Góp ý của Công ty TNHH Luật Á Châu

Thứ Ba 14:53 10-08-2010

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH 59/2006 CỦA CHÍNH PHỦ NGÀY 12/6/2006 VỀ HÀNG HOÁ, DỊCH VỤ CẤM KINH DOANH, HẠN CHẾ KINH DOANH VÀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

 

                                                        Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Hoàng Giang

                                                            Công ty TNHH Luật Á Châu

 

1.                 Về chủ trương sửa đổi, bổ sung

Chúng tôi nhất trí sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006. Dự thảo Nghị định sửa đổi là kịp thời và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập vào thương mại Quốc tế. Tinh thần Dự thảo Nghị định là một văn bản quy nạp, tổng hợp các loại hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước cần quản lý chặt hơn các loại hàng hóa, dịch vụ khác tạo điều kiện thuận lợi giúp các thương nhân và các nhà quản lý có cái nhìn tổng quát và không mất thời gian phải tìm hiểu quy định riêng lẻ từng loại hàng hóa, dịch vụ khi có dự định kinh doanh.

Tuy nhiên việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59 sẽ liên quan đến hàng loạt văn bản khác như Bộ Luật hình sự, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, các văn bản khác liên quan đến các lĩnh vực thuộc Bộ các ngành khác như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ văn hoá thể thao và du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường….. Sau khi Nghị định 59 được sửa đổi, bổ sung ban hành thì các văn bản khác chưa được bổ sung các danh mục hàng hoá mới, trong việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, người thực hiện không biết áp dụng văn bản nào. Theo quy định của Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản được ban hành mới nhất sẽ được áp dụng. Nhưng khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 59 vẫn tập hợp cả danh mục hàng hoá được ban hành từ năm 1996, 2000…các văn bản này đã lạc hậu so với nền kinh thế phát triển hiện nay và không phải ai cũng nắm rõ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy nếu sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006 thì đề nghị các bộ,  ngành khác cũng cần nên đồng thời soát xét các văn bản liên quan để sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ để người thi hành dễ thực hiện.

Ngoài ra, cũng nên so sánh thêm với các Hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia để xem những hàng hoá nào nêu trong danh mục không phù hợp để đảm bảo tính phù hợp, thống nhất.

2.                 Về tên của dự thảo

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59 có tên gọi là “ Sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/6/2006 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện”. Trong khi đó dự thảo Nghị định tại Điều 1 chỉ quy định: “Thay thế Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 59/2006……

Chúng tôi cho rằng, giữa tên gọi của dự thảo Nghị định và nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị định có sự vênh nhau. Vì dự thảo Nghị định này không hề sửa đổi, bổ sung về nội dung. Vậy nếu mục đích của cơ quan soạn thảo chỉ thay thế Phụ lục I,II,II thì tên của dự thảo Nghị định phải sửa lại là : “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2006”.

3.                 Các nội dung khác của Nghị định 59 có cần sửa đổi, bổ sung không ?

Theo chúng tôi, nên chăng cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm có cần sửa đổi, bổ sung điều nào của Nghị định 59 nữa hay không. Cụ thể như sau:

-         Về tính pháp lý của Dự thảo Nghị định: Xem lại quy định của Nghị định 59 và Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, chúng tôi thấy một vấn đề được đặt ra là:

+ Dự thảo Nghị định này đã tập hợp tất cả các hàng hóa, dịch vụ quy định trong các văn bản chuyên ngành về việc cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện?. Theo chúng tôi là không thể chủ quan khẳng định là đã bao quát hết và sau này không phát sinh các văn bản chuyên ngành với yêu cầu đặt ra một số hàng hóa, dịch vụ cần xếp vào loại cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh. Trong trường hợp đó, sẽ phát sinh vấn đề khó khăn khi thực hiện pháp luật đối với loại hàng hóa, dịch vụ nằm ngoài 3 danh mục của Dự thảo Nghị định.

Chúng tôi cho rằng Dự thảo Nghị định cần nên được quy định thêm một khoản vào Điều 4 để dự liệu cho trường hợp này theo hướng sẽ áp dụng luật chuyên ngành trong trường hợp có hàng hóa, dịch vụ đã hoặc sẽ nằm ngoài 3 danh mục quy định tại Dự thảo Nghị định nhưng theo luật chuyên ngành thì thuộc loại hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Quy định như vậy sẽ đảm bảo giá trị pháp lý của Nghị định 59 đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan áp dụng pháp luật một cách thống nhất.

- Về đối tượng áp dụng (Điều 2) quy định: “Nghị định này áp dụng đối với các thương nhân theo quy định của Luật Thương mại và tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hoạt động liên quan đến thương mại”. Điều 6 của Luật thương mại đã có khái niệm về thương nhân. Danh mục tại Phụ lục III đưa hoạt động của các luật sư vào Danh mục hành hoá , dịch vụ có điều kiện. Như vậy là không phù hợp. các hoạt động của luật sư chịu sự điều chỉnh của 02 luật đó là Luật Luật sự và Luật Doannh nghiệp. Luật sư không phải là thương nhân, hoạt động của họ không nằm mục đích kiếm lời. Tại điều 3 của Luật Luật sư quy định: “Chức năng xã hội của luật sư là hoạt động nghề nghiệp nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Điều 4 quy định dịch vụ pháp lý của luật sư: “Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác”. Vậy cơ quan soạn thảo đưa luật sư vào sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật của Luật Thương mại là không hợp lý. Theo quy định của Luật Luật sư muốn hành nghề luật sư phải có rất nhiều điều kiện ràng buộc từ phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư, Thẻ luật sự…Do đó không nên đưa luật sư vào Danh mục hàng hoá, dịch vụ có điều kiện.

- Điều 5 quy định hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh: khoản 1 quy định: “Nghiêm cấm thương nhân và tổ chức, cá nhân khác thực hiện liên quan đến thương mại tại Việt Nam kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá dịch vụ cấm kinh doanh, trường trường hợp khoản 2 Điều này”. Nhưng khoản 2 lại cho phép họ kinh doanh với điều kiện được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Theo chúng tôi, Danh mục hàng hoá thuộc diện cấm thì phải cấm triệt để thì mới nghiêm, trong trường hợp vẫn cho phép kinh doanh xong lại do cơ quan này hoặc cơ quan khác cho phép thì dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực và cuối cùng vẫn không cấm được. Vậy đề nghị bỏ đoạn cuối khoản 1 và bỏ khoản 2.

Từ các vấn đề trên, theo chúng tôi nên sửa đổi, bổ sung các điều về nội dung của Nghị định 59.

4.                 Một số vấn đề cần cân nhắc, những hàng hoá cần bổ sung thêm

a)                Một số vấn đề cần cân nhắc

Phụ lục I: Tại điểm 11 đưa ra “Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc thành phẩm khác nhập lậu”. Thực tế cho thấy trên thị trường vẫn được lưu hành các mặt hàng này, ngay cả trong cửa hàng miễn thuế. Nhà nước chỉ cấm hành vi nhập lâu. Việc nhập lậu là hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định trong Bộ luật hình sự, nhưng tên Danh mục là hàng hoá cấm kinh doanh. Viết như dự thảo là không hợp lý. Đề nghị bỏ cụm từ “nhập lậu”. Để hạn chế lưu thông mặt hàng này trên thị trường nên chăng chuyển mặt hàng này vào Danh mục tại Phụ lục III- hàng hoá kinh doanh có điều kiện.

b)                Những hàng hoá cần bổ sung thêm

Chúng tôi được biết Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 59 lần này đã có 23 mặt hàng cấm kinh doanh thay thế cho 18 mặt hàng theo Nghị định 59/2006, bổ sung 3 loại dịch vụ cấm kinh doanh, bổ sung một số dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, theo chúng tôi nên bổ sung thêm một số hàng hoá và dịch vụ sau đây:

+ Về Phụ lục I. Danh mục hàng hoá cấm kinh doanh:  Sự xuất hiện của việc bán cả các loại động, thực vật rừng trên các hè phố tại TP Hồ Chí Minh, bán rau quả biến đổi gien, đồ chơi nhiễm chất độc hại, quần áo có chất độc…chơi game không lành mạnh dẫn đến nguy hiểm tính mạng và sức khỏe cho con người trong thời gian gần đây đã gây xôn xao trong dự luận và làm mọi người lo sợ cho thế hệ mai sau.

Trong khi chờ các cơ quan chức năng kiểm nghiệm và thông báo kết quả kiểm nghiệm các độc tố hoặc các chất gây hại trong các sản phẩm nêu trên, trước mắt nên bổ sung các loại hàng hoá nêu trên vào các Danh mục hàng hoá tại Phụ lục I, II, III. Ví dụ: bổ sung các hàng hoá sau đây vào Danh mục hàng hoá cấm kinh doanh: thực vật, động vật và sản phẩm thực vật, động vật biến đổi gien; sản phẩm thực vật, động vật tẩm chất độc; động vật, thực vật độc (như: rùa tai đỏ, cây cảnh gây độc đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng) nguyên liệu làm vải, vải may quần áo, quần áo có chất độc; các loại thuốc chữa bệnh cho người, các loại vác xin, sinh phầm y tế, mỹ phẩm, hoá chất và chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng, y tế đã quá hạn sử dụng hoặc gần hết hạn sử dụng; đồ chơi trẻ em có chứa chất độc.

+ Việc kinh doanh mắt kính (mặt hàng này vừa được đưa lên thông tin đại chúng) nên bổ dung vào Danh mục hàng hoá kinh doanh có điều kiện.

5.                 Về kỹ thuật lập pháp

- Bộ Thương mại đã được đổi tên, vậy đề nghị thay cụm từ Bộ Thương mại bằng Bộ Công thương tại khoản 2 Điều 4, khoản 2 Điều 6, khoản 2 Điều 7 của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59.

- Về hiệu lực thi hành (Điều 2 dự thảo). Để bảo đảm tính thống nhất về lập pháp, đề nghị viết lại như sau: “Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo”.

Trên đây là một số ý kiến chúng tôi xin đóng góp vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006.

 

 

Các văn bản liên quan