Dự thảo Luật Thuế nhà đất nhìn từ ngân sách

Thứ Sáu 11:10 14-08-2009

(TBKTSG) - Dự thảo Luật Thuế nhà đất đã chỉnh sửa vừa được công bố đã gây bất ngờ khi mức thuế mà các chủ sở hữu nhà đất phải nộp giảm mạnh so với dự thảo trước đây. Điều này được Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo giải thích là do thuế suất theo dự thảo trước tương đối cao, việc điều chỉnh thuế suất cốt là để việc thu thuế nhà đất sau này không gây phản ứng trong dân (theo Thanh Niên, ngày 1-8-2009).

Chúng tôi xin tóm tắt sự điều chỉnh diện chịu thuế và cách tính thuế nhà đất qua hai bảng biểu dưới đây (xem bảng).Một số điểm chính đáng chú ý là:

- Đối với thuế nhà: thuế suất giảm từ 0,05% xuống còn 0,03% trên giá trị nhà cho nhà có giá trên 600 triệu đồng; và một nội dung hoàn toàn mới được bổ sung là “giá tính thuế của một mét vuông nhà được xác định theo tỷ lệ phần trăm trên đơn giá một mét vuông nhà xây dựng mới của nhà ở cùng loại”.

Nếu đúng tỷ lệ phần trăm này đang được Chính phủ dự kiến là 50% như giới truyền thông loan tin trong tuần qua, thì quả thực luật gần như không điều chỉnh đối với hầu hết người thu nhập thấp, đang sử dụng nhà có giá trị không lớn.

Còn đối với những người có nhà giá trị lớn, mức thuế này được coi là không đáng kể, ngoại trừ những người già, có nhà cửa khang trang (nhờ tích cóp cả đời) nhưng lương hưu thấp. Đây là điều mà nhiều ý kiến cho là luật cần cân nhắc kỹ.

Trong khi đó, điểm hạn chế của dự thảo lần này là thuế suất thấp áp dụng chung cho mọi căn nhà có giá trị trên 600 triệu đồng là bất hợp lý đối với những trường hợp xây nhà giá trị cao, càng bất hợp lý đối với nhà có giá trị cực kỳ cao.

- Đối với thuế đất: bậc thuế theo lũy tiến tăng thành ba bậc so với hai bậc ở dự thảo trước, nhưng thuế suất lại giảm mạnh đối với những phần diện tích vượt hạn mức. Mặt khác, việc xác định giá trị đất theo khu vực là khá phức tạp, nếu căn cứ theo khung giá đất của Nhà nước quy định thì khoản thuế này là nhỏ.

Nó không đáng là bao so với khối tài sản đất đai vượt hạn mức cũng như khả năng tăng giá trị của khối tài sản này theo thời gian. Như vậy, người càng có nhiều đất càng được hưởng lợi trong chính sách thuế này.

Ở dự thảo trước, khi mức thuế suất cao nhất được đề nghị cho cả thuế nhà và thuế đất là 0,1% thì dư luận đã cho rằng đây là mức thuế quá nhẹ đối với giới đầu cơ hay kinh doanh. Nó chưa đủ sức để phục vụ mục tiêu tạo công cụ quản lý hiệu quả thị trường bất động sản (như chống đầu cơ đẩy giá, chống sử dụng lãng phí đất đai) của Chỉ thị 01/2008 do Thủ tướng ban hành hồi tháng 1-2008.

Sự phản ứng mạnh mẽ nhất đối với sắc thuế này lại thuộc về những người đang chỉ đóng thuế thổ trạch hàng năm với giá thấp, nay phải chuẩn bị tinh thần cho một khoản thuế mới bao gồm thuế đất tăng thêm cộng với thuế nhà.Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc điều chỉnh cách tính thuế ở dự thảo lần này.

Tuy mức thuế giảm nhìn chung sẽ có lợi cho mọi đối tượng chịu thuế, nhưng một nhà phân tích nói với TBKTSG rằng nếu xét tính công bằng của một sắc thuế thì đây là bước thụt lùi so với dự thảo trước. Còn nếu xét ở góc độ sử dụng luật thuế này như một công cụ nhằm hạn chế những tiêu cực trên thị trường thì e rằng cách tính thuế như dự thảo sẽ không giải quyết được vấn đề, thậm chí có nguy cơ  đánh nhầm đối tượng.

Mặt khác, cũng có nhiều ý kiến nhận định Luật Thuế nhà đất là một động thái tích cực của Chính phủ nếu xem đây là sắc thuế đánh vào tài sản. Trên thực tế, vẫn còn nhiều tranh luận về việc đã đến thời điểm thích hợp để Việt Nam đánh thuế tài sản hay chưa, nhất là khi nền kinh tế còn chưa phát triển một cách bền vững, đời sống người dân chưa cao và còn bấp bênh.

Tuy nhiên, trong lúc phần lớn ý kiến tập trung nhận xét những mặt hạn chế của dự thảo Luật Thuế nhà đất, cũng có một góc nhìn tích cực hơn.

Theo Tiến sĩ Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản Vinaland Invest, khoan bàn luận về mức thuế và cách tính thuế như thế nào là hợp lý, cũng như khả năng phát sinh những tiêu cực trong việc thu thuế, thuế nhà đất thực chất là thuế tài sản và đây là một sắc thuế đúng đắn, “vì người có tài sản phải đóng thuế tài sản là hợp lý”.

Mặt khác, ông Hoàng coi đây là một bước cần thiết trong tiến trình cải tiến cơ cấu thu ngân sách quốc gia. Ông cho rằng việc giảm dần tỷ trọng thu thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp và tăng dần ở khu vực thu nhập, tiêu dùng trong người dân, về nguyên tắc là hoàn toàn hợp lý, nhất là càng phải thu mạnh ở những người có thu nhập cao.

Điều này giúp kích thích sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế và tạo công bằng giữa những tầng lớp có mức thu nhập khác nhau.

Theo ông Hoàng, trong các loại thuế thu từ dân, thuế tài sản nếu xác định hợp lý và thu đúng, thu đủ sẽ là một công cụ tốt để tạo công bằng xã hội.

“Một cách tổng quát, việc thu thuế bước đầu ở mức thấp như dự thảo thuế nhà đất chỉnh sửa sẽ không ảnh hưởng lớn đến khả năng thu chi của từng hộ gia đình và là mức chấp nhận được trong bước đầu cải cách cơ cấu thuế. nhưng có ý nghĩa giáo dục ý thức người dân về nghĩa vụ thuế. Và nếu được triển khai tốt, sắc thuế này sẽ đem lại một khoản thu lớn cho ngân sách quốc gia”, ông nói.

Cách tính thuế nhà, đất theo dự thảo lần trước (thu theo năm)

Nhà ở: Áp dụng thuế suất lũy tiến từng phần như sau:

Bậc thuế

Giá tính thuế nhà ở (triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 600

0

2

Trên 600 đến 1.200

0,05

3

Trên 1.200

0,1

Đất ở : Áp dụng thuế suất lũy tiến từng phần như sau:

Bậc thuế

Diện tích đất chịu thuế (mét vuông)

Thuế suất (%)

1

Diện tích trong hạn mức

0,05

2

Phần diện tích vượt hạn mức

0,1

Trong đó: Hạn mức diện tích đất làm căn cứ tính thuế là hạn mức công nhận đất ở theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Cách tính thuế nhà, đất theo dự thảo đã được chỉnh sửa (thu theo năm)

Nhà ở: Áp dụng thuế suất tính theo năm như sau:

Bậc thuế

Giá tính thuế nhà ở (triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 600

0

2

Phần trên 600

0,03

Đất ở: Áp dụng thuế suất lũy tiến từng phần tính theo năm như sau:

Bậc thuế

Diện tích đất chịu thuế (mét vuông)

Thuế suất (%)

1

Diện tích trong hạn mức

0,03

2

Phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần hạn mức

0,06

3

Phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức

0,09

Chính phủ quy định cụ thể diện tích hạn mức đất làm căn cứ tính thuế.

 

Các văn bản liên quan