VCCI góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật du lịch

Thứ Tư 09:38 27-12-2017

Kính gửi: Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trả lời Công văn số 4496/BVHTTDL-TCDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch (phiên bản thẩm định ngày 14/11/2017 – sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  • Về ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành (Điều 16-17)

Tại thời điểm Luật du lịch đang ở dạng Dự thảo, VCCI đã nhiều lần có ý kiến về quy định yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải ký quỹ, trong đó nêu rõ những bất hợp lý của quy định này nhìn từ góc độ thị trường (yêu cầu doanh nghiệp “đóng băng” tài sản trong ngân hàng suốt trong thời gian hoạt động kinh doanh khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề về vốn) và mục tiêu quản lý nhà nước – bảo vệ khách du lịch (khách du lịch có thể được bảo vệ thông qua công cụ giải quyết tranh chấp từ tòa án; trong Luật du lịch cũng có nhiều quy định bảo đảm quyền lợi của khách du lịch như yêu cầu doanh nghiệp mua bảo hiểm cho khách du lịch, doanh nghiệp vận tải mua bảo hiểm cho khách theo phương tiện vận tải). Tuy nhiên, các ý kiến này của VCCI chưa được tiếp thu và vẫn được quy định tại Luật du lịch 2017.

Hiện tại, VCCI vẫn cho rằng cần đánh giá lại tính hợp lý của này quy định của Luật du lịch và xem xét sửa đổi trong tương lai.

Với lý do đó, mặc dù Nghị định này vẫn phải hướng dẫn Luật du lịch về vấn đề ký quỹ, nhưng nên được thiết kế theo hướng giảm tới mức tối thiểu yêu cầu liên quan, từ đó giảm thiểu những tác động bất lợi tới các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc hạ mức yêu cầu ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành xuống mức tối thiểu, ít nhất là giảm xuống còn 1/3 so với các mức đang đề xuất tại Dự thảo và chú ý về việc cần thiết phải sửa đổi quy định liên quan trong Luật du lịch

  • Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch (Mục 3)
  • Các loại hình cơ sở lưu trú du lịch (Điều 21)

Khoản 1 Điều 21 quy định đặc điểm của các loại khách sạn: khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường, khách sạn nổi, khách sạn thành phố, nhưng lại có sự chồng lấn về khái niệm giữa các khách sạn, khiến cho việc xác định loại khách sạn trở nên khó khăn, ví dụ:

  • Khách sạn thành phố là “cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng tại các đô thị phục vụ khách du lịch” (điểm d). Khái niệm này có thể bao trùm lên các khái niệm của “khách sạn bên đường” (điểm b) và “khách sạn nổi” (điểm a);
  • Khách sạn bên đường là “cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối gần đường giao thông …”. “Gần đường giao thông” là khái niệm khá rộng và có thể bao trùm lên tất cả các dạng khách sạn khác được liệt kê tại khoản 1 miễn là các khách sạn này được xây dựng “gần đường giao thông”.

Mặt khác, việc phân loại các khách sạn không rõ nhằm mục tiêu quản lý nào, khi không có các quy định riêng gắn liền với mỗi loại hình khách sạn và điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối lại áp dụng chung cho tất cả các loại khách sạn.

Tóm lại, việc phân biệt các loại khách sạn là chưa rõ ràng và không cần thiết, do đó đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 1 Điều 21 Dự thảo.

  • Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ

Từ Điều 22 – 28 Dự thảo quy định cụ thể về các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với các cơ sở lưu trú, trong đó có một số điều kiện có tính chất áp đặt quy mô, ví dụ:

  • Điều kiện đối với khách sạn là có tối thiểu 10 buồng ngủ;
  • Đặt ra diện tích tối thiểu buồng ngủ đối với một số cơ sở lưu trú (12m2 đối với phòng một giường đơn; 15m2 đối với phòng một giường đôi hoặc hai giường đơn)
  • Điều kiện về tiện nghi phòng ngủ, phòng tắm/vệ sinh
  • Điều kiện về nơi đỗ xe, cây xanh, sân vườn…

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề liên quan đến các điều kiện trên như sau:

  • Đối với tiêu chuẩn về phòng ngủ:

Về tiêu chuẩn diện tích tối thiểu: Trên thực tế, ở các nước có ngành du lịch phát triển (ví dụ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…), không có bất kỳ quy định tối thiểu nào về diện tích của cơ sở lưu trú. Thậm chí, ở các nước này, xu hướng trong một vài năm trở lại đây là thiết kế phòng lưu trú với diện tích tối thiểu (phòng ngủ tập thể giường tầng – dormitory, giường ống – capsule… với diện tích trung bình chỉ khoảng 1.5-2m2/giường) để giảm giá lưu trú, qua đó thu hút một lượng lớn khách du lịch có thu nhập trung bình, không có nhu cầu cao về tiện nghi lưu trú.

Về tiêu chuẩn tiện nghi: Cũng trong xu hướng như nêu ở trên, ở các nước thành công trong phát triển du lịch, có rất nhiều lựa chọn về phòng nghỉ và tiện nghi phòng nghỉ cho khách du lịch, các thiết bị trong phòng ngủ có thể được lược bớt hoặc gia tăng tùy mức giá hoặc kiểu phòng (ví dụ phòng ngủ không có tủ/nơi để quần áo, phòng ngủ dạng tatami kiểu Nhật không có giường, khu vệ sinh chung không có khăn tắm, phòng ngủ kiểu cabin, capsule hoặc dormitory không có màn…).

  • Đối với tiêu chuẩn tối thiểu về số phòng ngủ:

Việc đặt ra điều kiện tối thiểu về số buồng ngủ của khách sạn là chưa hợp lý, bởi không thể khẳng định được những khách sạn có 10 buồng ngủ trở lên sẽ đạt chuẩn phục vụ khách hơn những khách sạn có số buồng ít hơn. Mặt khác, quy định này khiến cho những khách sạn quy mô nhỏ không được tiếp tục hoạt động vì không đáp ứng điều kiện. Ban soạn thảo cần có đánh giá tác động cẩn trọng hơn đối với quy định này vì tác động khá lớn đến các cơ sở lưu trú quy mô bé đang hoạt động.

  • Về tiêu chuẩn “nơi để xe” (đối với khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường”: Tiêu chuẩn này không gắn với nhu cầu lưu trú của khách. Hơn nữa, phần lớn khách du lịch thường không sử dụng phương tiện cá nhân. Do đó, việc yêu cầu tất cả các khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường phải có nơi để xe cho khách là không hợp lý.
  • Về tiêu chuẩn diện tích “cây xanh/sân vườn” (đối với khách sạn nghỉ dưỡng): Tiêu chuẩn này không gắn với nhu cầu lưu trú tối thiểu của khách mà là một loại giá trị tăng thêm, được tính vào giá lưu trú. Vì vậy, diện tích cây xanh, sân vườn có thể là tiêu chí để đánh giá chất lượng dịch vụ (ví dụ tính số sao của khách sạn nghỉ dưỡng) chứ không nên là tiêu chuẩn tối thiểu.

Tóm lại, về mặt logic, các tiêu chuẩn tối thiểu đối với cơ sở lưu trú cần thực sự là các tiêu chuẩn “tối thiểu” để bảo đảm cho việc lưu trú an toàn, đáp ứng các nhu cầu cá nhân trong quá trình lưu trú (ví dụ các tiêu chuẩn, thiết bị liên quan tới ánh sáng, năng lương điện, vệ sinh, chăn gối..) của khách du lịch. Các tiêu chuẩn này nếu vượt quá mức “tối thiểu” sẽ là rào cản đáng kể sự phát triển của các dịch vụ du lịch, đi ngược lạ mục tiêu của ngành. Chú ý là một số các tiêu chuẩn trong Dự thảo có thể không phải tiêu chuẩn mới mà chỉ nhắc lại các tiêu chuẩn trong các văn bản trước đây, tuy nhiên các tiêu chuẩn này đã không còn phù hợp và cần được điều chỉnh lại trong Nghị định này.

Do đó, để đảm bảo tính hợp lý và mục tiêu phát triển ngành, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc:

  • Bỏ các quy định về tiêu chuẩn tối thiểu liên quan tới diện tích, số phòng ngủ, chỗ để xe, diện tích cây xanh/sân vườn
  • Lược bớt các tiêu chuẩn liên quan tới tiện nghi phòng ngủ (ví dụ giường, tủ, sọt rác, cốc uống nước riêng..).
  • Nội dung thông báo trước khi hoạt động của cơ sở lưu trú

Điểm c khoản 1 Điều 29 Dự thảo quy định, trong nội dung thông báo của cơ sở lưu trú trước khi đi vào hoạt động gửi tới cơ quan có thẩm quyền phải có “cam kết đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định tại Điều 49 Luật du lịch”.

Việc yêu cầu cơ sở lưu trú cam kết nội dung này là không cần thiết, bởi vì dù có cam kết hay không cơ sở lưu trú cũng phải chấp hành các quy định về điều kiện theo quy định tại Luật du lịch. Cam kết này cũng không phải là căn cứ để ràng buộc trách nhiệm hay áp dụng chế tài xử phạt khi các cơ sở này vi phạm.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 29 Dự thảo.

  • Một số thủ tục hành chính chưa đủ rõ ràng, cụ thể

Dự thảo có một số quy định liên quan đến thủ tục hành chính, nhưng lại không quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục hoặc hình thức trả lời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này khiến cho việc triển khai trên thực tế sẽ gặp khó khăn, ví dụ:

  • Thủ tục thông báo về sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch:

Điểm b khoản 1 Điều 10 Dự thảo quy định, tổ chức, cá nhân trực tiếp kinh doanh hoạt động du lịch phải “thông báo cho Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chậm nhất 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh”. Đây là thủ tục hành chính nhưng lại không có quy định cụ thể hơn về hình thức thông báo, nội dung thông báo, cách thức thông báo.

  • Giải tỏa tiền ký quỹ tại ngân hàng

Điều 17 quy định về các trường hợp sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành, trong đó có thủ tục đề nghị cơ quan cấp phép kinh doanh xem xét, chấp thuận và có văn bản đề nghị ngân hàng cho doanh nghiệp trích tài khoản tiền ký quỹ để sử dụng trong trường hợp phải bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn với khách du lịch mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết (điểm a khoản 1 Điều 17). Dự thảo không quy định cụ thể về tài liệu, hồ sơ cũng như thời gian thẩm định và chấp thuận/từ chối của cơ quan có thẩm quyền.

Để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng, cụ thể các thủ tục hành chính trên.

  • Quy định chuyển tiếp

So với quy định hiện hành thì cơ sở lưu trú sẽ phải đáp ứng thêm một số điều kiện về cơ sở vật chất và dịch vụ và cơ quan nhà nước sẽ dựa vào những điều kiện này để cho phép hay không các cơ sở này hoạt động.

Để đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp có thể thực hiện các quy định về điều kiện này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định thời gian chuyển tiếp để những doanh nghiệp hiện tại chưa đáp ứng điều kiện có thời gian để thực hiện các điều kiện mới. Thời hạn này có thể là 06 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

(Chú ý, góp ý này không ảnh hưởng tới góp ý nêu tại mục 2 Công văn này, và chỉ áp dụng đối với các tiêu chuẩn mà Ban soạn thảo đã giải trình được về mức độ cần thiết và “tối thiểu” của tiêu chuẩn).

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch (phiên bản thẩm định ngày 14/11/2017). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.