Góp ý của TS. Ng Kỳ Việt-Trung tâm Trọng tài TM Cần Thơ

Thứ Sáu 11:16 26-05-2006
MỘT SỐ Ý KIẾN
Theo danh mục gợi ý tại Hội thảo luật DNTN ngày 08/06/2005

TS Nguyễn Kỳ Việt
Phó Chủ tịch
Trung tâm Trọng tài Thương mại Cần Thơ


I/- Về giấy phép kinh doanh:

Hiểu một cách thông thường "Giấy phép" là giấy cho phép, do đó giấy phép kinh doanh là giấy cho phép kinh doanh, nhưng theo quy định của Nghị định 03/2000/NĐ-CP ngày 03/02/2000 của Chính phủ thì giấy phép kinh doanh lại là "Giấy cho phép để đăng ký kinh doanh".

Dự thảo đưa ra khái niệm mới về giấy phép tôi thấy là chưa hợp lý, vì toàn bộ khái niệm này đều là khái niệm về "Cấp phép", có chăng là thêm câu cuối cùng "Kết quả của cấp phép là giấy phép".

Nên chăng ta bỏ câu cuối cùng để khái niệm được đưa ra trong dự thảo là khái niệm về từ "Cấp phép".

Trước đây, chúng ta cũng đã có định nghĩa về "Giấy phép đầu tư" là: Văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho nhà đầu tư, là cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư chứng nhận thực hiện hoạt động kinh doanh. Giấy phép đầu tư có giá trị như giấy đăng ký kinh doanh.

Như thế, thủ tục cấp phép như thế nào cũng được nhưng làm sao để "Giấy phép kinh doanh" có giá trị như "Giấy đăng ký kinh doanh". Có như thế mới phù hợp trong khái niệm về từ "Giấy phép".

Tôi thống nhất với ý kiến cho rằng việc ban hành giấy phép kinh doanh và những hạn chế khác trong các lĩnh vực kinh doanh chuyên ngành hiện còn tuỳ tiện nên các Bộ, ngành đưa ra những điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho người kinh doanh. Phía sau việc cấp phép có khi là tiêu cực.

Vì vậy Luật doanh nghiệp thống nhất nên quy định một quy trình và coi đó là một quy tắc tổng thể mà các Bộ, ngành khi ban hành các điều kiện kinh doanh phải tuân thủ. Dĩ nhiên khi quy trình đã thành luật, thì mọi người phải tuân theo.

II/- Về một số ngành nghề đòi hỏi phải kinh doanh dưới hình thức hợp danh:

Theo Luật doanh nghiệp 1999 và theo dự thảo Luật doanh nghiệp thống nhất (lần 2) thì mô hình Công ty hợp danh của Việt Nam không phải là mô hình Công ty hợp danh truyền thống.

Theo mô hình Công ty hợp danh truyền thống thì các thành viên của công ty đều là thành viên hợp danh; chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ trong hoạt động của công ty; công ty không có tư cách pháp nhân; doanh nghiệp không phải là đương sự, mà chính các thành viên công ty mới là nguyên đơn, bị đơn trong vụ kiện... Vì Công ty hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn nên công ty ít đầu tư vào các lĩnh vực có độ rủi ro cao.

Mô hình Công ty hợp danh theo Luật doanh nghiệp 1999 và dự thảo Luật doanh nghiệp thống nhất của Việt Nam thì Công ty hợp danh có hai loại thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn đối với phần góp vốn của mình.

Như thế mô hình Công ty hợp danh Việt Nam thực chất của nó là Công ty hợp danh hữu hạn (Limited partnership). Do đó nó đã loại trừ được tâm lý lo sợ không dám đầu tư vào các lĩnh vực có độ rủi ro cao.

Các loại hình dịch vụ được gợi ý lấy ý kiến thuộc những ngành nghề đòi hỏi khả năng, trách nhiệm cao của người thực hiện. Mọi sự sai lầm của người thực hiện dịch vụ thường đưa đến những hậu quả nghiêm trọng đối với người yêu cầu dịch vụ. Do đó pháp luật đòi hỏi người thực hiện dịch vụ phải chịu trách nhiệm vô hạn cũng không sai. Đó chỉ là biện pháp để người thực hiện dịch vụ luôn luôn tuân thủ nghề nghiệp, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Mặc khác đây cũng là một hình thức để bảo vệ cho người có yêu cầu dịch vụ. Pháp luật phải bình đẳng cho mọi người.

Do đó, tôi nhất trí các ngành nghề được nêu trong gợi ý thảo luận cần phải kinh doanh dưới hình thức Công ty hợp danh.

III/- Về quy định "Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự"

Luật doanh nghiệp 1999 quy định "Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự" không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp.

Dự thảo Luật doanh nghiệp thống nhất đã định nghĩa "Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự" là người đang bị quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, một người nhận được quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền thì không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp.

Tôi không thống nhất với quy định này. Lý do: trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội của mình.

Truy cứu trách nhiệm hình sự là hoạt động của Nhà nước (thông qua các cơ quan chức năng) buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Hoạt động này bao gồm: khởi tố của cơ quan điều tra, truy tố của Viện kiểm sát, xét xử của Tòa án.

Một người chỉ bị khởi tố bị can, chưa thể kết luận là có tội. Dù đã có kết luận của cơ quan công an điều tra nhưng Viện kiểm sát không đồng ý truy tố thì cũng không có căn cứ nào để cho rằng bị can phạm tội. Nếu Viện kiểm sát đã truy tố, nhưng Tòa án xét xử lại tuyên không phạm tội thì sao?

Theo Điều 9 của Bộ luật tố tụng hình sự thì "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật".

Trong thực tiễn, cũng có nhiều trường hợp đã khởi tố, truy tố, xét xử cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm, nhưng cuối cùng là oan sai, bị cáo được tuyên "Không phạm tội". Hiện tại một số cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam đang phải bồi thường thiệt hại cho các công dân vì đã khởi tố, đã truy tố, đã xét xử oan.

Như thế, một người đang bị quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền, chúng ta chưa khẳng định là họ có tội. Vì thế quy định người bị truy cứu trách nhiệm hình sự không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp là đã xâm phạm đến quyền công dân của họ.

Đối với một người bị khởi tố bị can do phạm pháp quả tang, người đó đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Thông thường thì những trường hợp này thì ngoài việc bị khởi tố bị can, họ còn bị tạm giam. Người đang bị tạm giam (mất tự do dù là tạm thời) thì không thể thành lập và quản lý doanh nghiệp được.

Theo tôi tại Khoản 6 Điều 9 dự thảo luật doanh nghiệp thống nhất nên quy định "Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền do phạm tội quả tang hoặc/và đang bị tạm giam.."

IV/- Có nên cho phép một cá nhân có quyền thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn?

Vấn đề một cá nhân đứng ra thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn, hiện tại ở nhiều quốc gia trên thế giới có cách xử lý vấn đề này khác nhau, có nước cho thành lập, có nước không cho thành lập. Ở Việt Nam có loại hình công ty TNHH một thành viên, nhưng thành viên phải là tổ chức.

Theo tôi, không nên cho phép một cá nhân thành lập công ty TNHH một thành viên.
Lý do:

- Theo nghĩa truyền thống thì khó thuyết phục để cho mọi người hiểu công ty mà lại chỉ có một người.
- Là thành viên duy nhất góp vốn vào công ty, tự điều hành, tự kiểm tra, tự quyết định,... và đến khi phải chịu trách nhiệm thì giới hạn trách nhiệm. Đây là điểm thiếu bình đẳng với đối tác.
- Nếu góp vốn bằng hiện vật thì ai kiểm tra. Tự thành viên đó phong cho mình là uỷ viên kiểm tra để tự mình đánh giá, định giá hiện vật góp vốn của mình vào công ty.
- Vấn đề pháp nhân của công ty loại này rất khó giải thích khi đối chiếu với định nghĩa về pháp nhân.
- Ban kiểm soát công ty loại này là ai?
- Tự mình chi, tự mình duyệt quyết toán, tự mình quyết định chia lãi, tự mình quyết định sửa đổi điều lệ công ty.

Do có nhiều quyền như vậy nên không nên giới hạn trách nhiệm.

V/- Về tiêu chuẩn người đại diện theo uỷ quyền:

Theo Khoản 1 Điều 35 dự thảo Luật doanh nghiệp thống nhất: "Hội đồng thành viên gồm tất cả các thành viên, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Trong trường hợp thành viên là tổ chức, thì thành viên đó chỉ định đại diện theo uỷ quyền tham gia Hội đồng thành viên..."

Theo tôi thì không nên quy định tiêu chuẩn của người đại diện theo uỷ quyền trong Luật doanh nghiệp thống nhất. Lý do:

- Vấn đề "Đại diện" đã được quy định rất đầy đủ và rõ ràng trong Bộ luật dân sự từ Điều 148 đến Điều 157. Chế định này đã đầy đủ nên ngay trong đợt sửa đổi bổ sung Bộ luật dân sự, Quốc hội vừa thông qua, không ai đặt ra sửa đổi bổ sung đối với chế định này.
Do đó khi tổ chức cần chỉ định người đại diện theo uỷ quyền cho tổ chức thì chỉ nên vận dụng các quy định của chế định này trong Bộ luật dân sự để làm hợp đồng uỷ quyền.

- Trong mối quan hệ giữa Bộ luật dân sự và Luật doanh nghiệp thì Bộ luật dân sự là "Luật chung"; Luật doanh nghiệp là "Luật riêng". Vì thế giải quyết vấn đề đại diện theo uỷ quyền trên cơ sở quan hệ "Luật chung" và "Luật riêng" là phù hợp.

- Khi luật đặt ra tiêu chuẩn đối với người đại diện theo uỷ quyền đã hạn chế quyền của tổ chức tham gia công ty với tư cách thành viên. Đã là thành viên, thì họ có quyền này theo quy định của pháp luật; dĩ nhiên tổ chức phải là pháp nhân chịu trách nhiệm đối với giao dịch do người đại diện thực hiện trong phạm vi thẩm quyền đại diện.

VI/- Về công ty Nhà nước và Luật doanh nghiệp (thống nhất):

Ở các quốc gia phát triển nhất, vẫn còn sự hiện diện của doanh nghiệp Nhà nước ở một số lĩnh vực không thể tư nhân hoá (có quốc gia gọi đó là Xí nghiệp công). Sự hiện diện của doanh nghiệp Nhà nước không có gì đáng trách, cơ bản là xuất hiện ở ngành nghề nào; xuất hiện không xâm phạm đến quyền tự do kinh doanh của người dân; xuất hiện và hoạt động vì lợi ích của người dân.

Do đó, mục đích ban hành Luật doanh nghiệp (thống nhất) để dần dần sau một thời gian chuyển các công ty Nhà nước thành công ty TNHH hoạt động theo Luật doanh nghiệp (thống nhất), đây là chuyện không thể xảy ra.

Do không cần thiết phải giữ độc quyền; do các cam kết khi tham gia các điều ước quốc tế; do hoạt động không hiệu quả; do ngành nghề để tư nhân hoạt động thì có lợi cho đất nước hơn; do chiến lược kinh tế - xã hội... nên các doanh nghiệp Nhà nước cần cổ phần hoá, cho thuê, bán, chấm dứt hoạt động. Nhưng nền kinh tế của chúng ta về lâu dài vẫn còn sự hiện diện của doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy đương nhiên phải tồn tại hai luật: Luật doanh nghiệp Nhà nước và Luật doanh nghiệp (thống nhất).

Theo đó, công ty Nhà nước nào hay bộ phận nào của doanh nghiệp Nhà nước khi chuyển sang công ty TNHH hay cổ phần thì các công ty này hoạt động theo Luật doanh nghiệp.

Dĩ nhiên, Luật doanh nghiệp Nhà nước qua thời gian trên cơ sở biến chuyển của nền kinh tế - xã hội, của quá trình hội nhập quốc tế phải được sửa đổi, bổ sung.

VII/- Một số vấn đề khác:

Theo Điều 122 của dự thảo (lần 2) Luật doanh nghiệp (thống nhất) ghi rằng: Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Đây là mốc thời gian theo dự tính của ban soạn thảo.

Trong khoản thời gian còn lại này, vấn đề hội nhập quốc tế, tham gia các điều ước quốc tế, gia nhập các tổ chức quốc tế... là nhu cầu khẩn thiết của chúng ta trong mong muốn có một "Luật chơi" chung.

Khi tham gia các điều ước quốc tế, chúng ta có những cam kết, có cam kết cần lộ trình. Nhưng hầu hết các điều ước quốc tế, chúng ta đều thoả thuận dành cho nhau đối xử tối huệ quốc (MFN), dành cho nhau đối xử quốc gia (NT).

Chính những thoả thuận này sẽ chi phối việc dự thảo luật của chúng ta rất nhiều trong đó có Luật doanh nghiệp (thống nhất).

Trước mắt, vấn đề gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), với các thông tin mới nhất triển vọng của Việt Nam tham gia tổ chức này rất gần với một sân chơi rộng lớn (hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ), với hàng vạn doanh nghiệp trong tổ chức này, Luật doanh nghiệp (thống nhất) sẽ ban hành phải thể hiện cam kết cơ bản: đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia đối với các doanh nghiệp nước ngoài trong WTO sẽ tham gia vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Các văn bản liên quan