Góp ý của Luật gia Trần Quang Minh – Bộ Tư pháp

Thứ Sáu 15:57 20-07-2007


 
GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Trần Quang Minh - Luật gia

Kính gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam


Luật Thuế thu nhập cá nhân là một trong những đạo luật cơ bản, quan trọng của một quốc gia. Việc xây dựng được một đạo luật thuế thu nhập cá nhân tốt, có tính khả thi, đảm bảo sự hài hoà giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của Nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội sẽ góp phần thúc đẩy cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội đất nước.

Dưới đây, tôi xin có một số ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung Dự thảo, cụ thể như sau:

I. Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN QUY ĐỊNH TRONG DỰ THẢO

1. Về đối tượng nộp thuế

1.1. Theo quy định của Dự thảo, các đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân được chia làm hai nhóm là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú. Mỗi nhóm có thể bao gồm cá nhân mang quốc tịch Việt Nam và người nước ngoài. Từ việc phân biệt này, Dự thảo quy định các phương pháp tính thuế, mức thuế, chế độ miễn, giảm thuế, chế độ giảm trừ gia cảnh khác nhau cho mỗi nhóm. Sau khi nghiên cứu, phân tích quy định của Dự thảo về các nhóm này, nổi lên những vấn đề sau đây:

Một là, các khái niệm “cá nhân cư trú” và “cá nhân không cư trú” của Dự thảo không được định nghĩa một cách rõ ràng, cụ thể như sau:

- Điểm a khoản 3 Dự thảo quy định cá nhân cư trú là người có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm Dương lịch. Giả thiết rằng vào tháng 4 trong một năm bất kỳ, một người phát sinh một khoản thu nhập chịu thuế quy định tại khoản 6 Điều 4 Dự thảo (thu nhập từ trúng số ...). Người này đã có mặt tại Việt Nam từ đầu năm đến khi phát sinh thu nhập thuộc diện chịu thuế, tức là khoảng 120 ngày. Vậy cơ sở nào cho cơ quan thuế xác định người này là cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú để từ đó áp dụng phương pháp tính thuế tương ứng?

- Điểm b khoản 3 Điều 3 Dự thảo quy định cá nhân cư trú là người có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam. Tuy nhiên, không có một quy định nào của Dự thảo và hệ thống pháp luật Việt Nam giải thích khái niệm “có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam” là như thế nào.

Hai là, qua phân tích các quy định của Dự thảo cũng như Đề cương gợi ý các vấn đề tập trung lấy ý kiến, chưa thực sự thấy rõ các luận cứ có tính khoa học về việc áp dụng phương pháp tính thuế, mức thuế, chế độ miễn, giảm thuế, chế độ giảm trừ gia cảnh ... hoàn toàn khác nhau cho mỗi nhóm. Trong khi đó, có thể nêu lên một trường hợp cụ thể là việc áp dụng chế độ miễn trừ gia cảnh để thấy rõ tính thiếu hợp lý của cách áp dụng các chế độ thuế thu nhập nêu trên. Theo quy định của Dự thảo, cá nhân không cư trú không được áp dụng chế độ miễn trừ gia cảnh. Câu hỏi đặt ra là lý do nào để Dự thảo quy định như vậy, trong khi cá nhân không cư trú cũng có thể có người phụ thuộc. Mặt khác, một người có thể thay đổi từ cá nhân cư trú sang cá nhân cư trú và ngược lại tùy thuộc vào việc có hay không thỏa mãn điều kiện có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4. Như vậy, nếu năm ngoái người này có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên thì được áp dụng chế độ giảm trừ gia cảnh, còn năm nay anh ta có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày thì không được áp dụng chế độ giảm trừ gia cảnh, trong khi trách nhiệm của người này đối với người phụ thuộc vẫn không thay đổi.

Ba là, việc áp dụng chế độ nộp thuế thu nhập cá nhân thống nhất cho cá nhân Việt Nam và người nước ngoài là không hợp lý. Điều này thể hiện trong những quy định của Dự thảo về mức giảm trừ gia cảnh. Có thể thấy rằng Ban soạn thảo mới chỉ quan tâm đến việc đảm bảo mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với mức sống tại Việt Nam. Đối với người nộp thuế là người nước ngoài và có người phụ thuộc sinh sống, cư trú tại quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài, không có cơ sở cho rằng mức giảm trừ gia cảnh của Dự thảo phù hợp với mức sống tại quốc gia, vùng lãnh thổ mà người phụ thuộc sinh sống, cư trú.

 Từ phân tích trên đây, tôi cho rằng Ban soạn thảo cần thiết phải công khai các luận cứ của việc áp dụng các chế độ thuế thu nhập cá nhân khác nhau cho từng nhóm khác nhau để nhân dân có thể đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo. Đồng thời, khắc phục những điểm bất hợp lý nêu trên.

1.2. Về đối tượng nộp thuế là chủ hộ nông dân, chủ hộ nông, lâm trường viên, chủ hộ diêm dân

Theo quy định của Dự thảo, đối với các thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từ trồng rừng, từ làm muối, chủ hộ nông dân, chủ hộ nông, lâm trường viên, chủ hộ diêm diêm dân là đối tượng chịu nộp thuế thu nhập. Việc xác định toàn bộ các thu nhập này là của chủ hộ là không hợp lý, vì hộ nông dân, hộ nông, lâm trường viên, hộ diêm dân có thể bao gồm nhiều thành viên khác, ngoài chủ hộ. Do đó, phải xác định đây là thu nhập của toàn bộ các thành viên trong hộ và có cách tính thuế phù hợp cho mỗi thành viên.

2. Các loại hình thu nhập chịu thuế

Việc phân biệt 6 loại hình thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân tại Điều 4 Dự thảo còn có điểm chưa rõ ràng, cụ thể là việc phân biệt hai loại hình thu nhập từ sản xuất, kinh doanh và thu nhập từ hoạt động đầu tư vốn. Trong trường hợp một cá nhân góp vốn để sản xuất, kinh doanh thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đó được xác định là thu nhập từ sản xuất, kinh doanh hay thu nhập từ đầu tư vốn để tính thuế? Căn cứ quy định của Dự thảo, cá nhân có thể phải nộp đồng thời hai loại thuế.
Khoản 6 Điều 4 quy định thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu công ty, bất động sản thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao Dự thảo không quy định  việc thừa kế, tặng cho các loại tài sản khác cũng thuộc diện nộp thuế? Vì nếu căn cứ vào giá trị của tài sản thì còn những tài sản khác có giá trị lớn hơn, trong khi việc thừa kế, tặng cho một số cổ phiếu trị giá vài chục, vài trăm nghìn đồng đã phải nộp thuế. Nếu căn cứ vào khả năng quản lý và thu được thuế thì còn một số loại tài sản khác cũng đã được quản lý về việc đăng ký sở hữu, đăng ký chuyển dịch quyền sở hữu như một số loại phương tiện giao thông. Cơ quan thuế có thể nhờ các cơ quan quản lý các loại tài sản này phối hợp, giúp đỡ trong việc thu thuế thu nhập cá nhân.

3. Các loại hình thu nhập không chịu thuế

Để khuyến khích hoạt động đầu tư trong lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, phát triển nền kinh tế - xã hội của nước ta, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung vào danh mục các loại hình thu nhập không chịu thuế một trường hợp là “thu nhập từ việc góp vốn để đầu tư vào hoạt động sản xuất – kinh doanh”. Ví dụ: trong trường hợp một cá nhân chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu bất động sản để góp vốn vào một doanh nghiệp. Về lý thuyết, cá nhân này có thể phát sinh thu nhập nếu có sự chênh lệnh giữa giá mua quyền sử dụng đất, mua bất động sản và giá trị của quyền sử dụng đất, bất động sản được tính tại thời điểm góp vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, cá nhân này đã không nhận thêm một khoản thu nhập nào và việc pháp luật quy định họ phải nộp thuế thu nhập cá nhân là không hợp lý.

4. Về cách tính thuế đối với cá nhân cư trú

Quy định của Dự thảo về cách tính thuế đối với cá nhân cư trú còn có những điểm không rõ ràng, hợp lý, cụ thể như sau:
Về cách tính thuế thu nhập từ sản xuất kinh doanh, Điều 11 Dự thảo quy định thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá, hoàn thành dịch vụ hoặc thời điểm lập hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ. Đối với các hợp đồng mua bán, trao đổi hàng hóa, cung ứng dịch vụ đã xác định giá thành hàng hóa, phí dịch vụ trước khi có sự chuyển quyền sở hữu hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thu nhập từ sản xuất, kinh doanh sẽ được xác định căn cứ vào giá trị hàng hóa, cung ứng dịch vụ tại thời điểm giao kết hợp đồng hay thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, cung ứng dịch vụ? Theo quy định của Dự thảo, nếu căn cứ vào thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, cung ứng dịch vụ thì người nộp thuế có thể phải chịu thiệt hại, nếu giá trị hàng hóa, phí dịch vụ tại thời điểm chuyển giao, cung ứng cao hơn giá trị hàng hoá, phí dịch vụ mà các bên đã thoả thuận;

Về cách tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, khoản 2 Điều 15 Dự thảo quy định “trường hợp giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong hợp đồng thấp hơn giá đất do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định có hiệu lực tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định căn cứ vào giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành”. Dự thảo cần quy định rõ cách tính giá chuyển nhượng trong trường hợp này, vì giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành là một khung giá, không phải là một mức giá cụ thể. Điều này nhằm tránh sự tùy tiện của cơ quan thuế khi tính giá chuyển nhượng;

Cách tính thuế đối với thu nhập từ sản xuất, kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công quy định tại Điều 19 Dự thảo có điểm không hợp lý. Ví dụ: Trường hợp một đối tượng nộp thuế có doanh thu từ sản xuất, kinh doanh là 10 triệu đồng và chi phí (không bao gồm tiền lương, tiền công của chủ hộ, người đại diện hộ kinh doanh là đối tượng nộp thuế) là 4 triệu đồng. Theo quy định tại Điều 11, thu nhập từ sản xuất, kinh doanh thuộc diện chịu thuế của chủ hộ là 6 triệu đồng; khoản tiền này bao gồm cả tiền lương, tiền công của chủ hộ. Theo quy định tại Điều 19, thì tổng thu nhập chịu thuế của người này bao gồm 6 triệu đồng thu nhập từ sản xuất, kinh doanh + 2 triệu tiền lương, tiền công. Như vậy, tổng thu nhập thuộc diện chịu thuế theo quy định tại Điều 19 là 8 triệu đồng, trong khi đó, người này chỉ có thu nhập thực tế là 6 triệu đồng.

5. Khoản giảm trừ gia cảnh

Quy định tại Điều 18 Dự thảo về khoản giảm trừ gia cảnh còn những điểm không hợp lý, cần làm rõ, cụ thể như sau:

Trong trường hợp đối tượng nộp thuế có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người thứ ba theo bản án, quyết định của Tòa án. Giả sử mức cấp dưỡng này là 800.000 đồng/tháng. Như vậy, việc xác định mức giảm trừ gia cảnh của đối tượng nộp thuế cho người thứ ba là 1,6 triệu đồng là không hợp lý và người này có cơ hội bỏ túi 800.000 đồng chênh lệch. Còn với đối tượng nộp thuế là người thân trong gia đình của người thứ ba, họ có thể đăng ký với cơ quan thuế về việc người này là người phụ thuộc hay không để được giảm trừ gia cảnh và mức giảm trừ gia cảnh có thể thấp hơn 1,6 triệu đồng được không, vì người phụ thuộc đã được người khác cấp dưỡng ở một mức nhất định? 

Mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 18 không phù hợp với đối tượng nộp thuế là người nước ngoài, có người phụ thuộc sinh sống tại quốc gia, vùng lãnh thổ nước ngoài;

Điểm c khoản 2 Điều 18 khống chế mức giảm trừ gia cảnh là không hợp lý, vì tổng số người phụ thuộc của một đối tượng nộp thuế có thể lớn hơn 5 người và do đó, tổng số giảm trừ cho tất cả những người phụ thuộc có thể lớn hơn 10 triệu. Việc giới hạn này vừa không đảm bảo tính nhân đạo của chế định giảm trừ gia cảnh, vừa thể hiện sự so đo, tính toán của Nhà nước với đối tượng nộp thuế. Không nên giới hạn số lượng người phụ thuộc và mức giảm trừ gia cảnh, nếu điều đó là hợp pháp. Còn nếu e ngại việc trốn thuế thì Ban soạn thảo cũng cần nâng cao mức giảm trừ gia cảnh tối đa lên hơn 10 triệu đồng;

Dự thảo cần quy định cách tính khoản giảm trừ gia cảnh theo mức độ trượt giá và tăng trường kinh tế xã hội theo từng giai đoạn cụ thể, có thể là 3 – 4 năm lại xác định lại một lần. Nếu Dự thảo tiếp tục quy định mức giảm trừ gia cảnh cụ thể thì cũng cần quy định rõ ràng thời điểm sửa đổi quy định này. Điều này sẽ ngăn ngừa, hạn chế sự phát sinh trong dư luận xã hội những ý kiến đánh giá việc duy trì quá lâu mức này mà không sửa đổi chứng tỏ việc cơ quan Nhà nước chỉ coi trọng lợi ích của mình, không coi trọng lợi ích của người dân;

Dự thảo cần mở rộng phạm vi những đối tượng được giảm trừ gia cảnh trong trường hợp đối tượng nộp thuế không có thu nhập từ sản xuất, kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công, xây dựng cách tính khoản giảm trừ gia cảnh trong những trường hợp này.

II. Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA DỰ THẢO TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI ĐƯỜNG LỐI, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG, CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT KHÁC CỦA NHÀ NƯỚC

Các quy định của Dự thảo phải được xây dựng nhằm thực hiện đường lối, chính sách có liên quan của Đảng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật khác của Nhà nước. Việc thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi một số yêu cầu cụ thể như sau:

1. Rà soát, sửa đổi các quy định của Luật Quản lý thuế nhằm đảm bảo cho việc thực hiện những quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân không gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế
Hiện nay, còn có một số quy định của Luật Quản lý thuế có thể gây khó khăn, vướng mắc cho việc nộp thuế thu nhập cá nhân, cụ thể là:

Điều 23 Luật Quản lý thuế quy định hồ sơ đăng ký thuế của cá nhân phải có chứng minh nhân dân, hộ chiếu. Quy định này chỉ khả thi trong trường hợp cá nhân là người mang quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước ngoài. Trong trường hợp cá nhân là người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam thì người này sẽ không có CMND hoặc hộ chiếu (theo quy định của pháp luật, họ được cấp một loại giấy tờ có tên gọi là Thẻ thường trú). Do đó, người này sẽ không thể nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.

Đối với cá nhân là công dân mang quốc tịch Việt Nam, ngoài Chứng minh nhân dân, họ còn có thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp một số loại giấy tờ xác định tư cách pháp lý khác. Qua rà soát các văn bản pháp luật, có thể liệt kê những loại giấy tờ cơ bản, quan trọng sau: Chứng minh sỹ quan, chứng minh quân đội, Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân, Giấy chứng minh an ninh nhân dân, Giấy chứng nhận công nhân, nhân viên trong lực lượng Công an nhân dân. Thực tiễn một số lĩnh vực pháp lý cho thấy cơ quan nhà nước vẫn chấp nhận những loại giấy tờ này. Như vậy, cơ quan thuế có thể chấp nhận những giấy tờ nêu trên thay thế CMND được không? Vì trong những trường hợp đối tượng nộp thuế bị mất, hư hỏng CMND, nếu cơ quan thuế bắt buộc họ phải có CMND thì người này phải làm thủ tục cấp đổi, cấp lại CMND. Thời gian cấp đổi, cấp lại có thể kéo dài và người nộp thuế có thể vi phạm quy định pháp luật về thời hạn kê khai và nộp thuế.

Các quy định về thủ tục kê khai và nộp thuế của Luật Quản lý thuế yêu cầu người quản lý thuế phải trực tiếp đến cơ quan thuế. Trong trường hợp một người liên tục có thu nhập thuộc diện chịu thuế, người này sẽ phải liên tục đến cơ quan thuế. Việc làm này có thể làm nản lòng người nộp thuế, làm tăng số lượng các trường hợp trốn thuế. Cần khắc phục nhược điểm nêu trên của thủ tục nộp thuế hiện nay thông qua việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy định về một quy trình nộp thuế hoàn toàn thông qua mạng điện tử.

2. Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa những quy định của Dự thảo với những quy định của pháp luật về bất động sản, về đất đai

Theo quy định của Dự thảo, khái niệm “bất động sản” bao gồm đất đai (trong Dự thảo có điểm còn coi là quyền sử dụng đất) và những loại bất động sản khác.

Hiện nay, Nhà nước chủ yếu chỉ thực hiện việc quản lý đối với quyền sử dụng đất, một số loại bất động sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng khác, cây rừng, cây lâu năm. Việc xây dựng các chế độ, chính sách, quy định pháp luật tập trung vào các loại bất động sản này. Đối với những bất động sản khác, ví dụ: các dây chuyền máy móc, thiết bị, tài sản được gắn với liền với đất, với nhà ở, công trình xây dựng khác, rất khó để Nhà nước có thể thực hiện sự quản lý một cách có hiệu quả. Dưới góc độ pháp lý, trong nhiều trường hợp, rất khó phân biệt các loại tài sản đó là động sản hay bất động sản, những tài sản này có thể dễ dàng thay đổi từ bất động sản thành động sản và ngược lại.

Vì vậy, khái niệm “bất động sản” của Dự thảo cũng chỉ nên bao gồm những loại bất động sản chủ yếu nói trên. Điều này nhằm đảm bảo cho những quy định của Dự thảo về việc nộp thuế thu nhập đối với việc chuyển nhượng bất động sản có thể phát huy hiệu lực trong thực tế.

3. Đảm bảo sự phù hợp giữa những quy định của Dự thảo với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc xây dựng và phát triển thị trường bất động sản

Đất đai nói riêng và bất động sản nói chung là một trong những nguồn lực tiềm năng có giá trị và vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để những nguồn lực này trở thành nguồn vốn đầu tư đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp mang tính chiến lược. Một trong những giải pháp đã được thể chế hóa trong đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước là xây dựng và phát triển thị trường bất động sản. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển thị trường bất động sản ở nước ta hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn, rất khó đưa được bất động sản vào thị trường. Một trong những lý do chủ yếu đã được nhân dân, các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước nêu lên là thuế đối với việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu bất động sản, lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu bất động sản còn quá cao, vượt quá khả năng của đa số người dân. Như vậy, để phát triển thị trường bất động sản cần phải giảm bớt các khoản thuế, lệ phí này.

Từ tình hình đó, có thể cho rằng quy định của Dự thảo xác định mức thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản ở mức cao nhất là không phù hợp với tình hình thực tiễn của thị trường bất động sản hiện nay, không phù hợp với quan điểm của đa số người dân, Bộ, ngành liên quan và có thể làm hạn chế sự phát triển của thị trường bất động sản, không phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng về phát triển thị trường bất động sản.

Tóm lại, Dự thảo cần tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng một cách tốt nhất các mục đích chung là đảm bảo sự hài hoà giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của Nhà nước, đảm bảo cho sự công bằng và phát triển của nền kinh tế - xã hội. Trong quá trình lấy ý kiến của nhân dân, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm một số nội dung, vấn đề quan trọng để người dân biết và cho ý kiến ngoài những vấn đề đã được nêu trong Đề cương gợi ý lấy ý kiến Dự thảo.

Các văn bản liên quan