Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập: Xác lập cơ chế xin – cho?

Thứ Hai 09:42 26-04-2010

Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập: Xác lập cơ chế xin - cho?

Trong giai đoạn hiện nay, ban hành Luật Kiểm toán độc lập (KTĐL) là cần thiết khách quan và cấp bách. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến phản đối dự thảo luật lại tiếp tục cơ chế xin - cho.

Sau 18 năm có mặt tại thị trường VN, KTĐL đã có sự phát triển nhất định về số lượng, quy mô, năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ. Song, nhìn thẳng vào sự thật có thể thấy, KTĐL đã và đang bộc lộ những hạn chế lớn. Đó là: Quy mô của thị trường KTĐL còn nhỏ, số lượng kiểm toán viên còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; Chất lượng đội ngũ kiểm toán viên và chất lượng dịch vụ kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế; sự phối hợp quản lý nhà nước với tổ chức nghề nghiệp kiểm toán viên hành nghề chưa phát huy kết quả thiết thực; tình trạng vi phạm đạo đức hành nghề còn xảy ra không ít... Hơn nữa, 18 năm qua, trong khi  rất nhiều lĩnh vực đã được điều chỉnh bằng luật như DN, Đầu tư, Kinh doanh bất động sản, Kế toán, Chứng khoán, v.v thì hoạt động KTĐL vẫn chỉ được điều chỉnh bằng Nghị định của Chính phủ. Điều đó tạo ra sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, chưa tương xứng với vai trò, vị trí của KTĐL trong kinh tế thị trường. Hơn nữa, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế nhiều lần nhưng Nghị định về KTĐL vẫn chưa toàn diện...

Dự thảo Luật KTĐL đã hoàn thành vào tháng 12/2009. Sau khi tiếp thu một số góp ý, bản dự thảo mới Luật KTĐL đã hoàn thành vào tháng 3/2010. Soạn thảo Luật KTĐL là công việc vô cùng khó khăn. Bởi lẽ, Luật KTĐL là luật chuyên ngành sâu, có tác động trong một phạm vi rộng. Vì vậy, với việc hoàn thành nhiều dự thảo khác nhau, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của nhiều đối tượng, Ban soạn thảo Luật KTĐL đã có rất nhiều cố gắng. Đó là những kết quả rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều DN kiểm toán, các luật sư, luật gia, các nhà nghiên cứu là Dự thảo Luật KTĐL lại xác lập một cơ chế “xin – cho” trong việc thành lập DN. Để tạo tiền đề cho một cơ chế “xin – cho” trong việc thành lập DN KTĐL, khoản 4 Điều 4 Dự thảo luật đã giải thích “DN kiểm toán: Là DN được thành lập và hoạt động theo quy định của luật này và các văn bản pháp luật có liên quan”. Như vậy, mặc dù là DN, nhưng DN KTĐL lại không chịu sự điều chỉnh của Luật DN !

Tiếp sau đó, tại tiết d, khoản 2 Điều 10 quy định một trong những trách nhiệm của Bộ Tài chính là “d) Cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của DN kiểm toán, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN kiểm toán trong nước; chấp thuận thành lập chi nhánh hoặc Cty của DN kiểm toán ở nước ngoài”. Điều 22 của DT Luật quy định: “Bộ Tài chính cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động cho DN kiểm toán. Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

Nhiều ý kiến góp ý cho DT Luật KTĐL cho rằng, quy định về thành lập DN KTĐL như nêu trên là một bước thụt lùi trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, là tái xác lập cơ chế “xin – cho” trong quản lý kinh tế - xã hội. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét xóa bỏ những quy định nêu trên vì:

Thứ nhất, Điều 57 Hiến pháp quy định: “Công dân được quyền kinh doanh trong những lĩnh vực nhà nước không cấm”. Vì vậy, không có cơ sở để duy trì “Giấy phép thành lập và hoạt động”. KTĐL là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, khi DN đáp ứng đủ những điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật thì DN đương nhiên được quyền kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kinh doanh của mình. Trong trường hợp đó, để hoạt động kinh doanh, DN không phải “xin phép” ai và vì vậy không thể có “giấy phép”. Hơn nữa, nếu kiên quyết duy trì “Giấy phép” thì khi DN KTĐL vi phạm pháp luật, người cấp “Giấy phép” có chịu trách nhiệm cùng với DN không ? Câu trả lời chắc chắn là: không !

Thứ hai, ban hành Luật DN, trả lại quyền kinh doanh cho công dân là một thành tựu vĩ đại của Đảng và Nhà nước ta trong hơn hai mươi năm đổi mới. Với những quy định thông thoáng, Luật DN đã là “cú hích” quan trọng để hàng loạt DN ngoài quốc doanh ra đời và hoạt động. Tuy nhiên, đã có không ít luật chuyên ngành vô hiệu hóa từng phần của Luật DN. Vì vậy, không nên để Luật KTĐL với lý do “Luật chuyên ngành”, tiếp tục làm vô hiệu Luật DN.

Thứ ba, xóa bỏ cơ chế xin – cho là một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính của nước ta. Vì vậy, Luật không thể và không nên cho phép duy trì một loại Giấy phép thành lập và hoạt động của DN – một sản phẩm điển hình của cơ chế xin – cho, cái nôi của tiêu cực trong thi hành công vụ.

Thứ tư, khác với các ngân hàng thương mại, Cty tài chính, DN kiểm toán không chỉ cung ứng dịch vụ kiểm toán mà còn được phép kinh doanh các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, có Cty kiểm toán đồng thời kinh doanh cả dịch vụ tin học, tư vấn về nguồn nhân lực, đào tạo ngắn hạn về quản trị kinh doanh, v.v... Những lĩnh vực kinh doanh đó không thuộc sự quản lý về chuyên môn của Bộ Tài chính. Do đó, quy định “Giấy phép thành lập và hoạt động” đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là không hợp lý.

Tất nhiên, những người muốn duy trì cơ chế “Giấy phép” sẽ có rất nhiều lý do khách quan và kinh nghiệm quản lý ở nhiều nước trên thế giới để chứng minh. Rất khó có thể tranh luận đúng sai với những lập luận của họ. Song, vấn đề quan trọng hơn cả là, điều đó đang đi ngược lại với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch ở nước ta hiện nay.

 

Luật gia Vũ Xuân Tiền -

Chủ tịch Hội đồng thành viên

Cty TNHH tư vấn VFAM VN

 

Các văn bản liên quan