Để đảm bảo Luật Chứng khoán được thực thi

Thứ Ba 13:46 25-08-2009
Đó chính là nội dung của cuộc phỏng vấn trao đổi giữa Tạp chí Chứng khoán với TS. Nguyễn Thế Thọ về việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán mà ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang triển khai thực hiện. Với tư cách là Trưởng ban Pháp chế UBCKNN, TS. Nguyễn Thế Thọ đã chủ trì và trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng Luật Chứng khoán ngay từ những ngày đầu và hiện nay là thành viên Ban soạn thảo xây dựng các văn bản thi hành Luật với vị trí công tác mới là Trưởng ban Quản lý Phát hành Chứng khoán. (Vân Linh thực hiện)

 

Thưa Ông, vừa qua UBCKNN đã ban hành Kế hoạch soạn thảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán. Vậy xin Ông cho biết tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật hiện nay đang được triển khai như thế nào?

Luật Chứng khoán có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007. Để đảm bảo có thể thực hiện ngay các quy định khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, ngày 24/7/2006, Chủ tịch UBCKNN đã ký ban hành Quyết định số 489/QĐ-UBCK về Kế hoạch soạn thảo văn bản hướng dẫn thi hành, triển khai Luật Chứng khoán và tiến độ thực hiện.

Thực hiện chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN đã dự thảo 3 Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, bao gồm: Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán, Nghị định quy định về tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành của UBCKNN và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) và các dự thảo Thông tư, Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Vừa qua, UBCKNN cũng đã làm việc với các chuyên gia tư vấn của Dự án Star và chuyên gia UBCK Hoa Kỳ, thảo luận từng chương, điều của các Nghị định. Trên cơ sở khuyến nghị của các chuyên gia, UBCKNN đã chỉnh sửa và tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo. Ngày 24/8/2006, UBCKNN đã phối hợp với các chuyên gia của Dự án Star tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của một số Bộ, ngành, các Trường Đại học và các tổ chức, cá nhân có liên quan về các dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán. Ngày 29/8/2006, UBCKNN đã tổ chức hội thảo tại Tp. HCM để lấy ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường. Trên cơ sở các ý kiến tham gia góp ý của các đại diện các Bộ, ngành và thành viên thị trường, UBCKNN đang khẩn trương tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo các Nghị định để trình Bộ Tài chính ngay trong đầu tháng 9. Đồng thời, UBCKNN sẽ đăng tải công khai trên trang web của UBCKNN để mọi tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp ý kiến vào các dự thảo trên. 

Trong hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán có 3 Nghị định như Ông đã đề cập. Vậy xin Ông cho biết lý do cần thiết phải ban hành 3 Nghị định này và những nội dung được quy định trong 3 Nghị định có đủ bao quát và thể hiện hết được tinh thần của Luật Chứng khoán?

Luật Chứng khoán được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 29/6/2006 đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cao và thống nhất đối với các hoạt động của TTCK. Sau khi Lu?t Ch?ng khoỏn có hiệu lực thi hành, Ngh? d?nh s? 144/2003/Né-CP ngày 23/11/2003 v? ch?ng khoỏn và TTCK và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này khụng cũn hiệu lực, phải bói b?, do vậy cần kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán.

Luật Chứng khoán được ban hành có nhiều nội dung đổi mới quan trọng. Tuy nhiên, một số quy định mới chỉ dừng lại ở mức độ khái quát, chưa quy định chi tiết. Một số quy định mang tính định lượng, có thể thay đổi theo điều kiện phát triển của thị trường, chưa được quy định chi tiết ngay trong Luật mà Quốc hội giao cho Chính phủ quy định tại các văn bản hướng dẫn dưới Luật nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời, tránh những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa các quy định của Luật Chứng khoán vào cuộc sống, do vậy, cần phải ban hành các văn bản pháp luật mà cụ thể là các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Việc xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán phải đảm bảo các yêu cầu như: Đảm bảo phù hợp, thống nhất với các nội dung của Luật Chứng khoán; thực hiện nguyên tắc chỉ quy định những nội dung mà Luật giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện nhằm tạo ra khuôn khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện cho TTCK phát triển; bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm tổ chức, vận hành thị trường hoạt động trật tự, công khai, minh bạch; tăng cường giám sát, cưỡng chế thực thi. Trên cơ sở đó, việc ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật phải đảm bảo bao quát điều chỉnh các vấn đề sau đây:

- Quy định về tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành của UBCKNN;

- Quy định về hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng; điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển đổi thành công ty cổ phần, doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng hoặc công nghệ cao; chào bán chứng khoán ra nước ngoài và các trường hợp cụ thể khác;

- Quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục niêm yết chứng khoán tại sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK) và việc niêm yết chứng khoán tại SGDCK nước ngoài;

- Quy định cụ thể mức vốn pháp định đối với việc thành lập công ty chứng khoán (CtyCK), công ty quản lý quỹ (CtyQLQ); việc thành lập CtyCK, CtyQLQ nước ngoài, chi nhánh CtyCK, CtyQLQ nước ngoài tại Việt Nam;

- Quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán (CtyĐTCK);

- Quy định thẩm quyền và mức độ xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK.

 Thưa Ông, xin Ông cho biết trong nội dung dự thảo 3 Nghị định có những điểm mới cơ bản nào so với những quy định hiện nay trong từng hoạt động tương ứng của TTCK?

Nội dung của các Nghị định này bám sát các vấn đề mà Luật giao Chính phủ hướng dẫn và có một số nội dung chủ yếu như sau:

Đối với Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán

Ngoài các quy định hướng dẫn Luật Chứng khoán về các hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng, dự thảo Nghị định quy định thêm về việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng của công ty đại chúng. Tuy đây không phải là việc chào bán chứng khoán ra công chúng thông thường, nhưng liên quan đến người đầu tư là các cổ đông của công ty đại chúng nên cần thiết phải quy định điều kiện phát hành trong Nghị định. Việc phát hành này chỉ phải báo cáo UBCKNN mà không cần thực hiện chế độ đăng ký. Về việc chào bán chứng khoán ra nước ngoài, dự thảo quy định doanh nghiệp có quyền niêm yết tại TTCK nước ngoài nếu đáp ứng được điều kiện của nước sở tại và chỉ có nghĩa vụ báo cáo với UBCKNN; các mẫu biểu, thủ tục báo cáo chào bán ra nước ngoài do Bộ Tài chính hướng dẫn.

Về niêm yết chứng khoán, dự thảo quy định rõ về các điều kiện niêm yết chứng khoán tại SGDCK như điều kiện về vốn, hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính, số lượng cổ đông. Chứng khoán của công ty đại chúng và tổ chức thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng không đủ điều kiện niêm yết hoặc chưa niêm yết tại SGDCK được đăng ký niêm yết tại TTGDCK. Dự thảo quy định tổ chức niêm yết trên SGDCK phải có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 50 tỷ đồng trở lên. So với quy định hiện hành, mức vốn này được quy định cao hơn nhằm đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đối với các tổ chức đã niêm yết mà chưa đáp ứng được yêu cầu này thì phải thực hiện tăng vốn trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.

Cũng liên quan đến điều kiện niêm yết, dự thảo Nghị định quy định cổ đông là thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Ban đại diện quỹ... phải cam kết nắm giữ chứng khoán trong vòng 2 năm kể từ ngày niêm yết. Thời gian này đã giảm xuống so với quy định tại Nghị định 144 hiện hành. Xu hướng của TTCK ở một số nước trên thế giới là không quy định yêu cầu này nữa. Tuy nhiên, đối với TTCK Việt Nam đang còn ở giai đoạn đầu, các yêu cầu về quản trị công ty chưa được tuân thủ chặt chẽ. Vì vậy, để đảm bảo sự ổn định của công ty, cần quy định về thời gian này nhằm đảm bảo cho sự thành công của quỹ đầu tư hoặc công ty có chứng khoán niêm yết.

Dự thảo Nghị định còn có các quy định điều chỉnh về việc niêm yết chứng khoán tại SGDCK nước ngoài. Doanh nghiệp niêm yết đáp ứng đủ điều kiện niêm yết chứng khoán tại SGDCK nước ngoài được phép niêm yết chứng khoán tại SGDCK nước ngoài theo quy định của Luật Chứng khoán, Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan, và phải có nghĩa vụ gửi báo cáo về việc niêm yết tới UBCKNN.

Một điểm mới theo quy định tại dự thảo Nghị định là mức vốn pháp định thành lập CtyCK, CtyQLQ được quy định tương ứng với từng nghiệp vụ kinh doanh. Mức vốn này được quy định trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm các nước và xuất phát từ thực tiễn hoạt động hiện nay các CtyCK có quy mô vốn tương đối nhỏ, xu hướng là cần phải gia tăng vốn để đáp ứng nhu cầu hoạt động trên TTCK và xu hướng hội nhập có tính cạnh tranh cao khi Việt Nam gia nhập WTO.  Theo đó, mức vốn này quy định cao hơn so với trước đây, đối với nghiệp vụ môi giới chứng khoán là 15 tỷ đồng Việt Nam; tự doanh chứng khoán là 50 tỷ; bảo lãnh phát hành chứng khoán là 100 tỷ; tư vấn đầu tư chứng khoán là 5 tỷ; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán là 30 tỷ.

Về CtyĐTCK, dự thảo quy định CtyĐTCK được thành lập theo 2 hình thức là CtyĐTCK đại chúng và CtyĐTCK phát hành riêng lẻ (tương tự như quỹ thành viên). Việc xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động của CtyĐTCK đại chúng được thực hiện đồng thời với việc đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng. CtyĐTCK phát hành riêng lẻ do các cổ đông sáng lập góp vốn và đăng ký thành lập với UBCKNN. Đây là loại hình quỹ đầu tư dạng pháp nhân mới, chưa quy định tại Nghị định 144 và chưa có hoạt động thực tiễn tại TTCK Việt Nam.

Về Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK

Các nội dung của Nghị định này cụ thể hóa về thẩm quyền và mức độ xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK đã được quy định tại Luật Chứng khoán. Thẩm quyền và mức độ xử phạt được quy định chi tiết và phân định thành các mức khác nhau để dễ dàng thuận tiện cho việc áp dụng trong hoạt động thực tiễn của TTCK và yêu cầu quản lý, giám sát đảm bảo cho TTCK hoạt động công khai, công bằng và minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư và thành viên tham gia thị trường. Về mức xử phạt, do TTCK là một lĩnh vực tài chính bậc cao, có ảnh hưởng lớn nền kinh tế cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công chúng đầu tư, để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa vi phạm, cần quy định mức xử phạt phù hợp và tương ứng với các hành vi vi phạm hành chính và tuân thủ các điều khoản quy định tại Luật Chứng khoán.

Cùng với việc xây dựng 3 Nghị định trên còn phải ban hành một loạt các văn bản hướng dẫn thực thi có liên quan. Vậy thưa ông, UBCKNN sẽ triển khai xây dựng các văn bản này như thế nào để vừa mang tính thực tiễn, vừa đạt tính pháp lý cao để tạo một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ cho thị trường?

Hiện nay, song song với việc xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, UBCKNN đã và đang triển khai xây dựng và hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn có liên quan, bao gồm quyết định, thông tư của Bộ Tài chính quy định các vấn đề mà Luật và Nghị định giao Bộ Tài chính hướng dẫn, các Quy chế do UBCKNN ban hành, các Quy chế của SGDCK, TTGDCK, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. Theo kế hoạch UBCKNN đã và đang triển khai, các văn bản này sẽ được hoàn chỉnh chậm nhất là vào tháng 12/2006. Song song với công tác soạn thảo, UBCKNN cũng sẽ tổ chức các cuộc hội thảo, gửi lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, các thành viên thị trường nhằm tiếp thu hoàn chỉnh các văn bản đảm bảo tính thực thi và sát hợp với tình hình thực tiễn.

Thưa Ông, với một số lượng lớn các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như vậy, việc xây dựng các văn bản này có kịp hoàn thành vào thời điểm Luật Chứng khoán có hiệu lực, và kế hoạch triển khai áp dụng những quy định mới vào thực tế hoạt động TTCK sẽ được UBCKNN thực hiện như thế nào?

Theo chương trình và tiến độ triển khai, các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sẽ được trình Chính phủ vào tháng 11/2006. Đối với các văn bản pháp luật khác như Thông tư, Quyết định... hiện nay cũng đang được các đơn vị thuộc UBCKNN soạn thảo, dự kiến cũng sẽ được trình Bộ vào cuối năm nay.

Để triển khai áp dụng những quy định của Luật và các văn bản dưới Luật vào thực tế hoạt động TTCK, UBCKNN đã xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các tổ chức và cá nhân liên quan, đồng thời sẽ phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức giới thiệu, tuyên truyền về các nội dung của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành tới công chúng.

Xin trân trọng cảm ơn Ông!

(Theo TCCK

Các văn bản liên quan