Góp ý của Ô. Vũ Xuân Tiền – Giám đốc công ty tư vấn VFAM

Thứ Năm 16:38 30-11-2006

Xin chân thành cảm ơn Quý Ban đã gửi bản Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Về Dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, (sau đây gọi tắt là DT), xin có một số ý kiến góp ý như sau:

Trước hết, với việc ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2005 và việc Việt Nam gia nhập WTO, việc ban hành một Nghị định mới thay thế Nghị định số 164/2003/NĐ-CP, Nghị định số 152/2004/NĐ-CP là cần thiết khách quan. Bản dự thảo đã thể hiện được các yêu cầu phù hợp với các Luật mới ban hành và những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn, có những vấn đề sau đây cần được nghiên cứu:

1.      Liên quan đến Điều 1 của DT, đề nghị làm rõ 4 vấn đề sau:

a)      Địa điểm kinh doanh có trách nhiệm như thế nào về thuế TNDN? Khoản 3, Điều 37 Luật DN 2005 quy định “ Địa điểm kinh doanh là nơi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được tổ chức thực hiện. Địa điểm kinh doanh có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính”.

Trong trường hợp,  địa điểm kinh doanh ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính”  và ở tỉnh, thành phố khác thì địa điểm kinh doanh có trách nhiệm như thế nào về thuế TNDN?

b)     Về nghĩa vụ nộp thuế TNDN của Chi nhánh: Đây là vấn đề hiện nay chưa có quy định rõ ràng bằng văn bản quy phạm pháp luật. Những năm qua, nhiều DN đã có văn bản hỏi Tổng cục thuế về vấn đề này. Tuy nhiên, công văn trả lời của Tổng cục thuế không phải là một văn bản quy phạm pháp luật và chỉ có hiệu lực trong một phạm vi hẹp. Do đó, khá nhiều DN bị lúng túng ngay khi đăng ký thuế cho Chi nhánh. Đề nghị có quy định cụ thể về vấn đề này trong Nghị định.

c)     Gạch đầu dòng thứ 2, mục đ, khoản 4, Điều 1 quy định  đại diện của công ty nước ngoài ở Việt Nam “ không có thẩm quyền ký kết các hợp đồng đứng tên công ty nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam” là đối tượng phải nộp thuế TNDN. Cần nghiên cứu lại vấn đề này vì khi đã không có thẩm quyền ký kết các hợp đồng đứng tên công ty nước ngoài thì đơn vị đại diện đo không phải là đơn vị kế toán. Việc nộp thuế TNDN thực hiện trên cơ sở nào?

d)     Hiện nay, trong cả nước đã có rất nhiều trang trại trong nông nghiệp và lâm nghiệp. Nhiều trang trại có quy mô lớn đến hàng trăm ha, doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, chưa có văn bản pháp quy nào điều chỉnh các hoạt động của những trang trại này và do đó, các trang trại vẫn được coi như hộ kinh doanh cá thể. Đề nghị bổ sung các trang trại có quy mô lớn vào đối tượng nộp thuế TNDN.

2.      Về doanh thu để tính thu nhập chịu thuế:

Khoản 2 Điều 4 quy định “ Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa, hoàn thành dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ”.

Quy định như trên có nghĩa là thừa nhận việc chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa, cung ứng dịch vụ nhưng không phát hành hóa đơn là hợp pháp? Đề nghị sửa từ “hoặc” thành “và”?

3.      Liên quan đến Điều 5: Các khoản chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế, có những vấn đề cụ thể sau đây:

a)      Thế nào là “ cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có hiệu quả kinh tế cao” để được khấu hao nhanh?

b)     Về tiền lương, tiền công và Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Trong thực tế hiện nay đang tồn tại sự không nhất quán, mang nặng sự phân biệt đối xử giữa DNNN và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác như sau: Tại DNNN, BHXH được xác định theo mức lương giả định, bằng mức lương tối thiểu do nhà nước công bố nhân (x) với hệ số lương. Mức lương này thấp xa so với mức lương thực tế được nhận của người lao động. Song, tại các DN ngoài quốc doanh, BHXH lại phải tính trên hợp đồng lao động, nếu xác định theo cách tính của DNNN để ghi trong hợp đồng lao động thì chỉ được thừa nhận vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo mức lương trong hợp đồng lao động, các khoản lương khoán theo doanh thu, phụ cấp trách nhiệm… đều không được thừa nhận. Đây là vấn đề gây bức xúc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh từ nhiều năm nay và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn tránh nghĩa vụ nộp BHXH, BHYT ở nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đề nghị làm rõ trong Nghị định này.

c)     Tại khoản 6, Điều 5 có quy định 2 khoản chi bằng số tuyệt đối là 300.000đ và 500.000đ cho người lao động nữ sau khi sinh con. Đề nghị xem lại các mức quy định trên đây vì đến nay, giá cả đã trượt lên khá cao, lương tối thiểu được điều chỉnh lên nhiều lần nên mức quy định trên đã trở thành lạc hậu.

d)     Tiết b, khoản 6 Điều 5 có quy định “ Một số cơ sở kinh doanh quy định người lao động phải mặc trang phục thống nhất tại nơi làm việc thì khoản chi mua trang phục được tính vào chi phí hợp lý”. Đề nghị quy định rõ hơn trong Nghị định 3 nội dung:

-         Trường hợp doanh nghiệp quy định người lao động phải mặc trang phục thống nhất tại nơi làm việc thì chi phí về trang phục được tính vào chi phí hợp lý;

-         Khoản chi về trang phục thống nhất đuợc chi trực tiếp bằng tiền cho người lao động hoặc chi bằng hiện vật do Giám đốc doanh nghiệp quyết định;

-         Mức chi tối đa là 500.000đ/người/ năm hoặc một số khác cao hơn?

e)     Tiết c, khoản 6 về chi công tác phí. Đề nghị quy định rõ “ Chi công tác phí do Hội đồng thành viên với Công ty TNHH, Hội đồng quản trị với Công ty cổ phần quy định bằng văn bản”.

f)      Khoản 7 Điều 5 qui định “…nhưng tối đa không quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại tại thời điểm vay”. Lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại hiện nay là lãi suất thị trường, theo thỏa thuận. Do đó, có rất nhiều mức khác nhau. Quy định chung chung như trên sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện. Đề nghị sửa lại là: “nhưng tối đa không quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng thương mại tại thời điểm vay”.

g)     Khoản 11 đề nghị xem lại: 10% là giới hạn của chi phí quảng cáo, tiếp thị. Vì vậy, không bao gồm các khoản tiếp tân, khánh tiết, chi phí giao dịch, chi hội nghị và các chi phí khác.           

4.      Khoản 1 Điều 6 đoạn “ Tiền lương, tiền công…thành viên hội đồng quản trị của công ty TNHH, công ty cổ phần…” Đề nghị sửa lại cho đúng thuật ngữ quy định tại Luật Doanh nghiệp là “ thành viên hội đồng thành viên của công ty TNHH, hội đồng quản trị của công ty cổ phần…”.

5.      Khoản 6 Điều 6 quy định “ Chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ, vốn pháp định còn thiếu”. Quy định này chỉ đúng với vốn pháp định vì vốn pháp định phải góp đủ trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Với vốn điều lệ của công ty TNHH và công ty cổ phần cần xem lại vì pháp luật không bắt buộc Công ty TNHH, Công ty cổ phần phải góp đủ vốn ngay khi được cấp Giấy chứng nhận kinh doanh. Với công ty TNHH, các thành viên góp vốn phải cam kết lộ trình góp vốn, có thể việc góp vốn sẽ hoàn thành sau khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tới 1 năm. Với công ty cổ phần, các cổ đông sáng lập chỉ phải góp đủ ít nhất 20% vốn điều lệ, 80% còn lại có thể là cổ phần chào bán và việc bán cổ phần do Đại hội cổ đông quyết định. Vì vậy, trong thời hạn của việc cam kết góp vốn với công ty TNHH và chưa chào bán cổ phần đối với công ty cổ phần, công ty có thể sẽ thiếu vốn và phải đi vay.
Trong trường hợp đó, lãi trả tiền vay phải được thừa nhận vào chi phí hợp lý, hợp lệ.

6.      Chương IV Về đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế

Chương này có những vấn đề sau đây:
Cụm từ " Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm ", " Cơ sở kinh doanh phải" được nhắc lại tới 5 lần tại các Điều 20, 21, 22, 26 và 27. Nhưng cơ sở kinh doanh có quyền gì ? Hoàn toàn không có một điều khoản nào quy định. Đề nghị Ban soạn thảo nên coi trọng quyền của các doanh nghiệp, không nên cố tình quên và tạo ra quyền lực quá cao cho cơ quan thuế.

Điều 26 quy định " Cơ sở kinh doanh phải quyết toán thuế TNDN hàng năm với cơ quan thuế theo mẫu do Bộ Tài chính quy định". Đề nghị làm rõ : việc quyết toán thuế  là trách nhiệm của doanh nghiệp, đồng thời cũng là trách nhiệm của cơ quan thuế. Do đó, nếu giữ nguyên Điều 26 thì phải bổ sung vào Điều 31 một khoản về trách nhiệm của cơ quan thuế là: Quyết toán thuế hàng năm với các cơ sở kinh doanh”.

Điều 27 quy định "…nếu số thuế tạm nộp trong năm lớn hơn số thuế phải nộp theo báo cáo quyết toán thuế thì cơ sở kinh doanh được trừ số thuế nộp thừa vào số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo". Để cho rõ, đề nghị sửa lại như sau : "…nếu số thuế tạm nộp trong năm lớn hơn số thuế phải nộp theo báo cáo quyết toán thuế thì cơ sở kinh doanh được trừ số thuế nộp thừa vào số thuế phải tạm nộp của kỳ tiếp theo"

7.       Về những vấn đề chuyển cho Thông tư hướng dẫn :

Trong toàn bộ nội dung của DT, có 9 vấn đề chuyển cho Bộ Tài chính hoặc Bộ Tài chính kết hợp với các Bộ khác hướng dẫn. Với tinh thần công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp - đối tượng thực hiện Luật Thuế TNDN- xin đề nghị cụ thể hóa những vấn đề " chuyển xuống" ngay tại Nghị định này.

Các văn bản liên quan