Góp ý của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Thứ Ba 14:54 10-08-2010

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 59/2006/NĐ-CP

 

          Trước hết chúng tôi cơ bản nhất trí dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP. Riêng lĩnh vực bảo hiểm chúng tôi xin có một số ý kiến sau:

          Kinh doanh bảo hiểm thực chất là bán lời cam kết bồi thường. Vậy lời cam kết này được thể hiện như thế nào (Quy tắc điều khoản điều kiện bảo hiểm), cơ sở để thực hiện lời cam kết bảo hiểm (phí bảo hiểm) có phù hợp với thực tiễn và có căn cứ khoa học hay không, đồng thời cơ sở đảm bảo thực hiện lời cam kết đó (vốn pháp định, dự phòng nghiệp vụ, biên khả năng thanh toán) cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm. Chính vì vậy, kinh doanh bảo hiểm là loại hình kinh doanh có điều kiện, chịu sự quản lý và giám sát, kiểm tra chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

 

          Luật Kinh doanh bảo hiểm đã thể hiện tinh thần trên:

-        Đối với doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam:

          Điều 63. Điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động:

          Có vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định, có hồ sơ xin cấp phép thành lập và hoạt động, có loại hình doanh nghiệp và điều lệ phù hợp, có người quản lý và điều hành có năng lực quản lý chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm.

          Điều 77. Khả năng thanh toán

          Điều 94. Vốn pháp định và vốn điều lệ

          Điều 96. Dự phòng nghiệp vụ

          Điều 97. Quỹ dự trữ

          Điều 98. Vốn đầu tư

          Điều 99. Báo cáo tài chính

-        Đối với doanh nghiệp bảo hiểm có vốn nước ngoài và văn phòng đại diện được quy định tại Điều 106 và Điều 107.

-        Đối với doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được Quy định tại Điều 93

-        Đối với đại lý bảo hiểm được quy định tại Điều 86

-        Đối với tổ chức bảo hiểm tương hỗ được quy định tại Điều 73

         

          Nghị định 45 quy định:

          Điều 6. Điều kiện để được cấp phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

          Điều 11. Điều kiện để mở chi nhánh, văn phòng đại diện

          Điều 13. Người quản trị, điều hành doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

          Điều 14. Chuyên gia tính toán

          Điều 20. Quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm

          Điều 21. Thủ tục phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm

          Điều 22. Hoa hồng bảo hiểm

          Điều 23. Nhượng tái bảo hiểm

          Điều 24. Nhận tái bảo hiểm

          Điều 27. Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

          Điều 29. Quyền và nghĩa vụ doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động đại lý bảo hiểm

          Điều 30. Quyền và nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm

          Điều 31. Đào tạo đại lý bảo hiểm

          Điều 39. Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm

         

          Nghị định 46 quy định:

          Điều 4. Vốn pháp định

          Điều 5. Vốn điều lệ

          Điều 6. Ký quỹ

          Điều 8. Dự phòng nghiệp vụ với bảo hiểm phi nhân thọ

          Điều 9. Dự phòng nghiệp vụ với bảo hiểm nhân thọ

          Điều 11. Nguồn vốn đầu tư

          Điều 13. Nguồn vốn nhàn rỗi đầu tư từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm

          Điều 14. Đầu tư vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm

          Điều 16. Biên khả năng thanh toán tối thiểu

          Điều 17. Biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm

          Điều 34. Báo cáo tài chính

          Các Thông tư của Bộ Tài chính số 155/2007/TT-BTC; số 156/2007/TT-BTC và số 86/2009/TT-BTC hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định nói trên.

          Như vậy có 2 đối tượng hoạt động kinh doanh bảo hiểm chưa được hướng dẫn chi tiết nên Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 59/2006 chưa đề cập đến là hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm (công ty chuyên tái bảo hiểm, không khai thác bảo hiểm trực tiếp) và tổ chức tương hỗ bảo hiểm.

          Tuy nhiên, đối với đại lý bảo hiểm cần xem xét lại có phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không?

          Điều 29 Nghị định 45. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động đại lý bảo hiểm:

“1. Doanh nghiệp bảo hiểm có các quyền sau:

a) Lựa chọn đại lý bảo hiểm và ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm;

b) Quy định mức chi trả hoa hồng bảo hiểm trong hợp đồng đại lý bảo hiểm theo các quy định của pháp luật;

c) Nhận và quản lý tiền ký quỹ hoặc tài sản thế chấp của đại lý bảo hiểm, nếu có thoả thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm;

d) Yêu cầu đại lý bảo hiểm thanh toán phí bảo hiểm thu được theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

đ) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm;

e) Được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác từ hoạt động đại lý bảo hiểm.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ:

a) Tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ đào tạo đại lý phù hợp với quy định của pháp luật;

b) Hướng dẫn và cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm;

c) Thực hiện các trách nhiệm phát sinh theo hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký kết;

d) Thanh toán hoa hồng theo thoả thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm;

đ) Hoàn trả cho đại lý bảo hiểm khoản tiền ký quỹ hoặc tài sản thế chấp theo thoả thuận;

e) Chịu trách nhiệm về những thiệt hại hay tổn thất do hoạt động đại lý bảo hiểm của mình gây ra theo thoả thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm;

g) Chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các hoạt động do đại lý bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện;

h) Thông báo cho Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam danh sách các đại lý bảo hiểm bị doanh nghiệp bảo hiểm chấm dứt hợp đồng đại lý bảo hiểm do vi phạm pháp luật, quy tắc hành nghề.”

 

          Điều 30 Nghị định 45. Quyền và nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm:

“1. Đại lý bảo hiểm có các quyền sau:

a) Lựa chọn và ký kết hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật;

b) Tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đại lý bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức;

c) Được cung cấp thông tin cần thiết cho các hoạt động của mình và các điều kiện khác để thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm;

d) Hưởng hoa hồng và các quyền, lợi ích hợp pháp khác từ hoạt động đại lý bảo hiểm;

đ) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm hoàn trả tiền ký quỹ hoặc tài sản thế chấp theo thoả thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm.

2. Đại lý bảo hiểm có các nghĩa vụ sau:

a) Thực hiện cam kết trong hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với doanh nghiệp bảo hiểm;

b) Ký quỹ hoặc thế chấp tài sản cho doanh nghiệp bảo hiểm nếu có thoả thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm;

c) Giới thiệu, mời chào, bán bảo hiểm; cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm; thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo phạm vi được ủy quyền trong hợp đồng đại lý bảo hiểm;

d) Tham gia các khoá đào tạo nâng cao trình độ do các cơ sở đào tạo đại lý bảo hiểm quy định tại Điều 31 Nghị định này tổ chức; 

đ) Chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.“

 

          Như vậy, hợp đồng đại lý là hợp đồng uỷ quyền của doanh nghiệp bảo hiểm giao cho đại lý làm một số việc trong khâu phân phối sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm. Đại lý bảo hiểm là cánh tay nối dài trong khâu phân phối sản phẩm bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm và được hưởng thù lao là hoa hồng bảo hiểm (trả theo quy định của Nhà nước). Khác với các đại lý ngành nghề khác là: sai lầm hoặc lỗi cố ý của đại lý gây thiệt hại cho khách hàng thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn là người chịu trách nhiệm với khách hàng (người uỷ quyền). Sau đó người uỷ quyền sẽ xử lý nội bộ với người được uỷ quyền. Hay nói một cách khác, đại lý bảo hiểm vẫn là người của doanh nghiệp bảo hiểm. Việc cấp chứng chỉ đào tạo đại lý khác với chứng chỉ hành nghề đại lý nên không thể coi cấp chứng chỉ đào tạo là điều kiện kinh doanh đại lý. Đại lý không tiến hành kinh doanh bảo hiểm mà phải phân phoosisd bảo hiểm theo đúng quy định của công ty bảo hiểm. Vì đặc thù sản phẩm bảo hiểm trừu tượng, khó hiểu nên muốn đưa sản phẩm bảo hiểm đến tay người tiêu dùng, đại lý phải hiểu được sản phẩm bảo hiểm để tuyên truyền, thuyết phục khách hàng nên phải đào tạo bảo hiểm để cấp chứng chỉ đào tạo.

          Thực tế, cách đây 3 năm ngành thuế coi đại lý là một nghề kinh doanh có điều kiện nên đã bắt các đại lý đăng ký kinh doanh, nộp thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập (như khoán đối với hộ kinh doanh). Sau đó, các doanh nghiệp bảo hiểm và Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Tài chính và dừng lại không thực hiện.

          Nếu coi đại lý là một nghề sẽ ảnh hưởng tới thị trường bảo hiểm Việt Nam. Các đại lý buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải thuê mình như một người cung cấp dịch vụ hay hợp đồng lao động với giá cả thoả thuận (không tuân thủ theo hoa hồng Bộ Tài chính). Mặt khác, nếu đại lý gây thiệt hại cho khách hàng thì đại lý phải chịu trách nhiệm và với 150.000 đại lý bảo hiểm hiện nay, luôn thay đổi (bỏ việc và tuyển dụng thêm) địa chỉ không cố định thì khó có thể đòi đại lý bồi thường thiệt hại cho khách hàng khi lỗi của mình gây ra.

 

          Vì vậy, chúng tôi đề nghị sửa đổi bổ sung Dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 59/2006 như sau:

-                     Bổ sung 2 hoạt động kinh doanh bảo hiểm vào hoạt động kinh doanh có điều kiện là: Kinh doanh chuyên tái bảo hiểm và Tổ chức bảo hiểm tương hỗ;

-                     Bỏ đại lý bảo hiểm ra khỏi danh.

Các văn bản liên quan