Đề nghị giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế

Thứ Hai 14:26 17-11-2008

Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay, các đại biểu Quốc hội tập trung mổ xẻ về tình trạng các tập đoàn kinh tế nhà nước được ưu ái, nhưng đầu tư kém hiệu quả. Đây là một trong nhiều nguyên nhân gây lạm phát.

"Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước như những chàng công tử, được cha mẹ (nhà nước) nuôi dưỡng chu đáo nên béo tốt. Nói chung là nhất về vị thế và ưu đãi, nhưng hiệu quả hoạt động lại yếu kém", đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng ví von. Ông cũng đặt câu hỏi tại kỳ họp trước, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư hứa sẽ có nghị định về quản lý hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, vậy đến nay đã có chưa?

Dẫn ra số liệu của Ban đổi mới doanh nghiệp tổng kết 6 tháng đầu năm, 76 tập đoàn và tổng công ty được giao hơn 400.000 tỷ đồng và được vay thêm hơn 500.000 tỷ đồng, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn rất thấp (chỉ đạt 17,4%), nhập siêu lại lớn nhất (tới 21 tỷ USD), đại biểu Đỗ Mạnh Hùng khẳng định: "Giữ nhiều tiền, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh kém chính là một nguyên nhân dẫn đến lạm phát".

Ông Hùng cho rằng việc các tập đoàn đầu tư ồ ạt ngoài lĩnh vực chuyên môn, như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản đã góp phần làm thiếu vốn sản xuất, tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp. "Đáng ra các tập đoàn phải giúp nhà nước, nhưng vừa qua có hiện tượng gây khó khăn thêm, như cắt điện nhiều, liên tục kêu lỗ, đòi tăng giá điện. Và mới đây ngành điện lại nói có lãi, đề nghị khen thưởng hơn 1.000 tỷ đồng", ông Hùng chỉ ra sự bất hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng bày tỏ lo lắng khi các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chiếm đến 50% tổng vốn đầu tư nhà nước, nhưng lại chiếm 70% tổng dư nợ quốc gia và 80% dư nợ tín dụng. "Người dân rất băn khoăn về khả năng trả nợ của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Nếu Chính phủ kiểm soát được vấn đề này cũng như hoạt động đầu tư của các tập đoàn thì sẽ giảm được lạm phát", ông Nhượng nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng và Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Quốc hội đưa vấn đề cấp và sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước vào nội dung giám sát tối cao năm 2009. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng thì kiến nghị tại các kỳ họp Quốc hội cuối năm, Chính phủ cần báo cáo hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là tập đoàn và tổng công ty.

Chủ trì phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thông tin sẽ có riêng một ngày (dự kiến 5/11), Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương, trong đó có đề cập đến hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Nhìn nhận về những hạn chế trong việc điều hành kinh tế xã hội năm 2008 , đại biểu Nguyễn Văn Nhượng cho rằng "còn quá chung chung". "Nếu Chính phủ phân tích thiếu sót này của ngành, địa phương và cá nhân nào thì chắc chắn sẽ dễ khắc phục hơn", ông Nhượng.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Võ Văn Liêm bổ sung: "Ở một số nước, khi tham mưu không tốt thì bộ trưởng sẵn sàng nhận trách nhiệm. Còn ta không bộ ngành nào đứng ra". Ông Liêm lấy ví dụ vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, nhân dân xung quanh hứng chịu nhiều bệnh tật, nhưng chưa có bộ nào nhận trách nhiệm.

Để tăng tính thuyết phục, đại biểu Liêm tiếp tục dẫn chứng về giá xăng dầu. "Khi giá xăng dầu thế giới tăng, các bộ ngành đề xuất tăng giá xăng lên 4.000 đồng. Nhưng khi giá thế giới giảm thì các bộ ngành lại không chủ động đề xuất. Thực tế giá có giảm, nhưng chỉ nhỏ giọt. Rõ ràng các bộ ngành đã không tham mưu, đề xuất kịp thời", ông Liêm nói.

Từng là Thống đốc ngân hàng nhà nước, đại biểu Cao Sỹ Kiêm bày tỏ lo lắng: "Khủng hoảng kinh tế thế giới khiến xuất khẩu và đầu tư khó khăn. Nguồn thu ngân sách giảm, vốn bên ngoài vào hẹp dần và nợ quá hạn tăng lên. Chính phủ chuyển hướng đầu tư mạnh cho nông nghiệp nông thôn nên cần đến vốn lớn, nhưng hiệu quả từ lĩnh vực lại rất chậm. Những cái đó sẽ tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế năm 2009", ông Kiêm nói.

Từ lập luận trên, đại biểu Kiêm đề nghị Chính phủ cần tính toán ngay đến khả năng giảm phát. Cái này rất nguy hiểm, nếu xảy ra thì sản xuất sẽ bị đình trệ, sức mua giảm. "Đồng ý là trước mắt Chính phủ cần tập trung chống lạm phát, nhưng trong lãnh đạo điều hành cần chú ý vấn đề này và có phương án ngay bây giờ để xử lý kịp thời", ông Khiêm nói.

Hồng Khánh

VnExpress 13/11/2008

Các văn bản liên quan