Góp ý của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn Việt Nam

Thứ Năm 16:19 02-12-2010

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NHNo Việt Nam) xin gửi ý kiến tham gia về dự thảo Thông tư quy định về hoạt động bảo lãnh ngân hàng, cụ thể như sau:

1. Góp ý chung:

- Về cơ bản NHNo Việt Nam đồng ý với kết cấu và nội dung Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động bảo lãnh ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (dự thảo 10/2010). Dự thảo quy định khá cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng các nội dung và có nhiều điểm mới so với quy chế bảo lãnh ngân hàng hiện tại.

2. Một số góp ý cụ thể:

NHNo Việt Nam xin có ý kiến góp ý cụ thể một số Điều tại Dự thảo như sau:

2.1 Điều 3 (Giải thích từ ngữ):

+ Đề nghị bổ sung các định nghĩa về các Bên tham gia giao dịch bảo lãnh gồm: Bên được Bảo lãnh, Bên Bảo lãnh, Bên thông báo Bảo lãnh, Bên xác nhận Bảo lãnh, Các bên có liên quan để giúp các Tổ chức Tín dụng nắm rõ hơn về các Bên tham gia.

+ Đề nghị bổ sung thêm các định nghĩa có trong Quy tắc Thống nhất về Bảo lãnh, Ấn bản 758 của Phòng Thương mại Quốc tế - Uniform Rules of Demand Guarantee of ICC (URDG 758).

+ Khoản 3, Điều 3: Về Định nghĩa Cam kết Bảo lãnh: Đề nghị đưa ra định nghĩa chung về Cam kết Bảo lãnh, Ví dụ:

Cam kết Bảo lãnh: là một thỏa thuận bằng văn bản do Bên Bảo lãnh phát hành, theo yêu cầu của Khách hàng (Bên đề nghị Bảo lãnh hoặc Bên được Bảo lãnh – Principal hoặc Applicant), cho Bên nhận Bảo lãnh (Beneficiary), theo đó Bên Bảo lãnh cam kết không hủy ngang việc thanh toán (các) khoản tiền đến mức tối đa nào đó cho Bên nhận Bảo lãnh (Beneficiary) khi Bên này xuất cho Bên Bảo lãnh (các) chứng từ yêu cầu thanh toán phù hợp với những điều kiện và điều khoản quy định tại Cam kết Bảo lãnh. Cam kết Bảo lãnh một khi đã được phát hành sẽ độc lập với (các) hợp đồng hoặc giao dịch cơ sở (hợp đồng hoặc giao dịch tạo lập (các) nghĩa vụ cần bảo lãnh).

+ Đề nghị làm rõ hơn nội hàm của khái niệm thư tín dụng dự phòng

+ Khoản 4, Điều 3: Nên bỏ câu “Khi thực hiện bảo lãnh, các bên có thể thỏa thuận áp dụng hoặc không áp dụng hợp đồng cấp bảo lãnh” vì phần này chỉ giải thích từ ngữ về Hợp đồng cấp bảo lãnh, không nên đề cập nội dung quy định tại đây.

Liên quan đến Hợp đồng cấp bảo lãnh, vì đây là một văn bản thỏa thuận giữa bên bảo lãnh với bên được bảo lãnh về các nội dung bảo lãnh, quyền và nghĩa vụ các bên trong việc thực hiện bảo lãnh. Trường hợp không quy định phải có hợp đồng cấp bảo lãnh thì dự thảo thông tư nên quy định các hình thức văn bản khác có giá trị tương đương với hợp đồng cấp bảo lãnh (điện swiff – trong trường hợp bảo lãnh có yếu tố nước ngoài, các hình thức khác…) để các TCTD áp dụng thực hiện vì trên thực tế thường hay gặp.

2.2. Điều 8 (Phân loại Bảo lãnh):

- Khoản 1: đề nghị sửa lại như sau:

Bảo lãnh trực tiếp (không thông qua tổ chức tín dụng trung gian) là cam kết của bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh. Các hình thức bảo lãnh trực tiếp bao gồm:…

- Điểm a, Khoản 1, Điều 8: bỏ chữ “được” tại dòng 2

Bảo lãnh vay vốn: để bảo đảm nghĩa vụ nợ vay của bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ nợ vay;

- Điểm đ, Khoản 1, Điều 8: thay từ “nộp” bằng từ “thực hiện”:

Bảo lãnh dự thầu: để bảo đảm nghĩa vụ tham gia dự thầu của bên được bảo lãnh. Trường hợp, bên được bảo lãnh phải nộp phạt do vi phạm quy định đấu thầu mà không nộp hoặc không nộp đầy đủ tiền phạt thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện thay;

- Điểm đ, Khoản 1, Điều 8: đề nghị sửa lại như sau:

Bảo lãnh thực hiện hợp đồng: để bảo đảm việc thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của bên được bảo lãnh quy định tại hợp đồng đã ký với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng và phải bồi thường mà không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ thì bên bảo lãnh sẽ thực hiện thay;

Bổ sung lại Bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng

Bảo lãnh trên cơ sở Bảo lãnh Đối ứng là việc một TCTD (Bên Bảo lãnh) phát hành một Cam kết Bảo lãnh trên cơ sở Bảo lãnh Đối ứng của một TCTD khác (Bên Bảo lãnh Đối ứng), theo đó, Bên Bảo lãnh cam kết thanh toán cho Bên nhận Bảo lãnh của Cam kết Bảo lãnh mà mình phát hành, trong trường hợp khách hàng của Bên Bảo lãnh Đối ứng vi phạm Hợp đồng đã ký giữa khách hàng đó với Bên nhận bảo lãnh. Trong trường hợp phải thanh toán thay, Bên Bảo lãnh được quyền đòi thanh toán từ Bên Bảo lãnh Đối ứng.

2.3. Điều 10 (Điều kiện bảo lãnh)

- Bổ sung điều kiện bảo lãnh đối với cá nhân và tổ chức nước ngoài

2.4 Khoản 1, Điều 18

Dự thảo quy định: “Đối với trường hợp bên đề nghị bảo lãnh không phải là bên được bảo lãnh, thì bên đề nghị bảo lãnh phải có tài sản bảo đảm tương ứng với giá trị bảo lãnh và các chi phí phát sinh theo quy định pháp luật hiện hành”

Vậy trong trường hợp Bên được bảo lãnh đã sử dụng các biện pháp bảo đảm, thì bên đề nghị bảo lãnh có cần sử dụng các biện pháp bảo đảm nữa không?

2.5 Điều 19 (Phí bảo lãnh)

Khoản 5, điều 19 cần quy định cụ thể áp dụng tỷ giá nào (ví dụ: theo tỷ giá công bố của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm thu phí) trong trường hợp đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ, bên bảo lãnh và khách hàng thỏa thuận thu phí bảo lãnh bằng đồng Việt Nam

2.6 Điều 14 (Nội dung các Cam kết Bảo lãnh):

Điểm e và Điểm 1, Khoản 1 tại Điều 14 trùng nhau

2.7. Cần quy định rõ nghĩa vụ nhận nợ và hoàn trả cho TCTD bảo lãnh trong trường hợp bên đề nghị bảo lãnh không phải là bên được bảo lãnh.

Trên đây là một số ý kiến góp ý của NHNo Việt Nam về dự thảo thông tư quy định về hoạt động bảo lãnh ngân hàng.

Kính gửi Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng

Các văn bản liên quan