Góp ý của Đại biểu Quốc hội Cao Ngọc Xuyên – Bạc Liêu

Thứ Năm 11:32 10-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản tôi đồng ý với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường, nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường, tôi xin được phát biểu thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, thuế bảo vệ môi trường là một sắc thuế mới nên việc áp dụng về nguyên tắc sẽ làm tăng thêm nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách Nhà nước của người tiêu dùng những sản phẩm chịu thuế. Tuy nhiên, đối với xăng dầu khi áp dụng thuế bảo vệ môi trường ở mức sàn như dự thảo luật sẽ không làm tăng thêm nghĩa vụ đóng góp của người tiêu dùng, vì theo dự thảo khi có thuế bảo vệ môi trường sẽ không thu phí xăng dầu như hiện nay nữa, mức thu thuế dự kiến sẽ áp dụng là mức sàn quy định trong Luật và đúng bằng mức phí hiện nay đang thu, cụ thể đối với xăng là 1000 đồng/lít, diezel là 500 đồng/lít, marút, dầu nhờn 300 đồng/lít, mỡ nhờn 300 đồng/1kg. Do vậy, thuế bảo vệ môi trường sẽ không làm tăng giá xăng dầu như nhiều đại biểu lo ngại. Hiện nay người sử dụng xăng dầu đang đóng góp vào ngân sách Nhà nước các khoản thu gồm thuế nhập khẩu 17%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, phí xăng dầu 1000 đồng/lít, đối với xăng là 500 đồng/lít, đối với dầu diezel 300 đồng/lít, dầu nhờn 300 đồng/lít và 300 đồng/1kg đối với mỡ nhờn như đã nói ở trên. Ngoài ra còn đóng góp vào quỹ bình ổn xăng là 300 đồng/lít, không có khoản thu về phí giao thông như đại biểu đã nói.

Việc áp mức thuế bảo vệ môi trường cao hơn sàn tức là nhiều hơn 1000 đồng/lít nhất là mức trần là 4000 đồng/lít quy định trong dự thảo Luật sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng phù hợp với chính sách phát triển kinh tế, xã hội của từng thời kỳ, thị trường giá cả thế giới khu vực và quá trình hội nhập đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và mức cụ thể này sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, không thể có sự tùy tiện trong việc thu thuế.

Thứ hai, về thuế bảo vệ môi trường trong dự án luật này khác với phí bảo vệ môi trường mà chúng ta đang áp dụng hiện nay và chúng ta vẫn phải áp dụng cả 2 công cụ tài chính này để góp phần bảo vệ môi trường. Vì phí bảo vệ môi trường thu trực tiếp vào chủ thể xả thải gây ô nhiễm cả trong sản xuất và tiêu dùng, thuế bảo vệ môi trường chỉ thu vào một số loại sản phẩm mà khi sử dụng nó gây ô nhiễm môi trường, nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng, các công cụ tài chính này đã được quy định ở Luật bảo vệ môi trường tại Điều 112 quy định tổ chức hộ gia đình cá, nhân sản xuất kinh doanh một số sản phẩm gây tác động xấu lâu dài đến môi trường và sức khỏe con người thì phải nộp thuế môi trường.

Điều 113 của Luật bảo vệ môi trường quy định tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc có hoạt động nhằm phát sinh nguồn tác động xấu đến môi trường thì phải nộp phí bảo vệ môi trường. Căn cứ các quy định trên thì chính sách tài chính bảo vệ môi trường tồn tại 2 khoản thu khác nhau là thuế bảo vệ môi trường và phí bảo vệ môi trường. Thuế bảo vệ môi trường thu vào các sản phẩm mà khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, mức thuế thể hiện định hướng và điều tiết của Nhà nước đối với việc tiêu dùng những sản phẩm này, nhằm hạn chế những sản phẩm gây ô nhiễm, người tiêu dùng là người chịu thuế, người sản xuất là người nộp thuế thay.

Phí bảo vệ môi trường thu vào hành vi xả thải ra môi trường, thu vào chủ thể xả thải gây ô nhiễm môi trường thải ra trong quá trình sản xuất, sử dụng như phí nước thải. Người chịu thuế và người nộp thuế môi trường là người xả thải ra môi trường tức là cùng một chủ thể mức phí bảo vệ môi trường được xác định theo nguyên tắc bù đắp đủ chi phí xử lý môi trường, nếu chủ thể xả thải tự xử lý được các chất gây ô nhiễm trước khi xả ra môi trường thì không phải nộp thuế. Có sản phẩm gây ô nhiễm môi trường cả khâu sản xuất và khâu tiêu dùng, nhưng có sản phẩm chỉ gây ô nhiễm ở khâu tiêu dùng. Như vậy không có sự trùng lặp về sự tồn tại cả thuế môi trường và phí bảo vệ môi trường, nhưng có thể đưa hết các loại phí bảo vệ môi trường hiện hành vào Luật thuế bảo vệ môi trường để đơn giản chính sách thu được không.

Như đã nói ở trên, thuế và phí tại 2 khoản thu khác nhau, tính chất khác nhau và chủ thể thu nộp khác nhau. Thuế là khoản thu được nộp vào ngân sách và không mang tính hoàn trả trực tiếp cho người cung cấp dịch vụ, trong khi phí cũng là một khoản thu do nhà nước quy định, nhưng mang tính hoàn trả trực tiếp, trả cho người cung cấp dịch vụ có thể là nhà nước, cũng có thể là doanh nghiệp.

Hiện nay do chi phí đầu tư để xử lý ô nhiễm môi trường, nước thải, chất thải rắn rất lớn, khả năng tạo lợi nhuận thấp, khó thu hồi vốn, thời gian thu hồi vốn lâu nên chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ. Do vậy nhà nước đại diện cho tổ chức cung cấp dịch vụ, nên số thu phí bảo vệ môi trường cũng nộp vào ngân sách nhà nước. Từ đó có quan điểm thuế và phí cùng một tính chất bảo vệ môi trường, cùng do nhà nước quy định, cùng nộp vào ngân sách nên việc quy định nộp chung thuế và phí là một.

Tuy nhiên hiện nay có một số doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ làm sạch môi trường và trong thời gian tới khi mức phí được quy định đủ bù đắp chi phí xử lý ô nhiễm môi trường, thì sẽ có nhiều doanh nghiệp hơn tham gia vào dịch vụ làm sạch môi trường. Khi đó việc tách bạch giữa phí bảo vệ môi trường và thuế bảo vệ môi trường sẽ dễ nhận biết hơn, vì vậy không nên gộp chung thuế và phí thành một khoản thu. Hiện nay khi đưa xăng dầu vào diện chịu thuế môi trường thì không thu phí xăng dầu nữa, cũng hoàn toàn phù hợp với việc phân định phí và thuế như đã nói ở trên. Mặt khác các doanh nghiệp khai thác dầu thô, chế biến dầu vẫn phải nộp các khoản phí bảo vệ môi trường giống như các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản khác.

Thứ ba, về đối tượng chịu thuế thực tế chúng ta đều thấy còn nhiều loại sản phẩm khác cũng gây tác hại đến môi trường khi sử dụng, nhưng trước mắt tôi đồng ý chỉ nên đưa 5 nhóm sản phẩm vào đối tượng chịu thuế như dự thảo luật. Theo tôi việc lựa chọn sản phẩm để đưa vào đối tượng chịu thuế môi trường cần căn cứ vào các yếu tố sau: mức độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xác định mức độ gây ô nhiễm của sản phẩm và phạm vi tác động. Kinh nghiệm quốc tế các nước thu thuế môi trường đối với sản phẩm nào thì Việt Nam cũng chỉ nên quy định tương tự để bảo đảm bình đẳng.

Thứ tư là khả năng thực thi của dự án luật, tức là có thu được thuế không, chi phí thu như thế nào và thu được bao nhiêu. Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế mới, tác động đến đại đa số người dân, do đó cần đảm bảo tính khả thi, xác định rõ loại sản phẩm để quản lý thu thuế được hiệu quả, phải tính hết sự hài hòa, phát triển kinh tế, không tác động đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu. Ngay cả các nước phát triển cũng chỉ lựa chọn một số hàng hóa nhất định để đưa vào đối tượng chịu thuế, không làm giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.

Qua tài liệu gửi kèm theo dự án luật tôi thấy đa số các nước đã áp dụng thuế bảo vệ môi trường, kể cả Mỹ và các nước EU cũng chỉ chủ yếu thu thuế đối với xăng dầu, dầu mỡ nhờn, điện và nhiên liệu. Ngay cả thuốc bảo vệ thực vật cũng rất ít nước đánh thuế bảo vệ môi trường mặc dù họ cũng công nhận thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường. Do vậy với những nguyên tắc trên trước mắt chúng ta chỉ nên đưa 5 nhóm sản phẩm vào đối tượng chịu thuế như dự thảo luật mà không nên mở rộng thêm các đối tượng khác như đề nghị của một số đại biểu. Chúng ta chưa đủ điều kiện và cũng chưa cần phải đi tiên phong trong việc áp dụng rộng rãi thuế bảo vệ môi trường. Điều 4 Luật bảo vệ môi trường quy định bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với sự phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ xã hội để phát triển bền vững đất nước. Tôi nhất trí với việc áp dụng mức thuế suất tuyệt đối mặc dù hầu hết các loại thuế khác của chúng ta đều áp dụng mức thuế suất % giá trị tính thuế. Việc áp dụng tính thuế theo tỷ lệ % có ưu điểm lớn là đảm bảo lợi ích của nhà nước về số thu tăng giảm theo giá sản phẩm, bảo đảm nguồn thu của ngân sách nhà nước khi có biến động của giá. Nhưng viêc áp dụng thuế suất theo tỷ lệ % sẽ làm phức tạp hơn trong viêc thực hiện. Thuế suất theo mức tuyệt đối có ưu điểm đơn giản, minh bạch, trung thực, tiện, đảm bảo ổn định nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước của người sử dụng sản phẩm. Số thu ổn định không phụ thuộc vào sự biến động của giá sản phẩm và tránh được thu thuế trùng. Tuy nhiên, khi áp dụng mức thuế tuyệt đối cũng có nhược điểm khi giá sàn chịu thuế tăng cao thì số thuế nộp vào ngân sách không tăng theo giá, nhưng giá thuế bảo vệ môi trường được xây dựng thu theo tính chất gây ô nhiễm của sản phẩm khi sử dụng nên không phụ thuộc giá của chúng. Thực tế trong hệ thống thuế, phí hiện hành cũng có quy định mức phí tuyệt đối như mức thuế nhập khẩu tuyệt đối đối với xe ôtô đã qua sử dụng, phí xăng dầu, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, phí nước thải nhằm phù hợp với mục tiêu là điều chỉnh hành vi, định hướng sản xuất và tiêu dùng, tạo sự minh bạch, thuận lợi cho quản lý và thực hiện thu thuế. Xin cảm ơn Quốc hội. Xin hết.

Các văn bản liên quan