Góp ý của Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam

Thứ Năm 10:54 22-06-2006

Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam ( VATAP ) góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như sau:

Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam nhất trí nhiều vấn đề trong dự thảo của Bộ Khoa học và công nghệ trong Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều lệ của luật SHTT về bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Hiệp hội VATAP xin góp ý một số vấn đề cụ thể như sau:

1. Trong thực tiễn khi áp dụng luật SHTT và các Nghị định kèm theo thường phát sinh mâu thuẫn ở các vấn đề cụ thể, vì vậy để khắc phục tình trạng đó nếu quý Bộ dự thảo luôn Thông tư hướng dẫn về những vấn đề này kèm theo Nghị định thì trong quá trình thực tiễn từ khâu phê duyệt Nghị định và quá trình thực hiện sau này sẽ rất thuận lợi ví dụ:

- Tại Điều 2, cần làm rõ thêm thế nào là "Yếu tố vi phạm" ( Điểm 3 ); "Sản phẩm xâm phạm" ( Điểm 4 ) : cần làm càng rõ khái niệm này trong Hướng dẫn thì quá trình thực hiện sẽ có nhiều thuận lợi.

- Tại Điều 8, việc quy định chứng minh là chủ thể quyền buộc phải là bản gốc hoặc bản sao văn bằng bảo hộ trong Bộ hồ sơ … Bản sao hợp pháp có nghĩa là phải là bản sao công chứng, điều này có thật cần thiết hay không bởi vì toàn bộ hồ sơ này đã được lưu trữ tại Cục SHTT.  Vì vậy không cần thiết như đòi hỏi tại Điểm 8 mà chỉ cần dùng bản photocopy và giám đốc cam kết là sao y đúng bản chính (có đóng dấu), nếu có gian trá thì chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn trong trường hợp có nghi ngờ thì mới yêu cầu xuất trình bản chính để giảm bớt phiền hà buộc các tổ chức, cá nhân xếp hàng công chứng như hiện nay. Đồng thời nghiêm cấm các tổ chức có liên quan tuỳ tiện đòi hỏi công chứng các tài liệu không cần thiết.

- Tại Điều 11, trong trường hợp một hành vi xâm phạm xảy ra tại nhiều địa phương khác nhau…chỉ cần nộp cho một trong các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, quy định như vậy là thông thoáng cho các tổ chức cá nhân nhưng trường hợp các đơn vị khác tại địa phương đòi hỏi thì được phép dùng bản photocopy có cam kết của đơn vị nộp đơn như nói ở trên. Nếu gian dối phải chịu trách nhiệm trước pháp luật …Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm.

- Điểm 2 Điều 12 phải quy định cụ thể hơn phải chịu trách nhiệm vật chất trước những thiệt hại của tổ chức, cá nhân.

2. Chương V, giám định về sở hữu trí tuệ Điều 46 và 54, sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực hết sức phức tạp. Các chuyên gia làm việc ở Cục SHTT đủ năng lực để giám định về lĩnh vực này. Vì vậy, chúng tôi có ý kiến như sau:

- Phương án I: Lập hệ thống giám định trực thuộc hệ thống Bộ Khoa học và công nghệ như từ trước tới nay, hoạt động mang tính độc lập tương đối trên một số lĩnh vực ở đây không phải là vừa đá bóng vừa thổi còi. Suy cho cùng thì kết quả giám định cuối cùng đúng hay sai, trùng hay không trùng, tương tự hay không tương tự, kết luận của Bộ Khoa học công nghệ (Cục SHTT) là rất quan trọng. Cơ quan này được Chính phủ giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về vấn đề này.

- Phương án II: Lập hội đồng giám định liên ngành nằm trong hệ thống uỷ ban quốc gia về bảo đảm thực thi Luật SHTT.

3. Tổ chức của uỷ ban quốc gia về đảm bảo thực thi SHTT: Chính phủ đã có rất nhiều ban, uỷ ban. Vì vậy, cần xem xét thêm về mặt tổ chức của Nhà nước, nếu kiêm nhiệm thì hiệu quả rất thấp, nếu chỉ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, chỉ đạo thanh tra kiểm tra… thì việc thành lập uỷ ban quốc gia sẽ không hiệu quả (Đề nghị cân nhắc thêm vấn đề này).

4. Việc tổ chức các cơ quan giám định theo dự thảo (không giống như giám định chất lượng và giám định của cơ quan hình sự) giám định về SHTT trừu tượng hơn nhiều và đôi khi phụ thuộc nhiều vào ý kiến cá nhân của người giám định, giáp ranh giữa đúng và sai rất gần nhau, vì vậy hệ thống giám định SHTT phải thuộc cơ quan Nhà nước.

5. Trường hợp nhất thiết phải lập Trung tâm giám định về SHTT thì phải tìm mọi cách khắc phục ngay từ bây giờ tình trạng vừa đại diện cho nước ngoài ở Việt Nam hưởng lệ phí rất cao, mặt khác lại thành lập trung tâm giám định (do bà con, bạn bè, anh em thân thích đăng ký), nếu điều này xảy ra thì sẽ tác hại rất lớn cho Doanh nghiệp và sẽ còn tệ hại hơn việc giữ nguyên như phương án I nói trên.

Trong trường hợp nhất thiết vẫn phải lập cơ quan giám định như dự thảo thì cần lưu ý: giám định không đúng và không chính xác thì ai là người phân xử. Đối tượng tạm gọi là "vi phạm SHTT" yêu cầu một cơ quan giám định khác giám định lại và giả sử kết quả giám định ngược lại với cơ quan trước đây thì phân xử như thế nào. Những chế tài để xử lý những hiện tượng này phải thật nghiêm khắc.

Về cơ bản Hiệp hội đồng tình như dự thảo, xin góp một số ý kiến như trên.

T/M BAN CHẤP HÀNH 
Chủ tịch 
  
  
Lê thế bảo

Các văn bản liên quan