Góp ý của Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế

Thứ Sáu 13:53 01-08-2008
                         
  •          Ý kiến tham gia  dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt tại hội thảo                          ngày 1 tháng 8 năm 2008
     
                                                 Nguyễn Thị Cúc
                                                  Chủ tịch Hội tư vấn thuế
     
    Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đ­ược Quốc hội khoá X thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/1999 với mục tiêu chủ yếu là để hướng dẫn sản xuất, tiêu dùng xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng cho ngân sách nhà nước một cách hợp lý, tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh đối với một số hàng hoá, dịch vụ.  Đến nay, Luật đã  được sửa đổi, bổ sung 2 lần (năm 2003 và 2005) nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh,  từng bước hoàn thiện Luật thuế phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, yêu cầu của người tiêu dùng,  đồng thời tạo điều kiện thuận cho việc đàm phán gia nhập WTO, thực hiện  các cam kết quốc tế mà Việt nam đã ký kết, tham gia.

    Từ 1/1/2009, Luật thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế GTGT đều có hiệu lực thi hành để thay thế Pháp lênh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và 2 luật thuế GTGT, TNDN hiện hành. Việc ban hành Luật thuế TTĐB thời điểm này là phù hợp theo chương trình cải cách thể chế của chiến lược cải cách thuế đến năm 2010 đã được Bộ Chính trị thông qua và được Thủ tướng chính phủ cụ thể hoá bằng quyết định số  201 /2004/QĐ ngày 6 tháng 12 năm 2004 .
     
      Tôi nhất trí cơ bản với  báo cáo đánh giá tình hình thực hiện thuế TTĐB trong thời gian qua  cũng như thống nhất với việc ban hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt dưới dạng Luật mới, thay thế Luật hiện hành.
     
     Về cụ thể, tôi xin bổ sung thêm một số ý kiến sau:   
     
    1/ Về báo cáo đánh giá tình hình thực hiện thuế TTĐB trong thời gian qua 
     
    Báo cáo đánh giá đã nêu các ưu điểm, kết quả đạt được theo mục tiêu, yêu cầu, định hướng của việc ban hành Luật thuế TTĐB; đặc biệt đã phân tích kỹ càng các tồn tại, hạn chế về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế TTĐB; thuế suất; căn cứ tính thuế và giá tính thuế của chi tiết từng loại hàng hoá dịch vụ chịu thuế cụ thể ..đảm bảo dễ theo dõi, so sánh.

    Tuy nhiên báo cáo chưa đề cập đến vấn đề  khả thi trong quản lý thu nộp thuế, đặc biệt là đối với một số hàng hoá dịch vụ như: kinh doanh vũ trường, karaoke, masage, vàng mã, hàng mã…Do Luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa quy định khái niệm hoặc giải thích thuật ngữ cụ thể đối với hoạt động kinh doanh vũ trường, karaoke, masage nên trong thực tế còn gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện:

    Ví dụ: kinh doanh vũ trường với khiêu vũ tại các câu lạc bộ, masage tại các khách sạn, chăm sóc sắc đẹp tại các trung tâm thẩm mỹ với dịch vụ tẩm quất, đấm bóp, bấm huyệt tại các cơ sở y tế vật lý trị liệu, cơ sở của Hội người mù. (Hiện hành hoạt động xoa bóp, bấm huyệt tại các cơ sở của Hội người mù mức giá 30000đ, 50000 đ chịu thuế TTĐB, nhưng có thể masage  tại các trung tâm thẩm mỹ không chịu thuế TTĐB do họ đăng ký kinh doanh chăm sóc sắc đẹp, không ghi kinh doanh massage..)

    Đối với hoạt động sản xuất hàng mã, vãng mã, mức thuế suất thuế TTĐB quy định khá cao, nhằm hạn chế, định hướng tiêu dùng… nhưng thực tế hầu như không thu được thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hoá này. Vì nơi bán vàng mã, hàng  mã  (ở phố Hàng mã,  Đình chùa …) thì nộp thuế GTGT, còn nơi sản xuất phải nộp thuế tiêt thụ đặc biệt  thì cơ bản theo hộ gia đình, làng nghề nên không thu được thuế TTĐB.

    Những vấn đề trên cần được phân tích thêm để nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng dự thảo Luật.

    2/ Về dự thảo Luật Thuế TTĐB


    a/ Điều 2.  Đối tượng chịu thuế

    Tôi nhất trí bổ sung đối tượng chịu thuế  mới với: Xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cc trở lên, không áp dụng với xe môtô có dung tích thấp, vì năm 2003, dự Luật sửa đổi thuế TTĐB, đưa xe môtô vào diện chịu thuế nhằm chống ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, tai nạn giao thông… nhưng bị phản ứng kịch liệt. Riêng đưa tàu bay và du thuyền vào diện chịu thuế thì cần cân nhắc thêm; vì : bổ sung hàng hoá này là nhằm mục đích hạn chế nhập khẩu, tiêu dùng của cá nhân (ví dụ Ông Đức CLB Hoàng Anh Gia lai nhập máy bay…)  nhưng phần không chịu thuế quy định tại dự thảo Luật: (trừ tàu bay và du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hoá, hành khách, khách du lịch) là chưa rõ ràng do: máy bay của Ông Đức vẫn có thể giải thích phục vụ cho mục đích kinh doanh của Ông: phương tiện đi lại để họp hành, ký hợp đồng, chở cầu thủ  thi đấu….

    Nếu vẫn để nhóm này trong dự Luật thì nên sửa đổi  lại: là sử dụng chuyên dùng cho vận tải, kinh doanh du lịch.

    Ngoài ra, tôi đề nghị bổ sung thêm dịch vụ chịu thuế TTĐB đối với hoạt động  kinh doanh thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp. Vì trong thực tế hoạt động này còn cao cấp hơn masage đơn thuần (masage thường là một trong những công đoạn làm đẹp da mặt, cơ thể…). Tuy nhiên khi đưa nhóm này vào diện chịu thuế thì có thể gặp phản ứng yêu cầu làm đẹp của chị em, của xã hội.

    b/  Đề nghị bổ sung điều khoản giải thích thuật ngữ đối với một số hàng hoá dịch vụ.

    Để tránh nhầm lẫn, không rõ ràng trong thực thi Luật, đề nghị bổ sung điều khoản giải thích từ ngữ đối với một số hàng hoá dịch vụ sau:

    - Ô tô chở người dưới 24 chỗ ( không nên giải thích chung ở điểm d)

    - Vũ trường,

    - mát-xa,

    - ka-ra-ô-kê;

    - Ca-si-nô (casino), trò chơi điện tử có thưởng;

    - Kinh doanh đặt cược;

    - Kinh doanh gôn (golf)

    -Kinh doanh xổ số.

    c/Đối tượng không thuộc diện chịu thuế

    Như đã phân tích trên, nếu đưa tàu bay và du thuyền vào diện chịu thuế thì ở điểm này nên sửa:

    - Tàu bay và du thuyền chuyên dùng trong  kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, khách du lịch

    d/ Về thuế suất thuế TTĐB

    - Đối với rượu:

     Nếu buộc chỉ có 2 mức thuế suất thì nhất trí như dự thảo chía theo độ, riêng mức thuế suất 20% cân nhắc thêm có nên đưa thêm rượu thuốc hay không? Trong thực tế có một số sản phẩm rượu thuốc nhưng độ cồn cao và mang tính thương phẩm như  rượu thuốc của Hungary...

    - Đối với ôtô:

     + Tôi nhất trí quan điểm phân biệt thêm thuế suất đối với dung tích xilanh và năng lượng sử dụng. Tuy nhiên tôi còn băn khoăn khi bãi bỏ phân biệt thuế suất giữa xe 5 chỗ và xe từ 6 đến 15 chỗ ngồi. Theo quan điểm cá nhân, tôi nghiêng về phương án giữ sự phân biệt thuế suất với 2 loại xe này vì trong thực tế việc hạn chế sử dụng xe  5 chỗ với xe  từ 6 đến 15 chỗ là còn có tính  hợp lý trong điệu kiện cụ thể của VN và không bị ràng buộc bởi các cam kết.

    +Riêng phần về phân biệt dung tích: nên có 2 mức thuế suất thay vì 3 mức thuế suất cho mức dung tích khác nhau như dự thảo thì có vẻ đơn giản hơn.

    + Điểm f, điều 7 : Ôtô chạy bằng điện, năng lượng mặt trời:  thuế suất theo dự thảo Luật được thiết kế theo chỗ ngồi, không theo dung tích. Như vậy về kết cấu không đồng bộ với  3 loại trước. Có thể mục đích để đơn giản hoá nhưng cần tính đến tính thống nhất giữa các nhóm chịu thuế trong cùng một biểu thuế..

    + Điểm 2, điều 7: Về việc giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế và thuế suất quy định tại Khoản 1 Điều này để quy định mức thuế suất cụ thể đối với mặt hàng ô tô trong phạm vi tăng hoặc giảm thuế suất tối đa không quá 20% và báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong phiên họp gần nhất: Theo tôi thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế cứng mang tính định hướng và điều tiết, hướng dẫn tiêu dùng ; vì vậy nên mang tính ổn định, không nên điều chỉnh như phụ thu, phụ giá, thuế xuất nhập khẩu ... các loại thuế, phí bị ảnh hưởng tác động từ bên ngoài.

    - Đối với vàng mã, hàng mã: Điểm 9, điểm 10 điều 7 ;  theo dự thảo Luật, Thuế suất  đối với các mặt hàng này được giữ như Luật hiện hành: tuy nhiên như đã phân tích trên, hàng mã . Vàng mã hầu như không thu được, trong đó có nguyên nhân về quản lý nhưng cũng có nguyên nhân thuế suất cao, dễ gây tránh thuế. Xin kiến nghị có thể đưa về chung một nhóm thuế suất là 40 % để tăng tính khả thi của Luật.

    3/ Về hiệu lực thi hành.

    Luật dự kiến hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2009. Riêng đối với mặt hàng rượu và bia, hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

    Theo quan điểm cá nhân, đề nghị Luật nên có cùng thời điểm thi hành của các các mặt hàng chịu thuế là phù hợp hơn cả. Trường hợp 2 mặt hàng rượu bia cần có thời gian chuẩn bị, phải tách riêng các hàng hoá dịch vụ khác thì nên để áp dụng và 2 thời điểm:  từ 1/7/2009 và 1/1/20010. Việc áp dụng từ 1/4/2009 trong điều kiện  đến thời  này, dự Luật chưa lấy ý kiến rộng rãi.  Thời gian  từ nay đến khi Luật được Quốc Hội thông qua,  hoàn chỉnh Nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn  thực hiện của Bộ Tài chính đến 1/4/  là không nhiều.

    Trên đây là một số ý kiến tham gia góp ý vào dự thảo Luật thuế TTĐB của cá nhân; do  thời gian có hạn, chúng tôi chưa đủ  điều kiện lấy ý kiến của Hội viên, nếu sau này có thêm ý kiến tham gia của Hội viên, chúng tôi sẽ tổng hợp gửi ban soạn thảo xem xét nghiên cứu trong quá trình ban hành Luật .

     Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc hội thảo thành công .
     
     
     
     
     
  • Các văn bản liên quan