Góp ý của Ông Vũ Xuân Tiền-Công ty tư vấn VFAM về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) HT VCCI ngày 09.10.2012

Thứ Ba 10:11 09-10-2012

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU,

TRAO ĐỔI KHI SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI

( Tham luận tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

do VCCI tổ chức ngày 9/10/2012)

-------------------------------------------------

Luật gia Vũ Xuân Tiền

       Uỷ viên BCH Hội Luật gia Hà Nội

Chủ tịch Hội đồng thành viên

Công ty tư vấn VFAM Việt Nam

Việc sửa đổi Luật Đất đai đã được đặt ra từ rất lâu. Đến nay, dù chậm, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thành. Chính phủ đã trình UBTV Quốc hội và sẽ xin ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Dự kiến, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 5 (năm 2013). Vì vậy, thời gian cho việc góp ý sâu hơn, kỹ hơn vẫn còn nhiều.

Tham luận này xin chưa đi vào góp ý cho kết cấu, nội dung từng Chương, từng điều khoản của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chỉ đề cập đến một số vấn đề cơ bản, quan trọng nhất cần tiếp tục được nghiên cứu, trao đổi nghiêm túc, khách quan trước khi bàn đến dự thảo luật.

I- ĐÁNH GIÁ VỀ TÁC ĐỘNG CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI HIỆN HÀNH

Luật Đất đai năm 2003 được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 26 tháng 11 năm 2003. Sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2003, đã đạt được những kết quả nhất định và cũng bộc lộ những bất hợp lý rất lớn.

Về những kết quả đã đạt được, về cơ bản, nhất trí với đánh giá trong Tờ trình của Chính phủ trình UBTV Quốc hội.

Về những bất hợp lý của Luật Đất đai hiện hành, ngoài những đánh giá trong Tờ trình của Chính phủ, xin bổ sung và phân tích sâu thêm những vấn đề sau đây:

1.      Luật Đất đai hiện hành có quá nhiều kẽ hở trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. Những  kẽ hở của Luật cộng hưởng với nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng ở nước ta đã là nguyên nhân của rất nhiều vụ khiếu nại, tố cáo (KN-TC) kéo dài, vượt cấp, đông người của người dân. Điều không bình thường là, sau khi có Luật Đất đai, số KN-TC về đất đai lại tăng lên. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, số đơn có nội dung tranh chấp, KN-TC về đất đai năm 2003 là 5.211 lượt, sau khi Luật Đất đai được ban hành, đến năm 2005, số đơn khiếu kiện đã tăng lên gần gấp đôi là 10.500 lượt và chỉ trong 8 tháng đầu năm 2006 đã là 7.130 lượt, trong đó có tới 70% số đơn có nội dung KN-TC về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và nội dung đơn thể hiện một cách nhìn tiêu cực đối với các quyết định hành chính và hành vi hành chính của chính quyền các cấp ở địa phương. Nhiều vụ khiếu kiện số người tham gia lên tới hàng nghìn gây ra những bất ổn xã hội và khó giải quyết. Khiếu nại, tố cáo không được giải quyết đã dẫn đến xung đột mà điển hình là vụ "chống người thi hành công vụ" tại Tiên Lãng, Hải Phòng. Báo cáo tại kỳ họp của UBTV Quốc hội vừa qua cho thấy, số vụ KN-TC về đất đai lên tới gần 70% trong tổng số các vụ việc KN-TC thời gian qua. Hơn nữa, tỷ lệ các vụ KN-TC đúng đã lên tới gần 70%. Đó là điều “rất bất bình thường”. Nguyên nhân quan trọng nhất của tình trạng đó là chúng ta đã đánh giá không đúng tầm quan trọng của việc thu hồi đất, là Luật Đất đai hiện hành đã cho phép sử dụng quá giới hạn biện pháp thu hồi đất bằng quyết định hành chính. Thu hồi đất của nông dân để chuyển giao dưới các hình thức khác nhau cho mục đích công cộng, lợi ích quốc gia, phát triển kinh tế không đơn thuần là công việc mang tính hành chính. Đó là vấn đề vô cùng quan trọng có liên quan đến hàng loạt vấn đề về kinh tế, chính trị và xã hội. Ở một quốc gia mà nông dân chiếm gần 80% dân số như ở nước ta, vấn đề đó lại càng quan trọng hơn. Đó là việc củng cố và duy trì lòng tin của hàng chục triệu nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng và việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của Đảng ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã thành công. Nhân dân, đặc biệt là tầng lớp nông dân, đã một lòng theo Đảng là vì chúng ta đã thực hiện đúng khẩu hiệu “ Người cày có ruộng”. Vì vậy, nếu vì một mục tiêu nào đó mà chúng ta lấy đất của nông dân bất chấp những hậu quả sẽ xẩy ra đối với đời sống của những người bị thu hồi đất thì lòng tin của nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng sẽ bị xói mòn. Hơn nữa, nông dân trong giai đoạn hiện nay là những thế hệ mới, còn trẻ, không trải qua cuộc đấu tranh gian khổ như cha ông họ trước đây. Từ đó, nếu gia đình họ bị mất đất ở và đất canh tác, lâm vào tình trạng nghèo đói thì ai dám đảm bảo rằng, thế hệ trẻ này sẽ một lòng theo Đảng? Khi lòng tin bị mất, cái gốc quan trọng nhất bảo đảm cho sự tồn tại của một thể chế tất yếu cũng bị lung lay. Hơn nữa,các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng những vụ KN-TC đông người về đất đai để tuyên truyền xuyên tạc về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, gây hậu quả không nhỏ trong quan hệ đối ngoại của đất nước. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của việc sửa đổi Luật Đất đai là xoá bỏ một cách triệt để những nguyên nhân (từ quy định của pháp luật) dẫn đến các KN-TC về đất đai.

2.      Việc xác định giá đất quy định trong Luật Đất đai hiện hành thiếu thống nhất, thiếu minh bạch, tự mâu thuẫn, tạo ra sự chênh lệch rất lớn khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự hình thành những "liên minh trong bóng tối" giữa một số công chức, quan chức thoái hoá, biến chất với một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhằm chia nhau phần địa tô chênh lệch.

3.      Phân cấp quản lý về đất đai quá rộng dẫn đến có quá nhiều người có quyền giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất. Điều đó đã dẫn đến hậu quả là, mặc dù trên lý thuyết, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế, đất đai đang thuộc "sở hữu" của một nhóm lợi ích.

4.      Quy định về tiền sử dụng đất trong Luật Đất đai hiện hành không hợp lý. Bởi, không chỉ rõ tiền sử dụng đất là một loại thuế hay lệ phí. Chính vì vậy, việc đưa tiền sử dụng đất lên "sát giá thị trường" nhằm tăng thu cho ngân sách đã không thực hiện được.

5.      Quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp trong Luật Đất đai hiện hành không còn hợp lý, duy trì một nền nông nghiệp manh mún, phân tán, là vật cản lớn cho mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.

6.      Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai quá nhiều, chắp vá, chồng chéo. Đó là lực cản rất lớn trong việc phổ biến pháp luật về đất đai cho toàn dân và tạo kẽ hở cho sự vận dụng một cách tuỳ tiện.

Những vấn đề nêu trên cũng chính là những "nút thắt" cần được tháo gỡ khi sửa đổi Luật Đất đai. Có thể khẳng định rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ không có tác dụng gì trong cuộc sống, nếu chưa  tháo gỡ được những "nút thắt" nêu trên. Tiếc thay, nội dụng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa đáp ứng được đòi hỏi nêu trên.

II- NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU, TRAO ĐỔI

Nhằm mục tiêu khắc phục triệt để những bất hợp lý của Luật Đất đai hiện hành, xin đề nghị tiếp tục nghiên cứu, trao đổi về những vấn đề sau đây:

1. Về cơ chế thu hồi đất:

Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã áp dụng một cách tràn lan cơ chế thu hồi đất bằng những quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước. Điều 15 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: "Nhà nước quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế...". Đó là quy định mâu thuẫn với Luật Dân sự và Hiến pháp năm 1992, bởi lẽ:

-         Khi được nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặc dù không có quyền sở hữu nhưng người dân hoặc tổ chức đã xác lập được quyền sử dụng và quyền định đoạt về tài sản - một tài sản vô hình là quyền sử dụng đất - theo Điều 164 Bộ Luật Dân sự.

-         Thu hồi đất bằng quyết định hành chính thực chất là quốc hữu hoá tài sản cá nhân và tổ chức. Trong khi đó, Điều 23 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường.Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định".

-         Thu hồi đất bằng quyết định hành chính là một hình thức kỷ luật nghiêm khắc và vô lý trong trường hợp người có đất bị thu hồi không vi phạm pháp luật. Khi đó, giữa người có quyền ban hành quyết định thu hồi với người có đất bị thu hồi không còn sự bình đẳng, các quyền của người có đất đối với diện tích đất bị thu hồi đều bị mất. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất tạo ra một bộ phận "công bộc của dân" bỗng nhiên trở thành "quan phụ mẫu" trong không ít cấp chính quyền ở nước ta hiện nay.

Từ những phân tích trên, xin kiến nghị như sau:

Một là, thay thế việc thu hồi đất bằng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế. Cơ sở pháp lý và thực tiễn của kiến nghị này là:

-         Điều 23 của Hiến pháp năm 1992 như đã trích dẫn trên. Xin nhấn mạnh rằng, toàn văn Hiến pháp năm 1992 không có bất kỳ một quy định nào về việc Nhà nước thu hồi tài sản của công dân và tổ chức.

-          Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản (Luật số 15/2008/QH 12) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03 tháng 6  năm 2008.

-          Việc sử dụng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất thay cho thu hồi đất sẽ tạo điều kiện để người có đất bị thu hồi xoá  bỏ tâm lý "bị tước đoạt", thể hiện đúng hơn khẩu hiệu " Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân".

Hai là, thu hồi đất bằng quyết định hành chính chỉ thực hiện trong những trường hợp sau:

-         Do vi phạm pháp luật đất đai.

-          Do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện.

-          Do việc trưng mua không thực hiện được theo Điều 17 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản.

2. Về giá đất :

Khắc phục triệt để tình trạng mâu thuẫn, thiếu minh bạch về giá đất trong Luật Đất đai hiện hành, xin đề nghị:

a. Khi thanh toán tiền trưng mua quyền sử dụng đất:

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Do đó, Nhà nước có quyền định giá đất. Song đề nghị không sử dụng giá đất do Nhà nước quy định để thanh toán tiền trưng mua quyền sử dụng đất. Căn cứ của kiến nghị trên là:

-         Quy định tại Điều 23 Hiến pháp năm 1992 về bồi thường tài sản trưng mua, trưng dụng như sau: "Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường.Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định".

-         Quy định về giá trưng mua tại Điều 18 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản như sau:

"a) Giá trưng mua tài sản được xác định căn cứ vào giá phổ biến trên thị trường địa phương của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và xuất xứ tại thời điểm quyết định trưng mua tài sản;

b) Trường hợp tại thời điểm thanh toán tiền trưng mua tài sản, giá thị trường của tài sản trưng mua cao hơn so với giá thị trường tại thời điểm quyết định trưng mua thì giá trưng mua tài sản được tính theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán".

Để xác định giá thanh toán khi trưng mua quyền sử dụng đất (và có thể cả  tài sản gắn liền với đất) cần phân biệt hai trường hợp sau:

-         Với việc trưng mua phục vụ mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và do Ngân sách Nhà nước chi trả tiền trưng mua, cơ quan có thẩm quyền trưng mua thành lập Hội đồng định giá theo quy định tại khoản c Điều 18 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản hoặc Hội đồng thẩm định giá nhà nước theo Điều 45 Luật Giá (Luật số 11/2012/QH 13);

-         Với việc trưng mua phục vụ mục đích phát triển kinh tế, có thể sử dụng dịch vụ thẩm định giá độc lập.

b. Khi bồi thường khi thu hồi đất bằng quyết định hành chính

Khi đã giới hạn việc thu hồi đất bằng quyết định hành chính như trình bày trên, việc bồi thường cho người có đất bị thu hồi được quy định như sau:

-         Với những trường hợp bị thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai: Không được bồi thường.

-          Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện: Chỉ bồi thường giá trị còn lại của tài sản trên đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi.

-          Thu hồi đất do việc trưng mua không thực hiện được: Bồi thường theo giá trưng mua do Hội đồng định giá xác định.

3. Về phân cấp giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định trưng mua quyền sử dụng đất, thu hồi đất

Khắc phục tình trạng có quá nhiều người "đại diện chủ sở hữu" trong việc giao  đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất như hiện nay, xin kiến nghị:

-         Việc giao đất, cho thuê đất, quyết định trưng mua quyền sử dụng đất chỉ phân cấp tới Chủ tịch UBND cấp huyện;

-         Việc chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất chỉ phân cấp tới Chủ tịch UBND cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc giới hạn sự phân cấp như trên nhằm đảm bảo tính pháp lý cao hơn của những quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai, sự kiểm soát tốt hơn của cơ quan quản lý nhà nước đối với những vấn đề liên quan đến đất đai, ngăn ngừa sự "tái xuất" của tầng lớp "lý trưởng, xã trưởng" trong thời đại ngày nay và tập trung chỉ đạo để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong từng địa phương và cả nước.

4. Về tiền sử dụng đất

Khoản 25 Điều 4 Luật Đất đai năm 2003 và khoản 21 Điều 4 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định "Tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả trong trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với một diện tích đất xác định".

Tiết a, khoản 1 Điều 91 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: "Tiền sử dụng đất trong các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất".

Những quy định trên chưa chỉ rõ về bản chất kinh tế, tiền sử dụng đất là tiền gì? Đó không phải là tiền thuê đất và cũng không phải là một khoản thuế đất. Bởi lẽ, các khoản thu tài chính từ đất đai bao gồm: a) Tiền sử dụng đất trong các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất; b) Tiền thuê đất đối với đất do Nhà nước cho thuê; c) Thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và các khoản thuế khác liên quan đến đất đai; d) Thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; đ) Tiền thu từ việc xử phạt vi phạm pháp luật về đất đai; e) Tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; g) Phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

Rõ ràng, tiền sử dụng đất là khoản thu không có căn cứ. Hơn nữa, nếu đã gọi là "tiền sử dụng đất" thì sẽ phải thu với đất được sử dụng không phân biệt là giao đất hay thuê đất. Song, tiền sử dụng đất lại chỉ thu với những trường hợp "giao đất có thu tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất".

Vì không có căn cứ khoa học nên việc xác định tiền sử dụng đất cũng thiếu cơ sở. Khi Nghị định 69/2009/NĐ-CP ban hành nhằm "Điều chỉnh giá tính tiền sử dụng đất cho sát với giá thị trường", bất hợp lý trong việc xác định và thu tiền sử dụng đất thể hiện càng rõ hơn. Cá nhân, tổ chức được giao đất thực tế phải trả tiền hai lần: Lần 1, trả cho người sử dụng đất theo giá hai bên thoả thuận (giá thị trường) và lần 2, nộp cho  Nhà nước tiền sử dụng đất cũng được tính toán theo mức giá "sát giá thị trường". Đó là một trong những nguyên nhân đẩy chi phí về đất lên quá cao, đẩy giá bất động sản lên cao ngang tầm các nước phát triển. Các doanh nghiệp, người dân không thể đáp ứng và "ghi nợ" tiền sử dụng đất, Nghị định 69/2009/NĐ-CP chưa đi vào cuộc sống và trong điều kiện thị trường nói chung, thị trường bất động sản nói riêng, đang đóng băng như hiện nay, Nghị định trên khó có thể đi vào cuộc sống.

Từ những phân tích trên, xin kiến nghị:

-         Xoá bỏ hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất và chuyển sang hình thức thuê đất. Đồng thời bỏ khái niệm "tiền sử dụng đất".

-         Ban hành một loại thuế điều tiết khoản địa tô chênh lệch phát sinh khi chuyển mục đích sử dụng đất. Có thể bổ sung vào danh mục hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mục "Chuyển mục đích sử dụng đất" để thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động này.

-         Thu lệ phí đối với việc công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Pháp lệnh về phí và lệ phí. Bởi, việc công nhận quyền sử dụng đất là một dịch vụ công, cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện phục vụ nhu cầu của nhân dân.

5. Về hạn mức giao đất nông nghiệp

Điều 112 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp không thay đổi so với quy định tại Điều 70 Luật Đất đai 2003. Đã có nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tích tụ đất, hình thành những cơ sở sản xuất lớn trong nông nghiệp. Đó là kiến nghị đúng và sẽ phải thực hiện trong tương lai. Tuy nhiên, để phù hợp với trình độ phát triển của sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay, xin đề nghị nghiên cứu điều chỉnh hạn mức giao đất nông nghiệp lên cao hơn, có thể  gấp 2 đến 3 lần so với quy định hiện nay vì những lý do sau:

-          Thực tiễn gần 10 năm qua cho thấy, hạn mức giao đất nông nghiệp thấp đã hạn chế  đáng kể tới sự hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh, ứng dụng  khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn. Báo cáo của Đoàn giám sát  việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trình bày trước UB Thường vụ  Quốc hội ngày 18/4/2012 đã khảng định: "Việc quy định khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân tại điều 70 luật Đất đai, gây khó khăn trong việc mở rộng diện tích canh tác và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm".

-         Mặc dù tại Điều 113 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định "Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân không quá mười (10) lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 112 của Luật này", song quy định trên sẽ nhanh chóng bị lạc hậu. Bởi, hiện nay  đã xuất hiện nhiều trang trại có diện tích rất lớn từ 500 ha trở lên.

-         Với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về phát triển nông nghiệp, nông thôn, sự hình thành các doanh nghiệp ở nông thôn là tất yếu khách quan, là cách thức hữu hiệu trong tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho người lao động. Để có một nền nông nghiệp sản xuất lớn, cần có các tổ hợp nông – công nghiệp,  một hình thức tổ chức sản xuất khá phổ biến và phát triển bền vững trong nông nghiệp ở các nước phát triển hiện nay. Vì vậy, nâng hạn mức giao đất nông nghiệp sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi của hộ gia đình nông dân khi họ chuyển nhượng hoặc góp vốn vào một doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn và thúc đẩy quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn diễn ra nhanh hơn.

6.      Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý đất đai

Luật Đất đai thông qua năm 2003 và đã có một hệ thống các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Có thể nói, Luật Đất đai đạt kỷ lục về các văn bản hướng dẫn thực hiện.Theo một thống kê, đến nay có khoảng 600 văn bản hướng dẫn, đó là một "hệ thống" vừa thừa, vừa thiếu, vừa chắp vá, gây khó khăn lớn cho cả cán bộ, công chức thi hành công vụ và việc chấp hành pháp luật của người dân. Sự thiếu minh bạch một cách nghiêm trọng trong quản lý đất đai cũng xuất phát từ lý do nêu trên. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là có quá nhiều vấn đề được Luật chuyển cho các văn bản dưới Luật quy định. Vì vậy, đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) khắc phục triệt để tình trạng nêu trên, chỉ nên chuyển cho văn bản dưới Luật những vấn đề mang tính hướng dẫn, thủ tục, không có nội dung quy  phạm pháp luật. Theo dự thảo, có ít nhất 69 vấn đề được chuyển cho văn bản dưới luật với các cụm từ " theo quy định của Chính phủ", " Chính phủ quy định chi tiết...", "Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn"...Như vậy vẫn là quá nhiều.

Luật Đất đai là văn bản pháp luật lớn, có tác động trong một phạm vi rộng. Vì vậy, Luật Đất đai phải điều chỉnh rất nhiều vấn đề. Song, 6 vấn đề nêu trên là những "nút thắt" quan trọng cần được tháo gỡ trong Luật Đất đai (sửa đổi). Việc tháo gỡ những "nút thắt" nêu trên cũng là kỳ vọng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Để kết thúc phần trình bày tham luận, xin được nhắc lại một lần nữa, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ không có tác dụng gì trong cuộc sống, nếu chưa  tháo gỡ được những "nút thắt" nêu trên.

Xin trân trọng cảm ơn!

                                                ---------------------------------------

Các văn bản liên quan