Góp ý của Ông Nguyễn Thâm – Phó Chủ tịch Hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam

Thứ Tư 14:02 15-11-2006

Tôi đã đọc hết dự thảo Nghị định này và nhận thấy việc xếp dịch vụ logistics là một nghề kinh doanh có điều kiện là đúng, tuy nhiên quy định vốn pháp định cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistic là không phù hợp với tình hình hội nhập và mở cửa hiện nay. Lý do:

1. Khi gia nhập WTO và hội nhập nghĩa là chúng ta mở cửa “sân chơi” cho tất cả các thương nhân trong và ngoài nước. Ai có vốn nhiều, có uy tín cao, có năng lực lớn sẽ được khách hàng thừa nhận và sử dụng dịch vụ. Ai không có vốn, năng lực kém, uy tín thấp sẽ bị loại ra khỏi “cuộc chơi” và họ sẽ không có khách hàng, không có thu nhập và dẫn đến phá sản. Việc quy định thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics phải có vốn pháp định tối thiểu 10 tỷ đồng là đã loại những doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi cuộc chơi trước khi họ gia nhập thị trường. Việc quy định vốn pháp định như vậy là Việt Nam đã không công bằng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của chính mình.

2. Hiện tại các hoạt động kinh doanh vận tải biển, lai dắt, cứu hộ, vận tải ô tô, vận tải đường sắt, đường hàng không…đều được gọi chung là dịch vụ để phối hợp với quy định chung trong thương mại, vận tải quốc tế…Trong dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải biển được bộ Giao thông Vận tải dự thảo trình Chính phủ và có cho phép Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam tham gia góp ý kiến cũng không đề cập đến vốn pháp định mà chỉ đề cập đến trách nhiệm của các thương nhân kinh doanh dịch vụ này ở góc độ bảo hiệm trách nhiệm dân sự.

3. Các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh dịch vụ giao nhận, dịch vụ vận tải, kho bãi, cung ứng cước phí…Từ trước đến nay chỉ có một số doanh nghiệp sẽ đạt vốn trên 10 tỷ đồng. Đó là những doanh nghiệp trước đây của nhà nước và hiện tại một số văn bản của nhà nước, một số đã cổ phần hoá. Số còn lại được thành lập theo Luật Công ty TNHH, công ty Cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và nay là Luật Doanh nghiệp. Số doanh nghiệp này chiếm đến khoảng 80-85% tổng số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics nhưng vốn đăng ký kinh doanh và thị phần của họ chỉ chiếm khoảng 30-40%. Nếu quy định vốn pháp định như dự thảo nghị định này và khi nghị định có hiệu lực thì các doanh nghiệp này phải đóng cửa trước khi thấy WTO.

Tôi cho rằng điều kiện để đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics là doanh nghiệp phải mua bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho hoạt động của mình. Khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh loại hình dịch vụ nào sẽ có giới hạn trách nhiệm tương đương cho dịch vụ đó. Vì việc này sẽ đáp ứng được chuẩn mực quốc tế khi kinh doanh dịch vụ logistics nói chung ở Việt Nam.
Để có nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định này, đề nghị Bộ Thương mại chưa trình Chính phủ dự thảo nghị định và cho phép Hiệp hội giao nhận Kho vận Việt Nam được trực tiếp tham gia ý kiến trước khi trình Chính phủ. Bộ Thương mại cho Hiệp hội 7 ngày để góp ý, tôi cho là thời gian quá ngắn để Hiệp hội tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh về nghề này.

Do thời gian được quá gấp, tôi gửi trước bản góp ý với tư cách cá nhân. Văn phòng hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam sẽ có văn bản trả lời chính thức sau khi tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp hội viên.

Kính chào.

Nguyễn Thâm
Chủ tịch Hội đồng thành viên
Kiêm Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiên Phong
Phó Chủ tịch Hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS)
Địa chỉ liên hệ:
12B, Nhà A6, phố Trần Huy Liệu, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 7261877. Fax: 7261879
Di động: 0913014024; Email: tham@tantienphong.com

Các văn bản liên quan