Góp ý của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Thứ Năm 15:13 11-04-2013

Trả lời Công văn số 3155/PTM-PC ngày 12/12/2012 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc đề nghị các doanh nghiệp/hiệp hội góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự án Luật), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam có một số ý kiến tham gia như sau:

1. Về các thu nhập chịu thuế (Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp)

Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành về phạm vi các loại thu nhập chịu thuế TNDN. Theo đó, Dự án Luật bổ sung thêm một số loại thu nhập khác sẽ thuộc diện chịu thuế, bao gồm thu nhập từ:

(i)  chuyển nhượng quyền góp vốn;

(ii) chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản;

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cho rằng việc bổ sung các loại thu nhập này là hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay nhưng chưa đủ và chưa dự liệu được các tình huống có thể phát sinh trong tương lai. Do vậy, để có thể lường trước các loại thu nhập thuộc diện chịu thuế khác có tính chất tương tự có thể phát sinh, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm nội dung về thu nhập hợp pháp từ việc “chuyển nhượng các quyền tài sản khác” vào diện đối tượng chịu thuế TNDN.

2. Về thu nhập được miễn thuế (Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp)

Dự án Luật đã bổ sung loại thu nhập “từ hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước của Ngân hàng Phát triển Việt Nam; thu nhập từ hoạt động tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng chính sách xã hội; thu nhập từ dịch vụ tín dụng theo chức năng, nhiệm vụ của quỹ đầu tư phát triển địa phương” vào diện thu nhập được miễn thuế.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đề nghị cần bổ sung thêm loại thu nhập phát sinh từ hoạt động tín dụng của các Ngân hàng thương mại trong trường hợp được Chính phủ chỉ định thực hiện hoạt động cấp tín dụng để phục vụ các nhiệm vụ kinh tế chính trị đặc biệt của Chính phủ. Những trường hợp được miễn thuế cụ thể này sẽ do Chính phủ xác định rõ ngay từ đầu trong quá trình lựa chọn từng ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động nói trên vì xét về bản chất, hoạt động cấp tín dụng trong những trường hợp này không nhằm đạt mục tiêu cao nhất là lợi nhuận mà là các khoản cho vay mang tính chất tương tự như các khoản cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội như ở trên.

3. Về việc xác định thu nhập tính thuế (Điều 7 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp)

Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp về thu nhập để xác định tính thuế như sau:

"3. Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế, được bù trừ lãi, lỗ của các hoạt động này với nhau; trường hợp sau khi bù trừ mà vẫn bị lỗ thì doanh nghiệp được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế.

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này".

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cho rằng, quy định sửa đổi, bổ sung này là phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội của đất nước tại thời điểm thực tế hiện nay, khi hoạt động kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn và giá bất động sản đang xuống thấp. Tuy nhiên, việc dành quá nhiều “ưu đãi” cho việc chuyển nhượng bất động sản tại một văn bản luật (có tính chất ổn định tương đối lâu dài) như vậy là không phù hợp (khi giá bất động sản có thể biến động lên xuống) mà chỉ nên quy định theo hướng về nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo chính sách này phù hợp với thực tiễn nhưng sẽ dễ dàng thay đổi khi tình hình kinh tế xã hội có sự thay đổi. Do vậy, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đề nghị sửa đổi lại khoản 3, Điều 7 nói trên như sau:

"3. Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế. Việc xác định thu nhập để tính thuế, bù trừ lãi, lỗ của các hoạt động này do Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ".

4. Về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế (Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp)

Dự án Luật đề xuất bổ sung 01 loại chi phí sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, quy định tại điểm o, khoản 2, Điều 9, đó là: “Chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu, riêng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì tỷ lệ này không quá 10 lần vốn chủ sở hữu; đối với một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp đã có quy định của pháp luật về tỷ lệ tối thiểu vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư thì thực hiện theo quy định đó”.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này vì quy định như hiện nay là chưa rõ nghĩa. Cụ thể như sau:

- Việc bổ sung loại chi phí này vào diện không được xem xét khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là căn cứ vào lý thuyết “vốn mỏng” như trong dự thảo Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, về lý thuyết, những doanh nghiệp hoạt động chủ yếu từ nguồn vốn vay và tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu vượt quá 01 mức quy định thì tiền lãi vay trong trường hợp này sẽ không được tính vào các khoản chi để trừ đi khi xác định thu nhập chịu thuế. Đối với doanh nghiệp thông thường thì tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu phải vượt quá 04 lần, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành về bất động sản và pháp luật về đầu tư.[1] Đối với các tổ chức tín dụng thì tỷ lệ này phải vượt quá 10 lần, căn cứ vào Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 của Ngân hàng Nhà nước quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.[2]

- Như vậy, Dự án Luật quy định “Chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu, riêng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì tỷ lệ này không quá 10 lần vốn chủ sở hữu” là không phù hợp mà cần quy định rõ là “Chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp thông thường, vượt quá 10 lần đối với các tổ chức tín dụng, vượt quá tỷ lệ tối đa vốn vay trên vốn chủ sở hữu trong trường hợp pháp luật có quy định về tỷ lệ tối thiểu vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư tại một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp nhất định”.

Trên đây là một số ý kiến góp ý của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đối với Dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, xin gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp.



[1] Theo lý giải của Ban soạn thảo trong Tờ trình của Chính phủ.

[2] Như trên.

Các văn bản liên quan