Góp ý của Bà Trần Thị Hậu – Trưởng ban chính sách kinh tế – Hiệp hội đầu tư xây dựng năng lượng

Thứ Tư 10:44 22-08-2007


Một số ý kiến tham gia Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân
 

Trần Thị Hậu
Trưởng ban Chính sách kinh tế
Hiệp hội đầu tư xây dựng năng lượng Việt Nam

Trước yêu cầu đòi hỏi một cách khách quan, việc cải cách hệ thống, thể chế chính sách trong khi Việt Nam đã gia nhập WTO, việc ban hành một đạo luật về thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp với thông lệ quốc tế là điều cần thiết, vì bất cứ một quốc gia nào thuế thu nhập cá nhân cũng luôn là vấn đề phức tạp, nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của mọi cá nhân trong xã hội, đến cơ cấu nguồn thu của ngân sách quốc gia, vấn đề chính trị xã hội. Vì vậy, tôi rất đồng tình với ban soạn thảo đã xây dựng dự thảo nội dung Luật thuế thu nhập cá nhân gồm 4 chương 33 điều, với bố cục hợp lý, phạm vi áp dụng rộng rãi.
Về thể thức, kỹ thuật văn bản dự thảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ - Văn phòng Chính phủ.

Sau đây tôi xin tham gia một số vấn đề dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân, cụ thể như sau:

Phần I
Những vấn đề ban soạn thảo cần lấy ý kiến

1. Về đối tượng nộp thuế cá nhân:

Trước tiên tôi đồng tình với ban soạn thảo về đối tượng nộp thuế, vì trong một Luật đã áp dụng cho nhiều đối tượng và đã nghiên cứu nội dung phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, đề nghị xem xét lại tính hợp lý, sự chính xác của quy định trong dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân về việc áp dụng thuế này đối với chủ thể là chủ hộ gia đình:

Thứ nhất cơ sở để xác định thu nhập cá nhân là rất khó, vì có những khoản thu nhập không thể hiện trên bảng thanh toán tiền lương tiền công, không thể hiện trên các căn cứ tính thuế nêu trong dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân.

Trong thực tế có những người có thu nhập rất cao từ nhiều nguồn nhưng không thể xác định để tính thuế thu nhập cá nhân.

Thứ hai Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế tính trên khoản thu nhập chịu thuế của từng cá nhân, vì vậy nếu một trong các thành viên của hộ gia đình có hành vi vi phạm pháp luật thuế thu nhập cá nhân thì chỉ riêng cá nhân thành viên đó phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình chứ không thể quy trách nhiệm cho một chủ hộ phải chịu. Vì vậy, nếu quy định chủ hộ gia đình là người phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho các khoản thu nhập từ sản xuất kinh doanh của hộ gia đình là không thoả đáng.

2. Về thu nhập chịu thuế: (Điều 4)

Về đối tượng áp dụng như quy định trong dự thảo Luật là đã đầy đủ, tuy nhiên, xin bổ sung một số điểm như sau:

- Bổ sung thêm nội dung các tiết a, b, c, của khoản 2 điều 3 nối tiếp vào sau câu của khoản 1 điều 4

- Bỏ cụm từ: “theo quy địn của pháp luật” tại dòng thứ 2 khoản 2

3. Cách tính và xác định thu nhập chịu thuế:

- Điều 7: nhất trí với dự thảo của Luật thuế thu nhập cá nhân

- Điều 11: Tại khoản 2 vế thứ 2 trong dự thảo Luật nêu như vậy là chưa rõ về thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế giữa 2 thời điểm:

+ Thời điểm hoàn thành dịch vụ có nghĩa là đơn vị bán giao hàng cho đơn vị mua hàng mà bên mua hàng đã nhận đủ số luợng, chất lượng.

+ Còn thời điểm lập hoá đơn chưa phải đã hoàn thành dịch vụ, vì khi bên bán lạp hoá đơn nhưng bên mua chưa nhận hoặc chưa nhận đủ số lượng, chất lượng hàng hoá.

Từ thực tế trên, đề nghị bỏ vế thứ 2: “hoặc thời điểm lập hoá đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ”

4. Thu nhập không chịu thuế:

Không nên để câu cuối tiết b khoản 2: “các khoản trợ cấp khác được hưởng từ ngân sách nhà nước hoặc bảo hiểm xã hội”. Vì các trợ cấp này đã được nêu khá đầy đủ tại điều 4 rồi, nếu để thêm câu này sẽ tạo thêm mọt cơ chế xem xét vận dụng phát sinh tiêu cực.

5. Khoản giảm trừ gia cảnh:

Trong xu thế hội nhập kinh tế phát triển, mức sống và sinh hoạt của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao hàng năm, trong đó có một bộ Luật ra đời cần được áp dụng lâu dài. Vì vậy, mức tính để giảm trừ gia cảnh nên theo ý kiến thứ 2 nêu trong đề cương gợi ý, cụ thể: 5.000.000 đồng đối với người có thu nhập, 2.000.000 đồng đối với người phụ thuộc.

6. Về biểu thuế:

Nhận xét chung về mức thuế lần này so với Pháp lệnh số 35/2001/PL-UBTVQH 10 ngày 19 tháng 5 năm 2001 thì mức thuế lần này có mức thuế thấp, chứng tỏ đã tạo điều kiện cho người có thu nhập không phải nộp thuế nhiều. Tuy nhiên, cần xem xét thu gọn mức thu nhập chịu thuế cho đơn giản hơn, tối đa chỉ nên 5 mức thu nhập để tính thuế thu nhập cá nhân.

7. Hiệu lực thi hành:

Dự thảo Luật quy định hiệu lực thi hành từ 01 tháng 01 năm 2009, như vậy là quá dài, theo tôi nên thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Theo ý kiến ban soạn thảo là có thời gian dài chuẩn bị thực hiện, nhưng tôi cho rằng vấn đề không phải thời gian càng dài mới thi hành Luật tốt, mà yếu tố quan trọng còn là chất lượng Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.. Hơn nữa, Việt Nam đã gia nhập WTO, nếu các thể chế chính sách về kinh tế ta càng chậm càng lúng túng, khập khiễng. Nên thi hành sớm mới phát hiện bất hợp lý để có điều kiện hoàn thiện hơn.

Phần 2
Tham gia ngoài đề cương gợi ý

Những nội dung chưa được thống nhất ban soạn thảo gợi ý tôi đã tham gia xong, sau đây tôi xin tham gia một số điểm mà có lẽ ban soạn thảo cho rằng đã hoàn thiện, nhưng tôi thấy cần tham gia như sau:

1. Tại điều 3: đề nghị bỏ cụm từ: “…kể cả cá nhân kinh doanh” vì trong điều 4 là đã có đối tượng này rồi, không cần phải trích dẫn riêng đối tượng này. Vậy đề nghị sửa lại khoản 3 điều 1 như sau: “ Cá nhân là người Việt Nam, người nước ngoài có thu nhập dưới mọi hình thức đều phải chịu thuế thu nhập cá nhân”.

2. Tại điều 3 khoản 6: đề nghị bỏ động từ “cấp dưỡng”, vì nó chỉ là một động từ mà trong động từ đã bao hàm rồi.

3. Tại điều 4 khoản 2 dòng thứ 2 đề nghị bỏ cụm từ: “theo quy định của pháp luật”, vì trong thực tế có những thu nhập pháp luật chưa liệt kê hết, nhưng lại thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập.

4. Tại điều 9: đề nghị ghi rõ là: “giao Chính phủ hướng dẫn việc kê khai, khấu trừ, nộp thuế, quyết toán thuế, xử lý vi phạm thuế và các biện pháp quản lý thuế”, vì nếu chỉ ghi chép pháp luật chung như vậy rất khó cho việc áp dụng, dẫn đến phiền hà cho đối tượng chịu thuế thu nhập.

Trên đây là một số ý kiến về dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân, tôi xin tham gia gửi đến ban soạn thảo nghiên cứu. Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị
 

Các văn bản liên quan