Góp ý của Ls. Phan Long Khẩn – Đoàn Luật sư Tp. Cần Thơ

Thứ Sáu 11:17 26-05-2006
TẠO BÌNH ĐẲNG CHO DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM
Tham luận của Luật sư PHAN LONG KHẨN
Đoàn Luật sư Thành phố Cần Thơ


Nền kinh tế nước ta hiện nay đang tồn tại nhiều loại hình doanh nghiệp, do nhiều luật khác nhau điều chỉnh.
- Luật doanh nghiệp 2000 (Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty hợp doanh, Doanh nghiệp tư nhân).
- Luật doanh nghiệp Nhà nước 2004.
- Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Hợp đồng hợp tác kinh doanh, Doanh nghiệp liên doanh, Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài).
- Luật khuyến khích đầu tư trong nước.
- Doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (không có luật điều chỉnh).
- Luật doanh nghiệp (dự thảo) nhằm mục tiêu thống nhất các luật trên, tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Trong buổi hội thảo hôm nay, chúng tôi xin trình bày một số ý kiến liên quan đến vấn đề tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

VẤN ĐỀ 1. CÁC LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP

Luật doanh nghiệp (Dự thảo) thống nhất các loại hình doanh nghiệp chỉ còn 4 loại như quy định tại Luật doanh nghiệp 2000. Đó là:
- Công ty TNHH
- Công ty cổ phần.
- Công ty hợp doanh.
- Doanh nghiệp tư nhân.
Theo chúng tôi, quy định này hết sức cần thiết, tạo được sự bình đẳng cho các nhà đầu tư vì họ được quyền lựa chọn loại hình doanh nghiệp thích hợp.

Một số nước có các loại hình công ty khác như công ty nặc danh,... nhưng theo chúng ta chỉ cần 4 loại nêu trên là đủ.

VẤN ĐỀ 2. ĐĂNG KÝ KINH DOANH THAY CHO CẤP PHÉP

- Luật doanh nghiệp 2000 quy định: Khi thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam chỉ cần đăng ký kinh doanh (Trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải hội đủ điều kiện hoặc được cấp giấy phép kinh doanh).

- Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định: Đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài thì cấp giấy phép đầu tư.

- Đây là sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Luật doanh nghiệp (Dự thảo) quy định tất cả các doanh nghiệp khi thành lập chỉ phải đăng ký kinh doanh là đáp ứng đúng yêu cầu của các doanh nghiệp đang muốn đầu tư vào Việt Nam.

VẤN ĐỀ 3. CÓ NÊN ĐẶT THÊM NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ KINH DOANH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Dự thảo luật doanh nghiệp (lần 1) đưa ra ba hạn chế đối với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài so với doanh nghiệp trong nước:

- Bị cấm kinh doanh một số ngành nghề mà doanh nghiệp trong nước không bị cấm.
- Phải xin phép trước khi đăng ký kinh doanh một số ngành nghề mà doanh nghiệp trong nước không phải xin phép.
- Mức đầu tư tối thiểu của mỗi người nước ngoài (cá nhân hay pháp nhân) là 100.000 USD.

Theo chúng tôi, không nên đặt thêm các điều kiện về đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Đặt như vậy không những tạo ra sự bất bình đẳng mà còn dễ nhận thấy sự bất bình đẳng, sự phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài.

VẤN ĐỀ 4. VỀ GIẤY PHÉP KINH DOANH

Việc cấp giấy phép kinh doanh chỉ áp dụng đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

- Luật doanh nghiệp (dự thảo lần 1, ngày 04/03/2005) đưa ra khái niệm mới về giấy phép:
"Cấp phép nói trong luật này là hành vi hành chính do pháp luật quy định được thực hiện theo yêu cầu của cá nhân hoặc tổ chức để cho phép người đó được quyền thực hiện các công việc nhất định, để xác định trình độ và năng lực của họ, hoặc để cho họ một địa vị pháp lý hoặc tình trạng nhân thân - kết quả của cấp phép là giấy phép".

Khái niệm trên dài dòng, nặng về định nghĩa hành vi cấp phép.
- Dự thảo (lần 2, ngày 17/04/2005) đưa ra định nghĩa về giấy phép ngắn, gọn hơn:
"Giấy phép nói trong luật này là kết quả dưới mọi hình thức của các công việc xét duyệt hành chính theo trình tự do pháp luật quy định về sự tuân thủ đầy đủ và đúng các điều kiện kinh doanh".

Theo chúng tôi nên đưa ra định nghĩa "Giấy phép kinh doanh" như sau:
- Giấy phép kinh doanh là giấy phép do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật quy định phải có giấy phép mới được kinh doanh.


Định nghĩa về "Giấy phép kinh doanh" nên đưa vào Điều 3 (giải thích từ ngữ) thay vì quy định tại Điều 6a (dự thảo lần 2).

- Cũng như đối với doanh nghiệp trong nước, việc cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài (đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện) nên giao cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp vì nếu giao về Trung ương thì không khác nào trở về với tình trạng cấp phép đầu tư (dù lĩnh vực có hạn chế).

VẤN ĐỀ 5. ĐĂNG KÝ LẠI DOANH NGHIỆP

Dự thảo luật doanh nghiệp (lần 2) quy định:

- Điều 123 áp dụng đối với các doanh nghiệp được thành lập trước khi luật này có hiệu lực.

1. Công ty TNHH, Công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp doanh đã thành lập theo quy định của luật doanh nghiệp ngày 12 tháng 06 năm 1999 không phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh lại.

2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước khi luật này có hiệu lực có quyền:
a) Đăng ký lại và tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của luật này. Việc đăng ký lại phải được thực hiện trong thời hạn 2 năm kể từ khi luật này có hiệu lực. Trong trường hợp này, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ thay thế giấy phép đầu tư đã được cấp và doanh nghiệp đó không còn được hưởng các quyền và lợi ích quy định tại giấy phép đầu tư.
cool.gif Hoặc không đăng ký lại theo quy định của luật này, trong trường hợp này doanh nghiệp chỉ được quyền hoạt động kinh doanh trong phạm vi ngành nghề và thời hạn xác định bới giấy phép đầu tư và tiếp tục được hưởng các quyền và lợi ích đã định trong giấy phép đầu tư đó.

Theo chúng tôi, quy định như trên sẽ tạo ra tình trạng như sau:
- Nếu doanh nghiệp chọn cách đăng ký lại thì họ sẽ mất các quyền và lợi ích quy định tại giấy phép đầu tư (được hiểu là các ưu đãi đầu tư), họ sẽ cho rằng luật pháp Việt Nam thay đổi và áp dụng hiệu lực hồi tố, đi ngược với nguyên tắc chung về luật pháp.
- Nếu doanh nghiệp không đăng ký lại, giấy cấp phép đầu tư vẫn còn hiệu lực thì nền kinh tế của ta vẫn tồn tại loại hình doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, không đạt được mục tiêu thống nhất luật doanh nghiệp.
- Đề nghị giải pháp.

* Tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều phải đăng ký lại theo luật doanh nghiệp mới. Họ vẫn được tiếp tục hưởng các quyền và lợi ích quy định tại giấy phép đầu tư.

* Việc chuyển đổi phải thực hiện trong thời hạn 2 năm kể từ khi luật doanh nghiệp mới có hiệu lực.

- Đề nghị giải pháp trên cũng được áp dụng cho các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị - xã hội.
Đối với vấn đề kinh doanh cá thể.
- Người nước ngoài có quyền đăng ký kinh doanh cá thể không ?
- Theo chúng tôi không nên cho cá nhân người nước ngoài đăng ký kinh doanh cá thể, mà họ phải chọn một trong bốn loại hình doanh nghiệp.
*
**
- Luật doanh nghiệp 2000 đã tạo ra động lực mới, thúc đẩy sự phát triển trong khu vực kinh tế dân - doanh.
- Luật doanh nghiệp mới chắc chắn sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài.

Các văn bản liên quan