Góp ý của tiến sỹ Nguyễn Thị Thương Huyền

Thứ Ba 09:38 23-05-2006
Góp ý dự thảo Nghị định qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thương Huyền - Học viện Tài chính

1. Về đối tượng nộp thuế
Cần loại trừ những cá nhân đã được xác định là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 164 (Điều 1, Khoản 2) như Bác sỹ, luật sư, kế toán, kiểm toán, hoạ sỹ, kiến trúc sư, nhạc sỹ và cá nhân hành nghề độc lập khác; cá nhân cho thuê tài sản như nhà, đất, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị và các loại tài sản khác; cá nhân nước ngoài kinh doanh có thu nhập phát sinh tại Việt nam…

2. Về thu nhập chịu thuế- Cần giải thích rõ thế nào là thu nhập thường xuyên và thế nào là thu nhập không thường xuyên, điều này hết sức quan trọng vì nó liên quan đến việc xác định phạm vi mức độ của nghĩa vụ thuế mà cụ thể là liên quan đến việc xác định thuế suất. Còn nếu dùng phương pháp liệt kê như trong dự thảo thì đi kèm với nó phải là phương pháp loại trừ để tránh bỏ sót nguồn thu.

- Trong dự thảo Nghị định có những khoản được xác định là thu nhập thường xuyên như tiền thưởng, tiền nhuận bút, thu nhập từ sử dụng bằng sáng chế, tiền bản quyền…nhưng xét cho cùng những khoản thu nhập này có thể là thường xuyên và có thể là không thường xuyên. Chẳng hạn, tiền nhuận bút được coi là thu nhập thường xuyên đối với các biên tập viên, phóng viên của cơ quan báo chí còn sẽ là thu nhập không thường xuyên của các cộng tác viên không làm nghề báo; Hoặc đối với tiền thưởng đột xuất thì không phải là thu nhập thường xuyên v..v…

- Không nên khống chế ở mức không quá 15% tổng thu nhập đối với trường hợp người sử dụng lao động trả thay tiền nhà cho người lao động, bởi tiền nhà được trả thay là một khoản thu nhập của người lao động, trả thay bao nhiêu được coi là thu nhập bấy nhiêu, hơn nữa sự hạn chế này dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước.

3. Về việc mở tài khoản tạm thu thuế
Dự thảo qui định cho phép cơ quan thuế được mở tài khoản để theo dõi số thuế thu nhập cá nhân tạm khấu trừ 10% với mục đích đảm bảo hoàn kịp thời cho các cá nhân thuộc diện được hoàn. Tuy nhiên nếu qui định như vậy sẽ có những điểm chưa thật phù hợp, bởi hai lẽ:

- Nếu qui định như vậy thì trên thực tế thực hiện không hoàn toàn đơn giản, mức kết dư trên tài khoản là bao nhiêu, dựa theo tiêu thức nào cho phép cơ quan thuế kết dư trên tài khoản tạm thu thuế nhiều hay ít?

- Việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân được thực hiện theo năm (đối với người nước ngoài có thể thực hiện khi họ kết thúc hợp đồng làm việc và không quay trở lại Việt Nam, trường hợp này không có nhiều), do vậy số tiền trên tài khoản này sẽ được sử dụng khi quyết toán thuế trong trường hợp phải hoàn thuế. Như vậy sẽ gây nên tình trạng tiền để ở cơ quan thuế không sử dụng trong năm (từ tháng 1 đến tháng 12 dương lịch), trong khi nhà nước có thể phải vay, trả lãi để bù đắp bội chi.

4. Về ưu đãi thuế

- Dự thảo qui định sẽ bãi bỏ những qui định về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân tại một số văn bản qui định trước đây có liên quan vì lý do mức điều tiết về thuế thu nhập cá nhân đối với người Việt nam sẽ giảm nhiều. Thiết nghĩ không chỉ vì lý do đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà bãi bỏ qui định về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, vấn đề là phải cân nhắc trên nhiều khía cạnh, tính đến hiệu quả trên nhiều mặt. Bởi sự ưu đãi thuế thu nhập cá nhân gắn kết với chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển công nghệ phần mềm, chính sách khuyến khích xã hội hoá các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao của Đảng và nhà nước hiện nay. Thứ nữa, rất có thể việc bãi bỏ ưu đãi thuế thu nhập cá nhân sẽ có những ảnh hưởng liên đới bất lợi đến các sắc thuế khác. Chẳng hạn, theo dự thảo Nghị định 164 (sửa đổi) lại đặc biệt ưu đãi đối với các ngành nghề, lĩnh vực sẽ bỏ ưu đãi thuế thu nhập cá nhân.

- Cần nghiên cứu giảm dần các ưu đãi, không nên bãi bỏ các ưu đãi một cách “đột ngột” để tránh những tác động bất lợi hoặc sẽ phải có động thái sửa đổi, bổ sung văn bản khi văn bản chưa được thực thi bao lâu ( Nghị định 164 là một minh chứng cho điều này).
Hà Nội, ngày 4 tháng 6 năm 2004
Tiến sỹ, Nguyễn Thị Thương Huyền

Các văn bản liên quan