Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi): Nghịch lý và lời giải

Thứ Sáu 15:04 18-06-2010

Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi): Nghịch lý và lời giải

0:24' 14/6/2010

Tài nguyên khoáng sản là một thế mạnh mà không phải quốc gia nào cũng có và ở trong một quốc gia không phải địa phương nào cũng có thế mạnh này. Giàu tài nguyên khoáng sản nhưng không quy hoạch, quản lý và khai thác tốt thì thế mạnh đó không những không được phát huy mà ngược lại... Nghịch lý này đang tồn tại ở nhiều địa phương ở nước ta.

Có khoáng sản nhưng...nghèo

Tại một cuộc Hội nghị đóng góp ý kiến cho Luật Khoáng sản (sửa đổi) mới đây, một lãnh đạo tỉnh Cao Bằng nói, ông rất tâm đắc với câu “tỉnh nào có khoáng sản tỉnh đó nghèo đi” bởi câu đó đúng. Có lẽ sẽ hơi quá khi nói như vậy nhưng thực tế những gì đang diễn ra ở nhiều địa phương thì đúng là vậy. Việc khai thác tràn lan, không có kiểm soát; việc thiếu cơ chế ưu đãi với địa phương có khoáng sản và hiện tượng chảy máu khoáng sản khiến cho Cao Bằng và nhiều tỉnh khác dù dồi dào các mỏ nhưng vẫn nghèo.

Mặc dù trong thực tế, nhiều địa phương giàu tài nguyên đã đạt được mục tiêu tăng trưởng khi đẩy mạnh khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, điều đáng nói là GDP của các địa phương này tăng trưởng nóng, thiếu bền vững không thể mang lại sự thịnh vượng, mà còn gây bất ổn cho nền kinh tế. Tỉnh Bắc Kạn là địa phương nằm trong nhóm nghèo nhất cả nước nhưng sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào là ví dụ. Giai đoạn 2001 - 2005, GDP của Bắc Kạn tăng trên 11,85% nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản. Thế nhưng, từ năm 2006 đến nay, cùng với sự sụt giảm của thị trường khoáng sản thế giới, GDP của Bắc Kạn chỉ tăng khoảng 9,5% và bộc lộ rõ những điểm yếu của nền kinh tế quy mô nhỏ, tăng trưởng nóng, dựa vào khai thác tài nguyên.

Yên Bái là một địa phương giàu tài nguyên và đồng thời cũng là địa bàn “nóng” về khai thác khoáng sản. Theo Sở TN - MT Yên Bái thì tỉnh này có 107 đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản, phần lớn ở diện quy mô nhỏ. Thời gian qua, trên địa bàn có tình trạng cấp phép cho khai thác khoáng sản chưa đúng thẩm quyền. Đặc biệt, tình trạng khai thác đá quý tự phát tại Lục Yên, Yên Bình; đãi vàng sa khoáng, cát sỏi tại Văn Yên vẫn ngấm ngầm diễn ra. Cảnh quan núi đá đẹp ở khu vực huyện Lục Yên và hồ Thác Bà cũng đã bị tàn phá do khai thác khoáng sản trái phép trong khi đóng góp vào ngân sách từ khai thác khoáng sản còn thấp…Và đến nay, so với mặt bằng chung của cả nước thì Yên Bái vẫn còn là một tỉnh nghèo…

Đi tìm câu trả lời

Theo Bộ trưởng Bộ TN - MT Phạm Khôi Nguyên, hoạt động khoáng sản có bốn khâu yếu: một là quy hoạch chung chung, thiếu cụ thể, tùy tiện. Có khi người quy hoạch bị các đối tượng khác chi phối. Thứ hai là phép tắc, hiện nay đang xin - cho. Thứ ba là phân cấp. Vì xin - cho nên ngay cả cơ quan trung ương thì cơ quan nào cũng muốn tham gia cấp phép, địa phương cũng muốn cấp phép rất nhiều. Thứ tư là phần kinh tế rất yếu. Nói là ba lợi ích hài hòa, nhưng lợi ích của Nhà nước và người dân nơi có mỏ không đáng bao nhiêu…

Như vậy, theo đó để giải quyết nghịch lý - có tài nguyên nhưng vẫn nghèo - thì phải khắc phục những khâu yếu nêu trên. Thực tế về mặt công cụ pháp luật để điều chỉnh hoạt động này đã có cách đây 13 năm khi Luật Khoáng sản ra đời và đã được sửa đổi vào năm 2005; Pháp lệnh Thuế tài nguyên và Luật Thuế tài nguyên đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khoá XII… Cùng với đó là nhiều văn bản pháp luật liên quan khác đã được xây dựng để điều chỉnh, quản lý…Tuy nhiên, vẫn còn nhiều kẽ hở và chế tài xử phạt chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng “lộn xộn” trong khai thác tài nguyên khoáng sản như ta đã thấy trong thời gian qua.

Vấn đề đặt ra là cần khung pháp lý đầy đủ để quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên khoáng sản. Tại Kỳ họp thứ Bảy đang diễn ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi). Ngày 2.6 vừa qua các ĐBQH đã thảo luận ở Tổ về dự luật này. Theo Tổng bí thư Nông Đức Mạnh: “Luật Khoáng sản sửa đổi lần này, việc số một Quốc hội phải bàn là thiết lập cho được cách quản lý cho chặt. Phải quy định thế nào đảm bảo lợi ích vùng tại chỗ, đời sống vật chất tinh thần của người dân tại đấy phải trên một nguyên tắc là: nơi có khoáng sản, nơi có tài nguyên đưa vào khai thác thì nơi đó dân phải khá hơn, đời sống phải được tốt hơn, cả về kinh tế, cả về xã hội”.

Cùng với công tác quản lý thì việc đánh thuế, thu thuế khoáng sản cũng là điều đáng quan tâm. Hiện tại thuế khoáng sản còn thấp và ít, trong khi đây là một nguồn ngân sách rất lớn cho địa phương. Mặt khác, thuế khoáng sản hiện nay vẫn để cho DN tự khai, Nhà nước không kiểm soát được. Có những doanh nghiệp khai thác quặng thu vài trăm tỷ đồng một năm nhưng đóng thuế chỉ vài trăm triệu. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Luật nên có quy định cho từng loại khoáng sản có mức thuế là bao nhiêu? Theo Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên thì thuế khoáng sản tại Việt Nam hiện nay thấp nhất và ít loại nhất thế giới. Do đó, tư tưởng của Luật Khoáng sản (sửa đổi) là tạo điều kiện để doanh nghiệp có lợi, có tiền đóng thuế và nộp lại cho địa phương.

Cũng tại các buổi thảo luận ở tổí, nhiều ĐBQH đánh giá cao phần đổi mới ở dự Luật, đó là đưa vào nội dung quy định về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác: như vấn đề ưu tiên sử dụng lao động địa phương; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất bị thu hồi để thực hiện dự án khai thác khoáng sản; đặc biệt, Nhà nước có chính sách điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển KT - XH ở địa phương, nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác...

Phương Hà
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

 

Các văn bản liên quan