VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (thay thế QCVN 40:2015/BGTVT)

Thứ Ba 16:35 22-10-2024

Kính gửi: Bộ Giao thông vận tải

Trả lời Công văn của Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (thay thế QCVN 40:2015/BGTVT) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Về bổ sung hình bài ghép xe ngang vào nơi đỗ đối với hạng C

Theo quy định tại mục 2.1.13.9 của Dự thảo, sân sát hạch lái xe hạng C phải bố trí hình bài ghép xe ngang vào nơi đỗ. Tuy nhiên, tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (sửa đổi bởi Thông tư 05/2024/TT-BGTVT) quy định về việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, quy trình sát hạch lái xe hạng C không có yêu cầu bài ghép xe ngang. Theo giải trình của tại Bảng so sánh nội dung thay thế QCVN 40:2015/BGTVT, mục 2.1.13.9 được sửa đổi nhằm cập nhật tên hạng lái xe tương ứng với Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024. Do đó, tiêu đề của mục 2.1.13.9 trong Dự thảo chỉ nên được sửa từ “hạng D và hạng E” thành “hạng D1, D2 và hạng D”, đồng thời không bổ sung hạng C. Với những lý do trên, kiến nghị cơ quan soạn thảo bỏ chỉ tiêu về hình ghép xe ngang đối với sân sát hạch lái xe hạng C nhằm đảm bảo tính thống nhất với mục tiêu sửa đổi Dự thảo và các văn bản pháp luật hiện hành.

  1. Sử dụng chung hình các bài sát hạch cho nhiều hạng xe sát hạch

Mục 2.1.13.4, 2.1.13.6, 2.1.13.7, 2.1.13.9 yêu cầu mỗi hạng xe sát hạch phải bố trí tối thiểu một hình đối với các bài sát hạch qua vệt bánh xe và đường vòng vuông góc, đường vòng quanh co, ghép xe dọc, ghép xe nhanh. Quy định này được suy đoán là nhằm giúp các hình sát hạch không chồng lấn lên nhau, người học lái sẽ không bị nhầm lẫn hay bối rối trong quá trình thi, đồng thời giúp công tác chấm điểm sẽ giảm thiểu các sai sót không đáng có.

Các doanh nghiệp cho rằng, nếu sử dụng chung hình của bài sát hạch cho các hạng xe có kích cỡ tương đồng sẽ giúp tiết kiệm chi phí xây dựng mà vẫn bảo đảm các lợi ích trên. Các hạng xe C (mới) và D (mới) không có sự khác biệt lớn về trục cơ sở mặt trước-mặt sau, chiều dài-chiều rộng… nên có thể sử dụng chung các bài sát hạch mà không ảnh hưởng đáng kể đến tính công bằng và hiệu quả của bài thi. Bên cạnh đó, trên thị trường đã xuất hiện một số công nghệ chấm điểm sát hạch hiện đại, đủ khả năng chấm các bài thi dùng chung hình một cách chính xác, không gây ra sai sót. Như vậy, vừa tiết kiệm không gian sân sát hạch cho các Trung tâm, vừa đảm bảo được mục tiêu quản lý của Nhà nước.

Với những lý do trên, kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cho phép sử dụng chung hình bài sát hạch qua vệt bánh xe và đường vòng vuông góc, đường vòng quanh co, ghép xe dọc, ghép xe ngang cho một số hạng xe tương đồng về kích cỡ.

  1. Lộ trình áp dụng Dự thảo

Theo quy định tại Luật trật tự an toàn giao thông 2024, hạng C được tách thành hạng C1 và C, hạng D và E tách thành hạng D1, D2, D. Tương ứng với quy định về hạng GPLX, từ ngày 1/1/2025, các trung tâm sát hạch sẽ phải bổ sung các hình sát hạch hạng C mới, hạng D1 (bao gồm các hình bài sát hạch qua vệt bánh xe và đường vòng vuông góc, đường vòng quanh co, ghép xe dọc, ghép xe ngang) theo Dự thảo hiện tại.

Để bổ sung các bài sát hạch này, Trung tâm sát hạch sẽ phải mở rộng diện tích đất, nâng cấp sân bãi và đầu tư xe sát hạch mới. Điều này đòi hỏi chi phí lớn và thời gian triển khai. Trên thực tế, nếu được phép sử dụng chung hình bài sát hạch cho một số hạng xe đủ điều kiện, gánh nặng về chi phí và mở rộng cơ sở hạ tầng sẽ được giảm bớt. Trong trường hợp này, nhiều trung tâm có thể nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu mới mà không phải đầu tư nhiều.

Tuy nhiên, nếu giữ nguyên các quy định hiện tại, sẽ có rất nhiều trung tâm không đủ điều kiện đáp ứng và buộc phải giữ nguyên hiện trạng để đào tạo và sát hạch các hạng GPLX hiện có. Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng không có hoặc rất ít trung tâm sát hạch sát hạch những hạng GPLX mới, gây ách tắc trong việc cấp GPLX cho người dân và thiếu hụt các lái xe hạng mới trên thị trường lao động.

Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và lựa chọn áp dụng điều khoản chuyển tiếp cho Dự thảo QCVN theo 2 phương án như sau:

  • Phương án 1: Cho phép sử dụng chung hình bài sát hạch cho một số hạng xe đủ điều kiện và đặt ra điều khoản chuyển tiếp tối thiểu 6 tháng tới 1 năm.
  • Phương án 2: Giữ nguyên quy định sử dụng riêng hình bài bài sát hạch cho một số hạng xe đủ điều kiện và đặt ra điều khoản chuyển tiếp tối thiểu 1 năm tới 2 năm.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (thay thế QCVN 40:2015/BGTVT). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.