "giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử".
Mặc dù đồng thuận với cách định nghĩa trên, nhưng tác giả cũng xin chỉ ra một quan điểm khác so với quan điểm thể hiện trong định nghĩa để mọi người có cái nhìn từ nhiều góc độ về vấn đề. Điểm mấu chốt của quan điểm này là nhấn mạnh môi trường mạng, và cho rằng GDĐT được thực hiện trong mạng Internet và các mạng thông tin khác.
Tiêu biểu cho quan điểm này có thể kể đến đề tài khoa học "Một số vấn đề pháp lý về giao dịch điện tử" năm 2003. Theo kiến nghị tại trang 74 của đề tài này thì:
"Giao dịch điện tử là việc thực hiện một hay nhiều hành vi pháp lý trên mạng truy cập toàn cầu (Internet) hay các mạng thông tin khác giữa các bên tham gia giao dịch".
Cách định nghĩa này vô hình chung đã gắn sự tồn tại của GDĐT với sự tồn tại của các mạng thông tin. Nói cách khác, không có mạng thông tin thì không thể có GDĐT.
Mặc dù đó là đề tài của tác giả và kiến nghị của tác giả, nhưng tác giả nhận thấy kiến nghị này chưa hoàn toàn hợp lý vì sự phát triển của phương tiện điện tử cho phép con người điện tử hóa các giao dịch của mình, chứ không phải chỉ có các mạng thông tin làm điện tử hóa các giao dịch. Nói cách khác, GDĐT là do con người vận dụng các phương tiện điện tử vào giao dịch và tùy theo từng tình huống cụ thể mà các phương tiện điện tử đó sẽ được sử dụng trong môi trường mạng hay trong thế giới thực.
Tuy quan điểm cho rằng "GDĐT là giao dịch được thực hiện toàn bộ hay một phần qua mạng Internet hay các mạng thông tin khác" là chưa hoàn hảo, nhưng đây lại là quan điểm pháp lý khá phổ biến trên thế giới hiện nay. Sau đây là một số bằng chứng cụ thể:
1. Khi quy định về thời điểm gởi thông điệp dữ liệu, khoản 1 điều 15 Luật mẫu về Thương mại điện tử năm 1998 của UNCITRAL(3) đã đề cập đến "hệ thống thông tin" ("information system") trên mạng như là môi trường thông điệp được gửi đi. Điều này đã gián tiếp thể hiện quan điểm xem môi trường mạng là môi trường thông điệp dữ liệu được gửi đi.
2. Khi quy định về thời điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu, khoản 1.a điều 15 Đạo luật GDĐT thống nhất năm 1999 của Hoa Kỳ(4) đã đề cập đến "hệ thống xử lý thông tin" ("information processing system") trên mạng như là phương tiện để gửi và nhận thông điệp dữ liệu. Điều đó cho phép suy ra rằng: trong suy nghĩ của họ, thông điện dữ liệu được gửi hoặc nhận qua các mạng thông tin nên mới cần đến "hệ thống xử lý thông tin" để gửi và nhận. Nói cách khác, quan điểm gắn liền GDĐT với môi trường mạng đã thể hiện khá rõ nét.
3. Khi quy định về thời điểm gửi và nhận "electronic communication", điều 10 và 11 Luật GDĐT năm 2000 của New Zealand(5) đã đề cập đến "hệ thống thông tin" ("information system") trên mạng như là phương tiện để gửi và nhận. Thêm vào đó, họ không dùng từ "data message" (thông điệp dữ liệu), mà lại dùng từ "electronic communication" để chỉ các thông tin. Phải chăng việc dùng từ "communication" thể hiện quan điểm nhấn mạnh đến đặc tính truyền thông - truyền gửi thông tin qua mạng Internet và các mạng thông tin khác?
4. Khoản 1 điều 17, khoản 2.a điều 18 và khoản 1 điều 19 Dự thảo Luật GDĐT lần 9 của Việt Nam(6) đã dùng từ "hệ thống thông tin" trên mạng như là phương tiện gửi và nhận thông điệp dữ liệu. Theo đó, thông điệp dữ liệp được xem là đã gửi khi nó "nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo"; được xem là đã nhận khi "nhập vào hệ thống thông tin" của người nhận. Ở đây, việc gởi và nhận thông điệp dữ liệu dường như được hiểu là gắn liền với truyền qua mạng. Phải chăng cách hiểu "GDĐT là giao dịch được thực hiện toàn bộ hay một phần qua mạng Internet hay các mạng thông tin khác" đã tự động thấm sâu vào suy nghĩ của mỗi người chúng ta?
Trên đây là một số phân tích cho thấy có nhiều quan điểm khác nhau về GDĐT. Việc hiểu rõ các quan điểm này là cần thiết vì nó là nền tảng và có thể ảnh hưởng đến phạm vi điều chỉnh của Luật GDĐT.
2. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT GDĐT
Phạm vi điều chỉnh của một văn bản tùy thuộc vào phạm vi chức năng, quyền hạn của người ký quyết định thông qua văn bản đó. Xuất phát từ cơ sở này, chúng ta có thể tham khảo thêm một phương án mới – phương án nhấn mạnh đến "yếu tố Việt Nam" trong Phạm vi điều chỉnh.
"1. Luật này áp dụng đối với giao dịch điện tử thỏa mãn một trong ba điều kiện sau:
- Một trong các bên [liên quan đến] giao dịch là cơ quan, tổ chức, cá nhân [mang quốc tịch] Việt Nam.
- Đối tượng [liên quan đến] giao dịch ở Việt Nam.
- Sự kiện [pháp lý] làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt giao dịch điện tử xảy ra ở Việt Nam.
2. Trong trường hợp không thỏa mãn một trong ba điều kiện trên, Luật này cũng có thể được áp dụng theo thỏa thuận của các bên."
Lưu ý: Những phần trong ngoặc vuông […] có thể xem xét bỏ đi, sửa đổi để câu văn trở nên rõ ràng, dễ hiểu.
Nếu xem xét lại phạm vi điều chỉnh theo phương án này, thì cũng cần xem xét chuyển vào CHƯƠNG II. THÔNG ĐIỆP DỮ LIỆU đoạn sau:
"Các quy định của Luật này không áp dụng đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, thương phiếu và các giấy tờ có giá khác"(6)
3. VẤN ĐỀ GỬI VÀ NHẬN THÔNG ĐIỆP DỮ LIỆU
3.1. Khoản 1 điều 17 Dự thảo Luật GDĐT lần 9 (gọi tắt là "Dự thảo Luật")
"Thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo".
Như đã phân tích ở mục 1, GDĐT có thể được thực hiện trong mạng thông tin hay trong thế giới thực. Vì vậy, cần nhận thức rằng thông điệp dữ liệu có thể được gửi qua mạng thông tin hay trong thế giới thực, miễn là có sử dụng các phương tiện điện tử. Trong trường hợp thông điệp dữ liệu được gửi trong thế giới thực, cần nhận thức rằng các quy định pháp luật hiện hành có thể được áp dụng để xác định thời điểm gửi.
Từ nhận thức trên dẫn đến yêu cầu xem xét lại điều 3 Dự thảo Luật khi cho rằng đây là luật gốc về GDĐT, vì vậy nếu các luật khác có quy định khác với quy định của Luật này về cùng một nội dung liên quan đến GDĐT thì áp dụng quy định của Luật này.
Trong trường hợp thông điệp dữ liệu được gửi qua Internet hay các mạng thông tin khác, thời điểm gửi có thể xác định cụ thể như sau:
- Khi bấm nút SEND để gửi e-mail.
- Khi bấm nút SUBMIT hay FINISH hay nút tương tự để gửi những thông tin đã điền vào trang web cho người nhận, thường áp dụng để mua bán qua các websites hay trong chính phủ điện tử.
- Khi bấm nút "FAX" để gửi fax…
Nhìn chung, thời điểm gửi như trên là dễ hiểu và hợp lý, vì bất kỳ người nào có sự hiểu biết bình thường cũng nhận thức được. Vậy liệu có dễ hiểu và hợp lý khi quy định thời điểm gửi là "thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo"?
Về thuộc tính dễ hiểu, một người sử dụng thuần túy (không chuyên về kỹ thuật) có lẽ sẽ rất ngại xem xét quy định này, vì họ không hiểu và khó có thể hiểu được như thế nào là "nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo". Do đó, quy định này cần được xem xét lại để trở nên gần gũi hơn và dễ hiểu hơn đối với công chúng.
Về tính hợp lý, vấn đề đáng quan tâm nhất là như thế nào thì được xem "nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo"?
- Khi hai người sử dụng hộp thư yahoo để gửi e-mail giao dịch cho nhau, nếu thỏa mãn điều kiện người nhận chưa mở thư và một số điều kiện khác, thì người gửi có thể lấy lại e-mail đã gửi. Khi đó, thời điểm gửi là lúc người gởi bấm nút SEND hay đợi đến lúc "nằm ngoài sự kiểm soát" của họ.
- Doanh nghiệp có một website thương mại nên đã gởi chào bán hàng với giá ưu đãi lên website của mình. Khi đó, doanh nghiệp có khả năng kiểm soát thư chào hàng từ khi bắt đầu gởi lên mạng (upload) đến khi thư chào hàng đã hiển thị trên website. Vậy thời điểm gởi là khi doanh nghiệp upload thư chào hàng lên mạng hay đợi đến lúc "nằm ngoài sự kiểm soát" của họ? Xác định rõ thời điểm chào hàng trong trường hợp này có ý nghĩa pháp lý quan trọng, đặc biệt khi mà phía doanh nghiệp không muốn nói rõ thời điểm bắt đầu chào hàng để duy trì thời hạn chào hàng theo mục đích riêng của mình.
- A ở TP.HCM gửi thông điệp dữ liệu cho B ở Bình Dương thông qua mạng nội bộ của công ty, giả sử công ty này sử dụng đường dây cáp riêng. A cũng chính là người quản trị máy chủ (server) trong môi trường Domain và B đang sử dụng một máy trạm tham gia vào Domain. Khi đó, A dù đã gửi thông điệp dữ liệu cho B, nhưng A vẫn có khả năng kiểm soát được thông điệp dữ liệu vì thông điệp này nhập vào hệ thống thông tin nằm trong sự kiểm soát của A. Khi đó, liệu thời điểm gửi là lúc A bấm nút gởi hay đợi đến lúc thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của A?
Một số dẫn chứng cụ thể nêu trên chưa bao quát tất cả các tình huống thực tiễn, nhưng chúng cho thấy cần thiết xem xét lại tính hợp lý tại khoản 1 điều 17 Dự thảo Luật.
3.2. Khoản 2.a Điều 18 Dự thảo Luật
"Người nhận được coi là đã nhận được thông điệp dữ liệu nếu thông điệp dữ liệu đó nhập vào hệ thống thông tin của mình"
Quy định này là hợp lý, và còn hợp lý hơn nếu người nhận gửi thông báo xác nhận đã nhận được thông điệp.
Về mặt kỹ thuật, người gởi có thể xác định được đường đi của gói tin (đơn vị chia nhỏ của thông điệp dữ liệu để truyền trên mạng), nên có thể biết được gói tin đã nhập vào hệ thống thông tin của người nhận hay chưa.
Đối với người sử dụng thuần túy (không chuyên về kỹ thuật), họ không thể xác định được thông điệp dữ liệu đã nhập vào hệ thống thông tin của người nhận hay chưa. Sự không biết chính xác này có thể gây bất lợi cho người gởi khi mà người nhận cố tình giữ im lặng xem như chưa bao giờ nhận được thông điệp dữ liệu. Vì vậy, các bên cần lưu ý tình huống này, tốt nhất là hệ thống thông tin của người nhận nên có phần mềm tự động (không có sự can thiệp trực tiếp của con người) để thực hiện việc gửi thông báo đã nhận được thông điệp dữ liệu cho người gửi. Đây cũng có thể xem là một điểm đáng quan tâm trong GDĐT của cơ quan nhà nước.
4. VẤN ĐỀ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ THEO MẪU
Hợp đồng điện tử được giao kết qua các website thường là hợp đồng theo mẫu do bên quản lý website cung cấp. Vì vậy, pháp luật cần có quy định bảo vệ phía khách hàng, đặc biệt là người tiêu dùng trước những rủi ro do hợp đồng điện tử theo mẫu của người cung cấp hay do thiết kế website không rõ ràng dễ dẫn đến lỗi thao tác của người tiêu dùng.
4.1. Rủi ro do hợp đồng điện tử theo mẫu(7)
Hợp đồng điện tử theo mẫu có thể có những điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng, và người cung cấp hợp đồng có thể thiết kế website theo hướng hạn chế sự chú ý đến các điều khoản này. Đây được xem là rủi ro đối với người tiêu dùng.
Hợp đồng điện tử không thể hiện rõ ràng một số chi tiết như: giá trị giao dịch, số lượng hàng đã chọn, loại hàng đã chọn… và thiết kế web theo hướng người tiêu dung chủ yếu bấm NEXT tới, mà ít có điều kiện sửa đổi nội dung hợp đồng khi có sự đổi ý. Điều này làm tăng mức độ rủi ro của người tiêu dùng chỉ vì họ không có điều kiện quay lại sửa hợp đồng trước khi chấp nhận toàn bộ giao dịch.
Xuất phát từ một số cơ sở trên, pháp luật cần quy định hợp đồng điện tử phải được thiết kế rõ ràng và dễ sử dụng. Theo đó, bên cung cấp cần thiết kế hợp đồng điện tử đảm bảo một số điều kiện chung tương ứng với mỗi ngành nghề do pháp luật quy định hay các tổ chức hiệp hội quy định. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hạn chế việc thiết kế hợp đồng điện tử một cách tùy tiện, bất hợp lý; tạo điều kiện để sau này xây dựng khung pháp lý cho hợp đồng điện tử.
4.2. Rủi ro do lỗi thao tác của người tiêu dùng(8)
Khi giao kết hợp đồng điện tử qua website, người tiêu dùng dường như phải tự mình làm mọi việc từ chọn hàng, số lượng, phương thức thanh toán… nên dễ phạm phải các lỗi do thao tác. Những lỗi này mang tính khách quan, thể hiện sự không thống nhất giữa thao tác bên ngoài với ý chí bên trong của người tiêu dùng do bị ảnh hưởng bởi yếu tố kỹ thuật.
Chẳng hạn như: Người tiêu dùng truy cập một website để mua 3 cuốn truyện Harry Poster vốn rất hiếm ngoài thị trường. Nhưng khi đặt mua lại bấm nhầm 30 cuốn do website đặt chọn lựa số 3 và số 30 quá gần nhau dẫn đến bấm lộn hay do chuột bị hư hay do các nguyên nhân kỹ thuật khác, sự thiếu kinh nghiệm của người tiêu dùng… Những lỗi thao tác này dẫn đến nhầm lẫn trong giao dịch, mặc dù phần lớn là do người tiêu dùng nhưng cũng phải xem xét đến sự không thống nhất trong ý chí của người tiêu dùng do lỗi kỹ thuật. Thêm vào đó, những doanh nghiệp chân chính khi tiến hành thương mại điện tử có lẽ cũng sẽ rất quan tâm đến yếu tố này để mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Nghĩa là họ chấp nhận không buộc khách hàng phải mua 30 cuốn truyện trong trường hợp này.
Xuất phát từ cơ sở trên, Dự thảo Luật nên xem xét bổ sung quy định chung về lỗi thao tác của người tiêu dùng, làm tiền đề cho các quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết hợp đồng điện tử nói chung, GDĐT nói riêng. Đồng thời, chúng ta nên xem xét đến cả khả năng hợp đồng điện tử vô hiệu xuất phát từ lỗi thao tác của người tiêu dùng mà nguyên nhân chủ yếu là do bên cung cấp hợp đồng không thiết lập các bước cần thiết để người tiêu dùng khẳng định ý chí của họ.
Kiến nghị cụ thể: "Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, hợp đồng điện tử được xác lập do lỗi thao tác của người tiêu dùng sẽ bị vô hiệu khi bên cung cấp hợp đồng không thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết để xác nhận ý chí của người tiêu dùng".
---------------------------
(1) Khoản 7 điều 4 Dự thảo Luật Giao dịch điện tử lần 9, ngày 21/07/2005.
(2) Khoản 12 điều 4 Dự thảo Luật Giao dịch điện tử lần 9, ngày 21/07/2005.
(3) Khoản 1 điều 15 Luật mẫu về Thương mại điện tử năm 1998 của UNCITRAL: "Unless otherwise agreed between the originator and the addressee, the dispatch of a data message occurs when it enters an information system outside the control of the originator or of the person who sent the data message on behalf of the originator". Trích từ trang 8 Tập 2 đề tài "Một số vấn đề pháp lý về giao dịch điện tử" năm 2003 của Đại học Luật TP.HCM.
(4) Khoản 1.a điều 15 Đạo luật Giao dịch điện tử thống nhất năm 1999 của Hoa Kỳ: "Unless of otherwise agreed between the sender and the recipient, an electronic record is sent when it: (a) is addressed properly or otherwise directed properly to an information processing system that the recipient has designated or uses for the purpose of receiving electronic records or information of the type sent and from which the recipient is able to retrieve the electronic record…". Trích từ trang 29 Tập 2 đề tài "Một số vấn dề pháp lý về giao dịch điện tử" năm 2003 của Đại học Luật TP.HCM.
(5) Điều 10 và 11 Luật Giao dịch điện tử năm 2000 của New Zealand:
"10. Time of dispatch
(1) An electronic communication is taken to be dispatched at the time the electronic communication first enters an information system outside the control of the originator…
11. Time of receipt
An electronic communications is taken to be received, -
(a) in the case of an addressee who has designated an information system for the purpose of receiving electronic communications, at the time the electronic communication enters that information system; or
(b)in any other case, at the time the electronic communication comes to the attention of the addressee."
Trích từ trang 164, 165 Tập 2 đề tài "Một số vấn dề pháp lý về giao dịch điện tử" năm 2003 của Đại học Luật TP.HCM.
(6) Đoạn thứ hai trong điều 1 Dự thảo Luật Giao dịch điện tử lần 9, ngày 21/07/2005.
(7) Tham khảo kiến nghị tại trang 85, Tập 1 đề tài "Một số vấn đề pháp lý về giao dịch điện tử" năm 2003 của trường Đại học Luật TP.HCM.
(8) Tham khảo kiến nghị tại trang 84 và 85, Tập 1 đề tài "Một số vấn đề pháp lý về giao dịch điện tử" năm 2003 của trường Đại học Luật TP.HCM.
Võ Minh Huấn.
Theo Tạp chí Nghiên cứu lập pháp ngày 13/08/2005
1. GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (GDĐT) LÀ GÌ?
"Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử"(1).
Khái niệm này vừa xúc tích, lại vừa đầy đủ và chính xác. Trong đó, "phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc các công nghệ tương tự"(2).
Theo khái niệm trên, một số giao dịch sau có thể đuợc xem là GDĐT:
- Đăng ký kinh doanh qua Internet, làm thủ tục hải quan điện tử…
- Bán sách báo, thiết bị kỹ thuật… qua các website.
- Gửi e-mail chào hàng và nhận đặt hàng bằng e-mail.
- Gián tiếp qua bưu biện, người trung gian hay trực tiếp "trao tay" nhau các đĩa từ (đĩa A), đĩa quang (đĩa CD)… có chứa thư chào mua hàng hay thư chào bán hàng.
- Gửi đĩa A chứa tờ khai xuất/nhập khẩu và các thông tin cần thiết khác cho cơ quan hải quan để làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.
Những giao dịch trên đều có đặc trưng là được thực hiện bằng phương tiện điện tử, nên chúng có thể được xem là GDĐT.
Quan sát những giao dịch trên, chúng ta dễ dàng rút ra nhận xét: Trong GDĐT, thông điệp giao dịch có thể được truyền qua các mạng thông tin (chủ yếu là Internet) hay không được truyền qua các mạng thông tin. Điều quan trọng là chúng được thực hiện bằng phương tiện điện tử.
Với kinh nghiệm thực hiện đề tài khoa học "Một số vấn đề pháp lý về giao dịch điện tử" năm 2003, tác giả nhận thấy hiểu như trên là rất chính xác. Bởi vì khi giao dịch bằng các phương tiện điện tử, dù trong môi trường mạng hay thế giới thực, cũng đều làm phát sinh một loạt các vấn đề về kỹ thuật điện tử như thông điệp dữ liệu, hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử… Không chỉ riêng về kỹ thuật điện tử, giao dịch bằng các phương tiện điện tử còn làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý mà pháp luật chưa có quy định như giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử… Vì vậy, rất chính xác khi định nghĩa "giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử".
Mặc dù đồng thuận với cách định nghĩa trên, nhưng tác giả cũng xin chỉ ra một quan điểm khác so với quan điểm thể hiện trong định nghĩa để mọi người có cái nhìn từ nhiều góc độ về vấn đề. Điểm mấu chốt của quan điểm này là nhấn mạnh môi trường mạng, và cho rằng GDĐT được thực hiện trong mạng Internet và các mạng thông tin khác.
Tiêu biểu cho quan điểm này có thể kể đến đề tài khoa học "Một số vấn đề pháp lý về giao dịch điện tử" năm 2003. Theo kiến nghị tại trang 74 của đề tài này thì:
"Giao dịch điện tử là việc thực hiện một hay nhiều hành vi pháp lý trên mạng truy cập toàn cầu (Internet) hay các mạng thông tin khác giữa các bên tham gia giao dịch".
Cách định nghĩa này vô hình chung đã gắn sự tồn tại của GDĐT với sự tồn tại của các mạng thông tin. Nói cách khác, không có mạng thông tin thì không thể có GDĐT.
Mặc dù đó là đề tài của tác giả và kiến nghị của tác giả, nhưng tác giả nhận thấy kiến nghị này chưa hoàn toàn hợp lý vì sự phát triển của phương tiện điện tử cho phép con người điện tử hóa các giao dịch của mình, chứ không phải chỉ có các mạng thông tin làm điện tử hóa các giao dịch. Nói cách khác, GDĐT là do con người vận dụng các phương tiện điện tử vào giao dịch và tùy theo từng tình huống cụ thể mà các phương tiện điện tử đó sẽ được sử dụng trong môi trường mạng hay trong thế giới thực.
Tuy quan điểm cho rằng "GDĐT là giao dịch được thực hiện toàn bộ hay một phần qua mạng Internet hay các mạng thông tin khác" là chưa hoàn hảo, nhưng đây lại là quan điểm pháp lý khá phổ biến trên thế giới hiện nay. Sau đây là một số bằng chứng cụ thể:
1. Khi quy định về thời điểm gởi thông điệp dữ liệu, khoản 1 điều 15 Luật mẫu về Thương mại điện tử năm 1998 của UNCITRAL(3) đã đề cập đến "hệ thống thông tin" ("information system") trên mạng như là môi trường thông điệp được gửi đi. Điều này đã gián tiếp thể hiện quan điểm xem môi trường mạng là môi trường thông điệp dữ liệu được gửi đi.
2. Khi quy định về thời điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu, khoản 1.a điều 15 Đạo luật GDĐT thống nhất năm 1999 của Hoa Kỳ(4) đã đề cập đến "hệ thống xử lý thông tin" ("information processing system") trên mạng như là phương tiện để gửi và nhận thông điệp dữ liệu. Điều đó cho phép suy ra rằng: trong suy nghĩ của họ, thông điện dữ liệu được gửi hoặc nhận qua các mạng thông tin nên mới cần đến "hệ thống xử lý thông tin" để gửi và nhận. Nói cách khác, quan điểm gắn liền GDĐT với môi trường mạng đã thể hiện khá rõ nét.
3. Khi quy định về thời điểm gửi và nhận "electronic communication", điều 10 và 11 Luật GDĐT năm 2000 của New Zealand(5) đã đề cập đến "hệ thống thông tin" ("information system") trên mạng như là phương tiện để gửi và nhận. Thêm vào đó, họ không dùng từ "data message" (thông điệp dữ liệu), mà lại dùng từ "electronic communication" để chỉ các thông tin. Phải chăng việc dùng từ "communication" thể hiện quan điểm nhấn mạnh đến đặc tính truyền thông - truyền gửi thông tin qua mạng Internet và các mạng thông tin khác?
4. Khoản 1 điều 17, khoản 2.a điều 18 và khoản 1 điều 19 Dự thảo Luật GDĐT lần 9 của Việt Nam(6) đã dùng từ "hệ thống thông tin" trên mạng như là phương tiện gửi và nhận thông điệp dữ liệu. Theo đó, thông điệp dữ liệp được xem là đã gửi khi nó "nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo"; được xem là đã nhận khi "nhập vào hệ thống thông tin" của người nhận. Ở đây, việc gởi và nhận thông điệp dữ liệu dường như được hiểu là gắn liền với truyền qua mạng. Phải chăng cách hiểu "GDĐT là giao dịch được thực hiện toàn bộ hay một phần qua mạng Internet hay các mạng thông tin khác" đã tự động thấm sâu vào suy nghĩ của mỗi người chúng ta?
Trên đây là một số phân tích cho thấy có nhiều quan điểm khác nhau về GDĐT. Việc hiểu rõ các quan điểm này là cần thiết vì nó là nền tảng và có thể ảnh hưởng đến phạm vi điều chỉnh của Luật GDĐT.
2. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA LUẬT GDĐT
Phạm vi điều chỉnh của một văn bản tùy thuộc vào phạm vi chức năng, quyền hạn của người ký quyết định thông qua văn bản đó. Xuất phát từ cơ sở này, chúng ta có thể tham khảo thêm một phương án mới – phương án nhấn mạnh đến "yếu tố Việt Nam" trong Phạm vi điều chỉnh.
"1. Luật này áp dụng đối với giao dịch điện tử thỏa mãn một trong ba điều kiện sau:
- Một trong các bên [liên quan đến] giao dịch là cơ quan, tổ chức, cá nhân [mang quốc tịch] Việt Nam.
- Đối tượng [liên quan đến] giao dịch ở Việt Nam.
- Sự kiện [pháp lý] làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt giao dịch điện tử xảy ra ở Việt Nam.
2. Trong trường hợp không thỏa mãn một trong ba điều kiện trên, Luật này cũng có thể được áp dụng theo thỏa thuận của các bên."
Lưu ý: Những phần trong ngoặc vuông […] có thể xem xét bỏ đi, sửa đổi để câu văn trở nên rõ ràng, dễ hiểu.
Nếu xem xét lại phạm vi điều chỉnh theo phương án này, thì cũng cần xem xét chuyển vào CHƯƠNG II. THÔNG ĐIỆP DỮ LIỆU đoạn sau:
"Các quy định của Luật này không áp dụng đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, thương phiếu và các giấy tờ có giá khác"(6)
3. VẤN ĐỀ GỬI VÀ NHẬN THÔNG ĐIỆP DỮ LIỆU
3.1. Khoản 1 điều 17 Dự thảo Luật GDĐT lần 9 (gọi tắt là "Dự thảo Luật")
"Thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo".
Như đã phân tích ở mục 1, GDĐT có thể được thực hiện trong mạng thông tin hay trong thế giới thực. Vì vậy, cần nhận thức rằng thông điệp dữ liệu có thể được gửi qua mạng thông tin hay trong thế giới thực, miễn là có sử dụng các phương tiện điện tử. Trong trường hợp thông điệp dữ liệu được gửi trong thế giới thực, cần nhận thức rằng các quy định pháp luật hiện hành có thể được áp dụng để xác định thời điểm gửi.
Từ nhận thức trên dẫn đến yêu cầu xem xét lại điều 3 Dự thảo Luật khi cho rằng đây là luật gốc về GDĐT, vì vậy nếu các luật khác có quy định khác với quy định của Luật này về cùng một nội dung liên quan đến GDĐT thì áp dụng quy định của Luật này.
Trong trường hợp thông điệp dữ liệu được gửi qua Internet hay các mạng thông tin khác, thời điểm gửi có thể xác định cụ thể như sau:
- Khi bấm nút SEND để gửi e-mail.
- Khi bấm nút SUBMIT hay FINISH hay nút tương tự để gửi những thông tin đã điền vào trang web cho người nhận, thường áp dụng để mua bán qua các websites hay trong chính phủ điện tử.
- Khi bấm nút "FAX" để gửi fax…
Nhìn chung, thời điểm gửi như trên là dễ hiểu và hợp lý, vì bất kỳ người nào có sự hiểu biết bình thường cũng nhận thức được. Vậy liệu có dễ hiểu và hợp lý khi quy định thời điểm gửi là "thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo"?
Về thuộc tính dễ hiểu, một người sử dụng thuần túy (không chuyên về kỹ thuật) có lẽ sẽ rất ngại xem xét quy định này, vì họ không hiểu và khó có thể hiểu được như thế nào là "nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo". Do đó, quy định này cần được xem xét lại để trở nên gần gũi hơn và dễ hiểu hơn đối với công chúng.
Về tính hợp lý, vấn đề đáng quan tâm nhất là như thế nào thì được xem "nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo"?
- Khi hai người sử dụng hộp thư yahoo để gửi e-mail giao dịch cho nhau, nếu thỏa mãn điều kiện người nhận chưa mở thư và một số điều kiện khác, thì người gửi có thể lấy lại e-mail đã gửi. Khi đó, thời điểm gửi là lúc người gởi bấm nút SEND hay đợi đến lúc "nằm ngoài sự kiểm soát" của họ.
- Doanh nghiệp có một website thương mại nên đã gởi chào bán hàng với giá ưu đãi lên website của mình. Khi đó, doanh nghiệp có khả năng kiểm soát thư chào hàng từ khi bắt đầu gởi lên mạng (upload) đến khi thư chào hàng đã hiển thị trên website. Vậy thời điểm gởi là khi doanh nghiệp upload thư chào hàng lên mạng hay đợi đến lúc "nằm ngoài sự kiểm soát" của họ? Xác định rõ thời điểm chào hàng trong trường hợp này có ý nghĩa pháp lý quan trọng, đặc biệt khi mà phía doanh nghiệp không muốn nói rõ thời điểm bắt đầu chào hàng để duy trì thời hạn chào hàng theo mục đích riêng của mình.
- A ở TP.HCM gửi thông điệp dữ liệu cho B ở Bình Dương thông qua mạng nội bộ của công ty, giả sử công ty này sử dụng đường dây cáp riêng. A cũng chính là người quản trị máy chủ (server) trong môi trường Domain và B đang sử dụng một máy trạm tham gia vào Domain. Khi đó, A dù đã gửi thông điệp dữ liệu cho B, nhưng A vẫn có khả năng kiểm soát được thông điệp dữ liệu vì thông điệp này nhập vào hệ thống thông tin nằm trong sự kiểm soát của A. Khi đó, liệu thời điểm gửi là lúc A bấm nút gởi hay đợi đến lúc thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của A?
Một số dẫn chứng cụ thể nêu trên chưa bao quát tất cả các tình huống thực tiễn, nhưng chúng cho thấy cần thiết xem xét lại tính hợp lý tại khoản 1 điều 17 Dự thảo Luật.
3.2. Khoản 2.a Điều 18 Dự thảo Luật
"Người nhận được coi là đã nhận được thông điệp dữ liệu nếu thông điệp dữ liệu đó nhập vào hệ thống thông tin của mình"
Quy định này là hợp lý, và còn hợp lý hơn nếu người nhận gửi thông báo xác nhận đã nhận được thông điệp.
Về mặt kỹ thuật, người gởi có thể xác định được đường đi của gói tin (đơn vị chia nhỏ của thông điệp dữ liệu để truyền trên mạng), nên có thể biết được gói tin đã nhập vào hệ thống thông tin của người nhận hay chưa.
Đối với người sử dụng thuần túy (không chuyên về kỹ thuật), họ không thể xác định được thông điệp dữ liệu đã nhập vào hệ thống thông tin của người nhận hay chưa. Sự không biết chính xác này có thể gây bất lợi cho người gởi khi mà người nhận cố tình giữ im lặng xem như chưa bao giờ nhận được thông điệp dữ liệu. Vì vậy, các bên cần lưu ý tình huống này, tốt nhất là hệ thống thông tin của người nhận nên có phần mềm tự động (không có sự can thiệp trực tiếp của con người) để thực hiện việc gửi thông báo đã nhận được thông điệp dữ liệu cho người gửi. Đây cũng có thể xem là một điểm đáng quan tâm trong GDĐT của cơ quan nhà nước.
4. VẤN ĐỀ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ THEO MẪU
Hợp đồng điện tử được giao kết qua các website thường là hợp đồng theo mẫu do bên quản lý website cung cấp. Vì vậy, pháp luật cần có quy định bảo vệ phía khách hàng, đặc biệt là người tiêu dùng trước những rủi ro do hợp đồng điện tử theo mẫu của người cung cấp hay do thiết kế website không rõ ràng dễ dẫn đến lỗi thao tác của người tiêu dùng.
4.1. Rủi ro do hợp đồng điện tử theo mẫu(7)
Hợp đồng điện tử theo mẫu có thể có những điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng, và người cung cấp hợp đồng có thể thiết kế website theo hướng hạn chế sự chú ý đến các điều khoản này. Đây được xem là rủi ro đối với người tiêu dùng.
Hợp đồng điện tử không thể hiện rõ ràng một số chi tiết như: giá trị giao dịch, số lượng hàng đã chọn, loại hàng đã chọn… và thiết kế web theo hướng người tiêu dung chủ yếu bấm NEXT tới, mà ít có điều kiện sửa đổi nội dung hợp đồng khi có sự đổi ý. Điều này làm tăng mức độ rủi ro của người tiêu dùng chỉ vì họ không có điều kiện quay lại sửa hợp đồng trước khi chấp nhận toàn bộ giao dịch.
Xuất phát từ một số cơ sở trên, pháp luật cần quy định hợp đồng điện tử phải được thiết kế rõ ràng và dễ sử dụng. Theo đó, bên cung cấp cần thiết kế hợp đồng điện tử đảm bảo một số điều kiện chung tương ứng với mỗi ngành nghề do pháp luật quy định hay các tổ chức hiệp hội quy định. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hạn chế việc thiết kế hợp đồng điện tử một cách tùy tiện, bất hợp lý; tạo điều kiện để sau này xây dựng khung pháp lý cho hợp đồng điện tử.
4.2. Rủi ro do lỗi thao tác của người tiêu dùng(8)
Khi giao kết hợp đồng điện tử qua website, người tiêu dùng dường như phải tự mình làm mọi việc từ chọn hàng, số lượng, phương thức thanh toán… nên dễ phạm phải các lỗi do thao tác. Những lỗi này mang tính khách quan, thể hiện sự không thống nhất giữa thao tác bên ngoài với ý chí bên trong của người tiêu dùng do bị ảnh hưởng bởi yếu tố kỹ thuật.
Chẳng hạn như: Người tiêu dùng truy cập một website để mua 3 cuốn truyện Harry Poster vốn rất hiếm ngoài thị trường. Nhưng khi đặt mua lại bấm nhầm 30 cuốn do website đặt chọn lựa số 3 và số 30 quá gần nhau dẫn đến bấm lộn hay do chuột bị hư hay do các nguyên nhân kỹ thuật khác, sự thiếu kinh nghiệm của người tiêu dùng… Những lỗi thao tác này dẫn đến nhầm lẫn trong giao dịch, mặc dù phần lớn là do người tiêu dùng nhưng cũng phải xem xét đến sự không thống nhất trong ý chí của người tiêu dùng do lỗi kỹ thuật. Thêm vào đó, những doanh nghiệp chân chính khi tiến hành thương mại điện tử có lẽ cũng sẽ rất quan tâm đến yếu tố này để mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Nghĩa là họ chấp nhận không buộc khách hàng phải mua 30 cuốn truyện trong trường hợp này.
Xuất phát từ cơ sở trên, Dự thảo Luật nên xem xét bổ sung quy định chung về lỗi thao tác của người tiêu dùng, làm tiền đề cho các quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao kết hợp đồng điện tử nói chung, GDĐT nói riêng. Đồng thời, chúng ta nên xem xét đến cả khả năng hợp đồng điện tử vô hiệu xuất phát từ lỗi thao tác của người tiêu dùng mà nguyên nhân chủ yếu là do bên cung cấp hợp đồng không thiết lập các bước cần thiết để người tiêu dùng khẳng định ý chí của họ.
Kiến nghị cụ thể: "Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, hợp đồng điện tử được xác lập do lỗi thao tác của người tiêu dùng sẽ bị vô hiệu khi bên cung cấp hợp đồng không thực hiện đầy đủ các biện pháp cần thiết để xác nhận ý chí của người tiêu dùng".
---------------------------
(1) Khoản 7 điều 4 Dự thảo Luật Giao dịch điện tử lần 9, ngày 21/07/2005.
(2) Khoản 12 điều 4 Dự thảo Luật Giao dịch điện tử lần 9, ngày 21/07/2005.
(3) Khoản 1 điều 15 Luật mẫu về Thương mại điện tử năm 1998 của UNCITRAL: "Unless otherwise agreed between the originator and the addressee, the dispatch of a data message occurs when it enters an information system outside the control of the originator or of the person who sent the data message on behalf of the originator". Trích từ trang 8 Tập 2 đề tài "Một số vấn đề pháp lý về giao dịch điện tử" năm 2003 của Đại học Luật TP.HCM.
(4) Khoản 1.a điều 15 Đạo luật Giao dịch điện tử thống nhất năm 1999 của Hoa Kỳ: "Unless of otherwise agreed between the sender and the recipient, an electronic record is sent when it: (a) is addressed properly or otherwise directed properly to an information processing system that the recipient has designated or uses for the purpose of receiving electronic records or information of the type sent and from which the recipient is able to retrieve the electronic record…". Trích từ trang 29 Tập 2 đề tài "Một số vấn dề pháp lý về giao dịch điện tử" năm 2003 của Đại học Luật TP.HCM.
(5) Điều 10 và 11 Luật Giao dịch điện tử năm 2000 của New Zealand:
"10. Time of dispatch
(1) An electronic communication is taken to be dispatched at the time the electronic communication first enters an information system outside the control of the originator…
11. Time of receipt
An electronic communications is taken to be received, -
(a) in the case of an addressee who has designated an information system for the purpose of receiving electronic communications, at the time the electronic communication enters that information system; or
(b)in any other case, at the time the electronic communication comes to the attention of the addressee."
Trích từ trang 164, 165 Tập 2 đề tài "Một số vấn dề pháp lý về giao dịch điện tử" năm 2003 của Đại học Luật TP.HCM.
(6) Đoạn thứ hai trong điều 1 Dự thảo Luật Giao dịch điện tử lần 9, ngày 21/07/2005.
(7) Tham khảo kiến nghị tại trang 85, Tập 1 đề tài "Một số vấn đề pháp lý về giao dịch điện tử" năm 2003 của trường Đại học Luật TP.HCM.
(8) Tham khảo kiến nghị tại trang 84 và 85, Tập 1 đề tài "Một số vấn đề pháp lý về giao dịch điện tử" năm 2003 của trường Đại học Luật TP.HCM.