Đăng ký giao dịch bảo đảm: Ràng buộc công khai thông tin

Thứ Hai 14:14 15-12-2008

 

 - Cho thuê các tài sản có thời hạn từ một năm trở lên, mua trả chậm có bảo lưu quyền sở hữu, chuyển nhượng quyền đòi nợ... sắp tới sẽ phải đăng ký giao dịch nếu Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm có hiệu lực. Bà Nguyễn Thúy Hiền, Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) trao đổi về những bất cập quanh vấn đề này.

Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm ra đời sẽ tạo điều kiện gì cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia giao dịch so với hiện nay thưa bà?

- Nếu bộ luật này được ban hành và có hiệu lực sẽ góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên khi tham gia giao dịch.

 Tiến tới, nếu không đăng ký công khai tài sản thì giao dịch vô hiệu.

Mục tiêu của ban soạn thảo là muốn đưa ra một ràng buộc về việc cung cấp thông tin, công khai minh bạch để người dân, doanh nghiệp, ngân hàng yên tâm đầu tư và cho vay vốn. Việc hệ thống được những thông tin về tài sản đồng thời công khai thông tin này để phục vụ cho những cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

Luật ra đời với mong muốn sẽ giúp cho thị trường tín dụng an toàn hơn. Bởi vì, nếu không có thông tin, sẽ rất khó để biết tài sản thuộc về ai, đã thế chấp ở đâu hay chưa?

Bởi vì nhiều khi tài sản đã thế chấp một lần rồi, nhưng khi cần vốn, họ sẽ tiếp tục đem ra thế chấp lần thứ hai. Bên cho vay do không có đủ thông tin nên người ta lại tiếp tục nhận thế chấp. Khi phải xử lý tài sản, thứ tự ưu tiên thanh toán cho cả hai bên đều không được đảm bảo.

Ngoài ra, nếu luật được ban hành sẽ góp phần thực hiện tiếp nhiều cải cách, chẳng hạn về đơn giản thủ tục, thời gian đăng ký cũng ngắn hơn so với quy định hiện hành, rút từ 5 ngày xuống còn 3 ngày, tiết kiệm chi phí cho người đi vay lẫn ngân hàng. Giải quyết nhanh thì dân tiếp cận nguồn vốn cũng nhanh hơn.

Trong hội nghị tổng kết 5 năm tiến hành công tác đăng ký giao dịch bảo đảm, nhiều ý kiến cho là vẫn đang có rất nhiều bất cập. Đó là những bất cập gì, thưa bà?

- Chủ yếu nằm ở chỗ pháp luật còn hạn chế, thủ tục kéo dài, thời gian giải quyết chậm, ứng dụng CNTT còn kém, chỉ đăng ký bằng giấy rất mất thời gian... Các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản đang hoạt động rồi. Nguyên tắc cơ bản là sẽ không thành lập thêm bộ máy nhưng sẽ tăng cường thêm năng lực cho đội ngũ hiện tại.

Theo dự thảo luật thì sẽ có cả đăng ký tự nguyện và bắt buộc. Vậy nếu trong trường hợp tài sản lớn nhưng không đăng ký thì mục tiêu tạo ra sự ràng buộc pháp lý như bà vừa nói có đạt được không?

- Nếu không đăng ký thì sẽ xảy ra những trường hợp rủi ro, chẳng hạn, một doanh nghiệp, cũng với tài sản đang thế chấp ở ngân hàng A, do thiếu vốn lại tiếp tục mang tài sản đó đi thế chấp ở ngân hàng B. Nếu người vay không trả nổi nợ, những người cho vay sẽ được thanh toán theo thứ tự ưu tiên.

Rủi ro thứ hai là bên vay tiền hoàn toàn có thể dùng tài sản đã thế chấp đem bán tiếp cho người khác. Với trường hợp này, Bộ luật Dân sự lại công nhận người mua là chủ sở hữu tài sản. Rõ ràng, trong trường hợp như vậy, ngân hàng không thể xử lý được tài sản.

Vậy thì nếu không đăng ký, giao dịch sẽ chỉ có tác dụng giữa hai bên với nhau, tự cam kết, tự thỏa thuận, trừ khi vi phạm điều cấm và trái với đạo đức xã hội.

Các đầu mối đăng ký giao dịch bảo đảm hiện nay:
- VP đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn với đất.

- Cục Hàng không đăng ký giao dịch bảo đảm bằng máy bay.

- Cơ quan Đăng ký tàu biển khu vực thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu biển.

- Trung tâm Đăng ký giao dịch tài sản (Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp) thực hiện đăng ký các tài sản khác. Tính đến tháng 3/2008, các trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết 291.175 đơn yêu cầu đăng ký và thực hiện 4.717 lượt cung cấp thông tin.

 

Đa số tài sản thế chấp ngân hàng là bất động sản, vậy theo bà, có nên để chung với Luật Đăng ký bất động sản không? Bởi vì nhiều ý kiến cho là hiện việc ban hành luật hầu như chỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước là chính?

- Tiếp tục để trong Luật Đăng ký bất động sản thì vẫn phù hợp hơn. Lúc đó người ta có thể tra cứu từ A - Z, chẳng hạn, ai là chủ sở hữu rồi những biến động trong giao dịch...

Xu hướng bây giờ là đăng ký phục vụ các giao dịch trên thị trường là chính, khi trên thị trường có những luân chuyển tài sản. Sau đó mới hướng tới những mục tiêu khác như phục vụ quản lý nhà nước, giải quyết khiếu kiện, chống tham nhũng...

Nhưng thưa bà, nếu xem việc đăng ký này là nhằm để cung cấp thông tin, cung ứng dịch vụ cho xã hội thì nhà nước có nên trực tiếp đứng ra làm đầu mối tổ chức không, hay là xã hội hóa để xã hội tự hình thành các cơ chế tự phục vụ nhu cầu của mình?

- Người dân sẵn sàng làm nhưng bao giờ cũng phải tính đến lợi ích kinh tế.

Đăng ký giao dịch bảo đảm lệ phí thấp mà đầu tư ban đầu rất lớn.  Vì để xây dựng cho được một cơ sở dữ liệu đủ cung cấp thông tin cho các hoạt động giao dịch với riêng các động sản, chúng tôi ước tính sẽ phải chi tới 5 triệu euro. Với BĐS thì còn chưa làm được.

Mục tiêu của chúng ta là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nên trước mắt nhà nước lađiều này.

 

Bà Dương Thu Hương, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng: Đăng ký giao dịch bảo đảm rất cần thiết trong hoạt động của ngân hàng. Luật Dân sự cho phép 1 tài sản được thế chấp ở nhiều nơi, vậy cơ quan nào sẽ đứng ra để thẩm định rằng tài sản này đã đủ giá trị chưa? Đã được thế chấp ở đâu chưa? Trong thực tế, tôi đã gặp rất nhiều tranh chấp đã phải đưa ra tòa để xử lý.

Vì vậy, rất cần một nơi để công khai, minh bạch tình trạng pháp lý của các tài sản đem ra cho vay. Thậm chí, trong các giao dịch giữa cá nhân - cá nhân cũng cần đến đăng ký giao dịch bảo đảm.

Lê Nhung (ghi) Vietnamnet 25/8/2008

Các văn bản liên quan