Góp ý của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn

Thứ Tư 13:55 22-10-2008

Là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (liên doanh giữa Công ty New Vietnam Mining – Canada và Công ty CP Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam, có Giấy phép đầu tư cấp vào tháng 10/2003) đang hoạt động trong lĩnh vực thăm dò và khai thác vàng gốc tại Việt Nam, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn xin được trình bày những lo ngại của các nhà đầu tư và ý kiến của Công ty về vấn đề sửa đổi khung thuế suất thuế tài nguyên như sau:

         1. Việc xem xét lại và điều chỉnh chính sách thuế tài nguyên cho phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế đất nước là một công việc cần thiết của mọi nhà nước, mọi chính phủ. Song việc điều chỉnh các khung thuế suất cụ thể là điều hết sức nhạy cảm và dẫn đến nhiều tác động phức tạp có cả lợi lẫn hại.


Khung thuế suất mới về thuế tài nguyên áp dụng đối với vàng dự kiến từ 10-30% là quá cao so với khung thuế suất quy định tại Pháp lệnh thuế tài nguyên ban hành năm 1998 và hoàn toàn nằm ngoài dự tính rủi ro của các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình nghiên cứu, lập dự án khả thi và quyết định tham gia đầu tư tại Việt Nam.
Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và Chính phủ quyết định áp dụng khung thuế suất mới này đối với các doanh nghiệp đã được Cấp giấy phép đầu tư và đang hoạt động thì chắc chắn các dự án đầu tư khai thác khoáng sản đang hoạt động sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản hoặc kinh doanh thua lỗ.

         2. Trong nhiều năm qua, nạn đào đãi và khai thác vàng trái phép diễn ra tràn lan làm suy thoái nghiêm trọng cảnh quan và môi trường tự nhiên ở rất nhiều địa phương trên cả nước, gây lãng phí lớn nguồn tài nguyên vàng và làm thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước có nguyên nhân chính yếu là sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản của các cấp chính quyền chứ không phải do mức thuế tài nguyên đang được áp dụng là thấp.


Ngược lại, hầu hết các doanh nghiệp được cấp phép khai thác vàng, đơn cử là hai doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn – đều tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, hết sức tiết kiệm và không gây lãng phí tài nguyên khoáng sản, làm tốt việc kết hợp đầu tư khai thác với phát triển cơ sở hạ tầng địa phương (hai công ty đã chi trên 35 tỷ đồng để làm hơn 14 km đường nhựa tại xã Tam Lãnh và Phước Đức (tỉnh Quảng Nam). Môi trường ở hai vùng dự án của hai công ty chúng tôi đang được kiểm soát tốt hơn trước đây rất nhiều và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.

Như vậy, khi đưa ra một chính sách mới về thuế tài nguyên nhằm mục đích điều chỉnh những hoạt động trái phép hoặc những biểu hiện bất cập trong hoạt động khai thác khoáng sản, Chính phủ cần phải tính đến các biện pháp khuyến khích hoặc bảo vệ lợi ích chính đáng đối với các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động khoáng sản, không thể để các nhà đầu tư chân chính phải gánh chịu hậu quả vì những tác động không do chính mình gây ra.

         3. Theo tinh thần những cam kết bảo đảm đầu tư của Nhà nước Việt Nam được nêu tại Điều 20, 21, 21a của Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 và Điều 20 của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 22/9/2006, những nhà đầu tư của Công ty và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn xin kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cần có chủ trương cụ thể như sau:

         3.1.  Mức thuế tài nguyên áp dụng đối với các dự án khai thác khoáng sản đang hoạt động (đã được cấp phép hoặc chứng nhận đầu tư) cần phải được quy định khác với mức thuế tài nguyên mới ban hành áp dụng đối với các dự án đầu tư mới đang hoặc sẽ được xúc tiến; 

         3.2.  Mức thuế suất áp dụng ddooois với các đối tượng nói trên có thể là mức thuế suất cao nhất trong khung thuế suất tài nguyên quy định tại Pháp lệnh thuế tài nguyên ban hành ngày 16/4/1998.
Cụ thể:Thuế suất thuế tài nguyên đối với khai thác vàng là 6% đối với các khoáng sản kim loại khác là 5%, đối với đá quý và đất hiếm là 8%, đối với than là 3% … 

      3.3.  Cách thức điều chỉnh thuế suất nói trên tốt nhất nên được áp dụng đối với mọi dự án đầu tư khai thác khoáng sản đang hoạt động. Nếu không thể thì ít nhất cũng phải được áp dụng đối với các dự án khai thác khoáng sản có vốn đầu tư nước ngoài để thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực phát triển kinh tế, đối với các nhà đầu tư trên thế giới. 

      Chúng tôi rất mong những ý kiến đóng góp của chúng tôi được Quý Cơ quan xem xét. 

      Trân trọng!

Các văn bản liên quan