Góp ý của Ông Nguyễn Tiến Lập – Phó tổng giám đốc công ty Investconsult

Thứ Năm 16:32 30-11-2006


Bản Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 164/2003/NĐ-CP
ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (“Nghị định 164”)
 

I.                   Đánh giá chung:
 
Trên cơ sở Tờ trình của Bộ Tài chính và các Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 hướng dẫn thi hành Luật đầu tư 2005 (“Nghị định 108”), các cam kết của Việt nam khi gia nhập WTO, có thể thấy rằng, Dự thảo Nghị định đã bám sát vào các yêu cầu sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu gia nhập WTO cũng như tạo sự thống nhất giữa Nghị định 108 và các quy định thi hành của của pháp luật liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần trao đổi thêm. Cụ thể như sau:
 
II.                Các nội dung cụ thể:
 
1. Về thuế suất ưu đãi và miễn giảm thuế cho các dự án đầu tư:
 
Đồng ý rằng, do có dự khác nhau giữa Danh mục các dự án ưu đãi đầu tư theo Nghị định 164 và Danh mục các dự án khuyến khích đầu tư và Danh mục dự án dặc biệt khuyến khích đầu tư theo Nghị định 108 nên phải sửa đổi các quy định có liên quan về thuế suất cho phù hợp. Tuy nhiên, trong Dự thảo chưa giải quyết một vấn đề là doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế suất thuế TNDN và về miễn, giảm thuế TNDN đối với dự án mới hay không.
 
Theo quy định của Nghị định 164, cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi về thuế suất (10%, 15%, 20% tuỳ theo lĩnh vực và địa bàn ưu đãi). Tuy nhiên, theo Thông tư 88/2004 ngày 1/9/2004 (“Thông tư 88”) sửa đổi Thông tư số 28/2003 ngày 22/12/2003 (“Thông tư 128”) hướng dẫn thi hành Nghị định 164, đối với cơ sở kinh doanh đang hoạt động mà có dự án đầu tư mở rộng cùng ngành nghề lĩnh vực, cùng địa bàn với trụ sở chính thì thu nhập tăng thêm do dự án đầu tư mang lại áp dụng theo mức thuế suất mà cơ sở kinh doanh đang áp dụng, trường hợp dự án đầu tư vào ngành nghề lĩnh vực khác hoặc địa bàn khác với trụ sở chính mà ngành nghề và địa bàn đó thuộc diện khuyến khích đầu tư thì thuế suất đối với thu nhập do đầu tư thêm mang lại xác định theo mức độ đáp ứng các điều kiện ưu đãi đầu tư của dự án. (Mục 5). Như vậy, nguyên tắc cho hưởng ưu đãi ở Thông tư 88 là theo dự án, chứ không chỉ cho cơ sở mới thành lập. Như vậy, ở đây có sự chưa thống nhất về mặt nguyên tắc giữa Nghị định 164 và Thông tư 88.
 
Ngoài ra, Thông tư 88 cũng chưa nếu rõ thời gian được hưởng thuế suất ưu đãi đối với dự án đầu tư mở rộng được bắt đầu từ khi nào. Trên thực tế, Tổng Cục thuế, bằng các công văn của mình, cho hưởng thuế suất này từ khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh (tức là từ khi hoạt động của dự án ban đầu chứ không phải khi có dự án mới đi vào hoạt động.
 
Theo Điều 34 Dự thảo Nghị định, nguyên tắc cho hưởng thuế suất ưu đãi đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập vẫn được giữ nguyên. Dự thảo Nghị định không quy định rõ thuế suất và thời hạn bắt đầu áp dụng đối với các dự án đầu tư mới. Như vậy, không rõ các dự án này có được hưởng ưu đãi về thuế suất như đã từng được áp dụng trong Thông tư 88 (mà theo chúng tôi là hợp lý hơn) hay không?.
 
Theo ý kiến của chúng tôi: Trước đây, đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, một doanh nghiệp thường chỉ có một dự án và việc đầu tư mở rộng cũng thường chỉ là xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ của dự án ban đầu mà thôi. Trong khi đó, theo quy định mới của Luật doanh nghiệp 2005 và Luật đầu tư 2005, một doanh nghiệp (cả trong và ngoài nước) trong quá trình hoạt động có thể cùng lúc tiến hành nhiều dự án đầu tư mà không phải thành lập doanh nghiệp mới, mối dự án đầu tư có thể thuộc ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khác nhau. Dự án đầu tư tuỳ theo mức vốn và lĩnh vực có thể phải đăng ký hoặc thẩm định. Do đó, tính độc lập của các dự án này là rất cao.Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, hợp lý và công bằng, nên chăng chúng ta nên quy định về việc hưởng các ưu đãi đầu tư theo dự án. Tức là, khi doanh nghiệp có dự án mới (thành lập hoặc không thành lập cơ sở kinh doanh mới) thì sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo mức độ đáp ứng ưu đãi của từ lĩnh vực ngành nghề hoặc địa bàn. Thời gian để bắt đầu tính thời gian hưởng thuế suất ưu đãi đối với các dự án mới cũng nên được xem xét từ khi dự án mới bắt đầu chứ không phải từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động.
 
2. Về thời điểm bắt đầu tính miễn giảm thuế TNDN cho dự án mới hoặc dự án đầu tư mở rộng
 
Theo quy định tại Điều 36 Dự thảo Nghị định cơ sở kinh doanh đang hoạt động có đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái nâng cao năng lực sản xuất thì được miễn, giảm thuế cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư này mang lại. Số năm được miễn và giảm thuế TNDN đối với từng dự án tuỳ theo mức độ đáp ứng các ưu đãi đầu tư và địa bàn thực hiện được xác định cụ thể nhưng thời điểm bắt đầu để tình thời hạn miễn giảm thì chưa có quy định. Nếu Đoạn 2 Điều 44 Dự thảo Nghị định được hiểu là áp dụng cho cả trường hợp dự án ban đầu và dự án mới và/hoặc dự án đầu tư mới rộng, theo đó thời điểm bắt đầu tính thời gian miễn thuế, giảm thuế là năm tài chính đầu tiên cơ sở kinh doanh có thu nhập chịu thuế thì các dự án triển khai sau vài năm tính từ ngày cơ sở kinh doanh có thu nhập chịu thuế có thể sẽ không được hưởng ưu đãi gì. Và đây là điểm kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
 
Theo chúng tôi, đây là vấn đề nguyên tắc quan trọng cần phải được quy định ngay trong Nghị định của Chính phủ hơn là quy định trong Thông tư. Đặc biệt, Nghị định mới cần làm rõ ưu đãi đối với dự án mới và dự án đầu tư mở rộng để các doanh nghiệp có căn cứ áp dụng vì theo phân tích ở trên, trong quá trình hoạt động theo Luật đầu tư mới, doanh nghiệp có thể triển khai nhiều dự án khác nhau chứ không chỉ là mở rộng dự án ban đầu.
 
3. Về ưu đãi thuế suất đối với Dự án khuyến khích đầu tư và Dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư không có gì khác nhau:
 
Theo quy định tại điều 34 Dự thảo Nghị định, các mức thuế suất ưu đãi 10%, 15%, 20% được áp dụng thống nhất cho cả cơ sở mới thành lập từ dự án đầu tư thuộc ngành nghề, lĩnh vực quy định tại Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư và Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư tuỳ theo việc có đầu tư tại địa bàn khó khăn hay đặc biệt khó khăn. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi cũng không được hưởng ưu đãi gì về thuế suất hơn các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực ưu đãi đầu tư bình thường. Quan điểm của Bộ Tài chính trong khi sửa đổi Nghị định này là giữ nguyên quy định về cơ chế áp dụng thuế suất ưu đãi tại điều 35 và chỉ thay việc áp dụng thuế suất ưu đãi đối với ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích đầu tư quy định tại Danh mục A (Danh mục cũ của nghị định 164) bằng việc áp dụng thuế suất ưu đãi đối với Danh mục lĩnh vực đầu tư gồm cả lĩnh vực ưu đãi đầu tư và lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.
 
Chúng tôi hiểu rằng, việc quy định như trên là tránh những xáo trộn do việc tăng thuế suất (nếu có) đối với dự án đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc giảm thuế suất (nếu có) đối với dự án đầu tư vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, việc cho hưởng thuế suất giống nhau trong thời hạn như nhau đối với cả hai lĩnh vực này là chưa hợp lý. Để tạo ra sự khác biệt về ưu đãi giữa hai lĩnh vực này, giải pháp có thể là tăng thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư so với các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
 
4. Về khấu trừ các chi phí hợp lý:
 
Hiện nay có một số chi phí mà theo doanh nghiệp là chi phí thực tế hợp lý nên được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế. Ngoài ra có một số mức khống chế chi phí nên được nâng lên cho phù hợp. Cụ thể như sau:
 
4.1 Các chi phí là quà tặng:
 
Theo Luật hiện hành, chi phí cho các khoản quà tặng không được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế. Điều này không hợp lý và ý kiến của chúng tôi là, nên cho phép khấu trừ đối với các khoản tặng cho của doanh nghiệp cho các cơ quan của Chính phủ. Luật thuế có thể quy định giới hạn tối đa giá trị của các khoản quà tặng này hàng năm bằng số cố định hoặc phần trăm của thu nhập hàng năm.
 
4.2 Các chi phí là phúc lợi cho người lao động
 
Các khoản chi phí phúc lợi cho người lao động nên được coi là chi phí hợp lý để khấu trừ khi công ty giữ lại để tính thuế thu nhập cá nhân theo luật hiện hành. Cơ quan thuế không thể loại các chi phí này ra khỏi thu nhập chịu thuế vì cơ quan thuế đã thu thuế thu nhập cá nhân. Sẽ là hợp lý hơn nếu luật cho phép khấu trừ vào thu nhập chịu thuế các khoản chi phí phúc lợi bao gồm các khoản phải trả cho người lao động trong các ngày nghỉ như: Nghỉ 1/5, 2/9, chi phí đi lại hàng năm cho người lao động, chi phí cho tổ chức liên hoan cuối năm.
 
4.3 Chi phí hội nghị tiếp khách:
 
Theo ý kiến của chúng tôi, (đây cũng là ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp là khách hàng của chúng tôi), mức không chế 10% tổng các khoản chi từ 1-10 của Điều 5 Dự tháo Nghị định đối với các chi phí hội nghị, tiếp khách, tiếp thị, khuyến nại, tiếp tân, khánh tiết, chiphí giao dịch, hoa hồng….hiện nay là chưa hợp lý và cần phải nâng lên vì thực tế các chi phí này lớn hơn rất nhiều, thậm chí có những doanh nghiệp dịch vụ, thương mại chi phí thực tế lên đến 50% tổng chi phí của các khoản từ 1-10 vì doanh nghiệp.
 
4.4 Chi phí cho trang phục:
 
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, mức không chế hiện nay đối với chi phí trang phục là 500.000/người/năm là thấp và cần phải nâng lên vì thời giá thị trường mấy năm gần đây đã thay đổi. Ngoài ra, yêu cầu có Hoá đơn đỏ đối với các chi phí này trong nhiều trường hợp cũng khó thực hiện vì trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp không may đồng phục mà phát riêng cho từng cá nhân để đi may. Do đó, việc lấy hoá đơn đỏ riêng lẻ cho các bộ trang phục này là rất khó nếu không may hoặc mua ở những cửa hàng/công ty lớn mà ở những nơi này thì lại rất đắt, với mức không chế 500.000/người thì không thực hiện được. Vì vậy, (i) nên nâng mức khống chế chi phí đối với tranh phục lên và (ii) cho phép xác định cố định khoản tiền này là chi phí và cho phép hạch toán mà không nhất thiết phải có Hoá đơn đỏ.
 
4.5 Chi phí tiền ăn giữa ca:
 
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp sản xuất, quy định khống chế chi phí tiền ăn giữa ca cho người lao động không quá mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định đối với công chức nhà nước là chưa hợp lý nhất là với sự lên giá sinh hoạt trong những năm gần đây. Vì vậy, nên nâng cao mức này.
 
4.6. Ngoài ra, cần phải có quy định thống nhất về mức thuế suất áp dụng cho các khoản thu nhập là các chi phí bị loại ra không được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế. Trong trường hợp các chi phí thực tế không được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế thì thuế suất áp dụng vẫn phải là thuế suất ưu đãi nếu doanh nghiệp đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế thep pháp luật hiện hành. Trên thực tế, theo phản ánh của các doanh nghiệp, cơ quan thuế hiện nay đang áp dụng mức thuế suất 28% đối với phần thu nhập này ngay cả khi doanh nghiệp đang trong giai đoạn hưởng ưu đãi về thuế suất. Điều này làm cho thuế suất thực tế mà doanh nghiệp phải chịu tăng lên rất nhiều, làm giảm ý nghĩa của các quy định về ưu đãi thuế.
 
Trên đây là một số ý kiến đóng góp của chúng tôi cho việc sửa đổi Nghị định 164. Hi vọng rằng các ý kiến này sẽ có ích cho Ban soạn thảo.

Các văn bản liên quan