Góp ý của Ô. Ngô Việt Hoà- Bộ Thương mại

Thứ Tư 17:01 02-08-2006


THAM GIA Ý KIẾN
(Đối với Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường)
_______________________

 
  
          I. Về một số quan điểm xây dựng Thông tư liên tịch
 
Như quan điểm của cơ quan soạn thảo được thể hiện trong văn bản gửi các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan xin ý kiến đối với “dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Bộ Công an hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường”, Thông tư liên tịch này được xây dựng nhằm hai mục tiêu cơ bản và quan trọng: (1) thúc đẩy công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại và (2) góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tổ chức và cá nhân kinh doanh chấp hành đúng quy định của pháp luật. Xuất phát từ các mục đích tốt đẹp này, theo chúng tôi, dự thảo Thông tư liên tịch cần được xây dựng trên các quan điểm sau đây:
 
          Thứ nhất, phải đảm bảo hướng dẫn một cách minh bạch các loại giấy tờ, tài liệu (hoá đơn, chứng từ và các giấy tờ liên quan khác) cũng như các thủ tục để xác định tính hợp pháp của hàng hoá nhập khẩu kinh doanh trên thị trường. Minh bạch hoá đến mức có thể, một mặt góp phần tích cực trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, mặt khác sẽ đảm bảo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chấp hành đúng pháp luật, đảm bảo xử lý “đúng người, đúng tội”. Minh bạch hoá trong hoạt động này lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi nó liên quan đến việc xác định một chủ thể kinh doanh có vi phạm pháp luật - buôn lậu hay gian lận thương mại - hay không để từ đó, tuy theo mức độ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các hình thức chế tài tương xứng, thậm chí là các chế tài hình sự và tất nhiên trong trường hợp này nếu có “oan sai” thì hậu quả thật khôn lường đối với các chủ thể kinh doanh.
 
          Thứ hai, các hướng dẫn một mặt phải “thông thoáng”, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh nhưng mặt khác cũng cần tính đến việc các tổ chức, cá nhân (thường là các doanh nghiệp kinh doanh ít nhiều không tuân thủ pháp luật) lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc pháp luật trong hoạt động kinh doanh.
 
2. Về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau    
 
          Chúng tôi xin có ý kiến đối với một số vấn đề còn có các tranh luận mà cơ quan soạn thảo đã giải trình trong văn bản xin ý kiến như sau:
 
          a/ Về thời hạn xuất trình hoá đơn: về cơ bản, chúng tôi nhất trí với cách quy định của dự thảo Thông tư và đồng tình với các lập luận mà Quý cơ quan soạn thảo đã trình bày, theo đó thời hạn tối đa 24 giờ để cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu hàng hoá hoặc cơ sở kinh doanh hàng hoá nhập khẩu nội địa phải xuất trình hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu là vừa phù hợp với pháp luật và đồng thời phù hợp với tình hình thực tế.
 
Về lập luận cho rằng có thể có một số cơ sở kinh doanh lợi dụng quy định này để buôn lậu thông qua việc hợp pháp hoá chứng từ, quay vòng hoá đơn, chứng từ, chúng tôi cho rằng có thể có hiện tượng này nhưng chắc chắn chúng ta không thể vì quản lý những đối tượng này mà gây oan sai cho các cơ sở kinh doanh chân chính hoặc tạo điều kiện cho sự phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực trong các cơ quan chức năng, gây khó khăn cho đại bộ phận các cơ sở kinh doanh. Quy định như dự thảo Thông tư liên tịch  về thời hạn xuất trình hoá đơn, chứng từ là sự phản ánh thay đổi nhận thức rất tích cực của các cơ quan nhà nước trong quan điểm về quản lý, theo đó lợi ích của số đông các cơ sở kinh doanh cần phải được coi trọng trước hết.
 
Chúng tôi cũng xin cung cấp thêm thông tin về vấn đề kiểm tra, kiểm soát hàng hoá đang trên đường vận chuyển là: trong nỗ lực nhằm hạn chế tình trạng tuỳ tiện dừng phương tiện giao thông để kiểm tra hàng hoá, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 21/1998/CT-TTg về chấm dứt việc tuỳ tiện dừng phương tiên giao thông để kiểm tra kiếm soát và Bộ trưởng Bộ Thương mại đã ban hành Chị thị số 06/2004/CT-TM về việc chấn chỉnh việc kiểm tra, kiểm soát trên đường giao thông của lực lượng quản lý thị trường. Theo tinh thần hai văn bản này thì nghiêm cấm dừng phương tiện để kiểm tra một cách vô cớ,  gây phièn hà, sách nhiễu các chủ phương tiện và chỉ kiểm tra khi có căn cứ chắc chắn về việc trên phương tiện vận tải đó đang có hàng lậu, hàng giả, hàng cấm.
 
          b/Về xử lý vi phạm đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có đủ hoá đơn, chứng từ kèm theo hàng hoá: chúng tôi cho rằng quan điểm như hướng dẫn của dự thảo Thông tư liên tịch hiện nay là chưa thuyết phục, theo đó tất cả hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường nội địa không có hoá đơn, chứng từ đều coi là nhập lậu, bị xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hoá mà cần tuỳ vào từng điều kiện về nhóm mặt hàng, về hình thức của cơ sở kinh doanh để có biện pháp xử lý phù hợp và khả thi hơn.
 
          Đối với vấn đề này, chúng tôi kiến nghị Quý cơ quan soạn thảo cân nhắc ý kiến về việc phân loại hàng hoá theo các nhóm để áp dụng các biện pháp xử lý tương ứng cho phù hợp gồm: (1) hàng hoá nhập khẩu có điều kiện, nhập khẩu phải có gián tem, nhập khẩu trực tiếp vi phạm chế độ hoá đơn, chứng từ mà cơ quan kiểm tra có đủ căn cứ chứng minh là hàng nhập lậu và (2) nhóm hàng hoá không thuộc các hàng hoá kể trên. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng với vấn đề căn cứ chứng minh hàng nhập lậu , vì có thể dẫn đến sự tuỳ tiện và phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu của cơ quan công quyền đối với các cơ sở kinh doanh. Trong trường hợp có thể, vấn đề này cần được hướng dẫn cụ thể hơn để đảm bảo quan điểm minh bạch khi xây dựng Thông tư liên tịch này.
 
          Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng cần tính đến trường hợp nếu cơ quan kiểm tra không chứng minh được hàng hoá nhập lậu và đồng thời cơ sở kinh doanh cũng không thể chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của hàng hoá thì sẽ xử lý hàng hoá đó như thế nào.
 
          3. Về các nội dung cụ thể của dự thảo
 
          - Về lệnh điều động của doanh nghiệp theo hướng dẫn tại điểm 1.3 khoản 1 Mục II A của dự thảo, mặc dù là văn bản có tính chất nội bộ doanh nghiệp nhưng do phải có các nội dung cơ bản như hướng dẫn tại Mục này nên đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc hướng dẫn rõ Mẫu Lệnh điều động doanh nghiệp để đảm bảo thuận tiện cho doanh nghiệp và việc thống nhất áp dụng pháp luật.
 
          - Đối với các hàng hoá nhập khẩu có điều kiện theo hướng dẫn tại khoản 6 Mục II A, đề nghị cân nhắc để quy định cụ thể việc dẫn chiếu đến các loại giấy phép trong hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể, hiện nay theo Luật Thương mại 2005 và Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài thì hàng hoá nhập khẩu được quản lý theo các danh mục hàng hoá bao gồm Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu (thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ) và các Danh mục hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành (Danh mục và mã số HS của từng hàng hoá cụ thể do các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành ban hành).
 
Đối với các hàng hoá thuộc các Danh mục quản lý chuyên ngành thì biện pháp quản lý được áp dụng có thể là:
 
(1) Được nhập khẩu không cần giấy phép khi đáp ứng các điều kiện nhập khẩu;
 
(2) Được nhập khẩu khi có giấy phép khảo nghiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành cấp (đối với một số mặt hàng cụ thể như một số loại dược phẩm, giống vật nuôi, cây trồng) và;
 
 (3) Chỉ được nhập khẩu khi có giấy phép nhập khẩu do Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành cấp.
 
Trong trường hợp cơ quan soạn thảo cho rằng nếu cụ thể hoá các loại giấy phép là quá phức tạp thì đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định vấn đề này theo hướng dẫn chiếu đến các loại giấy phép liên quan đến hoạt động nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP nói trên.
 
- Về xử lý vi phạm theo hướng dẫn tại Mục III A dự thảo, do nội dung của Mục này chủ yếu dẫn chiếu đến Nghị định 175/2004/NĐ-CP ngày 10/10/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại nên đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xử lý vì hiện nay Nghị định 175/2004/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Thương mại 1997) đang trong quá trình sửa đổi và sẽ bị thay thế trong thời gian tới để phù hợp với Luật Thương mại 2005.
 
Trên đây là một số ý kiến đối với Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường./.
 
 
                
 
 
 
 
 
                  

Các văn bản liên quan