Dự thảo Luật thuế môi trường: Năm nhóm hàng bị áp thuế

Thứ Hai 10:44 26-04-2010

Dự thảo Luật thuế môi trường: Năm nhóm hàng bị áp thuế

Hội thảo về Luật thuế Môi trường do Vụ Chính sách Thuế phối hợp với dự án Star-Vietnam (USAID) phối hợp tổ chức tại Vĩnh Phúc đã khẳng định thông tin: sẽ có 5 nhóm hàng chịu thuế môi trường.

Năm nhóm hàng đó là xăng dầu, than, dung dịch HCFC (chất làm lạnh chứa hydro-chloro-fluoro-carbon), túi nhựa xốp, thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng nếu dự thảo Luật thuế Môi trường được thông qua vào tháng 10/2010.

Theo đó, dự thảo dự kiến xăng dầu sẽ chịu mức thuế từ 1.000 đến 4.000 đồng/lít (so với dự thảo trước đây mức thuế đã giảm xuống 2.000 đồng/lít), nhiên liệu bay 1.000 đến 3.000 đồng/lít, dầu diesel, dầu hỏa từ 300 – 2.000 đồng/lít; dầu mazut từ 300 đến 2.000 đồng/lít; than từ 6.000 đến 30.000 đồng/tấn; dung dịch HCFC 1.000 đến 5.000 đồng/kg; túi nhựa xốp 20.000 – 30.000 đồng/kg, thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng từ 500 đến 5.000 đồng/kg.

Theo dự thảo này, với khung thuế nêu trên, dự kiến số thu thuế môi trường thu được theo mức thuế tối thiểu khung khoảng 14.300 tỷ đồng/năm, với mức thu tối đa khoảng 57.000 tỷ đồng/năm.

Tiến sĩ Vũ Văn Trường - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính khẳng định dự luật thuế môi trường sẽ góp phần phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường, phù hợp với tình hình hiện nay và những năm tới. Hơn nữa, dự luật nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn. Thứ ba, luật có hiệu lực sẽ tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với các quy định của Hiến pháp; thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế trong việc góp sức giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu. Đồng thời luật sẽ động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường.

 Hơn nữa, cũng theo ông Trường, khi đưa ra một chính sách mới, cơ quan xây dựng chính sách phải dựa trên những tác động tích cực của chính sách là chủ yếu, để đề xuất chính sách. Tuy nhiên cũng dự tính cả những tác động không mong muốn để có phương án giảm bớt tác động không mong muốn đó.

Ông Trường cũng cho biết, VN chưa phải là nước công nghiệp phát triển nhưng cùng với tốc độ đô thị hóa, sự tăng lên các khu công nghiệp đã làm cho môi trường ở nhiều vùng bị ô nhiễm đến mức báo động. Tình trạng ô nhiễm xảy ra cả trên mặt đất, trong lòng đất và trong không khí. Vì thế, đã đến lúc VN phải lựa chọn con đường phát triển kinh tế bền vững theo hướng sử dụng hợp lý tiết kiệm tài nguyên xây dựng các ngành sản xuất sạch thân thiện môi trường, ít gây ô nhiễm môi trường.

Việc đưa thêm công cụ thuế môi trường để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội khuyến khích người tiêu dùng hạn chế dần dần việc sử dụng các sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường, khuyến khích sử dụng và sản xuất các sản phẩm thay thế thân thiện hơn với môi trường vào lúc này là phù hợp và cần thiết nhằm hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững.

Tại hội thảo cũng kết luận: Trong số các nhóm hàng dự kiến thu thuế môi trường phần lớn không phải là hàng hóa thiết yếu; việc thu thuế môi trường để khuyến khích người tiêu dùng hạn chế sử dụng các sản phẩm đó.

 

Cao Nga -

Thứ Ba, 16/03/2010

 

Các văn bản liên quan