Doanh nghiệp nhỏ và vừa: “xương sống” còn xiêu vẹo!

Thứ Tư 13:53 24-12-2008
Doanh nghiệp nhỏ và vừa: "xương sống" còn xiêu vẹo!

 

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tổ chức ngày 20/11/2008 tại TP.HCM, ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại dương ví von: “DNNVV như một chiếc xương sống của nền kinh tế”. Thế nhưng, với những vấn đề được mổ xẻ tại diễn đàn này, có thể thấy chiếc “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn xiêu vẹo.

 

DNNVV Việt Nam vốn đã èo uột lại càng gặp khó trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Tiếp cận vốn vay và tiêu thụ sản phẩm chính là hai khó khăn lớn của DNNVV Việt Nam hiện nay.

 

Khó tiếp cận vốn

 

Nhiều ý kiến của DN cho rằng hiện nay, tuy lãi suất cơ bản đã giảm nhưng thật sự vẫn còn cao so với hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp vẫn còn là chuyện khó khăn.

 

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt, Phó giám đốc Công ty TNHH An Toàn (Bình Định) than phiền tiếp cận vốn của ngân hàng Nhà nước thì không dễ, còn muốn vay vốn ngân hàng thương mại, DN NVV lại không có tài sản đủ để thế chấp. Do vậy DN phải bỏ dở nhiều dự án. Điều này cũng được bà Lại Thu Trúc, Giám đốc Tài chính và đầu tư, Công ty Doanh Thương Mỹ Á xác nhận.

 

Lý giải điều này, TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, DNNVV không tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một phần vì lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao với hiệu quả SX kinh doanh của DNNVV. Đồng thời, việc tiếp cận nguồn vốn còn tùy thuộc vào năng lực sử dụng hiệu quả đồng vốn của DN.

 

Theo ông Lộc, hiện nay, phần lớn các DNNVV rất hạn chế về trình độ quản lý, trình độ công nghệ cũng như sức cạnh tranh. Chính việc sử dụng đồng vốn không hiệu quả dẫn đến việc khó khăn trong giải ngân vốn vay

 

Về phía ngân hàng, ông Hà Văn Thắm cho rằng, ngân hàng cũng rất muốn cho vay, bởi trước hết vì lợi ích của chính họ. Song, điều cần thiết hiện nay là Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho DNNVV.

 

Theo nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, ngay cả trong điều kiện bình thường thì DNVVN đã khó khăn hơn trong tương quan so với DN lớn. Có thể nói, khó khăn của DNVVN là khó khăn muôn thuở nên trong lúc nền kinh tế khó khăn, DNVVN lại càng khó khăn hơn.

 

Vì vậy, giải pháp hỗ trợ cho DNNVV phải là một giải pháp tổng thể, mang tính lâu dài Trong đó, việc quan trọng nhất là hỗ trợ họ nâng cao năng lực trong quản trị điều hành và kinh doanh. Đồng thời, các DN phải trang bị kiến thức tối thiểu về quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và đặc biệt trong lĩnh vực quản lý tài chính.

 

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về đào tạo, tiếp cận nguồn vốn, xúc tiến thương mại, đầu tư.

 

Theo ông Lộc, với hơn 300 ngàn DN quy mô nhỏ và vừa trên toàn quốc hiện nay,  sự hỗ trợ hiện thời chỉ như muối bỏ biển.

 

Chưa có đầu ra cho sản phẩm

 

Một trong những khó khăn hàng đầu nữa của các DNNVV là đầu ra cho sản phẩm còn quá hẹp. Nguyên nhân được xác định là do nhận thức về sự liên kết giữa các DN lớn và DNNVV; giữa các DNNVV với nhau còn quá lỏng lẻo. Bên cạnh đó, sự thiếu thốn về thông tin cũng khiến các DNNVV đánh mất nhiều cơ hội của mình.

 

Tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện nay, khi thực hiện các dự án, các chương trình, những DN lớn không tìm thấy các linh kiện, phụ tùng cần cho sản xuất kinh doanh ở thị trường nội địa. Cho nên, dù muốn hay không, họ buộc phải nhập khẩu hoặc tự tìm đến với nhau chứ không tìm đến DNVVN. Điều này làm hình thành thị trường nội bộ của các DN lớn. Trường hợp đó cũng xảy ra với các DN FDI. Các DN này thường tìm đến những nguyên liệu, phụ tùng của các cơ sở của chính tập đoàn đó đặt tại các nước khác để nhập vào Việt Nam.

 

Bên cạnh sự thiếu liên kết, ông Lộc còn cho rằng, nguyên nhân khiến cơ hội cho các DNNVV còn quá hẹp là do Việt Nam chưa có chương trình tổng thể, kế hoạch hành động, hệ thống chính sách cụ thể để có thể định hướng DNVVN phát triển công nghiệp phụ trợ.

 

Mặt khác, theo ông Hoàng Hữu Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty Doanh thương Mỹ Á, một bất lợi khác của DNNVV Việt Nam là sự thiếu thốn về thông tin. Ông Phước cho rằng, hiện nay, ai nắm được thông tin, người đó sẽ thành công. Thế nhưng, hầu hết các DNNVV Việt Nam đều phải tự bươn chải tìm kiếm thông tin. Và do vậy, tính cạnh tranh của các DNNVV cũng rất kém.

 

Theo ông, để hạn chế tình trạng này, các DNNVV cần được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và minh bạch.

 

Các văn bản liên quan