Góp ý của Công ty sản xuất kinh doanh đầu tư và dịch vụ Việt Hà

Thứ Tư 18:04 04-06-2008

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI


 


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


CÔNG TY SẢN XUẤT KINH DOANH


 


Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ VIỆT HÀ


 


Số:
V/v: kiến nghị về dự thảo tờ trình thuế TTĐB (sửa đổi)


 

Hà nội, ngày 28 tháng 05 năm 2008.

 


Kính gửi:      Ủy ban Ngân sách Quốc hội
                     Bộ tài chính - vụ chính sách
                                             Phòng Thương mại Công nghiệp Việt nam
                          Tổng cục thuế - ban chính sách


 
Vừa qua, công ty Sản xuất Kinh doanh Đầu tư và Dịch vụ Việt Hà nhận được đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam về việc tham khảo ý kiến đối với dự thảo luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Công ty Việt hà là doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo mô hình công ty Mẹ-con, là một trong những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả nhất của Thành phố Hà nội, sản phẩm bia Việt Hà của công ty là một trong những sản phẩm rất nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa chọn. Khi được biết Bộ tài chính có tờ trình Chính phủ về dự thảo Luật thuế TTĐB sửa đổi, công ty đã đọc và nghiên cứu tờ trình, tuy nhiên, xuất phát từ thực tế là một doanh nghiệp có sản phẩm truyền thống là bia Việt Hà, chúng tôi thấy còn rất nhiều bất cập:
 
1.      Thuế suất thuế TTĐB của Bia ở Việt nam còn quá cao:
 
-         Hiện nay thuế suất thuế TTĐB là 75% đối với bia chai, bia lon, 40% đối với bia hơi, bia tươi (đã bị tăng 10% so với năm 2007), trong khi ở hầu hết các nước, mặt hàng bia, rượu không được coi là mặt hàng chịu thuế TTĐB, mức thuế suất phổ biến của các nước trong khu vực và trên thế giới là 10% - 30%.

-         Việc thuế suất thuế TTĐB cao dẫn đến tình trạng đầu tư nhỏ lẻ nhằm mục đích trốn thuế, thuế khoán tại hầu hết các nhà máy tại các địa phương, điều này gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Đi cùng với việc đầu tư nhỏ lẻ đó là công nghệ và thiết bị lạc hậu, sản phẩm bia kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và xã hội, các nhà máy lớn bị cạnh tranh không lành mạnh, hiệu quả không cao, do vậy thiếu nguồn vốn tái đầu tư để nâng cao sản lượng, ảnh hưởng tới việc nuôi dưỡng và nâng cao nguồn thu Ngân sách nhà nước.
 
2.      Cách tính thuế và giá tính thuế còn bất hợp lý:
 
-         Hiện tại việc áp dụng cách tính thuế theo phân loại bao bì là bất hợp lý (phân theo vỏ lon, vỏ chai, vỏ keg bia tươi, bia hơi) trong khi tại các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như mặt hàng rượu tại Việt nam đều tính thuế căn cứ theo độ cồn hoặc số thuế tuyệt đối theo lít bia, điều này đảm bảo tính công bằng với tất cả các loại bia. Nếu so sánh với cách tính theo lít hoặc theo độ cồn này thì giá tính thuế của chúng ta theo giá bán sẽ còn làm tăng mức thuế phải nộp lên cao hơn nữa so với các nước.

-         Mặt khác khi phân biệt loại bao bì khi tính thuế, ví dụ như không cho loại trừ vỏ lon khi tính thuế TTĐB là không đúng luật, vỏ lon không phải là đối tượng chịu thuế TTĐB nhưng vẫn phải chịu cả thuế VAT và thuế TTĐB.

-         Trong tờ trình cũng có nói việc giảm thuế suất bia lon xuống 55% không giảm trừ giá trị vỏ lon là tương đương so với thuế suất 75% và giảm giá trị vỏ lon là hoàn toàn không chính xác vì việc tính thuế của ta hiện nay là theo giá bán, vì vậy nếu với các loại bia lon có giá bán cao (xấp xỉ 200.000vnđ/thùng) thì số thuế phải nộp có thể tương đương nhưng với giá bán phổ biến của hầu hết các loại bia lon trên thị trường hiện nay (khoảng 140.000vnđ/thùng) thì số thuế phải nộp sẽ tăng khoảng 10% nếu áp dụng mức thuế suất như trong tờ trình đề nghị.
 
3.      Về các doanh nghiệp được khảo sát:
 
-         Theo tờ trình, việc khảo sát tại các nhà máy lớn (bia lon, bia chai) cũng sẽ dẫn đến việc phản ánh sai thực tế, hiện nay trên thị trường ngaòi các nhà  máy có thương hiệu và đầu tư từ rất lâu như bia Sài Gòn, bia Hà Nội hoặc các thương hiệu lớn khác như Heniken, Carlsberg, Hailda, Tiger, Huda thì hầu hết các nhà máy tại địa phương đều không có hiệu quả, thậm chí phải tồn tại nhờ cơ chế thuế khoán, lách thuế hoặc phụ thuộc vào việc đi gia công cho các loại bia khác như Sài Gòn, Hà Nội để tồn tại.

-         Hiện nay Việt nam có hàng trăm các nhà máy lớn nhỏ, việc khảo sát lại không được tiến hành tại các nhà máy nhỏ mà chỉ ở nhà một số nhà máy lớn như bia Sài Gòn, Hà Nội, nơi mà sản lượng bia chai chiếm tỷ trọng rất lớn, nếu áp dụng cách tính và thuế suất như trong tờ trình giảm thuế suất bia chai khi các nhà máy đang nói ở trên lãi lớn thì những công ty này lại càng có lợi, tăng thuế suất đối với bia lon, bia tươi, bia hơi của các nhà máy nhỏ, khó khăn, điều này vô cùng bất cập, tất yếu sẽ đưa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thương hiệu không cao vào con đường phá sản.

-         Tờ trình cũng có đề cập đến việc có lộ trình để giải trình phân tích các nhà máy bia có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ bia hơi sang bia chai, bia lon là phi thực tế. Trong những năm qua, các công ty bia đã đầu tư và phát triển sản phẩm của mình theo quy luật cung cầu của kinh tế thị trường, được thị trường và người tiêu dùng chấp nhận, có thị phần riêng nên việc thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm là không thực tế, đi ngược lại quy luật của kinh tế thị trường và cũng không phải cứ đầu tư và thời gian là được người tiêu dùng chấp nhận. Mặt khác việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm cần có thương hiệu và vốn đầu tư rất lớn, trong khi như đã đề cập ở trên, những năm qua với mức thuế suất cao, tích lũy của các nhà máy không lớn thì không thể đầu tư, với mỗi dây chuyền bia chai, lon thì tối thiểu phải cần 3 đến 5 triệu USD (tương đương 60-70 tỷ đồng).

-         Trên thực tế có nhiều nhà máy có thể có nhiều loại sản phẩm như bia chai, bia lon, bia hơi, bia tươi với cùng một thương hiệu nhưng rõ ràng không phải sản phẩm nào cũng được thị trường và người tiêu dùng chấp nhận, do vậy cả khi doanh nghiệp có thể đầu tư được dây chuyền mới để thay đổi cơ cấu sản phẩm cũng sẽ rất khó thực hiện thậm chí là còn khó khăn hơn nữa.
 
4.      Về các cam kết khi gia nhập WTO:
 
-         Việc áp dụng một mức thuế suất cho các loại bia là hợp lý tuy nhiên cũng như trong tờ trình đã đề cập đến những khó khăn đối với bia hơi thì cũng còn một số vấn đề cần làm rõ hơn. Bia hơi là một sản phẩm đặc biệt chỉ riêng Việt nam mới có, quy trình, thời gian sản xuất khác biệt, việc tiêu thụ cần phải được tiêu thụ trong vòng một ngày, tính rủi ro trong kinh doanh là rất cao, do vậy cần phải có mức thuế suất TTĐB riêng cho bia hơi hoặc có giải pháp riêng cho loại mặt hàng này.

-         Với hàng trăm nhà máy và sản lượng bia hơi hiện nay đã giải quyết hàng chục ngàn lao động cho xã hội, đóng góp không nhỏ, quan trọng cho ngân sách địa phương, với văn hóa ẩm thực đặc thù, nhu cầu về loại bia này là rất lớn và ngày càng phát triển, phù hợpvới đại đa số người tiêu dùng về chất lượng, giá cả nên cần được khuyến khích để ổn định xã hội, tăng thu ngân sách.
 
5.      Kiến nghị:
 
1.      Thuế suất: thuế suất thuếTTĐB của các loại bia chai, lon, tươi được đưa về một mức thống nhất, có lộ trình giảm dần để tương đương với các nước trong khu vực và trên thế giới, trước mắt thuế suất kiến nghị là 40% đến 50%.

2.      Cách tính thuế: Đề nghị tính theo lít hoặc theo độ cồn nhằm tạo sự công bằng cho các loại bia và để tránh đánh nhầm đối tượng như trường hợp vỏ lon của bia lon.


3.      Đối với bia hơi: cần nghiên cứu đưa ra thuế suất riêng (khoảng 20% đến 30%) do tính chất riêng có của loại sản phẩm này, chỉ Việt nam có nên không bị ảnh hưởng bởi cam kết khi ra nhập WTO. Nếu không đề nghị áp dụng như nước giải khát hương bia, đổi tên gọi, không là đối tượng áp dụng của thuế TTĐB.
 


 


CÔNG TY SẢN XUẤT KINH DOANH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ VIỆT HÀ
TỔNG GIÁM ĐỐC


Nơi gửi :
- Như kính gửi
- Lưu VP
 

 

Các văn bản liên quan