Góp ý của Ls Trương Thanh Đức – Trưởng ban Thư ký HĐQT Ngân hàng hàng hải về Thuế TNDN

Thứ Sáu 14:10 22-02-2008


 
ĐỪNG DÙNG NGHỊ ĐỊNH VÀ THÔNG TƯ THAY THẾ
VAI TRÒ CỦA LUẬT THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
 
 
                                                                            Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC
                                                                    Trưởng Ban Thư ký HĐQT Maritime Bank
 


 
Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tôi xin tham gia một số ý kiến vào Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

Việc soạn thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thay thế là rất cần thiết. Dự thảo đã có nhiều nội dung thay đổi tiến bộ, hợp lý đáng ghi nhận, nhất là việc giảm thuế suất xuống còn 25% và đơn giản hoá chính sách ưu đãi thuế. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề cần thaya đổi và hoàn chỉnh. Dưới đây là một vài gợi ý:

1.       Dự luật vẫn còn là luật khung, luật ống:

Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp đã được xây dựng và sửa đổi nhiều lần, nhưng cho đến Dự thảo lần này vẫn chỉ là nguyên tắc chung chung, thiếu cụ thể, thiếu chi tiết, không thể thực hiện được ngay theo yêu cầu, đòi hỏi mới về xây dựng Luật. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (đã được sửa đổi, bổ sung) gồm 15 trang, trong khi Nghị định quy định chi tiết là 22 trang và Thông tư hướng dẫn thi hành là 40 trang. Vẫn một Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003 không hề thay đổi, nhưng lại có nhiều Nghị định và nhiều Thông tư (năm 2003, 2004, 2005, 2007) hướng dẫn nhiều nội dung rất khác nhau.

Do đó, một trong những việc quan trọng là cần đưa càng nhiều càng tốt những nội dung đang được thể hiện trong các nghị định, thông tư vào Dự luật sửa đổi.

Trách nhiệm của cơ quan soạn thảo không phải là tìm cách gạt bỏ hết những nội dung khó, những vấn đề chưa “chín”, mà là cần phải xử lý nó, phải tạo ra những quy phạm tốt nhất để xây dựng Luật có sức sống độc lập, bền vững.

Nếu cho rằng chỉ đưa vào Luật những nội dung đã được thực tế kiểm nghiệm về tính hợp lý và có giá trị ổn định lâu dài, thì chỉ là một sự nguỵ biện. Dù lâu nay vẫn “giữ vững” quan điểm như vậy, nhưng hầu hết các đạo luật trên thực tế vừa ban hành xong đã thấy cần phải sửa đổi, bổ sung.

2.       Dự luật không nên loại trừ những khoản chi hợp lý, cần thiết:

Khoản 4, Điều 8 (Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế) của Dự thảo cũng giống như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đã quy định về một trong những khoản chi hợp lý để xác định thuế thu nhập là “trang phục”. Tuy nhiên, Luật không chỉ ra được mức cụ thể hay đặt ra nguyên tắc để tính mức chi phí hợp lý chịu thuế, mức nào được tính và mức nào không được tính vào chi phí hợp lý. Đến Nghị định của Chính phủ cũng vẫn không có gì rõ hơn. Cuối cùng, hoàn toàn phụ thuộc vào quyền áp đặt của thông tư. Thành thử thông tư mới thật sự quyết định vấn đề và có giá trị thực tế “cao” hơn luật.

Nhiều doanh nghiệp chi tiền rất thực tế và hợp lý để may đo, trang cấp đồng phục cho người lao động, nhưng lại không được coi là chi phí hợp lý nếu chi trên 500 ngàn đồng/năm (từ cuối 2007 là 1 triệu đồng). Nếu khống chế trong trường hợp phát tiền mặt cho người lao động, thì còn có lý, đằng này lại “vơ đũa cả nắm”. Tại sao chúng ta không giám sòng phẳng mà áp luật chơi: Nếu có hoá đơn, chứng từ mua sắm hợp pháp, thì khoản chi của doanh nghiệp này chính là khoản thu của doanh nghiệp khác. Vẫn Bộ Tài chính thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập, chứ còn nước nào vào đây mà thu. Như vậy còn rất phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động là khuyến khích doanh nghiệp tăng thêm quyền lợi cho người lao động.

Khoản 12, Điều 8 (Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế) của Dự luật cũng như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đều quy định một loạt khoản chi là: “Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, chi tiếp tân, khánh tiết, chi hoa hồng môi giới, chi phí hội nghị; chi phí hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chi phí chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của các cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không vượt quá 10% tổng số chi phí”. Mức khống chế này chỉ phù hợp với thời kinh tế bao cấp, không cần quan tâm đến quảng cáo, tiếp thị và khuyến mại. Ngày nay, bán hàng là bán thương hiệu, mà 10% thì sẽ “giật gấu vá vai” để xây dựng thương hiệu.

Lĩnh vực nào thì không biết, nhưng riêng với các ngân hàng thương mại, thì giới hạn trên là quá bất hợp lý. Ngân hàng là doanh nghiệp của công chúng, chi phí quảng cáo, tiếp thị cộng với bao nhiêu thứ chi phí khác như vậy là quá khó, nhất là đối với các ngân hàng mới thành lập. Chỉ quảng cáo mỗi ngày vài chục giây trên truyền hình Nhà nước, thì một năm cũng mất tới hàng chục tỷ đồng. Do vậy, nhiều ngân hàng buộc phải tìm cách lách luật, chẳng hạn làm biển quảng cáo tấm lớn, nhưng lại hạch toán thuê tài sản, thay vì hạch toán đúng là chi phí quảng cáo.

Đó là những chi phí hợp lý, cần thiết nhưng lại là những lỗi vi phạm pháp luật khá phổ biến mà người ta không hề mong muốn. Đã đến lúc cần mạnh dạn thay đổi quan điểm làm chính sách để tránh trình trạng luật lại cứ “xui” người ta phải phạm luật?

Đã yêu cầu các khoản chi phải có đủ hoá đơn, chứng từ hợp lý, hợp pháp, thì cũng cần nới lỏng con số “chết”, trói chân trói tay doanh nghiệp. Tính hợp lý của vấn đề đã được chứng minh: Việc giảm thuế suất không có nghĩa là giảm thu ngân sách mà khoản thu vẫn có thể tăng trên thực tế. Trong trường hợp này, tăng tỷ lệ chi cho hỗ trợ kinh doanh sẽ giảm thu ở khâu này nhưng sẽ tăng thu ở chỗ khác và đặc biệt là giảm những việc vi phạm pháp luật không đáng có.

Hợp pháp nhưng không hợp lý, không thực tế. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn người ta đến việc hợp pháp hóa bằng cách: Mua bán hóa đơn, chế biến chứng từ khống, chấp nhận giao dịch giả,…

Vì vậy, đề nghị bỏ giới hạn chi quảng cáo, tiếp thị,… hỗ trợ kinh doanh 10% hoặc ít nhất là tăng lên 20%.

3.       Khống chế phần chi trả lãi cũng chưa hợp lý:

Luật Thuế thu nhập hiện hành cũng như khoản 6, Điều 8 của Dự luật có quy định một trong những khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là “Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của đối tượng ngoài các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức kinh tế vượt quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại tại thời điểm vay”.  Hiện nay khoản 1, Điều 476 của Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.” Tuy nhiên đây là một quy định qua bất cập, cho nên đã được Quốc hội dự kiến sửa đổi trong kỳ họp tháng 5-2008 này.

Quy định trên của Dự thảo tuy có “rộng rãi” hơn so với Bộ luật Dân sự, nhưng cũng đến lúc cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tế. Việc vay lãi bên ngoài của các doanh nghiệp với mức lãi vượt quá 150% so với lãi suất ngân hàng là tương đối phổ biến, nhất là vay vốn không có tài sản bảo đảm. Thậm chí chính các ngân hàng nhiều khi cũng còn phải đi vay với lãi suất cao hơn nhiều so với giới hạn của pháp luật[1].

Ngoài ra, “mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại” cũng là một con số nhảy nhót, vì phụ thuộc vào từng ngân hàng, từng khoản vay với tính chất, thời điểm, thời hạn, số tiền, uy tín, tài sản bảo đảm,… khác nhau.

4.       Tuy chỉ là kỹ thuật, nhưng cũng quan trọng như nội dung:

Cần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Hai dự thảo luật thuế tại cùng thời điểm, nhưng đã có sự quy định khác nhau về tỷ giá ngoại tệ. Điều 6 của Dự luật này quy định: “trường hợp có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái[2] do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố…” (và tương tự là quy định tại Điều 7); trong khi Điều 6 của Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng lại là: “    Trường hợp người nộp thuế có doanh số mua, bán bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố…

Điều 12 quy định về nơi nộp thuế thu nhập của các đơn vị trực thuộc doanh nghiệp, cần thay đoạn “doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc” bằng “doanh nghiệp có đơn vị phụ thuộc”cho đúng với bản chất và phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp. Vì trong trường hợp này, nếu viết đơn vị “trực thuộc” thì có thể đó là công ty con độc lập thuộc doanh nghiệp và như vậy thì không đặt ra vấn đề nộp thuế ở nơi có trụ sở chính của công ty mẹ.

Về bố cục văn bản, còn nhiều chỗ chưa hợp lý. Chẳng hạn, một số đoạn trong các điều được viết ngay dưới các khoản, nhưng lại không phải là một phần của khoản đó. Như vậy, không bảo đảm tính lô gíc tối thiểu. Ví dụ như các đoạn cuối của Điều 2, Điều 7, Điều 8, Điều 10, Điều 14

Một số điều cần phần chia thành các khoản cho rõ ràng, thay vì phân chia thành đoạn. Ví dụ như Điều 5, Điều 6, Điều 11, Điều 12.
                                                                                 Luật sư Trương Thanh Đức
                                                                       Trưởng Ban Thư ký HĐQT Maritime Bank
                                                                      090.345.9070 - truongthanhduc@yahoo.com


[1]    Giữa tháng 2-2008 này, các ngân hàng phải vay nhau (trên thị trường liên ngân hàng) với lãi suất lên đến 30%/năm, tức là bằng 353% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố

[2] Khoản 8, Điều 9, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 định nghĩa: “Tỷ giá hối đoái là tỷ lệ giữa giá trị của đồng Việt Nam với giá trị của đồng tiền nước ngoài”. Khoản 9, Điều 4, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2006 định nghĩa “Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ của Việt Nam.”

Các văn bản liên quan