Góp ý của Công ty Luật TNHH Bizlink

Thứ Ba 14:51 10-08-2010

MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI  NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2006/NĐ-CP

 

-----------------------*****-------------------------

 

CÔNG TY LUẬT TNHH BIZLINK

 

L.s Trần Đức Sơn

Luật sư thành viên

 

Nghị định 59/2006/NĐ-CP được ban hành ngày 12/06/2006 (“Nghị định 59/2006/NĐ-CP”) kèm theo danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện đã tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh và kiểm soát hợp lý được các hoạt động kinh doanh của mình, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình. Mặc dù vậy, Nghị định 59/2006/NĐ-CP cũng đã được sửa đổi và bổ sung bằng Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07/05/2009 cho phù hợp hơn với thực tế và các cam kết WTO mà Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, các sửa đổi của Nghị định số 43 chưa cập nhật và cụ thể hóa được hết các ngành nghề trong toàn hệ thống các ngành nghề trong nền kinh tế quốc dân, gây khó khăn và vướng mắc cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, với chủ trương của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Nghị định 59/2006/NĐ-CP lần này là phù hợp với đòi hỏi của tình hình thực tế, với mục tiêu tạo ra hành lang pháp lý toàn diện giúp cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi hơn trong việc áp dụng các quy định pháp luật về thương mại và các lĩnh vực liên quan.

 

Trong tham luận này, tôi xin nêu ra một số ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Nghị định số 59/2006/NĐ-CP (“Dự Thảo Sửa Đổi”) như sau:

 

(1) Về ngành nghề kinh doanh:

 

Trên cơ sở nghiên cứu và xem xét danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện của bản Dự Thảo Sửa Đổi, về cơ bản, tôi đồng ý với các sửa đổi và bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện của Dự Thảo Sửa Đổi, bởi lẽ Dự Thảo Sửa Đổi đã cập nhật chi tiết, cụ thể và đầy đủ hơn các ngành nghề so với Nghị định số 59 và Nghị định 43, cụ thể là:

 

-           Đối với ngành nghề cấm kinh doanh: theo Dự Thảo Sửa Đổi thì có 34 nhóm ngành nghề bị cấm kinh doanh, trong đó nhóm hàng hóa bị cấm kinh doanh là 24, tăng 06 nhóm, nhóm dịch vụ là 10, tăng 05 nhóm so với Nghị định 59/2006/NĐ-CP.

 

-           Đối với ngành nghề hạn chế kinh doanh: theo Dự Thảo Sửa Đổi thì có 12 nhóm ngành nghề bị hạn chế kinh doanh, trong đó nhóm hàng hóa bị hạn chế kinh doanh là 08 nhóm, tăng 01 nhóm và nhóm dịch vụ là 04, tăng 03 nhóm so với Nghị định 59/2006/NĐ-CP.

 

-           Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện: theo Dự Thảo Sửa Đổi thì có 111 nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó nhóm hàng hóa kinh doanh có điều kiện là 34, tăng 12 nhóm và nhóm dịch vụ là 79 tăng 10 nhóm so với Nghị định 59/2006/NĐ-CP.

 

Tuy nhiên, xem xét kỹ, có thể nhận thấy rằng Dự Thảo Sửa Đổi lần này có một số danh mục hàng hóa, dịch vụ quy định còn chung chung và chưa rõ ràng, ví dụ như nhóm dịch vụ số 8, Phụ lục số 1 (Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh): “Dịch vụ tập luyện hoặc tổ chức thi đấu các môn thể thao, bài tập thể thao hoặc sử dụng phương pháp tập luyện thi đấu gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng con người, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc ảnh hưởng tới an ninh, trật tự an toàn xã hội”. Quy định chung chung như vậy sẽ dẫn đến những cách hiểu khác nhau và không nhất quán khi áp dụng vào thực tế, điều này sẽ dẫn đến những khó khăn khi văn bản đi vào đời sống thực tế.

 

Bên cạnh đó, tại kỳ họp quốc hội vừa qua, dịch vụ game online, xuất khẩu than… đang trở thành vấn đề nóng ở nghị trường. Tuy nhiên, Dự Thảo Sửa Đổi lần này cũng chưa đề cập và quy định rõ đối với các ngành nghề, dịch vụ này, do đó chúng ta nên xếp những hành hóa, dịch vụ này vào danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện để cơ quan có thẩm quyền dễ quản lý và kiểm soát có hiệu quả dịch vụ này.

 

Đối với “Dịch vụ truy nhập Internet” (dịch vụ thứ 7) và “Dịch vụ kết nối Internet” (dịch vụ thứ 8) “Dịch vụ ứng dụng Internet trong bưu chính, viễn thông” (dịch vụ thứ 9) của Phụ lục 3 Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là các dịch vụ được định nghĩa chung là Dịch vụ Internet theo quy định tại Nghị định số 97/2008/NĐ-CP và chịu sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Do đó, Dự Thảo Sửa Đổi nên gộp 3 nhóm dịch này lại thành một. Bên cạnh đó, theo chúng tôi, Dự Thảo Sửa Đổi nên loại các ngành nghề như: vật liệu xây dựng, dịch vụ cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê nhà để ở hoặc làm văn phòng ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện và chuyển vào nhóm tự do kinh doanh vì đây là các dịch vụ kinh doanh thông thường. Dịch vụ hướng dẫn viên du lịch quốc tế nên quy định cùng với nhóm dịch vụ lữ hành quốc tế và hoạt động sản xuất mỹ phẩm trong nước từ kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sang nhóm phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vì các hoạt động này cần tăng cường quản lý nhà nước chặt chẽ hơn để đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

 

Theo Dự Thảo Sửa Đổi, thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu sẽ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, tuy nhiên, xét ở góc độ khoa học pháp lý thì hành vi nhập lậu và hàng hóa là hai khái niệm/ phạm trù khác nhau (thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác là mặt hàng còn hành vi nhập lậu trốn thuế hoặc buôn lậu là hành vi vi phạm pháp luật). Như vậy, việc quy định thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu sẽ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh vô hình chung đã đánh đồng giữa hành vi và mặt hàng. Do đó, cần quy loại bỏ hàng hóa dịch vụ này ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh vì hành vi nhập lậu thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác là hành vi vi phạm pháp luật, phải được xét xử riêng, còn mặt hàng thuốc lá thành phẩm khác có quyền được lưu thông bình thường khi cơ quan nhà nước chưa xác định được là hành vi nhập lậu.

 

(2) Về điều kiện kinh doanh:

 

Điều 7, Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định các điều kiện kinh doanh hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện như sau:

 

“1. Hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật;

b) Chủ thể kinh doanh phải là thương nhân theo quy định của Luật Thương mại; 

c) Cơ sở kinh doanh phải bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị, quy trình kinh doanh và các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật; địa điểm đặt cơ sở kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện;

d) Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân viên trực tiếp mua bán hàng hóa, nhân viên trực tiếp thực hiện dịch vụ phải bảo đảm các yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp và sức khỏe theo quy định của  pháp luật;

đ) Thương nhân kinh doanh phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong trường hợp pháp luật quy định phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp khi kinh doanh.”

 

Có thể nhận thấy rằng, việc xác định tính chất “có điều kiện” như trên là không thực sự rõ ràng, bởi lẻ, trên thực tế, việc quy định các điều kiện kinh doanh cho từng ngành nghề riêng sẽ được quy định trong các văn bản chuyên ngành trực tiếp điều chỉnh hoạt động kinh doanh của các ngành nghề đó. Do đó, việc quy định chung chung và không rõ ràng như trên đây, trên thực tế, các doanh nghiệp sẽ khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện nêu trên. Như vậy, có lẽ chúng ta nên nhìn nhận các ngành nghề có điều kiện theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp, một mặt vẫn quản lý tốt hoạt động kinh doanh đối với hàng hóa dịch vụ đó (tức là chỉ cần quy định các điều kiện cơ bản/ điều kiện chính của ngành nghề đó và càng ít điều kiện, càng chi tiết, rõ ràng thì càng có lợi cho doanh nghiệp).

 

(3) Về tính tương thích của các quy định:

 

Theo cam kết của Việt Nam với WTO thì phân ngành dịch vụ thành: không được, hạn chế hoặc không hạn chế. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì phân thành: ngành nghề cấm, có điều kiện và tự do kinh doanh. Luật Đầu tư thì quy định về lĩnh vực cấm, có điều kiện và những lĩnh vực đầu tư còn lại. Trong khi đó, Luật Thương mại lại chia ra hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế và kinh doanh có điều kiện (cụ thể hóa ở Nghị định 59/2006/NĐ-CP). Như vậy, có thể thấy rằng Dự Thảo Sửa Đổi chưa có sự nhất quán trong các quy định của Pháp luật so với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Do đó, ngay tại lần sửa đổi này, cần phải nghiên cứu và thống nhất các quy định này trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cho phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Các văn bản liên quan