Góp ý của VCCI

Thứ Sáu 15:16 08-08-2008


PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
-----------------------------
Số:                     /PTM-PC
 


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 
 
Hà Nội,  ngày  08  tháng 08 năm 2008


 
Kính gửi:      BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
V/v: Góp ý Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi


 
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận được Công văn số 2223/BTTTT-CBC của Quý Bộ đề nghị góp ý Dự thảo Luật Báo chí (Dự thảo). Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số góp ý đối với Dự thảo ngày 14/07/2008 như sau:

I. Nhận xét chung

Để Dự thảo có tính khả thi và đi vào cuộc sống, những quy định phải rõ ràng, minh bạch, hợp lý, phù hợp với thực trạng hoạt động của báo chí nước ta hiện nay và có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của báo chí trước những yêu cầu trong tiến trình hội nhập.

Nhìn chung, Dự thảo đã đáp ứng được những yêu cầu trên, tuy nhiên, còn một số quy định vẫn chưa đảm bảo được tính minh bạch và hợp lý.

II. Các góp ý cụ thể

1. Về tổ chức bộ máy và cơ cấu nhân sự của cơ quan báo chí

Dự thảo xem cơ quan báo chí là tổ chức và hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện và điều kiện để thành lập cơ quan báo chí là nét nổi bật của dự luật lần này, nhưng về phần tổ chức bộ máy và cơ cấu nhân sự lại tỏ ra cồng kềnh lúng túng. Theo dự thảo thì cơ quan chủ quản báo chí có 8 nhiệm vụ quyền hạn trong đó có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, và Tổng biên tập… Cử đại diện lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, quản lý cơ quan báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình đối với các sai phạm cuả cơ quan báo chí (điều 24). Dự thảo còn buộc cơ quan chủ quản (thành lập) báo chí phải có 2 người có đủ tiêu chuẩn về chính trị, và nghiệp vụ báo chí tương tự như nhau để đảm nhiệm chức vụ Người đứng đầu cơ quan báo chí và Tổng biên tập. Trong khi nhiệm vụ của người đứng đầu và Tổng biên tập khác nhau (Điều 23, 26, 27).

-  Một người là Chủ nhiệm (báo viết, báo điện tử) đại diện cho cơ quan chủ quản đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện nghiệp vụ, kinh phí tạo điều kiện cho hoạt động báo chí, quản lý tài sản và đội ngũ nhân viên  làm  nhiệm vụ kinh tế của cơ quan báo chí là chủ yếu.

-  Một người là Tổng biên tập có nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, biên tập tin bài và nội dung thông tin trên các sản phẩm  báo chí và điều hành quản lý phóng viên, biên tập viên… Hai người đều là “đại diện” giúp cơ quan chủ quản báo chí thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trước pháp luật. Họ vừa có tính độc lập vừa phụ thuộc vào nhau, do đó chủ nhiệm  hoặc giám đốc không nhất thiết phải tốt nghiệp đại học báo chí, mà chỉ cần có bằng đại học chuyên ngành trở lên là được. Đòi hỏi cả 2 đều phải có bằng đại học báo chí là gây khó khăn về nhân sự, trùng lặp không cần thiết.

Khi cơ quan báo chí có từ 2, 3 sản phẩm báo chí trở lên thì có thêm Người đứng đầu cơ quan báo chí là cần thiết. Nhưng nhiệm vụ quyền hạn của Người đứng đầu cơ quan báo chí (chủ nhiệm, giám đốc, tổng giám đốc) chỉ nên bao gồm: (i) xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên của cơ quan báo chí do mình phụ trách; (ii) Chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản về nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về các hoạt động của mình trong lĩnh vực đầu tư phát triển, quản lý tài sản của đơn vị giao cho mình, hoặc mình giao lại cho tổ chức cá nhân thuộc quyền; (iii) Xem xét và quyết định khen thưởng và kỷ luật cán bộ nhân viên dưới quyền; (iv) không kiêm nhiệm chức vụ Tổng biên tập đối với bất kỳ sản phẩm báo chí nào, do đó tiêu chuẩn của người đứng đầu cơ quan báo chí là:(i) người có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam, (ii) có hiểu biết về nghiệp vụ báo chí và có nghiệp vụ về quản lý kinh tế, kỹ thuật từ đại học trở lên, không nhất thiết phải tốt nghiệp đại học báo chí hoặc chuyên ngành báo chí!.

Như vậy, chức năng quản lý – chủ yếu về kinh tế tài chính - của người đứng đầu cơ quan báo chí và chức năng quản lý của Tổng biên tập - chủ yếu về nội dung bài vở - sẽ minh bạch rõ ràng, không trùng lặp, dễ phối hợp, kể cả trong trường hợp báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu hay trở thành doanh nghiệp hoặc tập đoàn báo chí như dự thảo đã dự liệu.

2. Thuê, tuyển nhà báo làm việc cho báo ở nước ngoài (Điều 18)

Nhu cầu thông tin của các báo trong xu hướng hiện nay là rất đa dạng và ngày càng mang tính quốc tế hóa thông tin để chuyển tải đến bạn đọc. Nhu cầu cần có phóng viên thường trú tại một số nước và khu vực là chắc chắn trong thời gian tới của nhiều cơ quan báo chí. Xu hướng tuyển phóng viên là người đang làm việc sinh sống ở nước sở tại sẽ thuận lợi hơn, giảm được nhiều chi phí cho cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, với điều kiện trong Điều 18: “Nhà báo là người có quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam...” sẽ khiến các cơ quan báo chí rất khó để đặt phóng viên thường trú ở nước ngoài, chi phí cao vì phải đưa người trong nước ra nước ngoài, trong khi khả năng tác nghiệp của phóng viên trong nước khi ra làm việc ở nước ngoài chưa chắc tốt hơn người nước sở tại.

Đề nghị, Dự thảo bổ sung quy định về việc thuê tuyển phóng viên ở nước ngoài (gồm cả người nước ngoài và Việt kiều); hoặc giao cho Chính phủ soạn thảo Quy chế riêng về việc thuê, tuyển phóng viên của báo tại nước ngoài.

3. Liên kết trong hoạt động báo chí (Điều 33):

Điều 33 Dự thảo quy định: “Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật sau khi được sự đồng ý của cơ quan chủ quản và đượcBộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoặc chấp thuận bằng văn bản”. Điều này có thể gây khó khăn trong hoạt động của báo chí do không thể tự chủ trong một số hoạt động mà phải phụ thuộc quá nhiều đến việc xin phép cơ quan nhà nước. 

Đề nghị Dự thảo quy địnhChỉ phải xin ý kiến chấp thuận của Bộ TT-TT trong các hoạt động liên kết sau: Khai thác mua bản quyền về măng sét, nội dung các ấn phẩm của nước ngoài thuộc các lĩnh vực được quy định để xuất bản tại VN; Cho tổ chức báo chí nước ngoài được khai thác mua bản quyền măng sét, nội dung của báo chí trong nước ra nước ngoài; liên doanh liên kết trong hoạt động phát hành, quảng cáo, thiết kế, in ấn với tổ chức nước ngoài.Trong trường hợp cơ quan báo chí trong nước liên kết về in ấn, phát hành, quảng cáo, thiết kế trình bày với tổ chức và cá nhân trong nước thì không cần xin phép bộ TT-TT. Cần trao quyền chủ động này cho cơ quan báo chí. Như hiện nay quyền này của cơ quan báo chí được chủ động là phù hợp và thuận lợi.

4. Phát hành báo chí (Điều 38):

Điều 38 Dự thảo quy định: “Cơ quan báo chí thực hiện phát hành báo chí theo đúng quy định ghi trong giấy phép hoạt động báo chí”. Quy định này rất chung chung. Đề nghị Dự thảo bổ sung quy định về việc các cơ quan báo chí được phát hành báo chí ra nước ngoài khi có nhu cầu. Việc phát hành này không phải làm thủ tục xin phép cơ quan quản lý nhà nước nhưng khi thực hiện cơ quan báo chí cần có công văn thông báo về kế hoạch phát hành báo chí ra nước ngoài. Kế hoạch cần nói rõ: Phát hành đến địa bàn nước nào, phương thức, đơn vị cá nhân nào đứng ra liên kết phát hành, số lượng và giá bán dự kiến (nếu cần).

Để tạo điều kiện thuận lợi cũng như hiệu quả trong hoạt động của cơ quan báo chí, đề nghị Dự thảo bổ sung quy định, Cơ quan báo chí có được thuê, tổ chức in ấn ở nước ngoài để phục vụ cho việc phát hành báo chí của cơ quan mình ở nước ngoài. Thủ tục cần xin phép cơ quan quản lý nhà nước trước khi in ấn. Nếu cần có quy chế riêng hoặc có văn bản hướng dẫn chi tiết.

5. Quảng cáo trên báo chí

Quảng cáo trên báo chí đang là nguồn thu quan trọng của cơ quan báo chí. Mặt khác, quảng cáo trên báo chí cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của người đọc (việc một tờ báo có số lượng quảng cáo quá nhiều có thể gây phản cảm cho người đọc, và liệu có công bằng không khi người đọc bỏ tiền ra để “tiếp nhận” những thông tin do báo chí đưa đến lại phải chịu luôn cả chi phí của các tờ quảng cáo trên báo chí?). Như vậy, để cân bằng lợi ích giữa cơ quan báo chí và người đọc, Dự thảo cần phải quy định rõ về việc quảng cáo trên báo chí.

-  Hạn chế về số lượng quảng cáo trên báo chí (số trang quảng cáo trên báo viết chiếm tỷ lệ bao nhiêu? Số giờ quảng cáo trên báo nói, báo hình chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong thời lượng phát sóng);

- Trên từng trang nội dung chính của tờ báo, diện tích quảng cáo không được vượt quá bao nhiêu phần trăm diện tích nào đó (nên quy định là không vượt quá 50% diện tích trang nội dung). Quy định điều này để đảm bảo quyền lợi cho bạn đọc khi đọc báo; cũng giống như quảng cáo trên truyền hình, đài phát thanh thì không được xen ngang chương trình với thời lượng quá bao nhiêu giây;

-  Dự thảo cũng phải quy định rõ về việc một tờ báo muốn có phụ trương quảng cáo (thủ tục thế nào, có phải xin phép không?)

6. Giải thể cơ quan báo chí, sáp nhập cơ quan báo chí hoặc sáp nhập báo chí

Cần có quy định rõ điều này vì trên thực tế hiện nay có nhiều tờ báo không sống được trên thị trường, số phát hành rất thấp, thậm trí vài trăm tờ/kỳ phát hành; những ấn phẩm này trên thực tế có nội dung giống với nhiều ấn phẩm khác. Cần có cơ chế cho phép các cơ quan báo chí khác sáp nhập các tờ báo như vậy vào cơ quan của họ để có thế phát triển tờ báo tốt hơn; hoặc có thể xem xét cho đóng cửa hoạt động khi đến một ngưỡng lỗ nào đó, không có hướng phát triển hiệu quả thêm được, càng tồn tại càng lỗ thêm.

Đây là một thực tế sẽ diễn ra và sẽ có nhiều cơ quan báo chí có tiềm lực, phát triển tổt sẽ có nhu cầu đa dạng hoá các loại hình báo chí và ấn phẩm báo chí ở các lĩnh vực khác nhau, tiến tới hình thành nhóm báo chí (tập đoàn báo chí) truyền thông đa phương tiện. Trong Dự thảo điều luật này đã có các quy định mang tính mở này thì nhất thiết phải có thêm điều khoản này để điều chỉnh các hoạt động thực tế sắp tới.

7. Trao thêm quyền tự chủ trong các cơ quan báo chí:

Cần trao thêm quyền tự chủ cho các cơ quan báo chí trong các hoạt động liên quan đến nhu cầu phát triển. Cụ thể:

-  Tăng trang, giảm trang nội dung không thường xuyên (đột xuất): Chỉ cần có văn bản thông báo trước khi phát hành tối thiểu 2 ngày đối với báo ngày, 4 ngày đối với báo tuấn và 1 tuần đối với báo tháng.

- Cơ chế tài chính nộp về cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí do cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí tự thỏa thuận nhưng phải đảm bảo thực hiện đủ các nghĩa vụ thuế và các quy định liên quan đến sử dụng nguồn thu của cơ quan báo chí;

8. Một số góp ý khác

-  Thời gian lưu chiểu báo chí: Dự thảo quy định cơ quan báo chí phải nộp lưu chiểu báo chí chậm nhất là hai giờ kể từ thời điểm phát hành. Điều này có khả thi không khi thực tế thời điểm phát hành của báo chí thường là rất sớm (một số tờ báo phát hành vào 3, 4 giờ sáng), hai tiếng sau thời điểm phát hành thì chưa đến giờ làm việc của các cơ quan nhà nước;

-  Điều 22 Dự luật quy định, cơ quan bảo chí có thể hoạt động theo hình thức doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Nhưng trong cả Dự thảo lại không hề quy định về hình thức hoạt động này của cơ quan báo chí? Điều này sẽ gây khó khăn cho thực tế thực hiện;

- Quy định về cải chính trên báo chí: khoản 3 Điều 21 quy định, “trường hợp cơ quan báo chí, tác giả tự phát hiện thông tin trên báo chí sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải cải chính, xin lỗi theo quy định tại khoản 2 Điều này”, trong khi khoản 2 Điều này lại quy định về cách thức cải chính trong trường hợp cơ quan báo chí phải cải chính khi có quyết định của cơ quan nhà nước và căn cứ cũng như thời điểm cải chính phụ thuộc vào văn bản kết luận của cơ quan nhà nước. Còn trường hợp này là cơ quan báo chí tự phát hiện thì cải chính tại thời điểm nào? Lấy mốc ở đâu? Đề nghị Dự thảo quy định rõ;

-  Quy định về họp báo: Điều 43 Dự thảo quy định về việc tổ chức, cá nhân phải xin phép cơ quan quản lý báo chí khi muốn tổ chức họp báo. Dự thảo quy định tổ chức, công dân muốn họp báo thì phải thông báo trước 24 giờ cho cơ quan nhà nước ở địa phương và chỉ được tổ chức khi cơ quan quản lý cho phép nhưng lại không quy định thời gian cơ quan quản lý nhà nước phải trả lời? Đề nghị Dự thảo quy định cụ thể để tạo sự thuận lợi khi thực hiện;

- Điều 48 Dự thảo quy định về xử lý vi phạm hành chính còn rất chung chung: “…Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về cung cấp thông tin cho báo chí, trả lời trên báo chí, thành lập cơ quan báo chí; quảng cáo trên báo chí; bản quyền trên báo chí; in ấn, phát hành, truyền dẫn, phát sóng các tác phẩm báo chí đã có quyết định đình chỉ, cấm lưu hành; họp báo, cản trở hoạt động báo chí, đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, làm hư hỏng phương tiện, tài liệu và các quy định khác của pháp luật về báo chí thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính …”. Dự thảo cần phải quy định rõ các hành vi vi phạm và biện pháp xử lý tương ứng trong lĩnh vực báo chí hoặc quy định cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản đó, để đảm bảo tính khả thi của văn bản luật.

Trên đây là một số ý kiến góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luât Báo chí rất mong được Quý cơ quan xem xét và tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.


 
Nơi nhận:
-         Như trên
-         Lưu VT, PC


K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
 
 
 
 
     HOÀNG VĂN DŨNG


Các văn bản liên quan