Đầu tư của tập đoàn – Tổng công ty nhà nước: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà?

Thứ Hai 10:02 17-11-2008

Đầu tư của tập đoàn - Tổng công ty nhà nước

Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà?

 

 

 

(TBKTSG) - Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 30, ngày 17-7-2008, trong mục Ý kiến; bài “Con hư tại mẹ” đề cập đến việc đầu tư ra bên ngoài của các tập đoàn, tổng công ty. Bài này bàn thêm về nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này.

Một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên căn bệnh làm ăn kém hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty là do họ được Nhà nước ưu ái quá lâu, tới hơn 40 năm, qua hai thế hệ (thế hệ thứ nhất là xí nghiệp quốc doanh ra đời từ những năm 60 thế kỷ trước và thế hệ thứ hai là tổng công ty, tập đoàn kinh tế hình thành và phát triển sau năm 1994). Nói cách khác là con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.

Đến nay, nước ta đã có tám tập đoàn: Dầu khí, Điện lực, Bưu chính - Viễn Thông, Dệt may, Cao su, Công nghiệp tàu thủy, Than - Khoáng sản, Bảo Việt và 96 tổng công ty sở hữu gần 400.000 tỉ đồng, chiếm hầu hết vốn của Nhà nước có tại doanh nghiệp nhà nước.

Tập đoàn, tổng công ty là lực lượng kinh tế hùng mạnh nhất, đã và đang chi phối các ngành, lĩnh vực then chốt và sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế; chiếm tỷ trọng lớn tổng sản phẩm trong nước, trong tổng thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu và công trình hợp tác với nước ngoài; là lực lượng quan trọng trong việc thực hiện các chính sách xã hội, và bảo đảm nhiều sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng và an ninh.

 

Tuy nhiên, dù hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty đang nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia, khoảng 60% tổng lượng tín dụng ngân hàng trong nước và tổng vốn vay nước ngoài và phần lớn nguồn nhân lực được đào tạo có chất lượng cao, nhưng chỉ tạo ra khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Công nghiệp và xây dựng là hai lĩnh vực mà các tập đoàn, tổng công ty chiếm tỷ trọng cao nhất có hiệu quả sản xuất, kinh doanh giảm mạnh nhất. Những năm 1996-2000, giá trị tổng sản lượng công nghiệp, xây dựng tăng được 1,31% thì tạo ra được 1% giá trị gia tăng; càng về sau, con số 1,31% này càng tăng thêm, năm 2001-2005 là 1,56, của năm 2006-2007 là 1,63 và sáu tháng đầu năm 2008 vọt lên 2,35, tức hiệu quả từ năm 1996 đến tháng 6-2008 đã giảm 45%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước tháng 4-2008, tính đến thời điểm hết năm 2007, tổng giá trị đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của 70 tập đoàn, tổng công ty là  116.767 tỉ đồng (khoảng 10% GDP và bằng 26% vốn huy động của nó), trong đó có 23.444 tỉ đồng vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản (Lao Động 30-4-2008).

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp mới đây thì tổng số tiền đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bất động sản chỉ là 7.370 tỉ đồng, nhỏ hơn 3 lần con số 23.344 tỉ đồng do Bộ Tài chính công bố tháng 4-2008!

nước ta, tập đoàn, tổng công ty được thành lập chủ yếu dựa trên quyết định hành chính hơn là do đòi hỏi nội tại, tích tụ kinh tế, nhất là với các tập đoàn. Trong khi đó, trên thế giới, tập đoàn được hình theo theo quy luật tích tụ kinh tế, do nhu cầu phát triển cần chiếm lĩnh thị trường của các công ty lớn.

Vì sao trong thời gian ngắn lại có sự sai biệt lớn thế? Dư luận chờ đợi sự giải thích của các cơ quan chức năng. Nhưng, dù là con số nào đi nữa thì việc đầu tư ra bên ngoài đã gây tác động tiêu cực cho bản thân các tập đoàn, tổng công ty và cho cả nền kinh tế nói chung, và đã được cảnh báo.

Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế quí 1-2008, đánh giá việc đầu tư ra bên ngoài của các, tổng công ty đã gây khó khăn cho quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tập đoàn, khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trong quản lý lưu thông tiền tệ, nếu không được khắc phục sẽ làm tăng tính đầu cơ trên thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, góp phần làm tăng thêm lạm phát cho nền kinh tế.

Trong báo cáo “Lựa chọn thành công” của trường Kennedy - Harvard, các tác giả đã nhận xét, thay vì tập đoàn kinh tế phải tập trung vào những ngành chiến lược thì trên thực tế, những tập đoàn này đang mở rộng hoạt động một cách nhanh chóng và đầy tham vọng sang lĩnh vực bất động sản, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Hầu hết các tập đoàn này không tận dụng được cơ hội từ việc Việt Nam gia nhập WTO đem lại để thâm nhập thị trường thế giới. Trái lại, họ tạo ra những công ty độc quyền trong nước để ngăn cản cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước ở thế yếu hơn càng bị các tập đoàn chèn ép.

Đâu là nguyên nhân?

Sự ưu đãi của Nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty là rõ nét, như được thuê đất dễ dàng, được vay ngân hàng không có thế chấp, được bảo lãnh vay vốn nước ngoài, cấp tín dụng ưu đãi và được khoanh nợ, xóa nợ khi làm ăn thua lỗ.

Nghị định 199/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính các công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác chưa ràng buộc chặt chẽ các tập đoàn, tổng công ty được huy động vốn gắn với phương án kinh doanh có hiệu quả và quy định mức vốn phải trình xin quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Mặt khác, nghị định chưa xác định rõ doanh nghiệp được đầu tư ra ngoài với điều kiện nào và mức vốn là bao nhiêu. Ở nước ta, tập đoàn, tổng công ty được thành lập chủ yếu dựa trên quyết định hành chính hơn là do đòi hỏi nội tại, tích tụ kinh tế, nhất là với các tập đoàn.

Trong khi đó, trên thế giới, tập đoàn được hình theo theo quy luật tích tụ kinh tế, do nhu cầu phát triển cần chiếm lĩnh thị trường của các công ty lớn, thường là các công ty xuyên quốc gia. Ở Mỹ, qua nhiều năm theo dõi sự phát triển của các tập đoàn, người ta rút ra kết luận, thông qua tích tụ kinh tế, nó đã thực hiện được việc thống lĩnh, thao túng và lũng đoạn thị trường.

Vì thế Luật Cạnh tranh của Mỹ có tên gọi “antitrust law” ra đời với mục tiêu là đảm bảo một môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo vệ lợi ích của người dân trước nguy cơ các tập đoàn tăng giá sản phẩm, dịch vụ bất hợp lý.

Các tập đoàn của Nhật Bản (Keiretsu) thường gồm công ty mẹ (công nghiệp), ngân hàng hoặc công ty thương mại. Các ngân hàng này do các dòng tộc hình thành, đầu tư rất ít vào các tập đoàn lớn (thường chỉ ở mức 1-2%) để với tư cách là cổ đông, họ nắm được thông tin đầy đủ nhất về hoạt động của tập đoàn nhằm giám sát và quản lý việc sử dụng vốn vay hiệu quả.

Ở ta, có trường hợp tập đoàn đứng ra thành lập ngân hàng. Với tư cách là chủ sở hữu, tập đoàn sẽ giao cho ngân hàng do mình sở hữu huy động vốn về phục vụ tập đoàn, dẫn đến khó kiểm soát được hiệu quả sử dụng vốn của bên vay và tăng độ rủi ro cho ngân hàng do đầu tư quá mức vào một khách hàng.

Ngân hàng An Bình đã cho tập đoàn Điện lực, cổ đông góp vốn thành lập ngân hàng này vay 2.000 tỉ đồng, vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng theo quy định tại điều 79 Luật Các tổ chức tín dụng (Lao Động 8-6-2008) là một thí dụ.

Giải pháp nào?

Các ý kiến nêu giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn và tổng công ty cũng đã được nêu ra tại nhiều diễn đàn. Tựu trung, chúng tập trung vào các vấn đề sau.

Chấm dứt việc cấp vốn mang nặng tính hành chính, bao cấp dưới mọi hình thức, chuyển mạnh sang kinh doanh vốn nhà nước theo cơ chế thị trường. Rà soát, cắt bỏ ưu đãi tín dụng, chấm dứt cho vay theo quyết định hành chính, bảo lãnh tín dụng bất hợp lý. Có quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ việc các tập đoàn, tổng công ty biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

Sửa đổi cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp theo hướng việc huy động vốn phải gắn liền với sử dụng vốn có hiệu quả. Cần quy định hội đồng quản trị được quyết định đầu tư ra ngoài đến mức nào, trên mức đó phải báo cáo lên cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước quyết định. Tập đoàn, tổng công ty phải dành phần lớn nguồn lực tài chính cho hoạt động kinh doanh chính.

Tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty để các cổ đông giám sát việc sử dụng vốn đầu tư theo đúng định hướng, hạn chế đầu tư ra ngoài. Mọi thông tin liên quan đến doanh nghiệp cổ phần hóa phải trung thực, được công bố kịp thời, công khai, minh bạch và tuân thủ đầy đủ các quy định của Nhà nước.

Đồng thời các tập đoàn, tổng công ty phải có lộ trình cổ phần hóa và IPO một cách hợp lý, không nên chỉ lấy việc bán cổ phiếu với giá cao nhất làm chuẩn để IPO. Cần buộc tám tập đoàn có báo cáo thường niên (đã được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khi cần thiết Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập một hay một vài tập đoàn đến giải trình.

Sau đó nên có nghị quyết để các cơ quan chức năng của Quốc hội thực hiện giám sát. Trong bối cảnh lạm phát, các tập đoàn, tổng công ty phải rà soát danh mục đầu tư của mình, đình hoãn những dự án đầu tư không thuộc lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, trước hết là bất động sản và chứng khoán để tập trung vốn cho việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh do Nhà nước giao và hạn chế găm hàng, đầu cơ dẫn đến sốt giá.

ANH THƯ - Theo TBKTSG ngày 03/8/2008

Các văn bản liên quan