“ĐÓA HỒNG” TRƯỚC “LŨ” WTO

Thứ Năm 14:46 02-11-2006

“ĐÓA HỒNG” TRƯỚC “LŨ” WTO

Tại thời điểm này đây, có cơn lũ lớn đang xuất hiện, cơn lũ này diễn biến phức tạp, khôn lường: “Cơn lũ” WTO! Hiện nay, gần như nữ doanh nhân nào cũng muốn doanh nghiệp (DN) của mình trụ được và thành công khi hội nhập kinh tế thế giới. Nhưng liệu có bao nhiêu người tìm hiểu về WTO để tiên liệu những điều có thể xãy ra và tìm được cách đối phó? Thực trạng của các loại hình DN ở Việt Nam trước khi hội nhập WTO? Và các DN do nữ doanh nhân làm chủ làm sao để “sống chung” với “lũ” WTO?

Tìm hiểu về “lũ” WTO

Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO là một thị trường rộng lớn hiện có 150 nước tham gia chiếm hơn 90% kim ngạch thương mại, dịch vụ thế giới. Sau 12 năm ròng rã thương lượng, ngày 31 tháng 5 năm 2006 vừa qua tại TP. HCM, Việt Nam đã kết thúc đàm phán song phương với Mỹ, một đối tác cuối cùng trong 28 đối tác Việt Nam cần phải đàm phán. Việc Hoa Kỳ trao Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam chỉ còn là thời gian. Nếu không có gì thay đổi, tháng 11 năm 2006, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO! Đó cũng là một “tất yếu” trong thời đại hiện nay.

Nhưng theo đánh giá chung trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2004 thì “năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam đứng thứ 73/104 nước”! Điều này cho thấy sức cạnh tranh của DN Việt Nam là rất thấp! Đến cuối năm 2005, vẫn còn 45% DN chưa có kế hoạch xây dựng chiến lược để tham gia WTO và tới 31% DN không hiểu biết gì về WTO. Với một kết quả điều tra như thế đã phơi bày một thực trạng: nhiều DN “muốn” hội nhập kinh tế thế giới nhưng lại hiểu chưa nhiều “điều tất yếu” sẽ xãy ra do “lũ” WTO mang lại. Như thế rủi ro sẽ rất cao!

Trước khi “lũ” WTO đến

 Hiện nay, trong thương trường Việt Nam có 3 loại hình DN tham gia: DN nhà nước (DNNN), DN dân doanh và DN có vốn đầu tư nước ngoài.

(i) Khối DNNN có 2700 DN, khối này đang nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia, 20% vốn đầu tư xã hội, gần 50% vốn đầu tư của Nhà nước, 60% tín dụng ngân hàng trong nước, hơn 70% vốn vay nước ngoài; nhưng chỉ đóng góp gần 50% thu ngân sách. (trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ có 9%). Chỉ có 1,6 triệu người lao động trong khu vực này trên 43 triệu lao động cả nước. Trong những năm qua chỉ thu hút được 200.000 lao động thì đã giải quyết việc làm cho lao động dôi dư gần 150.000, mà Nhà nước phải bỏ ra gần 5.000 tỷ đồng để giải quyết chính sách. Sau thời gian dài sắp xếp và đổi mới, đến nay, DNNN về số lượng vẫn còn nhiều, quy mô vẫn nhỏ bé, quyền tự chủ chưa cao. Bên cạnh những thành tựu mà khu vực này đạt được, nhất là giúp Chính phủ trong điều tiết kinh tế vĩ mô, bình ổn giá cả, đảm bảo an ninh quốc phòng, thì đây vẫn là khu vực có cơ chế quản lý kém hiệu quả nhất, nhiều tiêu cực lãng phí nhất. Theo dự báo, khi hội nhập WTO khối DNNN sẽ gặp yếu kém về năng lực cạnh tranh trên 4 lĩnh vực: nắm bắt thông tin, tố chức sản xuất, giá cả sản phẩm và khả năng tiếp thị.

(ii) Khối DN dân doanh là khu vực được đánh giá năng động và hiệu quả cao. Đến nay cả nước có hơn 205.000 DN đang tạo ra 90% việc làm mới cho cả nước trong những năm qua. Vốn đăng ký kinh doanh gần bằng tổng vốn nhà nước tại DNNN, chiếm tỷ trọng đầu tư 26,7% toàn xã hội. Tuy vậy, đây vẫn là khu vực có quy mô nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, thiếu chiến lược kinh doanh, và có những  biểu hiện tiêu cực, nhất là trốn lậu thuế, hàng giả, hàng nhái (gian lận thương mại). Chưa có vị thế đáng kể trong cạnh tranh, ngoài một số lĩnh vực như xuất khẩu thủy sản, nông sản và mạng phân phối, bán lẻ. Nhưng khi hội nhập kinh tế thế giới, DN dân doanh có lợi thế là sinh ra không phải trong điều kiện bao cấp, không được hưởng những trợ giúp có tính chất bao cấp của Chính phủ, do đó, dễ thích nghi hơn khu vực DNNN. Hơn nữa, các DN lớn của nước ngoài bao giờ cũng cần DN nhỏ và vừa của VN làm vệ tinh, cho nên khu vực tư nhân rất có cơ hội.

Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 7.000 DN. Hiện nay, hơn 5.300 dự án FDI có hiệu lực đang hoạt động, thu hút gần 700.000 lao động, tạo ra 54,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và chiếm 37% tổng giá trị sản lượng công nghiệp. Khu vực này góp phần đáng kể làm thay đổi diện mạo DN ở Việt Nam và ngày càng trở thành trường học cho DN Việt Nam về quản trị doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ mới, thực hiện chiến lược thị trường, cơ chế tài chính. Đây là khu vực khẳng định tính năng động, minh bạch và tính chiến lược, chủ động không những trên thị trường trong nước mà còn rất có triển vọng trong cạnh tranh hội nhập.

Từ thực trạng trên cho thấy mỗi loại hình doanh nghiệp có thế mạnh, chỗ yếu khác nhau vì vậy cần nhận dạng cho rõ “biết người, biết ta” để phù hợp với “sân chơi và luật chơi” mới trên thương trường rộng lớn WTO!

Làm cách nào để sống chung với “lũ” WTO?

WTO và lũ có cùng một bản chất “tồn tại khách quan”, không chìu theo ý muốn chủ quan của từng con người, dù đó là phụ nữ. “Lũ” WTO tràn vào Việt Nam mang theo nhiều điều tất yếu, vì bản chất của lũ rất vô tình, cuốn phăng đi mọi thứ khi nó lướt qua, không phân biệt hoa hồng hay cổ thụ. “Lũ” WTO cũng khác với lũ bình thường là đã ập đến thì ở luôn không đi nữa nên nữ doanh nhân phải chuẩn bị tinh thần sống chung. Để đạt được điều mình muốn là hội nhập WTO thành công và trụ được vững vàng nữ doanh nhân không còn cách nào khác là nương theo quy luật để tồn tại và phát triển. Theo điều tra, khoảng 30% doanh nghiệp dân doanh có chủ doanh nghiệp là nữ; còn trong doanh nghiệp nhà nước, con số này thấp hơn, dưới 20%. Tuy vậy, nếu nhìn theo hướng tích cực, thì đây chính là cơ hội để nữ DN nâng cao năng lực hội nhập của bản thân và khả năng cạnh tranh của DN do mình làm chủ trong thị trường thế giới.

 Chỉ vài ngày nữa Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Để “sống chung được với lũ”, từng nữ doanh nhân nên xây dựng chiến lược dài hạn cho DN của mình và nên chủ động lựa chọn những loại hình sau: Có nên tìm đối tác nước ngoài để liên doanh không? như một cách “ra biển thì cần tàu lớn” vậy! Liên kết, sát nhập với các doanh nghiệp trong nước có cùng ngành nghề cũng là một phương án hấp dẫn vì “không ai bẻ đũa từng bó” cả! Cổ phần hóa DN cũng là một sự lựa chọn hay mà nữ doanh nhân cần lưu ý, đây là một cách tập hợp đồng được vốn và trí tuệ của nhiều người cùng mục đích trong kinh doanh. Nếu quyết định “trúc xinh trúc đứng một mình cũng xinh” thì nên chuẩn bị thật chu đáo những giải pháp để trụ vững ở thương trường, đừng để “nửa đường gãy gánh” thì thật đáng tiếc. Cuối cùng, nếu không chấp nhận nổi điều tất yếu do cơn “lũ” WTO mang lại thì nên quyết định “không sống chung”, từng nữ doanh nhân nên gói ghém việc kinh doanh, chuẩn bị “xóa sổ” DN một cách chủ động để tránh điều đáng tiếc xãy ra cho bản thân, gia đình và những người chung quanh mà mình có trách nhiệm cưu mang.

Đằng sau cơn lũ bao giờ cũng là nguồn phù sa màu mỡ, nếu DN vượt qua khi lũ xuất hiện và trụ được vững vàng sau lũ, thì nguồn phù sa này sẽ giúp DN lớn mạnh, bay cao, vươn xa. Doanh nhân nữ nước ta vốn nhạy bén, khôn khéo, mềm dẻo, dễ thích nghi; trong kinh doanh thì căn cơ, tiết kiệm, chịu khó. Điều cần lưu ý là: “Khác với lũ thường, “lũ” WTO đến rồi ở lại luôn không đi nữa”. Vì thế, nếu “lường trước điều tất yếu” thì nhất định doanh nhân nữ của chúng ta sẽ trụ được và sống hòa thuận với “lũ” WTO bền vững, lâu dài.

 

TẠ THỊ NGỌC THẢO

Tổng giám đốc Công ty TTNT

24 Lâm văn Bền, Phường Tân Kiểng, Quận 7, Tp.HCM

Điện thoại: 08.8723279 - 8728375 – Fax: 08. 8424134

Email: ttnt@hcm.vnn.vn

Các văn bản liên quan